NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(29 -33)- Nghệ nhân giữ lửa nghề khảm trai truyền thống
(Ngày đăng: 24/09/2019   Lượt xem: 470)

 Không ồn ào, tấp nập như các làng nghề khác nhưng làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ ẩn chứa bên trong sự tỉ mỉ tinh tế trên mỗi sản phẩm mỹ nghệ. Hàng ngày, nghệ nhân Nguyễn Đình Hải vẫn say mê giữ lửa nghề truyền thống.  

Qua cầu Tre rẽ trái đến đầu làng Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) du khách sẽ cảm nhận không gian trầm mặc của ngôi đền cổ kính, nơi thờ Thành Hoàng làng đồng thời cũng là ông tổ nghề khảm trai - Phó tướng thời Lý - Trương Công Thành. Theo Ngọc phả thì nghề khảm đã có hàng nghìn năm tuổi, trải qua những thăng trầm của lịch sử đến nay nghề quý đã nức tiếng xa gần.

Bạn có thể ghé thăm bất cứ cơ sở sản xuất nào để tìm hiểu và để cảm nhận sự khác biệt của sản phẩm nơi đây, trong làng đã có hàng chục nghệ nhân được vinh danh. Chính họ - nghệ nhân là những bảo tàng sống, đang giữ lửa cho nghề và tâm huyết trao truyền cho thế hệ mai sau.

Một trong những nghệ nhân tâm huyết với nghề, đồng thời có những đóng góp tích cực cho cộng đồng, đó chính là nghệ nhân Nguyễn Đình Hải - người giữ lửa nghề truyền thống.

Sinh năm 1973 với gần 30 năm tuổi nghề, khi được hỏi anh Hải cho biết: “Ngay sau khi lập gia đình, vợ chồng tôi đã tự lập ra cơ sở sản xuất cho riêng mình, ban đầu vốn ít, thị trường chưa có nên chồng làm vợ làm, và khi được thị trường tín nhiệm chúng tôi đã mạnh dạn mở rộng sản xuất.

Từ năm 2000 cho đến nay, cơ sở thường xuyên tạo việc làm cho 10 lao động, hiện tại lương thợ kỹ thuật là 10 triệu đồng/tháng, thợ phụ từ 3 đến 5 triệu đồng/ tháng. Doanh thu năm 2017 là 3 tỷ 500 triệu đồng, lợi nhuận 500 triệu đồng/năm”. Cũng qua hoạt động sản xuất anh đã đào tạo hàng chục thợ lành nghề, góp phần gìn giữ và phát huy nghề truyền thống quê hương.

nghe nhan giu lua nghe kham trai truyen thong
Nghệ nhân Nguyễn Đình Hải

Ghi nhận tay nghề kỹ thuật và những đóng góp cho sự phát triển nghề truyền thống, năm 2016 anh được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân, năm 2017 Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam chứng nhận nghệ nhân Quốc gia.

Trực tiếp đến cơ sở sản xuất của nghệ nhân Hải, được nhìn thấy những thao tác tỉ mỉ của người thợ và chiêm ngưỡng những sản phẩm hoàn thiện, du khách mới cảm nhận hết vẻ đẹp (lao động - kỹ thuật - nguyên liệu quý - tâm huyết) đã kết tinh thành chữ, thành tranh.

Cơ sở sản xuất của anh đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế. Điển hình, năm 2016, đoàn nghệ nhân sơn mài Nhật Bản đến tham quan; năm 2017, về làm việc với huyện Phú Xuyên, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cùng các cơ quan chức năng đến thăm cơ sở sản xuất của anh.

Anh Hải cho biết thêm: Nền để khảm chủ yếu là bằng gỗ tự nhiên, chủng loại sản phẩm cũng phong phú từ sáo gỗ, ống điếu, hộp trang sức, khay, tráp, tranh treo, sập gụ tủ chè, hoành phi câu đối...

Để cho ra đời một sản phẩm đẹp phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên người thợ phải chọn được đề tài, nếu là tranh thì có: Tứ quý; đông bích; cầm, kỳ, thi, hoạ; tứ dân; vinh quy bái tổ. Nếu là tủ chè thì phải có văn vương cầu hiền; đào viên kết nghĩa; trúc lâm thất hiền. Nếu là hoành phi câu đối thì có các mẫu đại tự cổ...

Cho dù đề tài có khác nhau nhưng đều có nét chung là thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của văn hoá, con người. Không chỉ có thế, khi đã chọn được đề tài, người thợ phải chọn nguyên liệu sao cho phù hợp với đề tài ấy.

Chính việc chọn nguyên liệu để làm cũng cho biết khả năng của người thợ. Nguyên liệu để khảm gồm có: Ốc xà cừ, cửu khẩu, xác, trai nước ngọt... Phần lớn các loại nguyên liệu này phải nhập từ các nước như Indonesia, Singapore, Trung Quốc.

Khi đã có nguyên liệu, thợ cưa sẽ tạo ra các chi tiết như đề tài đã chọn, thợ đục lấy phần gỗ như hình của thợ cưa rồi gắn các miếng xà cừ đó sao cho khớp nhau chìm bằng mặt gỗ. Thợ tỉa đảm trách phần khắc hoạ các chi tiết trên xà cừ đã được gắn. Người thợ có tay nghề cao, có tâm huyết thì sản phẩm làm ra sẽ sinh động, có hồn và có giá trị lâu dài.

Bên cạnh những thành công trong nghề truyền thống, anh Hải đã có những đóng góp tích cực vào các phong trào do thôn phát động như: Xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, ủng hộ các cuộc vận động từ thiện nhân đạo...

Khi nhắc đến những khó khăn trong việc giữ gìn nghề quý, anh Hải trầm tư: Nghề quý được cụ Tổ họ Trương - Phó tướng đời Lý truyền dạy cho dân làng Chuôn Ngọ đã phát triển rực rỡ. Song những người hiểu nghề, tâm huyết với nghề không khỏi trăn trở, băn khoăn, bởi mặt trái của cơ chế thị trường.

Chúng ta đều biết sản phẩm thủ công có giá trị chỉ có thể là những sản phẩm đơn chiếc dẫn đến khó cạnh tranh với những sản phẩm sản xuất đồng loạt như một số nơi đã làm. Chính sách đầu tư cho làng nghề còn hạn chế, một bộ phận lao động trẻ chưa thực sự tâm huyết với nghề. Đó là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc phát triển làng nghề bền vững gặp khó khăn.

Dù vậy trong hoàn cảnh nào, người dân làng Chuôn Ngọ đều chung một suy nghĩ: Nghề của làng thật đáng tự hào, bởi sự xuất hiện của nghề quý gắn liền với những chiến công oanh liệt của dân tộc, với lịch sử Thăng Long nghìn năm văn hiến.

Mỗi người thợ của làng nghề như chúng tôi đều tận tâm trau chuốt cho từng sản phẩm với một niềm tin mãnh liệt rằng còn người là còn nghề, và khi nhắc đến hàng khảm, mọi người sẽ nghĩ đến làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ.
                                                                        Theo: laodongthudo.vn
Xem thêm: >> Ký sự làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ: Sức sống của một làng nghề

 

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.465.764
Tổng truy cập: