NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Những người giữ tinh hoa nhà cổ
(Ngày đăng: 11/01/2019   Lượt xem: 292)
Hà thành phồn hoa và sầm uất. Giữa phố thị, nhịp đô thị hóa càng rõ nét và đậm đặc hơn cả. Đó là các cao ốc chọc trời, là nhà cao tầng, nhà ống mọc lên san sát… Nhưng, như một nốt nhạc “lạ” quyện trong sự đồng điệu, nhiều người ở nông thôn và ngay cả thành thị đến nay vẫn đam mê những nếp nhà cổ. Họ sẵn sàng chi tiền tỷ chỉ để phục dựng lại những ngôi nhà cổ với lối kiến trúc xưa cũ làm nơi thờ cúng tổ tiên, dòng họ. Trân quý hơn, lưu giữ những tinh hoa nhà cổ lại là những người thợ mộc khéo léo.
Dựng lại kí ức xưa

Nhắc đến những ngôi làng quy tụ nghệ nhân lưu truyền nghề “thổi hồn” cho gỗ để tạo dựng những nếp nhà cổ quanh Hà thành hẳn chẳng qua được Hương Ngải ở xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất), làng Phù Yên ở xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ) hay làng Áng Phao ở huyện Thanh Oai… Trên những đất nghề này, ngày mới thường bắt đầu bằng tiếng kêu xèn xẹt của lưỡi cưa nghiến vào thớ gỗ, tiếng đục, tiếng gõ lách cách phát ra từ hàng trăm xưởng mộc. Với người ngoài, những âm thanh tưởng chừng nhức tai ấy thực ra lại là nét đặc trưng rất thi vị mà chỉ có thể qua tiếp xúc và đồng điệu cùng người làng nghề mới thẩm thấu được.

Chúng tôi đến cơ sở chuyên làm nhà gỗ của anh Nguyễn Chí Ba - một nghệ nhân trẻ, tính đến nay là đời thứ ba nối nghề dựng nhà cổ vào một chiều cuối tuần. Khi ấy, khoảng 10 công nhân đang chăm chú với công việc bào cột, chà nhám, đục, chạm hoa văn trên kèo, xà. Tiếng máy bào gỗ, máy chà nhám ù ù, tiếng búa đục đẽo lách cách không ngớt. Toàn thân bám đầy bụi, anh Ba vẫn luôn tay chạm trổ những nhánh hoa mai trên chiếc xà hạ. Sau khi đục tạo hình, anh dùng máy chà nhám đánh bóng cho hoa văn trơn nhẵn, mượt mà. Khúc gỗ thô cứng qua đôi tay khéo léo của người thợ trẻ đã trở nên sinh động, có hồn.

nhung nguoi giu tinh hoa nha co
Bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, những người thợ đã làm “sống” lại những ngôi nhà gỗ phong cách xưa, với hoa văn chạm trổ tinh tế, hài hòa trên từng kèo, cột.

Dừng tay lau mồ hôi trên trán, Nguyễn Chí Ba bảo, người thợ trong nghề này phải có “hoa tay”, trí tưởng tượng phong phú và kiên trì. Chỉ có hội tụ những nét này thì thợ mới chạm trổ được hoa văn đẹp. Quá trình chạm trổ phải kiên trì, cẩn thận và chính xác đến từng ly nên chỉ cần lỡ tay là hoa văn bị hư hỏng, phải bỏ phí cả đoạn gỗ quý. Dĩ nhiên, do khắt khe nên chỉ ai yêu nghề, chịu khó, kiên nhẫn thì mới gắn bó lâu dài với nghề được.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết (56 tuổi) nhưng đã có 40 năm làm nghề dựng nhà cổ ở Áng Phao cho biết: Để làm được một ngôi nhà gỗ cổ cần trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi cả sự dụng công và dụng tâm. Để hoàn thành mỗi công trình, cần nhiều tháng, có những công trình cần cả năm. Ngoài đôi bàn tay khéo léo, kỹ thuật điêu luyện, người thợ cần có cả tâm huyết thì tác phẩm làm ra mới đạt độ tinh xảo.

Theo các phó cả ở làng nghề Áng Phao, dù có thể đảm lược được tất thảy các khâu đoạn tạo dựng nên một căn nhà gỗ cổ, thế nhưng thợ nghề nơi đây lại thường chỉ nhận những hợp đồng sản xuất mới hay phục chế lại tượng, của võng, hoành phi, câu đối... ở các đình, chùa. Bởi đây là thế mạnh nhưng phần khác cũng vì khâu đoạn này yêu cầu sự tập trung tỷ mỷ cao, có thể thể hiện tay nghề rõ nét. Được biết ở Áng Phao, để làm ra một sản phẩm đẹp, hoa văn tinh xảo khiến người tiêu dùng lựa chọn, đưa vào sử dụng thì ngay từ khâu đầu tiên lựa gỗ đến khâu cuối cùng là sơn thành phẩm đều yêu cầu người thợ phải làm việc hết sức nghiêm túc và có con mắt lành nghề…

Hữu xạ tự nhiên hương

Theo ông Nguyễn Chí Điền (70 tuổi) ở làng mộc Phù Yên thì cho rằng, để dựng được một ngôi nhà cổ, người thợ phải “đa năng” và hội tụ nhiều hiểu biết. Nói cách khác, họ phải biết và am tường từ việc chọn nguyên liệu đến cách làm, cách dựng. Bởi theo quan niệm xưa, một ngôi nhà đẹp, chất lượng tốt, vừa phải đảm bảo yếu tố tâm linh phong thủy. Vì vậy, người thợ cần phải am hiểu về thuật phong thủy và có tâm sáng mới làm được nghề. Theo những nghệ nhân làng nghề, việc lựa gỗ tưởng đơn giản, nhưng lại cần nguyên tắc riêng. Kinh nghiệm của người thợ nơi đây là khi chọn gỗ phải chú ý, không dùng gỗ cưa cụt ngọn, hoặc cây bị sét đánh bởi như thế sẽ làm mất lộc của gia chủ.

Đặc trưng của nhà gỗ cổ là mọi chi tiết đều làm bằng gỗ, thay vì dùng đinh, vít để liên kết người thợ sẽ sử dụng mộng, các cấu kiện được chạm trổ hoa văn mềm mại, tinh tế. Nhà gỗ có độ bền cao, ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè, dễ dàng tháo dỡ, di chuyển khi cần thiết. Do đó, nhiều người có điều kiện kinh tế dựng nhà gỗ để ở và cũng coi như một thú chơi.

Theo tìm hiểu, hiện phần lớn khách hàng đang ưa chuộng các mẫu nhà cổ truyền thống của 3 miền Bắc – Trung - Nam như: Nhà kèo chồng kiểu Bắc bộ, nhà rường kiểu Huế, nhà 3 gian 2 chái kiểu Nam bộ, nhà sàn của dân tộc ít người, nhà lục giác... Đa số khách thích lưu những nét văn hóa truyền thống trên ngôi nhà gỗ nên thường yêu cầu thợ chạm trổ các loài cây biểu tượng của 4 mùa trong năm là bộ “tứ quý”: Tùng, cúc, trúc, mai hoặc hình con rồng, chim phượng, chim hạc và các chữ phúc, lộc, thọ trên kèo, xà. Tùy vào từng loại gỗ và diện tích căn nhà, số lượng hoa văn chạm trổ, mỗi căn nhà gỗ có giá từ vài trăm triệu đồng đến cả chục tỷ đồng.

Hoặc đơn giản như việc dựng cột nhà cũng vậy, phải tránh chúc ngọn cây xuống dưới và gốc lên trên… Bên cạnh đó, người thợ phải am hiểu các điển tích để có sự kết hợp các hoa văn một cách hài hòa. Như trong bộ tranh tứ quý, mỗi loại cây lại kết hợp với một con vật riêng. Cây tùng kết hợp với chim hạc, trúc kết hợp với chim công, mai lại phải đi với chim điểu… Mỗi chi tiết đều phải thể hiện được hồn cốt riêng để tạo nên một công trình tổng thể sống động.

Kinh nghiệm và thế mạnh mỗi làng nghề phục dựng nhà cổ khác nhau song có điểm chung mà tôi thấy đó là họ được hưởng “lộc” nghề, đời sống kinh tế trở nên khấm khá. Làng nghề Áng Phao là một ví dụ. Tại đây, nhờ phát triển nghề mộc mà đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Theo thống kê, làng có 700 hộ dân thì có tới 50% số hộ theo nghề mộc. Hiện nay, làng nghề có khoảng 30 xưởng sản xuất có quy mô lớn, thu hút hàng trăm lao động của địa phương. Thu nhập bình quân của mỗi thợ được từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng, những người có tay nghề cao có thể thu nhập 400.000 – 500.000 đồng/người/ngày.

Còn tại Hương Ngải. Hiện tại, làng có khoảng 300 hộ làm nghề mộc, trong đó có khoảng 100 hộ chuyên dựng nhà cổ. Đáng trân quý hơn cả, hiện những nghệ nhân của làng đã từng đi phục dựng, mở rộng rất nhiều công trình kiến trúc cổ cho đến nay vẫn vang danh. Trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến cụ Phan với những thành công về tu sửa nhà Thái Học - Văn Miếu Quốc Tử giám, cụ Thái tu sửa Cung Đình Huế, cụ Hòe tu sửa, mở rộng chùa Hòe Nhai - một ngôi chùa Tổng ở Hà Nội có niên đại hàng ngàn năm...

Dạo quanh ngôi làng Hương Ngải có tuổi đời trên 1.000 năm, tôi thấy ấm lòng. Nơi đây vẫn giữ được nhiều con ngõ lát gạch nghiêng rêu phong, giữ được hơn 100 ngôi nhà gỗ cổ và rất nhiều ngôi nhà gỗ mới theo phong cách truyền thống. Ngoài kỹ thuật, mỹ thuật, người thợ Hương Ngải còn đúc kết được những chuẩn mực về nhà cổ, vì thế nhiều nơi trong xứ Đoài hễ có xây nhà hay tu sửa đình, chùa đều tìm đến. Đời trước truyền lại đời sau, bao lớp trai làng nơi đây đã dựng xây, trùng tu hàng trăm ngôi nhà, ngôi đình, chùa… cổ kính, uy nghi, góp phần giữ gìn và tỏa sáng tinh hoa văn hóa Việt.

Trước khi giã từ những làng nghề, ngỏ ý muốn thử gắn mình với những tiếng đục đẽo kỳ cạch, một người thợ già ở làng nghề Phù Yên nhấp chén trà rồi nhắn với tôi rằng, thứ nghề này ẩn chứa nhiều tinh hoa và muốn học phải dụng tâm. Ông bảo, người Bắc rất cầu kỳ trong nếp ăn ở. Bởi thế, khi xây dựng một ngôi nhà, người ta tính toán từ vị trí đặt viên đá mài đến gian thờ tự. Vì sao ư, bởi nếu coi bếp là biết đàn bà, coi nhà là biết đàn ông thế nào. Một ngôi nhà truyền thống ngoài chức năng che mưa nắng còn có chức năng giáo dục. Mỗi gia đình có những giáo lý riêng làm nền tảng để phát triển và gìn giữ tổ ấm. Ai nấy đều mong có một ngôi nhà đẹp, cầu kỳ cũng là vì lẽ ấy.
                                                                          Theo: laodongthudo.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.407.490
Tổng truy cập: