NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Độc đáo nghề làm kiếm samurai
(Ngày đăng: 28/10/2018   Lượt xem: 387)
Xưởng làm kiếm samurai của anh Fusahiro Shimojima nằm trong một góc khiêm tốn tại thành phố công nghiệp Saitama ồn ào, náo nhiệt. Kiếm sĩ 44 tuổi ngày đêm nhẫn nại bên lò rèn để làm ra những thanh kiếm samurai truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản.

Nơi đây không giống như nhiều phân xưởng khác, nó có nét riêng vừa độc đáo vừa thiêng liêng. Shimojima và những người giúp việc cho anh đều mặc đồ trắng, một biểu tượng của sự tinh khiết khi làm ra chiếc kiếm mang hồn dân tộc.

Một sợi dây đặc biệt được gọi là shimenawa được sử dụng trong các nghi thức cổ xưa của Thần đạo, tạo thành một vành đai xung quanh không gian của xưởng nhằm bảo vệ các nghệ nhân khỏi những năng lượng có hại.

Shimojima, người đã chế tạo kiếm samurai từ 24 năm nay nói với CNN: “Chúng tôi tôn thờ thần trong xưởng của mình. Chỉ khi đó, chúng tôi mới có thể tạo ra một thanh kiếm không chỉ là vũ khí, mà còn có ý nghĩa về tinh thần”.
 
Độc đáo nghề làm kiếm samurai  ảnh 1
                               
Anh Fusahiro Shimojima và thanh kiếm katana
Góp phần tôn vinh sức bền và hiệu quả trong chiến đấu chính là những thanh kiếm cong, gọi là katana, được sản xuất tại Nhật Bản từ nhiều thế kỷ qua. Chúng giữ vị trí độc đáo trong nền văn hóa của Nhật Bản và được các võ sĩ samurai, tầng lớp quý tộc và võ sư mang theo.

Sau này, tuy các võ sĩ samurai bị cấm mang kiếm nhưng kỹ thuật sản xuất cổ điển kiếm Nhật Bản vẫn tồn tại cho dù mai một nhiều. Anh Shimojima chuyên sản xuất kiếm theo phong cách cổ điển katana với mong muốn thanh kiếm mang lại may mắn và bảo vệ chủ sở hữu tránh khỏi bệnh tật và bất hạnh.

Thời gian chế tạo rất lâu, có thể mất một tháng để làm ra một thanh kiếm duy nhất. Với những loại kiếm phức tạp hơn có thể mất đến hơn một năm.

Theo anh, trong xã hội Nhật Bản ngày nay không còn nhiều người sử dụng kiếm katana, nhưng là một kiếm sĩ anh tìm thấy niềm vui trong việc tạo ra một sản phẩm hỗ trợ các nhu cầu tinh thần của khách hàng và có thể được truyền lại qua nhiều thế hệ trong gia đình. 

Katana lần đầu tiên được sản xuất cách đây hơn 1.000 năm, có lưỡi hướng lên trên cho phép người tấn công theo một chuyển động duy nhất. Lưỡi kiếm được rèn từ loại thép mang tên tamahagane, một loại thép có nhiều lớp chứa lượng carbon khác nhau.

Khi thép được làm cứng thông qua một quá trình vừa làm nóng và làm mát lặp đi lặp lại, cấu trúc của lưỡi kiếm bắt đầu tạo ra đường cong đặc trưng. Chỉ một sai lầm nhỏ có thể dẫn đến thất bại hoàn toàn trong quá trình này.

Lưỡi kiếm khi hoàn thành vừa đạt độ bền và độ dẻo bằng nhau. Mặc dù có quá khứ hào hùng, nhu cầu mua kiếm katana vẫn đang giảm dần. Vào cuối những năm 1980, Hiệp hội Nghệ thuật kiếm Nhật Bản có khoảng 300 thành viên, cho đến nay con số này giảm hơn một nửa.

Đối với Shimojima, katana vẫn có sức hấp dẫn vượt thời gian. Anh bắt đầu mê thanh kiếm này khi đang là học sinh trung học cơ sở và nhìn thấy một thanh katana 800 năm tuổi tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo.

Từ đó, anh bắt đầu tìm hiểu quá trình làm thanh kiếm. Theo anh, trong suốt lịch sử làm kiếm, cách làm kiếm thủ công đã được truyền qua nhiều thế hệ mà không bao giờ thay đổi từ hình dạng, giá trị đến ý nghĩa.

Anh lo ngại kỹ thuật sản xuất hiện đại đang đe dọa nghề truyền thống này, nhất là từ các công ty sản xuất kiếm katana theo kiểu công nghiệp rẻ tiền ở Trung Quốc.

Nhưng anh tin giá trị thực sự của cây kiếm katana, vốn hình thành từ quá trình sản xuất thủ công, cũng như ý nghĩa và vẻ đẹp, thì không thể bị trộn lẫn.

“Kiếm là một phần không thể thiếu trong truyền thống Nhật Bản từ thời cổ đại và tôi tin rằng một cây kiếm katana là nền tảng thiết yếu cho những đặc điểm và hành vi của người Nhật ngày nay”, anh Shimojima nói.
                                                                             Theo: sggp.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

31
Đang xem:
72.467.038
Tổng truy cập: