NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Thú chơi ghi ta, nhạc cụ 'khủng': Rửa tiền hay đam mê?
(Ngày đăng: 12/10/2018   Lượt xem: 379)
 

 Chính những đam mê âm nhạc của các doanh nhân đã thúc đẩy thị trường âm nhạc tiếp cận với những sản phẩm tinh hoa nhất.

Sửa chữa những cây đàn quý hiếm. Ảnh: Trần Nguyễn Anh
                                    
Sửa chữa những cây đàn quý hiếm. Ảnh: Trần Nguyễn Anh
 
Những cây đàn trăm triệu
Anh Quang, một người làm nghề kinh doanh bất động sản nhưng cực kỳ yêu thích ghi ta. Trong nhà anh có vài chục cây đàn quý, hiếm, mỗi cái xấp xỉ cả trăm triệu đồng và xem ra đam mê của anh chưa dừng lại. Mỗi lần gặp anh ở tiệm đàn, tôi lại thấy anh tìm kiếm, săn lùng những cây đàn mà anh yêu thích. Công việc kinh doanh bận rộn, nhưng anh vẫn dành thời gian tập đàn và có thể chơi nhiều bản nhạc rất nhuyễn. 
Mỗi người một thú vui riêng, có người chuyên săn lùng đàn ghi ta gỗ, nhưng cũng có người hiện sở hữu vài chục cây đàn điện với giá hơn trăm triệu mỗi chiếc. 
Không chỉ các quý anh, quý ông doanh nhân mà cả các quý bà quý cô cũng tìm kiếm cho mình những cây đàn ghi ta cực kỳ đắt tiền, sang trọng. Chị N, một doanh nhân có tiếng, sở hữu những cây đàn Tây Ban Nha lên tới mấy trăm triệu đồng và một nữ doanh nhân khác tặng cho bạn của cô vài cây đàn, mỗi cây cũng từ 80- 100 triệu đồng, như những món quà kỷ niệm cho người tri kỷ vậy! 
Điều lạ là ngay cả đàn cổ nhạc cũng tăng giá chóng mặt vì nhiều tay sưu tầm không tiếc tiền. Những cây đàn điện hiệu Fender của Mỹ, giá hảng trăm triệu, được thuê thợ khoét phím lõm để chơi nhạc cải lương và một vài thợ làm đàn phím lõm cho biết: “Bán những cây đàn chơi nhạc cải lương giá chừng non trăm triệu đồng dễ hơn bán đàn chơi nhạc jazz, nhạc rock”. Hỏi ra mới biết rất nhiều doanh nhân ở đồng bằng sông Cửu Long rất mê cải lương và biết chơi cải lương. Họ sẵn sàng bỏ một vài trăm triệu cho một cây đàn để đánh nhạc dân tộc.
 
Thú chơi ghi ta, nhạc cụ 'khủng': Rửa tiền hay đam mê? - ảnh 1
Đời sống âm nhạc sôi động khiến nhiều người đến với thú chơi nhạc cụ. Ảnh: Trần Nguyễn Anh
Thị trường quý tộc
Trước nay, đàn ghi ta được xem là nhạc cụ bình dân phù hợp với người lao động và giới bình dân, nhưng giờ đây, những cửa hàng bán đàn ghi ta đã được đặt ở những trung tâm thương mại cực kỳ sang trọng và trưng bày những cây đàn giá hàng trăm triệu đồng. 
Tại một showroom bán đàn ghi ta ở Vivos quận 7 TPHCM có thể dễ dàng bắt gặp những cây đàn điện thương hiệu nổi tiếng Gibson với giá hàng trăm triệu đồng. Các nhân viên bán hàng cho biết: “Mỗi năm bọn em có thể bán dăm bảy thậm chí hàng chục chiếc đàn cao cấp như thế này”. Khách hàng của họ phần lớn không phải giới chơi nhạc chuyên nghiệp mà là những doanh nhân trẻ. 

Nguyễn Khang thì nói với phóng viên: “Thật ra đầu tư vào kèn hay những cây đàn quý hầu như không lỗ. Theo đánh giá của em, những cây kèn giá trị được mua về Việt Nam hiện đều lên giá và nếu bán thì chủ nhân của nó vẫn có một số tiền lời đáng kể”. 

Tại Showroom của công ty Việt Thương ở quận 7, TPHCM hiện trưng bày những cây đàn ghi ta gỗ với giá hơn 200 triệu đồng. Các nhân viên của công ty sẵn sàng cho khách thử và chơi để cảm nhận. Họ nói: “Đa số là đàn làm bằng gỗ quý hiếm, hàng trăm năm tuổi và được các nghệ nhân hàng đầu thế giới chế tác”. 
Nếu so sánh với một số đại lý nhạc cụ ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, có thể nói, thị trường đàn cao cấp tại Việt Nam giờ đây cũng cung cấp những mặt hàng tương đương và thậm chí nhiều cây đàn ghi ta ở Việt Nam còn thuộc những dòng đắt tiền hơn cả dòng đàn được bán tại Singapore. 
Thú đam mê sưu tầm đàn đắt tiền của giới thương nhân và nghệ sĩ thành đạt ở Việt Nam thể hiện ở chỗ phần lớn những cây đàn đắt tiền được mua về để chơi, trưng bày, lưu giữ mà ít khi bị rao bán qua lại nhiều lần trên thị trường. Điều đó cho thấy chúng đã tìm được chủ nhân đích thực. 
Câu lạc bộ kèn
Ngoài thú chơi ghi ta, người ta phải kể tới thú chơi kèn. Nguyễn Khang, một nghệ nhân sửa kèn cho biết: “Những cây kèn để học sinh chơi cũng tầm ba bốn mươi triệu đồng, kèn để người trưởng thành chơi thường ở tầm trăm triệu đồng, nhưng hiện giờ có hàng trăm người theo đuổi, săn tìm, mua và sưu tầm kèn”.
Tại TPHCM có câu lạc bộ kèn thu hút sự tham gia quan tâm và sinh hoạt của hàng trăm “kèn thủ” và có lẽ tổng số tiền đầu tư vào nhạc cụ của câu lạc bộ này lên tới nhiều tỷ đồng. Phần lớn những người tham gia là các doanh nhân và các nghệ sĩ thành đạt. 
Nguyễn Khang kể: “Có lần, em khá là choáng, khi nhận được một số tiền có thể nói là khổng lồ của một doanh nhân, với lời nhờ vả: Em hãy vào internet và tìm xem cây đàn nào đắt nhất trên thế giới đang được rao bán trên mạng, tìm mọi cách mua cho anh. Tiền bạc không thành vấn đề”. Nguyễn Khang đã tìm mua giùm cho doanh nhân này cây kèn cổ quý hiếm được bán tại Mỹ. Hiện cây kèn này cũng thuộc vào dạng đắt nhất tại Việt Nam. 
Rửa tiền hay đam mê?
Thú chơi ghi ta, nhạc cụ 'khủng': Rửa tiền hay đam mê? - ảnh 2
Cây đàn ghi ta được bán với giá 220 triệu đồng tại cửa hàng nhạc cụ tại quận 7, TPHCM. Ảnh: Trần Nguyễn Anh
Một thợ làm đàn từng rao bán một cây đàn làm tại Việt Nam với giá 217 triệu đồng nói với phóng viên: “Em nghe bảo người mua đàn không chơi mà đem đi tặng cho một ông sếp”. Người thợ này cũng nói: “Dĩ nhiên ông sếp ấy biết chơi đàn và rất quý cây đàn, chứ không phải là một người mù nhạc”. 
Dũng Classic, một người bán đàn ở quận 7 nói lên một nghịch lý: “Những cây đàn giá càng cao, càng đắt đỏ, thì lại càng dễ bán, thậm chí không có để mà bán”. 
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, người có hàng trăm cây kèn với nhiều  cây giá hàng trăm triệu đồng cho rằng: “Những cây kèn quý hiếm, hay, bao giờ cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ”. 
Thực sự thì những dàn nhạc những nghệ sĩ lớn đều sử dụng các nhạc cụ quý hiếm, đắt đỏ. Nhạc cụ đắt đỏ không chỉ được đảm bảo bằng chất liệu, giá trị mà bằng cả âm sắc và chất lượng âm nhạc của nó. Song, cũng một nghịch lý, như nghệ sĩ trống giao hưởng Phan Nam có lần tâm sự với người viết, đó là: “Hiện tại có rất nhiều nhạc cụ cực kỳ giá trị lại thuộc về sở hữu của những người không thành thạo các nhạc cụ đó, trong khi, nhiều nghệ sĩ đứng trong các dàn nhạc lớn, lại không đủ tiền để mua sắm cho mình những nhạc cụ chất lượng phục vụ khán giả mà phải sử dụng những nhạc cụ khá tầm thường”. 

Thật thiếu sót nếu không kể đến thị trường online, nơi mua bán rất nhiều cây đàn giá một vài trăm triệu đồng. Bạn H, một chuyên gia bán hàng trên mạng cho biết bạn “tiêu thụ được những cây đàn hàng trăm triệu chỉ qua giao dịch online mà không cần tới cửa hàng”.
                                                                                  Theo: tienphong.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.407.668
Tổng truy cập: