NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Người “giữ hồn” cối đá xứ Thanh suốt 5 thập kỷ
(Ngày đăng: 29/05/2018   Lượt xem: 635)
Theo cha từ nhỏ, cheo leo trên những mỏm đá heo hút cao hàng trăm mét, trải qua gần 50 năm trong nghề, ông Lê Văn Đông sinh sống ở phường Đông Tân, TP. Thanh Hóa đã thấm nhuần và nắm giữ hết những gì tinh túy nhất về cách chế tác cối, chày bằng đá từ cha ông truyền lại. Gần 50 năm trải qua những thăng trầm, biến cố…cũng là từng ấy năm ông tạo ra những sản phẩm cối đá tinh xảo, bắt mắt và được nhiều gia đình Việt ưa chuộng sử dụng.
 
Thổi “hồn” vào đá
 
Có thể nói, hình ảnh chiếc cối, chày bằng đá luôn xuất hiện trong không gian bếp của người Việt xưa và nay. Nhiều nhà thường lưu trữ dăm ba chiếc cối đá đủ loại, đủ kích thước lớn nhỏ, mỗi cái đều mang một công dụng riêng biệt, có loại được sử dụng để giã gạo, loại thì được dùng để giã cua, giã đậu hay làm nhỏ những gia vị chế biến trong các bữa ăn hàng ngày.

Ông Lê Văn Đông đang miệt mài “thổi hồn” vào sản phẩm cối đá của mình.
                   Ông Lê Văn Đông đang miệt mài “thổi hồn” vào sản phẩm cối đá của mình
Về với gia đình ông Lê Văn Đông, một trong những người có thâm niên và còn lưu giữ được nghề chế tác cối, chày bằng đá ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người đàn ông với thân hình nhỏ nhắn, sương gió, gầy guộc, nước da bánh mật, đang khoắc trên mình bộ quần áo phủ trắng bụi đá, thoăn thoắt dùng đôi bàn tay khéo léo của mình đục đẽo những khối đá “vô hồn” thành những sản phẩm cối đá tinh xảo, bắt mắt.
 
Trong căn nhà nhỏ chừng hơn chục mét vuông, người đàn ông đó ngồi gọn một góc, vừa tỉ mỉ đục đẽo, ông vừa tâm sự: Hồi lên 10 tuổi tôi đã theo cha lên núi lấy đá về làm cối, hồi đó chưa có phương tiện hay mấy móc gì, những khối đá to chủ yếu được khai thác và vận chuyển xuống chân núi bằng tay. Sau đó tùy vào kích thước của cối mà mình lựa chọn khối đá cho hợp lý, thời xưa chủ yếu làm bằng tay, công đoạn khó nhất trong việc làm cối là tạo lòng cối, đây là công đoạn đòi hỏi người thợ phải căn chỉnh chính xác, chỉ một sơ suất nhỏ thì sẽ làm hỏng khối đá đó.

50 năm gắn bó với nghề, dưới bàn tay điệu nghệ ông đã “biến hóa” những khối đá “vô hồn” trở thành sản phẩm cối đá tinh xảo.
   50 năm gắn bó với nghề, dưới bàn tay điệu nghệ ông đã “biến hóa” những khối đá “vô hồn” trở thành sản phẩm cối đá tinh xảo
Loay hoay, ngắm nghía sản phẩm cối đá đang làm, chẹp miệng nhẹ một cái, ông kể tiếp: Biết là nghề này nó vất vả, mệt nhọc và bụi bặm nhưng vì tình yêu đam mê với nghề do cha ông truyền lại, nên mỗi tác phẩm đá mỹ nghệ có chất lượng thì đòi hỏi người thợ phải truyền được cái tâm của mình vào đó. Niềm vui không nằm ở việc mình bán được hàng hay không? mà nằm ở những lời khen, lời nhận xét từ khách hàng, thật sung sướng biết bao khi biết được sản phẩm cối đá của mình được sử dụng trong không gian bếp của nhiều gia đình.

Sản phẩm cối đá nằm ngay ngắn, được bày bán trước cửa tiệm.
                         Sản phẩm cối đá nằm ngay ngắn, được bày bán trước cửa tiệm
Ngày trước, khi mọi công đoạn làm cối được làm bày tay, giờ đây khi có máy móc phụ giúp nên công việc mài nhẵn lòng và bề mặt của cối dễ dàng và hiệu quả hơn. Sau khi kết thúc việc làm cối, với tiêu chí “nồi nào, vung đấy”, ông cẩn thận lựa chọn những thanh đá dài, để khi chế tác chày đá phải vừa vặn và nằm gọn trong lòng cối. Phần tay cầm của chày, ông Đông thường chú ý đến việc tiện lợi cho người sử dụng, làm sao khi cầm chày, người dùng cảm thấy thoải mái và chắc tay, nên phần cán chày thường nhỏ và có độ ma sát nhất định.

Không muốn “buông” nghề
 
Gần 50 năm sống chết với nghề chế tác cối đá, chưa lúc nào ông có suy nghĩ sẽ “buông cây đục, nhả cây búa”, có nhiều lúc tưởng chừng như tuyệt vọng do sự phát triển của khoa học, công nghệ, khi những chiếc cối đá được thay thế bằng các loại máy xay, máy ép, giường như nhiều người đã quên đi công dụng của cối đá. Nhưng không vì vậy lòng yêu nghề của ông bị sụt giảm hay lung lay, trên hết đấy còn là động lực để ngày đêm ông tìm tòi, nghiên cứu tạo ra những sản phẩm cối đá tinh xảo, điệu nghệ, tiện lợi hơn.

Những chiếc chày đá, được làm vừa vặn để thuận lợi khi sử dụng.
                        Những chiếc chày đá, được làm vừa vặn để thuận lợi khi sử dụng
Hơn 30 năm làm vợ ông Đông, bà Đào Thị Tuyết luôn bên cạnh động viên, vỗ về để ông toàn tâm, toàn sức dốc hết tâm huyết với nghề. Vừa lau chùi lớp bụi bám trên các sản phẩm đá mỹ nghệ, bà Tuyết chia sẻ: Biết rằng nghề chế tác đá rất độc hại, ô nhiễm và bụi bặm, vất vả nhưng chưa lúc tôi có suy nghĩ sẽ bảo ông ấy chuyển sang nghề khác, bởi tôi biết tình yêu lớn đối với nghề đặt trên trách nhiệm là kế tiếp nghề của cha ông truyền lại. Thay vào đó, tôi tâm sự, nói chuyện với ông ý nhiều hơn, để khi ông ấy bận rộn tôi có thể bán hàng, truyền đạt hết những gì đẹp đẽ nhất từ sản phẩm của chồng mình làm ra tới khách hàng.
 
Thoạt nhìn ông Đông đang cặm cụi hoàn thiện sản phẩm cối đá, quay lại sang phía tôi bà Tuyết tâm sự thêm: Gần 50 năm làm trong nghề chế tác đá mỹ nghệ, không ít lần ông ấy gặp những tai nạn không mong muốn xảy ra, thuở ban đầu lúc còn cheo leo trên các mỏm đá, có lúc ông ấy trượt ngã, trầy xước tay chân là chuyện bình thường, rồi nhiều lúc xao nhãng, không tập trung thì búa đục vào tay, thậm chí nhiều hôm khách cần gấp, ông ý vội vã ăn bát cơm rồi quay sang làm.
 
Nhiều sản phẩm tinh xảo khác được tạo ra từ đôi bàn tay “ma thuật” của ông Đông.

Nghe vậy, ông Đông chen lời, rồi bồi hồi kể lại: Những ngày đầu làm hỏng nhiều lắm, khi đó tuổi đang còn nhỏ, cầm cây búa còn chưa chắc, một phần tâm lý sợ hỏng, qua nhiều lần được cha ông kèm cặp, chỉ bảo, sau một thời gian ngắn tôi đã nắm bắt được gần hết kỹ thuật làm cối đá, rồi cứ thế từng ngày miệt mài, tay nghề trở nên vững vàng hơn. Lúc nghề làm cối đá hưng thịnh nhất, đi đâu cũng bắt gặp người người, nhà nhà thi nhau sản xuất, những ai có thâm niêm làm cối đá, nhìn đôi bàn tay của họ là biết ngày, bởi nhẽ bàn tay của ai cũng đều mang đầy vết sẹo, vết chai sần. Trong qua trình đục đẽo, đá vụn thường bắn lung tung, thậm chí là bay cả vào mắt, cái nghề này nó vất vả, nhiều tai nạn lắm, nhưng khi hăng say với nghề rồi thì lâu ngày thành quen, không làm cảm thấy thiếu một thứ gì đó quan trọng trong cuộc đời mình.
 
Trung bình mỗi người thợ lành nghề, một ngày làm được 2-3 bộ cối đá, ngoài việc mang lại thu nhập từ 200 - 300.000đ mỗi ngày cho gia đình, những người chế tác cối đá như ông Đông đã và đang góp phần giữ gìn nét đẹp truyền thống trong văn hóa sử dụng cối đá để chế biến món ăn của người Việt xưa và nay. Nghề chế tác cối đá vất vả, cơ cực là thế, có những lúc ốm đau, hễ khỏi bệnh ông lại cặm cụi với công việc của mình, thời gian trôi qua kéo theo sức khỏe, tuổi già của ông càng đến gần, nhưng ông vẫn kiên trì, miệt mài bám nghề và quyết tâm truyền nghề từ đời này đến đời khác.
 
Mong rằng trong tương lai, hình ảnh những chiếc cối đá thân quen, hữu dụng vẫn nằm trong không gian bếp của người Việt, những cống hiến âm thầm, bé nhỏ của ông đáng được người đời ngưỡng mộ và trân trọng.
                                                                                       Theo: baotainguyenmoitruong.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.459.958
Tổng truy cập: