NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Nguyễn Phan Chánh: Tranh lụa hồn quê
(Ngày đăng: 02/05/2018   Lượt xem: 354)

Danh họa Nguyễn Phan Chánh đã đi đến tận cùng nghệ thuật tranh lụa, ở đó, người ta thấy từ màu sắc, đường nét, hình khối ấy là của Việt Nam, chứ không lẫn lộn vào đâu khác.

“Xem tranh cụ Phan Chánh/ Hình như cụ không già/ Cô gái quê ngồi tắm/ Da cô rất nõn nà/ Cu con mừng gặp mẹ/ Mẹ con đều như hoa/ Đôi bồ câu duyên dáng/ Con trâu đen ỡm ờ/ Ai kia đang ngắm biển/ Có thấy tình bao la/ Xem tranh cụ Phan Chánh/ Thấy mình càng trẻ ra”.  

Đôi vần thơ mộc mạc của nhà thơ Xuân Thủy ít nhiều nói lên được tình cảm của công chúng, khi chiêm ngưỡng tranh lụa của danh họa Nguyễn Phan Chánh.

Một buổi sáng đầu thế kỷ XX, có ông thợ vẽ dáng dấp phong trần từ phương xa dừng chân tại một làng quê yên ả ở Hà Tĩnh. Trên chiếc ván gỗ làm sàn, ông ta như nằm rạp xuống trước tờ giấy khổ rộng. 

Chao ôi! Tài tình đến thế là cùng. Chỉ trong nháy mắt, trên tờ giấy đã hiện lên cô gái môi đỏ tươi, tóc đuôi gà, nheo mắt như cười làm duyên. Lũ trẻ chộn rộn vây quanh ông thợ vẽ để ngắm nghía bằng con mắt thán phục. 

Trong số đó, có một cậu bé đứng ngẩn ngơ như bị sắc màu trong tranh thôi miên. A! Đây là tranh tố nữ, nọ là tranh lý ngư vọng nguyệt, kia là tranh ông quan đội mũ cánh chuồn... cậu vừa reo lên lại vừa đứng ngẩn tò te chăm chú nhìn bàn tay người họa sĩ thoăn thoắt tô màu.

Nỗi đam mê sắc màu đã thấm vào cậu bé theo từng chân tơ kẽ tóc.

Trở về nhà, cậu xin mẹ cho được theo học nghề với ông thợ vẽ. Chiều con, người mẹ đồng ý. Dưới sự hướng dẫn của thầy, cậu bắt đầu vẽ. Trong phiên chợ tết năm ấy, tranh của cậu được đặt lẫn lộn trong tranh của thầy, người mua không sao phân biệt được, vẫn mua tíu tít, bán không kịp tay... 

Sau ngày tết, chợ xao xác gió, lá đa rụng quanh quán chợ, người thầy từ biệt để tiếp tục phiêu lãng về nơi khác. Cậu bé níu áo thầy trong dòng nước mắt trẻ thơ, nhưng cũng không giữ được bước chân giang hồ. Có lẽ, lúc ấy trong tâm trí của người thợ vẽ kiếm sống, đã nghĩ đến ngày mai kia người học trò của mình sẽ làm nên danh phận nên dứt áo ra đi?

Cậu bé ấy tên là Nguyễn Phan Chánh, sinh ngày 21-7-1892 tại làng Tiền Bạt, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). 

Thuở nhỏ cậu học chữ Nho và khi lớn lên lấy bút danh là Hồng Nam với ngụ ý quê mình ở phía nam núi Hồng Lĩnh. 

Trong những năm tháng đến trường, Nguyễn Phan Chánh vừa vẽ tranh kiếm tiền, vừa học thêm tiếng Pháp. Năm 1923, ông thi sơ học, đậu đầu vào trường Pháp - Việt và được bổ làm trợ giáo phủ Thạch Hà. 

                                               Danh họa Nguyễn Phan Chánh.

Sau đó, ông ra dạy ở trường Đông Ba và bắt đầu cuộc đời của một họa sĩ nổi tiếng. Bấy giờ, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội) bắt đầu tuyển sinh cho khóa học đầu tiên, ông mạnh dạn nộp đơn dự thi và trúng tuyển. 

Từ năm 1925, Nguyễn Phan Chánh có mặt ở Hà Nội, học cùng với khóa Mai Trung Thứ, Lê Văn Đệ, Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, George Khánh... Giữa đám bạn sinh viên hào hoa phong nhã, ông vẫn giữ nguyên vẻ cục mịch, chất phác, hiền hậu của một người xứ Nghệ.

Trong những năm được đào tạo chính quy, Nguyễn Phan Chánh chưa có biểu hiện gì nổi bật. Nguyên nhân chính là do ông không thích hợp với chất liệu của sơn dầu, từng mảng màu đặc sánh được sử dụng với bút lông, dao sắt, vải bố không tạo được trong tâm hồn thanh đạm của ông những cảm hứng sáng tạo. Ông có suy nghĩ tại sao không dùng bút Nho mềm mại để làm dịu lại sơn dầu? Học đến năm thứ ba, ông làm quen với tranh lụa và đây cũng là năm mà Sở Dây thép Đông Dương mở cuộc thi mẫu tem, đồng thời nhà trường cũng tổ chức triển lãm. Nguyễn Phan Chánh cố gắng thể hiện được bản sắc của mình qua cuộc thi này. 

Mẫu tem Ruộng lúa hay còn gọi Người đi cày thể hiện người nông thôn xắn quần cấy lúa mà ông từng thấy ở quê nhà, đã đoạt giải, được in ở Paris và trở thành một trong những con tem đầu tiên của Việt Nam xuất hiện trên bì thư vào năm 1928.

Còn tranh triển lãm, ông vẽ tranh sơn dầu về người nông dân đang trục lúa với cánh tay rắn chắc. Dường như chưa tự tin với thể loại này, ông còn vẽ thêm một bức tranh lụa một thiếu phụ mảnh mai đan áo, bên cạnh là cháu gái lên mười đứng nhìn. Điều mà ông không ngờ đến là cả hai bức tranh này đều bán được... 

Tiếng lành ngày càng đồn xa. Danh họa Trần Văn Cẩn - sinh viên khóa 7 của trường - sau này có cho biết: “Cho tới khi sang năm thứ tư, thử vẽ màu nước trên màu lụa, thì ngay bước đầu sự tình đã khác hẳn. 

Gặp cái thanh nhẹ, mịn màng của chất lụa, cái trong trẻo, bay bổng của chất màu nước, ông như gặp một tri âm tâm đầu ý hợp đã cùng nhau ước hẹn tự bao giờ. 

Và, thế là ngay những thể nghiệm đầu tay, kết quả đã thật là thỏa sướng, thật không ngờ, đối với thầy, với bạn và đối với chính cả tác giả nữa... Nguyễn Phan Chánh đã gặp đúng nơi phù hợp để bộc lộ tâm hồn đằm thắm mà giản dị thanh nhã của mình” (Nguyễn Phan Chánh - hồn quê trên tranh lụa - NXB TP HCM - 1998 - tr.15).

Từ đây cho đến hết cuộc đời mình, Nguyễn Phan Chánh trung thành với tranh lụa và đi cho đến tận cùng con đường mà mình đã chọn.

Những kiệt tác của tranh lụa Việt Nam qua nét vẽ của ông như Chơi ô ăn quan, Em bé cho chim ăn, Rửa rau, Bữa cơm, Người hát rong, Lên đồng... lần lượt ra đời trong năm tháng này. 

Mùa xuân năm 1931, tại Paris có mở cuộc đấu xảo thuộc địa, Nguyễn Phan Chánh đã gửi những bức tranh của mình tham dự. Điều bất ngờ là cả Paris sửng sốt trước nét vẽ mềm mại, thanh thoát trên nền lụa óng ả Đông phương. 

Các quan chức, báo chí ở “kinh đô ánh sáng” đã chúc mừng và đưa tin tấp nập - một vinh quang mà Nguyễn Phan Chánh đã gặt hái được. Sau đó, tranh còn được triển lãm ở Ý, Bỉ, Mỹ, Nhật.

Cho đến nay, bức Chơi ô ăn quan vẫn nổi tiếng nhất và trở thành một mẫu mực trong sáng tạo nghệ thuật. Trên bức tranh này, ông có ghi 4 câu thơ chữ Hán, điều này không lạ vì ông vốn xuất thân từ Nho học. 

Sau này, danh họa Tô Ngọc Vân đã đánh giá, phân tích tài tình để lột tả hết cái đẹp của nó: “Đây là một bức tranh lụa đầu tiên của nghệ thuật tạo hình vẽ theo lối hiện đại và đã được giới thiệu ra nước ngoài. 

Cũng là tác phẩm đầu tay của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, nhà họa sĩ đầu tiên của nước ta tiếp thu kỹ thuật diễn tả hiện đại của phương Tây và có nghệ thuật diễn đạt dân tộc rất độc đáo. 

Tranh vẽ trên lụa, diễn tả 4 thiếu nữ đang chơi ô ăn quan, một trò chơi phổ biến của dân gian, từ miền Trung trở ra Bắc..." (Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh - Nguyệt Tú, Nguyễn Phan Cảnh - NXB Văn hóa 1979, tr.74).

Sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Phan Chánh tiếp tục đi và vẽ, vẫn trung thành với phong cảnh nông thôn, con người chân lấm tay bùn nơi đồng cạn đồng sâu với loạt tranh Chị bán ốc, Những người bắt cua, Đôi bồ câu, Chăn trâu trong rừng, Chợ Sa Nam, Đi chợ tết, Cầu ao, Về chợ... và tổ chức mấy cuộc triển lãm riêng vào những năm 1937-1939. 

Bấy giờ, với tư cách là ký giả của Thời vụ báo, nhà văn Nguyễn Tuân tường thuật: “Những bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh được nhiều người mua. Bán đã gần hết. Cái số người không mua tới xem cũng đông. Đủ thấy chúng ta bây giờ đã tỏ ra, đã nhận thấy việc cần tìm món ăn cho tinh thần. Và với công chúng Hà Nội, ngoài sự náo nức trong sa ngã vật chất, vẫn còn có một đám đông biết tự trọng giá người, đi tìm những trò chơi nhẹ nhàng, trong sạch, bổ ích cho tâm tưởng” (số ra tháng 10-1938).

Tình hình chính trị của năm 1939 có nhiều thay đổi, Nguyễn Phan Chánh thất nghiệp, lang thang vẽ truyền thần đây đó để kiếm sống, Ông rời khỏi Hà Nội để về lại Hà Tĩnh, tiếp tục đi tìm chất liệu trong đời sống bần cùng của người nông dân, những phong cảnh tuyệt vời của quê nhà để vẽ và để kiếm sống.

Cuộc đời của người nghệ sĩ tài hoa như Nguyễn Phan Chánh đang lúc thoi thóp trong đời sống tù túng cho đến lúc sinh khí trở lại khi Cách mạng Tháng Tám thành công. 

Ở tuổi 53 nhưng ông cảm thấy mình trở nên khỏe khoắn, yêu đời lạ thường, ông hăng hái lao vào các hoạt động phục vụ cho cách mạng và kháng chiến. Không một chút đắn đo, ngần ngại, ông tạm gác tranh lụa để vẽ tranh tuyên truyền bằng chất liệu đơn sơ, cũng như trong 9 năm chống Pháp, ông đã vẽ nhiều tranh tố cáo tội ác của giặc. 

Những bức tranh như Mừng Độc lập, Hợp nhất tinh thần, Phá khám Lớn Sài Gòn, Cây đuốc sống, Chiến sĩ ôm bom phá tàu... đã góp phần tích cực vận động nhân dân hăng hái diệt giặc cứu nước. Tiếc rằng, những bức tranh này hiện nay hầu như không còn giữ lại được.

Khi hòa bình lập lại, năm 1954, Ban Mỹ thuật của Hội Văn nghệ Trung ương từ Việt Bắc trở về Hà Nội, nghe tin ông đang ở Hà Tĩnh đã cử người về mời ông ra Thủ đô nhận công tác. Ông vui vẻ nhận lời giảng dạy ở trường Mỹ thuật Việt Nam và tham gia Ban Chấp hành của Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (1955-1982). 

Tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc các năm 1955, 1958, 1960... công chúng đã ngạc nhiên khi thấy ở tuổi không còn tươi trẻ nữa nhưng Nguyễn Phan Chánh vẫn tiếp tục chinh phục người xem bằng loạt tranh lụa tuyệt vời như Đan lưới, Đắp đê, Nam Bắc một nhà, Kết hoa ảnh Bác, Đi chống hạn, Sau giờ lao động, Nhóm giữ trẻ... mà ông gặt hái được sau những chuyến đi thực tế ở Phú Thọ, Bắc Ninh...

                                “Chơi ô ăn quan” - một trong những bức tranh lụa nổi tiếng của Nguyễn Phan Chánh.

Sức sáng tạo của ông thật dồi dào, năm 1962 mừng thọ Nguyễn Phan Chánh 70 xuân, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm tranh của ông và gây được tiếng vang lớn. Mười năm sau, năm 1972, lại một triển lãm khác được tổ chức mừng ông 80 xuân. 

Qua năm 1974, công chúng lại ngạc nhiên khi ông cho dự triển lãm tranh tượng về đề tài lực lượng vũ trang một bức tranh lụa nổi tiếng Sau giờ trực chiến. Như vậy ở tuổi “cổ lai hy”, ông vẫn còn tinh tường nắm bắt được vấn đề rất thời sự để chuyển hóa thành nghệ thuật. 

Đặc biệt, năm 1978, Viện Nghiên cứu mỹ thuật đã tổ chức hội thảo khoa học về Tranh lụa Nguyễn Phan Chánh, đồng thời Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã trưng bày hơn 70 bức tranh của ông từ bức lụa đầu tiên Chơi ô ăn quan đến Tiên Dung tắm mới sáng tác. 

Rồi nhân dịp mừng thọ ông ở tuổi 90, Bộ Văn hóa đã tổ chức triển lãm tranh lụa của ông ở nhiều nước Liên Xô, Tiệp Khắc, Hung-ga-ri, Ba Lan, Ru-ma-ni...

Có thể nói, danh họa Nguyễn Phan Chánh đã đi đến tận cùng nghệ thuật tranh lụa, ở đó, người ta thấy từ màu sắc, đường nét, hình khối ấy là của Việt Nam, chứ không lẫn lộn vào đâu khác. Và cũng chính từ tranh lụa của ông mà nền hội họa Việt Nam thời Pháp thuộc mới được thế giới biết đến. 

Cho dù có tiếp thu lối tạo hình phương Tây, nhưng ông vẫn giữ bản sắc trầm mặc của phương Đông để tạo nên những tác phẩm mà ta chỉ có thể nói là rất Nguyễn Phan Chánh. 

Ông mất ngày 22-11-1984 tại Hà Nội. Trong cuộc đời sáng tạo nghệ của ông, Nhà nước đã tặng nhiều Huân chương cao quý, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1)
                                                                                                    Theo: cand.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.464.043
Tổng truy cập: