NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Quảng Nam: Nghệ thuật điêu khắc từ gốc tre
(Ngày đăng: 27/03/2018   Lượt xem: 1065)
 

Trong ý nghĩ nhiều người, những gốc tre khô khốc, xù xì chẳng khác nào phế thải vô dụng. Thế nhưng, với Huỳnh Phương Đỏ (46 tuổi, trú phường Minh An, TP Hội An, Quảng Nam), mỗi gốc tre tưởng chừng vô tri vô giác ấy lại là tác phẩm nghệ thuật đầy sống động.

‘Biến’ gốc tre thành ông Phúc-Lộc-Thọ

Con đường Bạch Đằng trải dài phía sau lưng chợ Hội An hẳn nhiên chưa bao giờ vãn khách. Những quầy lưu niệm chật như nêm rải đều san sát men bãi bờ sông Hoài theo năm tháng bán buôn cứ dăm lần sang tên đổi chủ. Chỉ riêng ở góc phố 26 Bạch Đằng, “con tạo xoay vần” thời gian vẫn không hề dịch chuyển cái khoảng không gian bé nhỏ chứa đầy ắp… gốc tre.

Nghệ nhân gốc tre Huỳnh Phương Đỏ

Ở đó, các tiểu thương của ngôi chợ lớn nhất phố cổ đã quen tai với những thanh âm của dùi đục. Còn hình ảnh người đàn ông tỉ mẩn bên các gốc tre dường như đã in đậm trong tâm trí của bà con phố cổ cùng du khách thập phương.

Một chiều như bao buổi chiều mặt trời dần buông, khi những vạt nắng chỉ còn loang loáng rải trên bề mặt sông Hoài, Huỳnh Phương Đỏ lại đổ ánh mắt gióng về phía con nước. Anh tâm sự, cái duyên, cái nghiệp gắn đời mình với gốc tre cũng đến từ cái thuở con nước dưới lòng sông Hoài gầm gừ dậy sóng. “Năm 1999, Hội An hứng chịu trận lũ lịch sử. Thời điểm nước rút, ngồi xo ro trên gác nhìn xuống, tôi cứ bị thu hút bởi rặng tre cứ níu mãi vào cột nhà mà không chịu khuất phục bởi dòng nước. Hình ảnh những gốc tre, rễ tre lô nhô cho tôi một sự liên tưởng đến ba ông thần tài: Phúc-Lộc-Thọ”, anh Đỏ hồi tưởng.

Không chần chừ, anh nhảy tủm xuống nước và vớt cả rặng tre trong sự khó hiểu của vợ con. Với bộ đồ nghề điêu khắc gỗ sẵn có, anh hết đục lại đẽo, rồi dùng dao cắt tỉa mớ rễ tre. Nhắc đến đây, anh kể tiếp: “16 tuổi tôi đã thành thạo nghề chạm khắc gỗ. Sản phẩm từ chất liệu gỗ cũng là mô phỏng mấy ông thần tài. Tuy nhiên, khi say sưa bên các gốc tre suốt 3 ngày trời, tôi đã đẽo thành công 3 tượng ông Phúc-Lộc-Thọ. Đó cũng chính là bước ngoặt đưa tôi rẽ hướng sang con đường điêu khắc nghệ thuật từ gốc tre”.

Những gốc tre tưởng chừng vô tri vô giác nhưng lại là sản phẩm nghệ thuật khi qua đôi bàn tay của anh Đỏ

Từ thời điểm ấy, người ta không còn thấy anh Đỏ ngày ngày chăm chăm cùng mấy phôi gỗ to, gỗ nhỏ nữa. Thay vào đó, ai nấy ngạc nhiên khi chứng kiến anh dốc công dốc sức đi “săn” gốc tre. Những vùng quê có tre sinh tồn ở địa phương hay các vùng lân cận, nơi nào Đỏ cũng đặt chân tới. Và thứ mà Đỏ thuê xe vận chuyển tập kết về nhà không gì khác ngoài những đống gốc tre cao chất ngất. Biệt danh thân thương Đỏ “gốc tre” của Huỳnh Phương Đỏ cũng từ dạo ấy mà ra.

Gốc tre giá bạc triệu

Nghe qua có vẻ không tưởng nhưng đó lại là cái giá phải trả để sở hữu một sản phẩm vô cùng nghệ thuật của nghệ nhân gốc tre.

Khởi điểm, giá 1 gốc tre hình ông Phúc-Lộc-Thọ hay phật tổ, bồ tát chỉ có giá đôi ba chục nghìn. Khi ấy, sản phẩm từ gốc tre do anh Đỏ dày công chế tác phân phối ở các quầy lưu niệm trong phố cổ và ra mắt du khách với tư thế “chào hàng”. Thế nhưng, khoảng chừng 10 năm đổ lại, con số này đã nhảy vọt lên hàng trăm, thậm chí hàng triệu đồng.

Hôm chúng tôi có mặt tại cơ sở chế tác, đồng thời là không gian trưng bày sản phẩm từ gốc tre của anh Đỏ, tình cờ một tốp du khách nước ngoài cũng đang thỏa sức chọn mua. Cô Christina (quốc tịch Anh) nói: “Thật là không thể tin được. Tôi đã nhìn thấy gốc tre ở một số vùng quê của Việt Nam, thế nhưng việc làm ra các bức tượng phật, thần linh quả thật rất độc đáo. Tôi đã đặt số lượng lớn về làm quà cho bạn bè ở đất nước mình”.

Du khách thích chụp ảnh lưu niệm với nghệ nhân gốc tre

Chia sẻ về giá trị của gốc tre, anh Đỏ cho hay: “Khác với gỗ, nếu gốc tre không động chân động tay mài giũa thì cái giá sẽ nằm ở con số 0 tròn trĩnh. Thế nhưng khi biết đục đẽo để chúng mang dáng dấp biểu trưng của một vị thần nào đó thì mới sinh ra lợi nhuận. Thậm chí có món hàng từ gốc tre giá lên tới 1,5 triệu đồng”.

Theo anh Đỏ, cái giá khủng khiếp cho một gốc tre vốn dĩ xấu xí đến từ loại gốc tre được anh đặt mua ở tận vùng núi cao Tây Bắc. Với kích thước lớn hơn gốc tre bình thường, loại này anh Đỏ sử dụng để đẽo tượng Đạt Ma Sư Tổ. Đây cũng là sản phẩm đang có giá ‘kỉ lục’ mà Đỏ “gốc tre” xuất bán cho du khách quốc tế.

Món quà lưu niệm thu hút khách du lịch mỗi khi đặt chân đến tham quan phố cổ Hội An

Hiện tại, với danh sách gồm 7 đơn vị tỉnh, thành từ Bắc tới Nam có đại lí phân phối quà lưu niệm bằng gốc tre, quả thực những “đứa con” do người nghệ nhân phố cổ này ‘thổi hồn’ đã khẳng định được thương hiệu trên khắp mọi miền đất nước.
                                                                                                 Theo: baocongthuong.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.464.431
Tổng truy cập: