NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Làng nghề dựng nhà cổ: Cha truyền con nối
(Ngày đăng: 12/10/2017   Lượt xem: 1138)
Những năm gần đây, tốc độ phát triển đô thị hóa rất nhanh, nhiều tòa nhà cao tầng, nhà ống mọc lên như nấm. Tuy nhiên, nhiều người ở nông thôn và thành thị vẫn đam mê dựng những ngôi nhà cổ... Thậm chí, có gia đình còn dựng nhà cổ để làm nơi thờ cúng tổ tiên, dòng họ.

                          Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Quyết dựng cho khách

Quyết tâm giữ nghề gia truyền

Về thôn Áng Phao, xã Cao Dương (Thanh Oai, Hà Nội) - nơi có làng nghề truyền thống dựng nhà cổ, nhiều gia đình đang duy trì cái nghề mà không phải ai cũng tâm huyết để gắn bó.

Trao đổi với người có thâm niên 40 năm trong nghề, ông Nguyễn Văn Quyết bộc bạch: “Đây là nghề gia truyền của gia đình tôi. Ngày trước, bố tôi là thợ cả, trước khi bố tôi mất, đã truyền lại cho tôi. Năm nay, tôi 55 tuổi nhưng đã có hơn 40 năm làm nghề này. Vì yêu nghề và tâm huyết, hơn nữa nó cũng tạo thu nhập khá cho gia đình nên tôi đang truyền lại cho con trai để nối nghiệp”.

Theo ông Quyết: “Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều người có điều kiện kinh tế nên nhu cầu làm những ngôi nhà cổ được nhiều người ưa chuộng. Bởi những ngôi nhà bằng gỗ dựng theo kiến trúc cổ, vào mùa hè thì mát mẻ, còn mùa đông lại có cảm giác ấm cúng. Nhiều người cảm nhận mỗi buổi sáng thức dậy nhìn xung quanh, hoặc ngước lên trần nhà ngắm những đường trạm trổ tinh tế sắc xảo mà thấy lòng bình yên thư thái.

Thậm chí, nhiều gia đình hàng ngày bận rộn với công việc nơi thành thị, họ đã mua đất ở những vùng nông thôn và dựng nhà cổ, cứ cuối tuần lại về để tận hưởng không khí trong lành, sự yên tĩnh trên chính ngôi nhà của mình. Do nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao mà công việc của gia đình tôi phát triển rất tốt, mỗi năm càng mạnh lên”.

Minh chứng cho sự phát triển từng ngày, thành quả mà gia đình đã gây dựng nhiều đời nay, ông Quyết chia sẻ: “Ví dụ năm trước, theo đặt hàng, tôi dựng khoảng 10 ngôi nhà; nhưng năm nay phải lên tới 15 ngôi. Sản phẩm của gia đình tôi được đưa tới nhiều nơi như Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh và nhiều huyện trên địa bàn Hà Nội”.

Nói thật và làm thật

Khi được hỏi: Hiện nay, tại xã Cao Dương, xưởng của gia đình ông phát triển mạnh nhất. Vậy bằng cách nào ông đã gây dựng được thương hiệu riêng cho mình?

Ông Quyết tâm sự: “Tôi rất muốn làng nghề của địa phương ngày càng phát triển, để nhiều gia đình có thể hỗ trợ được cho nhau trong sản xuất, kinh doanh. Có điều, lớp trẻ bây giờ các cháu không mấy nhiệt huyết, vì đào tạo được thành nghề thì phải cần 5 năm mới có thể làm đẹp nên chỉ có tầm tuổi chúng tôi thì mới quyết tâm làm thôi.

Bởi điều cốt lõi là phải thực sự yêu nghề, công việc vất vả, đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ, kiên trì, có óc sáng tạo. Để duy trì và phát triển được nghề này, không thể chỉ một sớm một chiều, gia đình tôi có được thương hiệu như hôm nay, vì tôi đã tâm huyết với nghề hơn 40 năm, hơn nữa tôi làm bằng cả tâm huyết và đạo đức của người làm nghề”.

Ông Quyết lấy ví dụ: “Một gia đình đặt dựng ngôi nhà khoảng 1 tỷ đồng/120 m2 bằng gỗ sến, theo mẫu và thỏa thuận giữa hai bên. Nhưng nếu người không có tâm, chỉ nhìn cái lợi trước mắt và làm không đúng như thỏa thuận ban đầu, để tăng lợi nhuận cho bản thân mà không quan tâm đến chất lượng của ngôi nhà, dễ dẫn đến ngôi nhà không tương xứng với giá trị thực, khi khách hàng biết được điều này, thì sẽ bị mất uy tín cho người thợ, cũng như làng nghề…”.

                           Đường nét đục tinh tế của ông Nguyễn Văn Quyết

Với nhiều năm kinh nghiệm, ông Quyết chia sẻ: “Để có được một sản phẩm đẹp thì người thợ phải biết cải biên về mẫu mã, nhưng lại phải theo nét cổ kính. Vì vậy, đòi hỏi thợ cả phải biết tính mực thước để ra gỗ, còn về hoa văn, người thợ phải tinh tế, có hoa tay, cẩn thận, kiên trì và làm theo đúng lối. Đặc biệt, đường nét hoa văn phải đục bằng tay, không được đục bằng máy, người thợ đục phải có tư tưởng thoái mái thì mới có thể “thổi hồn” được vào nét vẽ”.

Thêm nữa: “Để có được ngôi nhà đẹp, tổng diện tích kể cả sân vườn phải đạt khoảng 300 m2, riêng diện tích ngôi nhà dựng khoảng 120 m2. Với gia đình có điều kiện, họ dùng gỗ sến có giá khoảng 500 triệu - 1 tỷ đồng/ngôi/120 m2, gỗ này sẽ không bị mối mọt. Còn với gỗ xoan, chỉ mức giá khoảng 200 - 300 triệu đồng/ngôi/120 m2, trường hợp dùng gỗ xoan thì gỗ phải được ngâm kỹ, sau đó sẽ sử dụng các biện pháp chống mối mọt”.

Xưởng mộc của gia đình ông Quyết đã giải quyết được cho gần 30 lao động địa phương có thu nhập tốt; trên thương trường gia đình ông đã có uy tín. Tuy nhiên, ông Quyết cũng cho biết sẽ cố gắng hết sức để truyền nghề lại cho con cháu, nâng cao tay nghề cho đội thợ, đồng thời học hỏi thêm những mẫu mã để cải tiến những nét hoa văn có thể phù hợp với thị hiếu của nhiều khách hàng.

Đồng thời, để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, thời gian tới, ông sẽ đầu tư thêm máy móc vào hỗ trợ những công đoạn như soi, xẻ… để đẩy nhanh tiến độ, làm giảm giá thành. Tuy nhiên, ông Quyết vẫn khẳng định, dù đẩy nhanh tiến độ nhưng sản phẩm vẫn đảm bảo được chất lượng, vì đây mới chính là yếu tố cốt lõi để hướng tới thành công và tạo dựng uy tín với nghề cha truyền con nối của gia đình ông.

                                                                                           Theo: thuonghieucongluan.com.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

24
Đang xem:
72.465.798
Tổng truy cập: