NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Gặp người sáng tạo vật phẩm lưu niệm tặng Tổng thống Obama
(Ngày đăng: 17/10/2016   Lượt xem: 938)
Những biến cố cuộc đời đã biến vận động viên mạnh mẽ trên sân điền kinh trở thành một nhà thiết kế tài hoa với đôi tay khéo léo và bộ óc mỹ cảm. Đó là Trần Thanh Tùng, người từng làm nên vật phẩm khiến Tổng thống Mỹ - Barack Obama đặc biệt ấn tượng khi thăm Việt Nam.

ảnh 1

Anh Thanh Tùng (trái) luôn ước vọng đưa bản sắc Việt Nam tỏa sáng cùng thế giới

Cuộc dạo chơi với điền kinh

Trần Thanh Tùng hiện là một nhà thiết kế chuyên nghiệp nhưng anh lại có một lai lịch chẳng giống bất cứ nhà thiết kế nổi tiếng nào khác. Năm 13 tuổi, Thanh Tùng bén duyên với… điền kinh. Chàng trai cao ráo, phổng phao hơn hẳn chúng bạn với sải chân cực dài khi ấy lọt vào mắt xanh của người thầy dạy thể thao ở quê nhà, vua đường trường Nguyễn Văn Thuyết.

Trải qua luyện tập, anh quyết định sẽ trở thành một VĐV chuyên nghiệp, muốn dành cả đời để ăn tập và theo đuổi con đường này. Thế nhưng, ngã rẽ định mệnh đến vào năm anh 18 tuổi.

Một chấn thương nặng ở gót chân đã khiến anh phải tạm rời xa đường chạy để điều trị. Cũng trong thời gian này, Thanh Tùng tập trung học tập để thi tốt nghiệp cấp III. Nào ngờ, đó cũng chính là bước ngoặt của cuộc đời anh khi đám bạn hàng xóm  rủ… đi thi đại học. 

Ý thức được khả năng của mình, vốn là dân thể thao, không thật chú tâm vào chuyện học hành nhưng Tùng vẫn liều khăn gói đi thi. Nào ngờ, anh đủ điểm đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp trong sự ngỡ ngàng của gia đình, bạn bè và của cả chính anh. Thanh Tùng lên Hà Nội học từ năm 1996 và cũng từ đó, cuộc sống của anh hoàn toàn thay đổi.

Sau này khi nghĩ lại, Thanh Tùng vẫn có lúc tiếc cái duyên với thể thao, nhưng anh cũng cho rằng mình may mắn khi… bị chấn thương. “Nói rất thẳng thắn, đến với thể thao là đam mê, là sở thích, nhưng đến với thể thao đỉnh cao thì đại đa số các VĐV chưa được đãi ngộ xứng đáng với những gì họ cống hiến. Kể cả những VĐV thành tích cao, dù ở thời điểm đỉnh cao phong độ, chế độ đãi ngộ dành cho họ ở mặt bằng chung vẫn quá bèo bọt bởi thể thao là môi trường có tuổi lao động rất ngắn, chưa tính đến trường hợp VĐV bị chấn thương, buộc phải giải nghệ và phần lớn họ đều rơi vào trạng thái tổn thương về thể xác lẫn tinh thần. Tôi đã từng trải qua cảm giác tồi tệ đó và thật may mắn là đã sớm có cơ hội chuyển hướng”, Thanh Tùng chia sẻ.

ảnh 2

Khi được nghề chọn

Đang dần thành danh và khẳng định được thương hiệu của mình cùng với tập thể Circle Group, nhưng Thanh Tùng vẫn luôn cho rằng chính nghề này đã chọn anh, thay vì anh chọn nghề. Hơn 20 năm trước, anh chập chững bước vào đời với sau khi “dứt duyên” với thể thao  thì bây giờ, anh đã khẳng định được chính mình nhờ bàn tay khéo léo và một tâm hồn đầy mỹ cảm.

“Nghề chính của tôi là thiết kế nội ngoại thất, nhưng mấy năm nay tôi có nghiên cứu, theo đuổi và phát triển những sản phẩm mang đậm yếu tố văn hoá. Tôi lựa chọn văn hóa Việt Nam làm nền tảng chính cho dự án của mình. Tôi nhìn thấy sự khởi nguồn của sáng tạo từ những di sản của cha ông để lại. Mặc dù trải qua biến cố, thời gian, nhưng giá trị vật thể, phi vật thể của cha ông ta để lại đến ngày nay vô cùng phong phú và đa dạng, có tính bản địa, độc đáo và rất hấp dẫn. Là người làm thiết kế, đã nhiều lần tôi từng phải “mượn” yếu tố văn hoá của nước khác để làm cơ sở cho việc sáng tạo, nhưng nhiều năm qua tôi lựa chọn văn hóa bản địa, chỉ cần học và ứng dụng các di sản tiền nhân để lại đảm bảo sẽ thành công và là nguồn cảm hứng không giới hạn”, Thanh Tùng nói về cái nghiệp mà anh đang gắn bó.

Hẳn nhiều người vẫn nhớ vật phẩm lưu niệm mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng ông Barack Obama khi vị Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam cuối tháng 5 vừa qua. Đó là vật phẩm đầu rồng thời Lý bằng gốm phủ men Thanh lưu ly, cao 46cm, nặng khoảng 6kg có tên gọi “Thông điệp ngàn năm”, là thành quả, trí tuệ và tâm huyết của Circle Group dưới sự cố vấn của nhà sử học Dương Trung Quốc.

Thanh Tùng chia sẻ, từ ý tưởng cho đến việc hoàn thiện sản phẩm và được Chính phủ chấm chọn để tặng người có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất thế giới, đó là cả một quãng đường đầy gian nan và nhọc nhằn với 60 công đoạn khác nhau. Mỗi công đoạn lại đòi hỏi sự chuyên biệt, sự tinh tế, tỉ mỉ và tập trung cao độ.

Vật phẩm đầu rồng thời Lý đã vượt qua rất nhiều đề cử khác của các đơn vị có uy tín để được lựa chọn và tạo ấn tượng đặc biệt với ông Obama. “Đó là một tín hiệu tốt, bởi nhiều năm qua chúng ta không ý thức đến việc quảng bá di sản văn hoá, nếu có làm thì cũng chưa tới. Với cá nhân tôi, đó là một động lực để tiếp tục thực hiện những việc mình đã và đang chọn, cho dù là rất khó”, Thanh Tùng nói.

“Để thế giới phải trân trọng”

Từng đi nhiều nước để mua thiết bị phục vụ cho công việc thiết kế nội ngoại thất, từng nhiều lần xuyên Việt bằng xe Vespa cổ và từng đặt mình như một người nước ngoài đến du lịch Việt Nam, đặt mình vào hoàn cảnh phải tìm một món quà mang dấu ấn Việt để tặng cho bạn bè quốc tế... Trần Thanh Tùng luôn cảm thấy khó khăn. Trong con mắt của anh, Việt Nam quá thiếu những vật phẩm có giá trị thẩm mỹ và giá trị văn hóa cao để dành tặng bạn bè quốc tế.

Anh nói: “Chúng ta đã và đang sở hữu một kho tàng đồ sộ về vật chất và tinh thần, không hiểu sao chúng ta lại không ý thức và ứng dụng để đưa vào cuộc sống. Tôi chia sẻ với bạn bè những suy nghĩ của mình, phần lớn họ ủng hộ nhưng lại không hào hứng tham gia, bởi họ sợ thất bại, chính vì ai cũng sợ nên sản phẩm mỹ thuật Việt Nam không phát triển. Nhưng tôi tin sẽ làm được, mặc dù rất khó. Tôi bắt tay vào việc cũng đã hơn 5 năm nay, giá phải trả là toàn bộ tài sản của tôi về số 0, và vì tôi muốn phải làm bằng được nên cuộc sống giai đoạn này còn ảnh hưởng đến một số người thân nữa”.

Từng “về mo”, nên Trần Thanh Tùng càng hiểu hơn ai hết về giá trị vật chất trong cuộc sống hiện đại. Thế nhưng, điều đó không khiến anh chùn bước trước đam mê, bởi anh hiểu một cách chân thực và rõ ràng nhất về công việc mà mình đang làm, về những giá trị to lớn sẽ mang lại.

“Khi chúng tôi làm ra những món quà quý, tiêu chí đầu tiên chính là sự độc bản, không có bản sao. Tôi cam kết điều này mặc dù nhận được rất nhiều lời đề nghị mang tính thương mại. Nó có thể mang lại cho chúng tôi những khoản tiền lớn, nhưng lại khiến chúng tôi thất bại hoàn toàn với con đường mình đã chọn. Tôi luôn phản đối việc sao chép một cách thô thiển của nhiều làng nghề khi họ làm ra sản phẩm nhái một cách cẩu thả và vô trách nhiệm. Tôi thích câu nói “Đẳng cấp của một quốc gia là bề dày văn hoá”, tôi luôn tin rằng Việt Nam đủ tầm để thế giới phải trân trọng”, Trần Thanh Tùng khẳng định.

                                                                                          Theo: anninhthudo.vn  

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.458.961
Tổng truy cập: