NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Truyền nhân của làng...
(Ngày đăng: 16/09/2016   Lượt xem: 611)

Hiện nay, các làng nghề ở Đà Nẵng đang lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, không ít nghề cổ truyền đã và đang đứng trước nguy cơ thất truyền, mai một. Bên cạnh việc tự thân nỗ lực duy trì nghề truyền thống của các nghệ nhân, đòi hỏi cơ quan chức năng cũng cần phải có những giải pháp kịp thời, thiết thực để các làng nghề tồn tại và phát triển.

Một góc làng nghề đá Non Nước.

Công nghệ lấn át

Như đã nói ở các bài trước, nhiều làng nghề truyền thống tại Đà Nẵng có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Trong thời hội nhập và phát triển, làng nghề được tiếp thêm sức sống mới với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, công nghệ và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tại các làng nghề đã ra đời các công ty, sản xuất được mở rộng cùng các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên thị trường... Tuy nhiên, có một thực tế là các làng nghề truyền thống hiện đang phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn, thách thức như thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, chưa có nguyên liệu ổn định, vấn đề ô nhiễm môi trường... Trong đó, khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay là khâu tiêu thụ sản phẩm.

Được xem là nổi tiếng nhất Đà Nẵng với lịch sử  hơn 400 năm, tuy nhiên làng đá Non Nước cũng không tránh khỏi những khó khăn, thách thức. Về mặt chủ quan, thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, không chỉ riêng ở làng đá Non Nước mà ở nhiều làng nghề truyền thống khác đã xảy ra tình trạng sản phẩm công nghệ, máy móc đang lấn át, thay thế hàng loạt các sản phẩm thủ công. Bên cạnh đó, tình trạng thương mại hóa sản phẩm, chạy đua theo số lượng mà quên đi chất lượng, sản xuất hàng loạt chứ không chú trọng cái "độc", cái hiếm. Nói như Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Việt Minh, Chủ tịch Hội làng đá Non Nước, hàng thủ công muốn tồn tại và phát triển phải dựa trên thế mạnh của mình, tức là sản phẩm phải hàm chứa yếu tố văn hóa cao, mang đậm bản sắc. "Đã đến lúc không thể chỉ chú trọng số lượng mà chất lượng sản phẩm phải được nâng cao, thể hiện dấu ấn sáng tạo và sự tài hoa của các nghệ nhân", nghệ nhân Nguyễn Việt Minh nhìn nhận. Cũng theo ông Nguyễn Việt Minh, các sản phẩm của làng nghề hiện đang bị tác động khá lớn bởi công nghệ, máy móc hiện đại và nền kinh tế thị trường. Ông cho rằng, những vấn đề này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bàn tay, óc sáng tạo của người thợ đá, và đến một lúc nào đó, họ lại phải loay hoay đi tìm bản sắc và kỹ năng truyền lại tự bao đời... Quả thực, những băn khoăn, trăn trở của ông không phải không có cơ sở.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Việt Minh, được xem là người mở lối cho làng đá Non Nước.

Quy hoạch làng nghề

Về mặt khách quan, chủ trương quy hoạch các cơ sở sản xuất, chế tác đá ở làng nghề Non Nước mặc dù đã được triển khai từ năm 2014, tuy nhiên do diện tích đất quy hoạch tại khu sản xuất tập trung của làng nghề chưa đáp ứng đủ nên vẫn còn hơn 100 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ lẫn trong khu dân cư, gây nên cảnh nhếch nhác, ô nhiễm. Ngoài ra, tại làng nghề tập trung cũng phát sinh một số điểm bất hợp lý như diện tích đất để làm nhà xưởng quá hẹp, không phù hợp với chế tác đá; hệ thống đấu nối nước thải về hồ xử lý gần như không hoạt động, bởi được thiết kế cống đúc, nước thải và bột đá trong quá trình chế tác vẫn tràn lan ra đường, thẩm thấu xuống đất là chính...

Trở lại làng nghề nước mắm Nam Ô, để sản xuất được một lít nước mắm, người dân Nam Ô phải tốn rất nhiều công sức, trong khi đó nguồn nguyên liệu không được dồi dào như xưa, nhất là trong thời điểm môi trường biển 4 tỉnh bắc miền Trung bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện tại, giá cá cơm để làm nước mắm đã lên tới 22 đến 25 ngàn đồng/kg, kéo theo giá thành sản xuất một lít nước mắm là đã lên tới 50-60 ngàn đồng/lít, nhưng phải một năm sau mới cho thu hoạch. Vì vậy, giá bán 1 lít nước mắm ra thị trường thấp nhất cũng phải 60-70 ngàn đồng. Giá cao nên nước mắm Nam Ô khó có mặt ở chợ, và cũng khó vào được siêu thị bởi các quy định ngặt nghèo. Một vấn đề khác, theo ông Trần Ngọc Vinh, Hội làng nghề nước mắm Nam Ô,  hiện có khoảng 100 hộ sản xuất, trong đó phân nửa bà con về nơi ở mới là khu tái định cư Xuân Thiều 3. Dù họ có đau đáu hoặc duy trì làm nghề thì cũng khó có thể giữ được cái "hồn cốt" của nước mắm Nam Ô. Vì một làng nghề mắm mà xa biển, con cá không được tiếp xúc với nắng, gió biển thì bản chất loại mắm đó sẽ khó giữ được hương vị như trước. Và một làng nghề cần sản xuất tập trung thì không thể một nửa ở sát biển, một nửa ở xa biển cả mấy cây số.

Từ nhiều năm nay HTX sản xuất nước mắm và chế biến hải sản Đông Hải do ông Trần Ngọc Vinh làm Chủ nhiệm liên kết làm ăn với  công ty tại TP Hồ Chí Minh. Mọi chuyện đang tốt đẹp, sản lượng làm ra được bao tiêu, thì dự án Du lịch sinh thái Nam Ô sắp khởi công khiến mọi chuyện không còn diễn biến tốt như trước. 8/11 xã viên xin rút vốn, ông Vinh cũng không thể quản lý được chất lượng sản phẩm, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm. Cũng vì chuyện giải tỏa này mà làng nghề truyền thống Nam Ô đang lâm vào thế bí. Ông Vinh cho rằng, đã gọi là làng nghề truyền thống thì phải tập trung, phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ quy trình sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Chứ còn tản mác, mỗi người một nơi, mạnh ai nấy làm thì nguy cơ chất lượng sản phẩm sẽ không đảm bảo, ảnh hưởng đến thương hiệu đã dày công tạo dựng bao năm qua. "Xây dựng làng nghề đã khó mà giữ còn khó hơn. Vì thế bà con làng nghề đều mong muốn, các cấp, các ngành khi quy hoạch làng nghề cần chú ý đến yếu tố đặc trưng về địa điểm, đặc thù về nghề làm nước mắm, mà như đã nói ở trên là con cá cơm than cần được ngửi mùi gió biển, được tắm nắng biển... Nói tóm lại, nước mắm Nam Ô cần phải tồn tại trong môi trường vốn dĩ nó được sinh ra, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay", ông Vinh mong muốn.

Đầu ra cho sản phẩm

Ngoài đá Non Nước, nước mắm Nam Ô, tại Đà Nẵng, các sản phẩm như bánh tráng Túy Loan, chiếu Cẩm Nê, bánh khô mè Quang Châu... từ lâu trở thành những cái tên quen thuộc. Tuy nhiên thực tế hiện nay, tại các làng nghề này ngày càng vắng dần hộ dân theo nghề truyền thống. Tại thôn Quang Châu, số hộ sản xuất bánh khô mè nức tiếng một thời hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo ông Trần Văn Trọng, Bí thư Chi bộ thôn Quang Châu, cả thôn có gần 800 hộ nhưng hiện tại chỉ còn 4 hộ sản xuất bánh khô mè truyền thống quanh năm, còn lại có khoảng vài chục hộ sản xuất cầm chừng, theo thời vụ hoặc chỉ làm để phục vụ nhu cầu gia đình. Chỉ đến thời điểm cận Tết thì làng nghề bánh khô mè Quang Châu mới nhộn nhịp. "Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng quan trọng nhất vẫn là đầu ra của sản phẩm. 10 năm trước, tại Quang Châu đã hình thành tổ hợp tác quy tụ hàng chục hộ sản xuất bánh khô mè truyền thống, tuy nhiên, khi tập trung sản xuất, sản lượng lớn nhưng đầu ra không có nên chỉ sau đó thời gian ngắn, tổ hợp tác đành phải giải thể. Nhiều hộ gia đình không còn mặn mà với nghề và tìm công ăn việc làm mới, ổn định hơn", ông Trọng tiếc nuối. Cũng theo ông Trọng, điều đáng lo nhất là những người theo nghề đa phần đã lớn tuổi. Họ vào nghề từ rất sớm và được ông bà, cha mẹ truyền lại nên gánh trên vai trách nhiệm duy trì truyền thống của gia đình. Song, hiện tại con cái họ hầu hết đều không muốn hoặc không tâm huyết theo nghề, bởi họ cho rằng nghề truyền thống vất vả, khó nhọc, lại thu nhập không ổn định...

Thiết nghĩ, những vấn đề trên đây không chỉ là trăn trở của các nghệ nhân làng nghề, mà còn là thực tế đặt ra cho các cấp, các ngành và địa phương tại Đà Nẵng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị vô giá của nghề truyền thống. Bởi suy cho cùng, muốn phát triển bền vững thì không nên và không thể tách rời với cái nền truyền thống đã tạo dựng...

                                                                                                  Theo: cadn.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

24
Đang xem:
72.408.984
Tổng truy cập: