NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Người đàn ông 35 năm giữa đất Sài Gòn với 'nghề muôn năm cũ'
(Ngày đăng: 28/08/2016   Lượt xem: 535)
Những ai đi qua đường Lê Lợi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, Tp.HCM) sẽ bắt gặp hình ảnh một người đàn ông đang ngồi cặm cụi nắn nót từng nét chữ để tặng cho mọi người.

Hỏi ra mới biết, chú Lê Văn Kính hay còn gọi là Dũng khắc chữ thuê (sinh năm 1959, quê ở Hải Dương). Cái nghề hay được nhiều người gọi với cái tên 'nghề muôn năm cũ ở đất Sài Gòn'.

  Người đàn ông 35 năm giữa đất Sài Gòn với 'nghề muôn năm cũ' - Ảnh 1

Chú Lê Văn Kính hay còn gọi là Dũng khắc chữ thuê. Cái nghề hay được nhiều người gọi với cái tên 'nghề muôn năm cũ ở đất Sài Gòn'. Ảnh: Ngọc Nhiên

Cái nghề lúc đông đúc lúc rảnh tay

Tôi tìm đến chú Dũng theo lời kể của một chú xe ôm, cũng sinh sống lâu năm ở đất Sài Gòn. Hình ảnh mà tôi bắt gặp là chú Dũng ngồi một gốc nhỏ rất khiêm tốn trên đường Lê Lợi (quận 1 Tp.HCM). Bên cạnh chú là một cái thùng bằng gỗ với dòng chữ 'Dũng khắc chữ lưu niệm'.

Chú đang cặm cụi nắn nót từng nét chữ cho khách mà không để ý có người khách khác đến. Nhìn đôi bàn tay của chú, tôi cảm nhận được sự đam mê, lòng yêu nghề rất nhiều mới có thể gắn bó với cái nghề này suốt 35 năm trời.

Qua trò chuyện được biết, chú Dũng đam mê hội họa từ bé nên thường hay vẽ tranh cho gia đình. Rồi chú thi vào trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Nhưng niềm đam mê ấy, ở cái thời buổi khi đất nước đang đổi mới thì rất khó mà giữ được. Rồi chú đi bộ đội nhưng vì sức khỏe nên chú đành chuyển sang cái nghề khắc chữ này. Dần dần không biết nó đã trở thành cái nghiệp tự bao giờ.

  Người đàn ông 35 năm giữa đất Sài Gòn với 'nghề muôn năm cũ' - Ảnh 2

Với đam mê hội họa từ bé nên chú Dũng đến với cái nghề khắc chữ cũng vì cái duyên rồi thành cái nghiệp theo chú suốt 35 năm trời. Ảnh: Ngọc Nhiên

Khi hỏi về cái duyên đến với nghề, chú Dũng kể: "Hồi đó lúc còn là sinh viên kiến trúc chú vô tình nhờ một người thanh niên khắc chữ lên bút của chú, rồi nhờ thanh niên đó chỉ cho chú cách khắc chữ.

Nhưng thời buổi đó, công cụ để khắc chữ rất phức tạp và cần rất nhiều sức lực, tốn nhiều thời gian mà giá cả thì lại chẳng bao nhiêu. Do có năng khiếu nên chú chỉ học vài lần là có thể thành thạo cách khắc chữ".

  Người đàn ông 35 năm giữa đất Sài Gòn với 'nghề muôn năm cũ' - Ảnh 3

Từng nét chữ của chú Dũng mỗi khi khắc lên các món đồ như mang hết cả cái hồn tâm huyết, sự đam mê của chú với nghề. Ảnh: Ngọc Nhiên

Và cũng chính vì cái chữ con người ngày xưa rất quý rất trân trọng nên đòi hỏi người khắc phải rất tập trung, vừa phải dùng sức để khắc vừa phải biết nhu để cho chữ được cong, mềm mại nên chú Dũng đã tự chế tạo ra các cây khắc chữ bằng những ống nước, cây kim nha khoa, các motor chạy bằng bình ác quy.

Tất cả đều nằm gọn trong một cái thùng nhỏ bên ngoài để với dòng chữ' Dũng khắc chữ lưu niệm' để tiết kiệm thời gian và sức lực hơn nhưng vẫn đảm bảo từng nét chữ uyển chuyển.

  Người đàn ông 35 năm giữa đất Sài Gòn với 'nghề muôn năm cũ' - Ảnh 4

Vì mong muốn đỡ tốn sức và thời gian nên chú Dũng đã tự chế ra cái máy khắc chữ nhỏ gọn trong một cái thùng. Ảnh: Ngọc Nhiên

Chú cũng chia sẻ thêm, hồi đó chú cũng không biết cái duyên nào mà chú vào đất Sài Gòn đắt đỏ này để lập nghiệp. Chỉ nhớ là chú làm cái nghề này từ năm 1981 và gắn bó nơi góc nhỏ này trên đất Sài Gòn đến tận bây giờ.

Cái nghề của chú nó vậy đó lúc thì đông đúc, lúc thì rảnh tay không ai đến để khắc chữ cả (Nói rồi chú Dũng cười nhẹ).

  Người đàn ông 35 năm giữa đất Sài Gòn với 'nghề muôn năm cũ' - Ảnh 5

Đôi bàn tay đầy khéo léo và tỉ mỉ của chú trong từng thao tác với các món đồ mà khách mang đến. Ảnh: Ngọc Nhiên

Nói xong lại có khách đến khắc chữ, tôi nhìn chú tỉ mỉ chăm chút từng nét chữ. Chú có dáng người nhỏ nhắn, nước da ngâm đen vì phải ngồi ngoài trời và nhất là giọng nói đầy ấm áp.

Tôi cảm nhận được hết lòng yêu nghề, sự đam mê như thế nào của chú với cái nghề muôn năm cũ này mà có lẽ đã gắn với gần nửa đời người của chú.

Mưu sinh vì đam mê nghề chứ không phải vì tiền

Chú Dũng cho biết, những năm 1981 cái nghề khắc chữ rất thịnh hành ở Sài Gòn. Lúc ấy chú đi khắp các nơi ở Sài Gòn để rao khắc chữ. Nhưng rồi có hôm vì sức khỏe chú không đi được nên có nhiều người đợi chú đi ngang qua nghe rao là gọi vào nhờ khắc.

Vì thế, chú chọn một gốc nhỏ ngay ở Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa để ngồi cho đỡ mệt mà khách có muốn khắc thì biết chỗ mà chạy đến.

  Người đàn ông 35 năm giữa đất Sài Gòn với 'nghề muôn năm cũ' - Ảnh 6

Nụ cười đầy hiền hậu của chú Dũng khi trò chuyện với khách đến khắc chữ. Ảnh: Ngọc Nhiên

Lúc chú ngồi ở góc này, cũng có nhiều người khác bán đồ trên các vỉa hè này cũng mưu sinh như chú nhưng tới giờ họ không trụ được rồi cũng bỏ nghề. Chú cũng giống như họ, cũng làm nghề để mưu sinh nhưng không phải làm vì tiền mà vì chính đam mê của chú.

"Nghề này cũng hẩm hiu lắm cô ơi. Hôm thì không ai, hôm thì xếp hàng ngồi chờ. Tôi làm nghề này vui nhất là ở đấy. Nhìn chữ của mình được người khác nhờ khắc lên đồ của họ mà trong lòng cảm thấy yêu nghề hơn", chú Dũng chia sẻ.

  Người đàn ông 35 năm giữa đất Sài Gòn với 'nghề muôn năm cũ' - Ảnh 7

Chú Dũng có thể khắc chữ lên tất cả các món đồ mà khách mang tới. Ảnh: Ngọc Nhiên

Khách của chú đa số là khách quen, lâu lâu mua cái gì khắc được đều đến tìm chú. Còn những khách mới thì chú rất cẩn thận, đưa tờ giấy cây bút cho khách để ghi lại chữ và kiểu chọn sau đó mới khắc.

Giá cả khắc của một món đồ chỉ từ 10 đến 20 nghìn đồng nên nhiều người đến thường không hỏi giá mà khắc ngay. Đối với chú không phân biệt về giá cả của món đồ mà chỉ theo từng lại chữ như thế nào. Bởi người khách rất quý về cái chữ nên mới đến khắc chứ không phải vì giá trị đắt của món đồ của họ.

  Người đàn ông 35 năm giữa đất Sài Gòn với 'nghề muôn năm cũ' - Ảnh 8

Khách thường hay đến thuê khắc chữ nhiều nhất là trên các cây bút ký tên. Ảnh: Ngọc Nhiên

Hằng ngày, chú Dũng ngồi khắc chữ ở góc đường Sài Gòn từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Chú Dũng làm không nghỉ ngày nào, cả ngày lễ lớn, mặc cho trời nắng hay mưa.

Chú nhận khắc tất cả các món đồ mà khách đến yêu cầu. Thường thường thì khách yêu cầu khắc nhiều nhất là bút, nhẫn, tranh vẽ,...nhưng giá thì vẫn bằng nhau không phân biệt loại món đồ.

  Người đàn ông 35 năm giữa đất Sài Gòn với 'nghề muôn năm cũ' - Ảnh 9

Người con trai của chú Dũng hay đến phụ giúp và học cách khắc chữ vào những ngày nghỉ hè. Ảnh: Ngọc Nhiên

Khi hỏi về người sẽ nối tiếp nghề, chú Dũng cho biết: "Chú cũng không biết ai nữa, bởi cái nghề này cực mà lại không khá mấy. Nhưng chú có người con trai, năm nay học đại học năm 2, nghỉ hè hay ra học nghề hay phụ chú những việc nhỏ.

Thế nên chú nghĩ nếu như mà con yêu thì chú truyền lại cho. Bởi cái nghề nào cũng đều là nghề thôi. Chỉ quan trọng là mình yêu nghề, cái nghề nuôi mình bằng chính tiền của mình làm ra chân chính là được rồi".

Cũng chính chú ngày xưa, đam mê học kiến trúc cũng không nghĩ chú lại làm nghề khắc chữ này nữa, cũng cái duyên rồi thành cái nghiệp với nghề mà ra.

  Người đàn ông 35 năm giữa đất Sài Gòn với 'nghề muôn năm cũ' - Ảnh 10

Khách của chú Dũng thường là những khách quen, nên khi có món đồ nào mới mua đều mang ra cho chú khắc chữ. Ảnh: Ngọc Nhiên

Chú Dũng không muốn nghề khắc chữ bị lãng quên, nên luôn sẵn sàng dạy nghề cho bất cứ ai muốn học. Đến nay, có các sinh viên tìm đến chú để học hỏi, và học trò của chú Dũng cũng có người mang nghề sang Mỹ và Pháp.

Chú cảm thấy rất hạnh phúc bởi cái hồn nghề khắc chữ đã được phổ biến hơn đến các nước khác. Chứ không phải riêng ở Sài Gòn. Và theo chú người sống bằng nghề khắc chữ sống rất tình cảm, không quan trọng giá trị món quà mà là cả tấm lòng, tâm huyết dồn hết vào các nét chữ uyển chuyển.

  Người đàn ông 35 năm giữa đất Sài Gòn với 'nghề muôn năm cũ' - Ảnh 11

Chú Dũng sợ những người khách của mình buồn vì đến tìm để khắc chữ mà không có người khắc nên chú vẫn luôn ngồi ở gốc nhỏ Sài Gòn dù trời nắng hay mưa. Ảnh: Ngọc Nhiên

Cứ thế, dù trời nắng hay mưa chú Dũng - người nghệ sĩ khắc chữ lưu niệm vẫn luôn ngồi lặng lẽ ở một gốc phố nhỏ Sài Gòn để chờ người đến thuê khắc chữ. Mặc cho dòng người đang chen chút nhau với cuộc sống xô bồ, ồn ào,... chú vẫn mãi đam mê với cái chữ mà đã trót theo.

                                                                     Theo: nguoiduatin.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.459.943
Tổng truy cập: