NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Cưa lọng, chạm bút lửa- dấu ấn của người Đà Lạt
(Ngày đăng: 26/11/2015   Lượt xem: 450)

Cùng với sự hình thành và phát triển của TP Đà Lạt, nghề cưa lọng, chạm bút lửa đã theo chân cư dân các vùng miền về đây lập nghiệp và phát triển trở thành những nghề thủ công truyền thống mang đậm dấu ấn rất riêng của người Đà Lạt.

Nghề chạm bút lửa ở Đà Lạt xuất hiện từ những năm 1950. Người đầu tiên phát hiện ra nghệ thuật chạm bút lửa là ông Bùi Văn Dưỡng, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Năm 1973, ông Châu Văn Nghiêm-một chủ cửa hiệu thủ công mỹ nghệ cũng là một họa sĩ chuyên vẽ màu lên các mặt hàng thủ công bằng gỗ đã nghiên cứu sáng tạo ra nghệ thuật chạm tranh bằng bút lửa. Nguyên liệu được sử dụng trong nghề chạm bút lửa là các loại gỗ bạch tùng, lồng mứt, gỗ tạp, gỗ sồi, gỗ thông... là những loại gỗ sáng màu, mịn và có độ cứng vừa phải, trong đó chủ yếu là gỗ bạch tùng.

Công cụ của nghề chạm bút lửa cũng đơn giản chỉ là một ổn áp biến điện từ 220v sang 12v được gắn với một cây bút lửa tự chế bằng dây may so với ngòi đồng và một cái quạt để quạt khói khi ván bị bút điện đốt cháy. Trong quá trình thao tác để tạo sản phẩm, khác với nghề cưa lọng, nghệ nhân chạm tranh bằng bút lửa có thể không sử dụng bàn vì họ có thể đặt tấm gỗ trên đùi, một tay giữ tấm gỗ, một tay cầm bút điện để “vẽ’’ lên trên tấm gỗ. Công đoạn vẽ thường bao gồm các bước: Phác thảo tranh rồi khắc phần chính của tranh, sau đó khắc các chi tiết (phần khắc này chỉ thực hiện với những tác phẩm phức tạp).

Sau đó dùng bút lửa để vẽ theo phác họa hoặc nét khắc. Đặc biệt khi chạm tranh bút lửa đòi hỏi ở người thợ không chỉ sự khéo léo, có khiếu hội họa mà còn rất cần sự nhẫn nại vì cây bút lửa dễ gây cháy sém trong quá trình vẽ. Dưới bàn tay của người thợ, từng đường nét sắc sảo, tinh tế với màu sắc đậm nhạt khác nhau hiện ra. Màu sắc này phụ thuộc vào độ nóng ít hay nhiều từ cây bút lửa tỏa ra. Sức nóng của nhiệt từ đầu bút chạm đến đâu gỗ bị cháy sém đến đó và tạo ra màu nâu. Áp lực của tay người thợ cũng sẽ quyết định đến độ sáng và độ đậm nhạt của bức tranh, ấn mạnh ngòi bút xuống gỗ thì vết cháy có màu đậm, chạm nhẹ vào gỗ có màu nhạt hơn.

Chạm tranh bằng bút lửa.

Nghề cưa lọng ở Đà Lạt có từ trước những năm 70 của thế kỷ XX, do giáo sĩ Gome người Tây Ban Nha mang từ nước ngoài về truyền dạy cho học sinh trường kỹ thuật Lasan Đà Lạt - một trong những trường vừa dạy chương trình phổ thông vừa giáo dục kỹ thuật và hướng nghiệp (nay là trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Lâm Đồng). Sau đó được một số học trò của trường phát huy dựa trên nguồn nguyên liệu gỗ sẵn có ở địa phương là thông và bạch tùng, chẳng bao lâu sau nó đã trở thành một nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng ở Đà Lạt trong thập niên 70 với nhiều sản phẩm được du khách rất ưa thích.

Nguyên liệu gỗ phải được xử lý chống mốc trước bằng cách phơi nắng tự nhiên cho khô, hoặc sấy khô bằng lò sấy ở nhiệt độ vừa phải; xử lý chống mối mọt bằng lưu huỳnh trước khi sử dụng. Công cụ của nghề cưa lọng cũng khá đơn giản gồm có một chiếc cưa nhỏ hình bán nguyệt được làm từ một thanh sắt tròn nhỏ uốn cong với lưỡi cưa bằng thép (lưỡi cưa bằng thép mỏng như một sợi chỉ nối vào hai đầu thanh sắt) cùng với một cái bàn cưa, một con dao sắc và một ít giấy nhám mịn. Để tạo ra một sản phẩm cưa lọng, trước tiên người thợ bào phẳng gỗ, cắt thành nhiều lát có kích thước khác nhau tùy theo yêu cầu của sản phẩm, gỗ có độ dày khoảng từ 3 - 7mm. Sau khi được bào phẳng, mảnh gỗ tiếp tục được mài nhẵn bằng giấy nhám mịn.

Trước khi cưa, người thợ vẽ phác mẫu lên gỗ (nghệ nhân đã thành thạo sẽ cưa theo cảm xúc của mình). Sau khi mẫu gỗ được cưa đứt rời ra, người thợ dùng dao sắc gọt dũa để tạo độ lồi lõm theo hình mẫu, tiếp đến dùng giấy nhám mịn cuộn tròn mài nhẹ các phần cho nhẵn. Công đoạn cuối cùng là dùng keo dán các phần nhỏ và phần được cắt rời lại với nhau để tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh, sinh động. Đôi khi, người thợ còn thổi một lớp PU trắng phủ lên tác phẩm cưa lọng để tác phẩm đó có độ bóng đẹp và giữ được lâu bền. Các sản phẩm hoàn chỉnh sẽ được đặt lên trên nền gỗ để mộc hoặc được trang trí bằng bút lửa, sau đó có thể lồng khung kính hoặc được đặt trên nền nhung đỏ để làm nổi bật và tăng tính trang trọng.

Các sản phẩm của nghề cưa lọng, chạm bút lửa Đà Lạt chủ yếu là các loại tranh chân dung, tranh phong cảnh, tranh thư pháp và đồ lưu niệm... Hầu hết những sản phẩm này đều mang văn hóa đặc trưng của Đà Lạt và vùng đất nam Tây Nguyên như tranh phong cảnh chủ đề thường gắn với những thắng cảnh nổi tiếng của Đà Lạt: thác Pren, Cam Ly, hồ Xuân Hương, Thung lũng tình yêu, rừng thông thơ mộng... Tranh chân dung người nổi tiếng như nghệ sĩ, lãnh tụ, tranh dân gian như mục đồng thổi sáo, đồng quê được du khách yêu thích. Đây là những nghề thủ công độc đáo và tinh xảo đòi hỏi người thợ có năng khiếu hội họa và bàn tay khéo léo. Một yếu tố không thể thiếu trong các tác phẩm cưa lọng và chạm bút lửa là cảm xúc, tình yêu đối với quê hương, cuộc sống với những giá trị nhân văn tốt đẹp. Vì thế các tác phẩm cưa lọng, chạm bút lửa không chỉ đơn thuần là mặt hàng lưu niệm mà còn là sản phẩm văn hóa quảng bá cảnh đẹp của thiên nhiên, con người Đà Lạt cho du khách trong và ngoài nước. Có thể nói, nghề cưa lọng-chạm bút lửa đã gián tiếp góp phần vào việc quảng bá “thương hiệu du lịch” Đà Lạt thông qua các sản phẩm.

                                                                                                       Theo: cadn.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.466.272
Tổng truy cập: