NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Y Thim giữa hồn cồng chiêng Tây Nguyên
(Ngày đăng: 31/07/2015   Lượt xem: 907)
Nghệ sĩ Y Thim Byă (sinh năm 1966, buôn Ea Bông, xã Cư Ea Buar, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) được biết đến như một “giám đốc bảo tàng”, người say mê tiếng chiêng, tiếng trống, luôn khát khao lưu giữ gìn văn hóa dân tộc.
Ban nhạc gia đình Y Thim đang biểu diễn phục vụ khách tham quan trong ngôi nhà dài.
Ban nhạc gia đình Y Thim đang biểu diễn phục vụ khách tham quan trong ngôi nhà dài.

“Bén duyên” cồng chiêng

Y Thim sinh ra và lớn lên trong tiếng chiêng Char, tiếng trống H’gơr của buôn làng. Cha ông là thầy thuốc nhưng rất giỏi đánh chiêng. Mỗi lần cha đi biểu diễn, Y Thim lại được đi theo. Niềm đam mê văn hóa truyền thống thấm vào máu thịt Y Thim lúc nào chẳng hay. Y Thim tìm đến các nghệ nhân học cách chơi nhạc cụ và may mắn được truyền dạy cách chế tác ching K’ram (chiêng che), đàn T’rưng, đinh buốt, sáo, đinh năm... Y Thim không chỉ thuộc nhiều bài dân ca, mà còn diễn tấu được hàng chục bài chiêng cổ, biết chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc.

Một lần đi chơi, thấy bà đồng nát gánh lủng lẳng trên vai mấy cái chiêng cũ của đồng bào Ê đê, ông dừng lại hỏi chuyện và cầm lên đánh thử. Tiếng chiêng khá hay, ông năn nỉ mua lại rồi nhờ các nghệ nhân trả lại âm thanh chuẩn cho bộ chiêng. Đi đâu thì thôi, về nhà ông lại lôi ra ngắm nghía, tìm hiểu. Càng tìm hiểu ông càng quý trọng truyền thống văn hóa cha ông để lại. Ông nung nấu ý định sưu tầm nhạc cụ, vật dụng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vừa để thỏa chí đam mê vừa lưu giữ cho con cháu đời sau. Hễ nghe ở đâu có người không muốn giữ lại cái chiêng, cái ché, là Y Thim tìm đến hỏi mua. “Muốn lưu giữ, bảo tồn cổ vật phải thật sự đam mê và dám bỏ tiền ra. Vì thế, mỗi lần mua được bộ chiêng hay cái ché mình đều xem nó như một con người. Ví như có ché quý, phải mang ra nấu rượu mời khách, hoặc bỏ ít gạo vào trong ché, tuyệt đối không bỏ không, vì như thế ché sẽ đói”, ông nói.

Y Thim giữa hồn cồng chiêng Tây Nguyên - ảnh 1
Chiêng, ché quý trong ngôi nhà dài của Y Thim.
Không biết bao lần, Y Thim cùng chiếc máy cày thùng rong ruổi khắp các buôn xa, buôn gần, sang cả các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum để săn lùng “cái hồn văn hóa”. Nửa cuộc đời cần mẫn, đến nay ông đã có bộ sưu tập tại gia đồ sộ.

Bảo tàng nhỏ giữa cộng đồng

Sở hữu trong tay 20 bộ cồng chiêng cổ của các dân tộc Ê Đê, Ja Rai, Bana, Mơ Nông; hàng chục ghế Kpan, hàng trăm vật dụng, và đồ trang sức; dụng cụ săn bắt voi của Vua voi Ama Kông; các bộ nhạc cụ dân tộc và 40 ché túk, ché tang quý… Y Thim được biết đến là người có nhiều chiêng, ché nhất Buôn Ma Thuột. Trong bộ sưu tập ấy, có thứ quý, được đổi bằng mấy tấn cà phê hoặc mua hàng chục triệu đồng. Quý hiếm nhất là bộ 10 chiêng cổ bằng đồng pha vàng có tên là chiêng Lào, kèm trống. Bộ chiêng này có giá trị bằng 20 bộ chiêng Việt. “Năm 1995, nghe nói ở Buôn Đôn có gia đình sở hữu bộ chiêng quý, tôi tìm đến xem. Thấy bộ chiêng, tôi mê quá nhưng gia chủ nhất định không bán. Tôi đi lại hàng chục lần để được ngắm nhìn, thưởng thức âm thanh của nó, gia chủ thấy thế đồng ý đổi bằng 3 con voi đực có ngà. Tôi phát hoảng bởi voi đâu mà đổi, nên dù mê lắm cũng chịu. Về sau, gia chủ biết tôi là người say mê chiêng trống nên đã tìm đến nhà đổi lấy 3 cây vàng”, Y Thim kể lại. Có chiêng quý, ông chọn ngày tốt nhờ bí thư, chủ tịch xã đứng ra làm chứng, tổ chức cúng giàng, rước bộ chiêng về nhà.

Y Thim giữa hồn cồng chiêng Tây Nguyên - ảnh 2
Nghệ sĩ Y Thim, mặc áo thổ cẩm hướng dẫn khách thưởng thức rượu cần men lá.
Không chỉ sưu tầm, Y Thim còn thành lập được đội chiêng gia đình, tổ chức những lễ hội truyền thống như lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu, diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca… Đội chiêng Y Thim gồm con, cháu, thanh niên trong buôn đi biểu diễn ở nhiều chương trình văn hóa lớn trong nước, nước ngoài.

Y Thim công tác tại Phòng nghệ thuật quần chúng Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk. Sau giờ làm việc, ông lại về chỉnh chiêng, chế tác nhạc cụ, dạy lũ trẻ trong buôn chơi đàn, đánh chiêng. Khách tham quan, bạn bè lên Tây Nguyên vẫn chọn gia đình Y Thim làm điểm đến, để được nghe ông kể về các lễ hội truyền thống, phong tục của người Ê đê; được xem đội cồng chiêng gia đình biểu diễn. Các cô gái vừa nhảy múa bên ánh lửa bập bùng vừa châm rượu đầy bình; được ăn cơm lam, cà đắng nấu thịt bò và hiểu hơn cách uống rượu “độc cần” của người Ê đê.

                                                                                              Theo: Tien phong.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.461.634
Tổng truy cập: