NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Nhà điêu khắc Nguyễn Nguyên Hà: Thành thật với chính mình
(Ngày đăng: 20/07/2014   Lượt xem: 531)

Cầu I, đá và inox (ảnh trong bài do nghệ sĩ cung cấp).

Gặp lại anh sau triển lãm cá nhân "Im lặng", gây chú ý đặc biệt trong giới mỹ thuật Hà Nội hồi tháng 9-2013, anh buông câu đầu tiên: Mình đang thất nghiệp đây! Ấy thế nhưng câu chuyện cuốn hút cả hai chúng tôi lại chẳng có mấy hương vị từ sự thất nghiệp đó cả...

Làm vì... phải làm

- Tổng kết của anh về triển lãm điêu khắc cá nhân đầu tiên Im lặng?

- Là không bán được tác phẩm nào (cười).

- Anh bất ngờ với điều này?

- Không. Tôi biết trước. Vì tháng 9 năm ngoái cũng như lúc này, khi ta đang nói chuyện với nhau, tranh còn không bán được thì mơ gì ta bán được tác phẩm điêu khắc.

- Vậy mục đích làm triển lãm của anh?

- Làm triển lãm vì... phải làm, vậy thôi. Sau khi nghỉ việc ở Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (tháng 5 - 2010), tôi tập trung hoàn thành các phác thảo cho triển lãm này. Tôi đến xưởng làm như một công chức mẫn cán, đúng 8 giờ đồng hồ mỗi ngày. Hơn 30 phác thảo, cứ làm rồi đập, cuối cùng còn lại được 11 bức cho triển lãm.

- Làm vì... phải làm, nghe có vẻ bất cần đời vậy anh?

- Tôi nói thành thực là một người làm nghề như tôi thì phải có trách nhiệm với chính mình và nghề nghiệp của mình trước hết. Tôi nói "phải làm" có ý là thế.

Chứ đừng vội khoác cho nghệ sĩ cái tinh thần trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm công dân hay trách nhiệm với nghệ thuật cao vợi... Nếu không có trách nhiệm với chính mình thì sao ai đó có thể có trách nhiệm với xã hội hay cuộc đời chung này?

- Nhưng nghe nói anh tiêu tốn hơn 100 triệu đồng cho triển lãm cá nhân ấy. Biết chắc không thu hồi lại được chút vốn liếng vật chất nào, anh vẫn làm. Tôi cảm thấy có cái gì đó thật mơ mộng trong việc làm này của anh.

- Tôi nghĩ người nghệ sĩ cũng có lúc phải sống ích kỷ, sống cho riêng mình, hoàn toàn làm tác phẩm vì chính cá nhân mình, phải thật thà với chính mình trong nghệ thuật thì mới được. Chứ còn cứ lăn tăn rằng làm cái này liệu có bán được không, được bao nhiêu, liệu chất liệu này có tốn kém quá không,... trong khi vẫn tự nhận mình đang sáng tạo nghệ thuật thì người nghệ sĩ ấy đang vô tình lừa dối chính mình. Chẳng khác gì nói yêu một người mà lại cứ tự hỏi xem anh ta có nhà mặt phố hay không.

- Sự mơ mộng của anh có khiến bà xã buồn không? Vì đến giờ, nhìn theo loe thông thường, một đống tiền ném qua cửa sổ và đổi lại, một đống tác phẩm nằm yên góc nhà, còn anh thì "thất nghiệp"?

- Buồn chứ. Nhưng có loe, cô ấy vẫn giữ hy vọng tôi sẽ bán được tác phẩm của mình một cách đúng nghĩa. Chứ nếu không có hy vọng ấy của bà xã, chắc tôi bị đuổi ra khỏi nhà từ lâu rồi (cười).

Nghệ sĩ đích thực không nên xu thời

- "Không phong cách, không chủ đề, không tư tưởng" - đây được coi là hướng đi trong điêu khắc của anh.

Anh có cực đoan quá không trong bối cảnh làm nghề và sống bằng nghề cũng rất khó khăn như hiện nay và tôi biết là rất nhiều người đang tìm cách uyển chuyển hơn để thích nghi?

- Tôi nghĩ là nghệ sĩ thì không nên xu thời. Khi muốn tham gia một triển lãm toàn quốc thì lựa chủ đề để mong có thể giành giải. Khi muốn xin được tài trợ của một trung tâm văn hóa nước ngoài, cũng phải lựa theo chủ đề nào người ta quan tâm. Tôi thấy như vậy là nghệ sĩ không thành thật với chính mình. Vậy thì mong gì họ thành thật với nghệ thuật để có tác phẩm đúng nghĩa và có đóng góp nào đó cho xã hội...

- Anh hẳn có một quan niệm riêng về "một tác phẩm đúng nghĩa"?

- Tôi nghĩ, ý nghĩa lớn nhất của một tác phẩm nghệ thuật chính là ấn tượng mạnh mẽ của nó với người thưởng thức, làm cho người ta nổi da gà lên. Cấp độ thấp hơn thì làm cho người ta ngạc nhiên, ngỡ ngàng.

- Ở trong nước, có sáng tác của ai từng khiến anh nổi da gà?

- Một người. Anh Trần Hoàng Cơ, cùng lớp đại học với tôi nhưng anh ấy nhiều tuổi hơn tôi. Tôi còn nhớ bức phù điêu làm vòng hoa đám ma của anh - một bài tập thời sinh viên đã khiến tôi rùng mình, quá ấn tượng. Sau này, bức điêu khắc Chim của anh cũng khiến tôi có cảm giác tương tự. Anh Cơ làm điêu khắc hết sức bản năng, ngược hẳn với tôi là một kẻ làm nghề hết sức lý trí. Có loe vì thế mà tôi bị tác phẩm của anh cuốn hút chăng? Anh ấy đến giờ vẫn chỉ làm nghề thuần túy, lặng loe, tự do.

Đến nỗi, có lúc tôi cảm thấy những người làm nghề như anh sắp "tuyệt chủng" đến nơi rồi.

- Thú thật là tôi vẫn khó hiểu cái quyết định nghỉ việc sau 20 năm đi làm cho cơ quan nhà nước của anh. Anh mất bao lâu để cân nhắc giữa một bên là nghề nghiệp của cá nhân anh, một bên là công việc và thu nhập, vì anh cũng có gia đình riêng để phải lo toan?

- Trong giai đoạn làm việc ở Công ty Mỹ thuật Trung ương (1990 - 2006), tôi còn có chút thời gian sáng tác, dù chỉ là "nhỏ giọt" như nhận xét của một người bạn. Nhưng đến khi chuyển sang làm ở Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, tôi không có chút thời gian nào cho việc sáng tác của riêng mình. Suốt hơn ba năm làm ở đó, tôi đã có thể biết soạn thảo văn bản, công văn, giấy tờ nhưng tịnh, không làm được một bức điêu khắc nào.

Tôi mất chừng hai tháng để cân nhắc mọi phía. Bà xã tôi buồn đấy nhưng cũng phải chấp nhận thôi. Tôi may mắn vì có gia đình ủng hộ mình.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có một cái nhà cho thuê để trang trải sinh hoạt nên tôi cũng phần nào yên tâm hơn.

Đôi khi tôi tự giễu mình như một gã "giai phố cổ", có chút điều kiện sống, không phải quá bấn bíu với cơm áo gạo tiền nên lười nhác, ích kỷ.

- Nói vậy chứ anh có vẻ đang thấm cái cảm giác "thất nghiệp"?

- Đúng. Tôi cũng đang phải tính làm một cái gì khác ra tiền hơn, để lo việc học hành cho con. Nhưng gì thì gì, vẫn phải rạch ròi giữa việc làm ăn kiếm sống và việc làm sáng tác cho cá nhân mình.

- Hẳn là không đơn giản chút nào vì nhiều người sáng tác mỹ thuật đã không dừng lại được việc kiếm sống. Họ có thể rất giàu nhưng không còn là người sáng tạo nữa?

- Tôi hiểu điều đó, nhất là chỉ sau hơn ba năm làm công chức mẫn cán ở Cục, quay lại với sáng tác mà tôi mất cả sáu tháng lúng túng. Huống chi một người đã quen tay "làm hàng" rồi thì quay lại sáng tạo thế nào...

- Vậy anh đang tính gì để vượt qua cái cảm giác thất nghiệp này?

- Tôi đang có kế hoạch làm gốm, mục đích rõ ràng là để bán. Coi đây như một công trình làm ăn. Nhưng chỉ một năm thôi và sau đó, tôi lại quay lại làm một "công chức mẫn cán" ngay tại xưởng của mình cho một triển lãm sáng tác mới.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Nguyễn Nguyên Hà, tốt nghiệp khoa Điêu khắc - Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1990. Ngay năm đó, anh giành Huy chương bạc tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc với tác phẩm Thả diều (chất liệu xi-măng). Trong các kỳ Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc và Điêu khắc toàn quốc sau đó, anh đều có giải thưởng. Ba sáng tác của anh: Chịị em (đá, 1990), Nhạn biển (composite, 2000) và Bướm (composite, 1999) đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập.

                                                                                                 Theo: nhandan.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.459.898
Tổng truy cập: