NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Ký sự Làng nghề: Đất và lửa xứ Bắc
(Ngày đăng: 16/06/2012   Lượt xem: 4083)

             Có một người không phải quê ở Bát Tràng, nhưng sản phẩm gốm của anh đã chinh phục được những người kỹ tính nhất. Anh là Thân Văn Xuân. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Bắc Giang, nhưng anh sớm bén duyên với nghiệp làm gốm. “Cái nghề nó buộc lấy mình. Mình tự đến, tự bén duyên và say nghề từ lúc nào không hay!”, anh Xuân chia sẻ.

Thân Văn Xuân hiện làm việc ở xóm 2 thôn Giang Cao, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Anh có may mắn là khi bước vào nghề đã gặp được những người thầy giỏi, như thầy Nguyễn Văn Lợi ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Anh cũng được thầy Nguyễn Văn Y truyền cho ý tưởng về phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Những cơ duyên gặp gỡ ấy đã dẫn dắt anh theo nghiệp làm gốm cổ từ đó.

Xuan Gooms GCao (55).JPG

IMG_0103.JPG

Anh Xuân đang tạo hoa văn trên sản phẩm đã qua tráng men

              Năm 2002, anh Xuân vào Huế làm cho một công ty gốm sứ, chuyên tư vấn, thiết kế để làm các sản phẩm phục cổ. Năm 2003, anh làm việc cùng người bạn nghề là nghệ nhân Nguyễn Văn Hoa trong xưởng của thầy Lợi. Đến năm 2009 - 2010, anh tách ra mở lò riêng của gia đình. Quá trình lập nghiệp, anh được giao lưu với những người có vốn văn hóa truyền thống sâu rộng; được học hỏi với bạn nghề là những người thợ giỏi; được tiếp xúc với những bộ sưu tầm quý... Điều đó khơi dậy trong anh niềm yêu thích với gốm cổ, để rồi anh có những khám phá, thử nghiệm.

             Năm 2010, anh tham gia triển lãm Cúp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với bộ các tác phẩm: Bộ ấm, âu, liễn gồm 10 chiếc mang phong cách Lý - Trần – Lê, Bộ bát âu chạm hoa phong cách Lý, Bộ bát nón, Bình miệng đấu, Thống hoa lam.

IMG_0119.JPG

Bát âu chạm hoa tham gia Cúp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của anh Xuân

                     Từ đây, anh Xuân bắt đầu tập trung sâu hơn tới dòng gốm phỏng theo đời Lý, Trần, Lê... Hiểu được giá trị những nét đẹp của văn hóa truyền thống và trân trọng, muốn góp phần nhỏ của mình vào việc bảo tồn, gìn giữ nên anh đã gây dựng cho mình một thương hiệu riêng: Đất và lửa xứ Bắc. Xứ Bắc được xem là nôi của nền văn hóa truyền thống. Nơi đây tập trung ba trung tâm gốm sứ nổi tiếng là Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng, với những nét đặc trưng rất riêng, không lẫn với vùng gốm nào. Chọn cái tên mang ý nghĩa bao quát này, anh muốn mọi người xem có thể biết, nhận ra được hồn gốm xứ Bắc và thêm hiểu về những giá trị văn hóa dân tộc.

Say mê với những sản phẩm phục cổ, Thân Quang Xuân đã đi khắp nơi để tìm hiểu, mày mò, nghiên cứu và học hỏi thêm về nghề. Với anh, mỗi sản phẩm để làm được đều phải tham khảo kỹ về nguồn gốc, xuất xứ cũng như những giá trị văn hóa vốn có của nó. Trong các dòng men, thì dòng men đời Lý - Trần vẫn là dòng anh tâm đắc nhất, bởi, đây được coi là thời kỳ thịnh vượng của nghệ thuật cũng như kỹ thuật gốm Việt. 

Thời Lý nổi bật là men ngọc. Thời Trần thì hoa nâu, sang thời Lê bắt đầu nổi bật với men lam. Gốm men ngọc (còn gọi là celadon) thời Lý tạo xương gốm mỏng, thanh thoát. Hoa văn trang trí đa phần là hình tượng hoa sen cách điệu. Có ba hình thức trang trí: hoa khắc, hoa in và hoa đắp. Sau khi tạo hoa văn, người thợ nhúng sản phẩm vào men, men đọng lại và tạo ra các hình trang trí rất đẹp. Các màu men khác như men luyn, men ám khói, men nước dưa... đều là do men ngọc qua qua trình đun, qua lửa mà biến tấu mà thành.

 

IMG_0148-001.JPG

Xuan Gooms GCao (41).JPG

Bát chạm hoa men ngọc theo phong cách Lý

Đời Trần là thời cực thịnh của gốm hoa nâu, gốm nền nâu hoa trắng hay nền trắng hoa nâu là những dòng thuần của gốm Việt, không lẫn với một loại gốm nước ngoài nào. Sản phẩm gốm hoa nâu có hình dáng đầy đặn, chắc khỏe, phù hợp với lối khắc, lối tô mảng to mảng nhỏ sâu nông tùy ý, và trên nền rất thoáng. Đề tài trang trí rất gắn bó với thiên nhiên và cuộc sống: tôm, cá, voi, hổ, hoa sen, hoa súng… Chỉ một màu nâu mà tạo ra nhiều sắc thái, không đơn điệu.

IMG_0112.JPG

Thạp nền trắng hoa nâu được trang trí với họa tiết là sen dây

Gốm hoa Lam phát triển thịnh nhất vào thời Lê, đặc biệt với dòng gốm Chu Đậu. Dòng gốm hoa lam thời kỳ này còn được xuất khẩu ra nước ngoài, tạo thành con đường gốm sứ trên biển. Gốm hoa lam thường trang trí dưới men, nhưng không khắc vạch, và chỉ vẽ lối nhẹ nhàng như thủy mạc với lối vẽ phóng bút trên các lọ hoa, chân đèn, bát đĩa to hoặc nhỏ.

IMG_0133.JPG

Đĩa hoa lam với họa tiết kỳ lân dẫn mây

IMG_0140.JPG

Đĩa mộc chưa lên màu

Hoa văn trang trí thời kỳ này thường là rồng, phượng, kỳ lân, mây, hoa sen, hoa cúc dây...

Anh Xuân cho biết, để có màu men đẹp, điều cần thiết phải có cốt xương gốm tốt. Thông thường xương gốm là đất sét có pha hỗn hợp phụ liệu riêng cho từng mục đích của ý tưởng, nhưng nếu là gốm cổ thì cần pha thêm một số nguyên liệu quý  để điều chỉnh gia giảm màu sắc và độ chảy khi nung. Việc phục chế được một màu men hay sản phẩm vì thế không phải là vấn đề đơn giản đối với người thợ gốm, đặc biệt với những người thợ trẻ và việc tìm được các phụ gia rất cần thời gian và công sức cộng tiền bạc (để chế thử và điều chỉnh chất lượng men, màu men ).

IMG_0152.JPG

Thạp nền vàng hoa trắng theo phong cách cổ

Chẳng hạn, để tạo được cốt xám, loại cốt thường được dùng vào triều Lý, anh đã phải vào tận Thanh Hóa để mày mò, tìm hiểu. Màu men do anh làm đều là men tự nhiên, không có hóa chất; được để nguyên bản theo như dòng gốm cổ, thể hiện sự mộc mạc mà vẫn mang hồn gốm mới. Bên cạnh đó, cách chọn nguyên liệu và cách đốt sao cho đúng công thức thủ công truyền thống chính là điều quan trọng để tạo ra được những sản phẩm ưng ý.

Là người thợ vuốt giỏi, toàn bộ sản phẩm của anh đều do chính bàn tay anh làm. So với người đi trước, sản phẩm của anh được các thầy của mình công nhận là đã thấy được cái hồn của gốm xưa, có những bước đột phá riêng.

Xuan Gooms GCao (13).JPG

Xuan Gooms GCao (26).JPG

Xuan Gooms GCao (33)-001.JPG

Xuan Gooms GCao (31)-001.JPG

 Có một điểm đặc biệt trong kỹ thuật làm gốm của Xuân là nhiệt độ đun lò bao giờ cũng cao, thường ở 1250°C. Sản phẩm vì thế chắc, đanh, không bị xốp. Quy trình thường làm theo lối cổ nên từ cốt xương đã chảy, không cần phải tráng men trong mà không bị thấm nước.

- Thương hiệu Đất và lửa xứ Bắc bao hàm định hướng, mong muốn cũng như dự định của mình. Nhiều người Việt không biết rằng dân tộc mình có một ngành nghệ thuật thuần nhất, phong phú, kéo dài nhiều trăm năm và rất được yêu chuộng bởi các nhà sưu tập trên thế giới. Trong những năm qua đã mình đã cố gắng tìm hiểu và nghiên cứu, tích lũy cho mình những nền tàng văn hóa cần thiết để có thể thử nghiệm với những dòng gốm cổ này. Càng tìm hiểu thì lại càng say mê hơn và nhận rõ hơn giá trị của nghệ thuật tạo hình cổ truyền Việt Nam; càng cảm thấy bứt rứt, vì sao trong những món đồ ấy lại vừa mang vẻ đẹp nghệ thuật, vừa ẩn chứa những kỹ thuật sáng tạo lại vừa chứa đựng cả dòng diễn tiến của văn hoá truyền thống... Và mình muốn phấn đấu để tiếp nối truyền thống đó!

Anh Xuân luôn tâm niệm, có được như ngày hôm nay, ngoài những nỗ lực của bản thân thì sự chỉ bảo tận tình cũng như những giúp đỡ của các thầy, của anh em bạn nghề trong xã chính là động lực lớn nhất. Anh tự nhủ, trên bước đường đi của mình, bản thân còn phải cố gắng nhiều nữa. Chúc mừng thành công bước đầu của anh, chúng tôi hẹn anh vào một dịp gần nhất để cùng tâm sự sâu hơn với anh về nghề và những dự kiến sắp tới của anh.

Trang Nguyên

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.462.988
Tổng truy cập: