TỔ NGHỀ
Làng chiếu ở Quảng Bình
(Ngày đăng: 29/07/2011   Lượt xem: 539)
 - Con đường bê-tông từ trung tâm huyện lỵ chạy dài về Lộc Thủy vương vất hương lúa. Hương thơm quyến rũ lạ. Lúa từ ngoài đồng, ngoài bãi gặt xong, tuốt xong, kéo xe bò về, thảng hoặc chở bởi công nông phơi tràn ra cả lề đường, no đủ.

(Theo Báo Nhân dân ĐT - 05/04/2010) - Con đường bê-tông từ trung tâm huyện lỵ chạy dài về Lộc Thủy vương vất hương lúa. Hương thơm quyến rũ lạ. Lúa từ ngoài đồng, ngoài bãi gặt xong, tuốt xong, kéo xe bò về, thảng hoặc chở bởi công nông phơi tràn ra cả lề đường, no đủ.   Tôi thích nhất là lúc lúa trổ đồng và dậy thì con gái. Hương lúa cứ phả ra nồng ấm, quấn quýt lấy con người như mơn trớn mời mọc. Mỗi mùa lúa đến tôi cứ hà hít các mùi thơm ấy của đất đai ruộng đồng căng phồng lồng ngực mình. Có người bảo ruộng mất người nông dân như mất đi từng khúc ruột của mình. Quả vậy.   Tôi về hợp tác xã An Xá (Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) cũng vào một ngày mùa đổ về như thế. Nguyễn Ðình Tuấn - bạn tôi, là Chủ nhiệm hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, nói oang oang qua điện thoại: "Cứ về đi, có anh Sơn, Phó chủ nhiệm ở nhà tiếp mi. Tau giờ đang ở Ðồng Hới. Có chi anh Sơn làm việc với mi, yên tâm đi". Tôi thấy chạnh lòng. Trời đất, thằng cha ni chi lạ. Lần hẹn nào cũng bảo bận là răng? Hay nó nghĩ chỗ bạn bè với nhau làm việc thì dễ làm cho người ngoài nghĩ khác? Tôi suy nghĩ vất vơ, chưa biết nguyên nhân của những lần bận rộn của nó, quyết đi.   Trụ sở Hợp tác xã mới khang trang hai tầng còn nguyên mùi vôi vữa. Ðầu giờ chiều nhưng đã mở cửa, tôi đoán chắc có người, mạnh dạn bước vô.   - Ôi chà, lâu ngày quá hè?   - Cũng hơi lâu - Tôi trả lời người đàn ông có dáng người thấp, đậm, chắc chắn, tiếp chuyện mình. Và hỏi: Anh nhớ em không?   - Nhớ chớ răng không?   - Nhớ răng?   - Ngày xưa chú mi vô nhà eng để viết bài về eng đó chi nữa.   Tôi bảo, anh Sơn nhớ lâu thiệt. Anh em có gặp nhau mới một lần mà có tới bốn năm năm rồi vẫn không quên. Tôi nhớ vào năm 2005, chào mừng Ðại hội Ðảng bộ huyện Lệ Thủy lần thứ 21, Báo Quảng Bình có đặt tôi viết bài gương sáng đảng viên để đăng vào số báo đặc biệt, thế là tôi tìm đến Sơn. Quen nhau, tìm hiểu mới biết Sơn là một nông dân thực thụ, sản xuất giỏi lại là một đảng viên, phù hợp với đề tài quá còn gì. Hằng năm, Bùi Hữu Sơn làm hơn 40 ha lúa, gạo thu về nhiều vô kể, lãi hằng năm hơn 150 triệu đồng.   Anh Sơn chỉ cho tôi xem tấm bằng công nhận làng nghề truyền thống của làng An Xá được treo trang trọng trên tường với dòng chữ in đậm, to, rõ, dễ đọc và bắt mắt, khá ấn tượng: "Làng nghề chiếu cói An Xá". Tôi nghĩ thầm,   Nhà nước giờ mới công nhận An Xá là làng nghề truyền thống là chậm. Mà thảng hoặc có không công nhận đi chăng nữa thì người An Xá cứ phải ra đồng, ra bãi, cứ phải trồng đay, trồng cói, se sợi, dệt chiếu để bán kiếm tiền. Ðơn giản vậy thôi. Người ta cứ quăng quật với lúa, với cá, với đay, với cói trên đồng ruộng năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác, mùa này qua mùa khác và quần tụ với nhau nơi vùng đất cuối cùng của dòng sông Kiến trước khi chạy dài về phía biển. Nơi đó truyền thuyết xưa nổi tiếng với việc người đàn bà làm nghề trồng lúa, trồng đay, trồng cói, sớm tối với đồng ruộng để mưu sinh, nhưng tràn đầy lòng hâm mộ môn bơi chải truyền thống trên sông Kiến Giang. Ngặt nỗi, trai tráng trong vùng vô tận, vô cùng vậy mà An Xá chẳng có khi nào về nhất. Bà giận lắm. Người ta đi xem bơi về thì lại hồ hởi vui vẻ ra mặt, còn bà thì buồn thúi ruột, thúi gan. Bà buồn, bà tức thì biết vậy thôi chứ làm răng được. Ðàn bà con gái thì làm răng mà xuống được đò để cầm cái chầm để bơi về đích? Người đàn bà ấy đi qua bao mùa mưa nắng, bao mùa lúa, mùa chiếu với sự ấm ức trong lòng. Năm ấy, lễ hội bơi đua lại diễn ra. Bà hăng hái đi cổ vũ. Ðò về đến An Xá - hạ tiêu để quay về đích - dẫn đầu đoàn đua là trai tráng của các làng khác trong vùng. Nhờ có "mẹo nhỏ" của bà, trai tráng An Xá thừa thế xông lên. Ðò An Xá thừa thế xé nước đi tới, vòng qua vùng hạ tiêu, băng băng dẫn đầu về đích trong sự hãi hùng, thầm thán phục của bao nhiêu con người vùng sông nước. Quả là lợi hại, quả là anh hùng khó qua ải mỹ nhân! Năm đó, làng An Xá quyết định nêu gương, khen thưởng bà, nhưng bà không nhận. Bà đã tự nguyện làm việc ấy để giúp trai tráng trong làng bơi được về nhất. Và năm đó An Xá đã ghi được tên mình vào danh sách bảng vàng thành tích bơi đua của huyện Lệ Thủy. Từ đó trở đi, năm nào thuyền An Xá cũng là một trong những thuyền được xếp vào loại có thành tích cao. Người An Xá xem bà như là người hùng của làng, đã giúp làng đi qua được cái "dớp" lận đận thi thố tài năng. Khi bà chết, người dân An Xá đã làm một cái miếu để hương khói thờ bà. Miếu đó được đặt trên một mô đất bằng phẳng, ở gần cuối hạ tiêu, đầu làng An Xá, gọi là miếu Bà Lỗ. Hằng năm, cứ mỗi dịp đò bơi An Xá xuống nước thì miếu Bà Lỗ đều nghi ngút khói hương, như nhắc nhở trai bơi An Xá cần phải cố gắng hơn nữa để giành vị trí cao hơn trong thi đấu. Nó cũng như liều thuốc tinh thần để trai làng An Xá mạnh mẽ đi lên...   Ngày nay, An Xá là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, với mô hình phát triển một nền kinh tế nông nghiệp toàn diện. Chăn nuôi, trồng trọt như những vòng xuyến quay tròn người nông dân với đất. Lúa, cá, lợn, gà, ngan ngỗng đủ cả, thứ gì cũng có. Ðặc biệt là ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Doanh thu từ nghề dệt chiếu đã đưa lại cho An Xá mỗi năm gần 1,5 tỷ đồng, chưa kể các nguồn lợi khác mà ngành nông nghiệp An Xá mang lại. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp với bảy khâu dịch vụ cho bà con nông dân doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Tôi không sợ quá lời khi nói rằng người nông dân làm ruộng thời nay của An Xá sướng lắm, nhàn nhã lắm! Giống lúa có hợp tác xã đứng ra cung ứng, phân bón bà con mua từ hợp tác xã, tưới tiêu, bảo vệ đồng, thuốc trừ sâu, lồng, cày bừa... hợp tác xã làm hết, đảm nhiệm hết - anh Sơn kể. Người dân chỉ lấy giống lúa về bắc mạ hoặc ủ giống để đi cấy hoặc gieo thẳng và công đoạn này chỉ mất khoảng 10 ngày. Mỗi vụ gặt cũng chưa tới 10 ngày là xong, nhưng lúa thì nhà nào nhà nấy hàng chục tấn chứ không ít. Thời gian rỗi rãi, người nông dân lại ngồi với sợi đay, sợi chiếu, cật cạ làm thêm, mỗi ngày cũng kiếm được 80 đến 120.000 đồng, quả là nguồn thu hấp dẫn. ..   Anh Sơn còn dẫn viện theo sử sách rằng người dân An Xá có được nghề truyền thống này là do tổ tiên. Vào đầu thế kỷ thứ 15, các ông Ngô Quý Công và Trần Quý Công cùng một số đinh tráng từ Thanh Hóa vào vùng đất mới xứ Lâm Bình để sinh cơ lập nghiệp. Các ông chọn vùng hạ lưu phía hữu ngạn con sông Kiến Giang tính kế định cư lâu dài. Doi đất này liền kề với phá Hạc Hải là nơi có sẵn loại cây hoang dại, mọc từng khóm, thân hình đũa, không có mắt, vỏ mầu xanh óng ả, ruột trắng xốp, có cây cao tới 1,7 đến 1,8 mét nằm rải rác trên các bờ hói, bờ lệch, các cồn bãi quanh phá, có đám dày đặc kín đất. Các ông biết đó là thứ tài nguyên quý hóa trời ban. Ở Thanh Hoá gọi nó là cây cói, phải trồng, chăm bón công phu mới có. Còn trong này gọi là cây lác mọc tự nhiên, cứ việc lấy về dùng. Thế là cùng với việc khai phá ruộng, người ta hình thành thêm nghề dệt chiếu. Cái làng mới này có tên là làng Kẻ Thá. Chẳng bao lâu nghề dệt chiếu của làng Kẻ Thá thành món hàng đặc trưng, nổi tiếng khắp đó đây. Kẻ Thá tức là An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy ngày nay.   Từ xa xưa, chiếu An Xá đã trở thành vật dùng phổ biến trong các gia đình. Nó phục vụ cho con người từ khi mới lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Trẻ con thì dùng chiếu chẹ, chiếu hôống ít trữ nước đỡ bị ướt dầm. Khi mới lập gia đình có đôi chiếu cưới, kẻ nghèo khó khi qua đời dùng chiếu làm áo quan. Chiếu An Xá theo người buôn chuyến vào Ðông Hà, Quảng Trị, theo đò dọc về chợ Chè, chợ Côộc, Ðồng Hới, Hoàn Lão... nổi tiếng cả trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng đến giai đoạn làm ăn tập thể, việc quản lý hợp tác xã gặp nhiều khó khăn bởi cơ chế tập trung bao cấp, nghề dệt chiếu ở đây mai một dần. Rồi đập Mỹ Trung chắn ngang sông Kiến Giang làm thay đổi môi trường vùng Hạc Hải, cây lác bị tàn lụi, nghề dệt chiếu cũng mất theo. Mãi cho đến khi có đường lối đổi mới, kinh tế gia đình được chú trọng, người An Xá nghĩ đến nghề truyền thống với sự nuối tiếc, trăn trở. Dệt chiếu là nghề gia truyền, các tay thợ giỏi vẫn còn nhưng nguyên liệu không kiếm đâu ra nữa. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê, gợi ý nên trồng nguyên liệu, ý tưởng này phù hợp với Nghị quyết của Ðảng, vậy là người dân đồng lòng chuyển số ruộng ngoài vùng, cấy lúa năng suất thấp sang trồng lác. Một sự đổi mới tư duy, khó khăn ban đầu cũng rất ghê, nhưng hồn nghề đã thấm sâu vào trong máu thịt của dân làng rồi, gặp thời cơ là nó bùng lên thôi. Năm 1998, An Xá bắt đầu trồng lác và ngay từ vụ đầu kết quả đem lại rất khả quan: trồng lác thu lợi gấp nhiều lần trồng lúa. Từ đó diện tích lác cứ được mở rộng dàn ra đến gần chục mẫu. Thế là nghề truyền thống lại được hồi sinh. Vấn đề người đông, ruộng ít, dư thừa lao động phải đi làm ăn xa, được giải quyết dần. Lác trồng mỗi năm thu ba vụ, nguyên liệu trữ sẵn trong nhà. Ngày mưa tháng gió, lúc nông nhàn... chẳng bao giờ thiếu việc. Chiếu giúp cho đời sống ổn định. Lác thành cây xóa đói giảm nghèo. Có gia đình đã mở hướng kinh doanh thuê mướn công nhân sản xuất hàng chiếu thu lãi. Chiếu An Xá được tung ra thị trường. Khách hàng so sánh với chiếu nhập ngoại thấy nó có nhiều ưu điểm: bền hơn nhờ cây lác và sợi tra tốt, đường biên chắc chắn, cây tự nhiên có sự hòa hợp âm dương tạo cảm giác thoải mái hơn chiếu làm bằng sợi hóa học. Nó nhẹ nhàng thuận lợi lúc dọn dẹp, quét xuốc, không nặng nề kềnh càng như chiếu tre... Thế nhưng chiếu An Xá chưa thật hấp dẫn về hình thức, nó đơn điệu vì chỉ có mầu lác tự nhiên được phơi trắng. Ðể tăng thêm giá trị, An Xá cử người về cội nguồn Nga Sơn, Thanh Hóa học cách in hoa. Chiếu in thêm hoa làm tăng giá trị lên gấp đôi, gấp ba lần chiếu trắng. Nó không chỉ có ở sự siêng năng, cần cù mà cần phải có học thức, có trình độ thẩm mỹ nữa ...   Ôi chao! Ngồi nói chuyện chiếu An Xá thì cả ngày cũng không hết. Anh Sơn dẫn tôi "mục sở thị" một vòng quanh làng. Tiếng máy se đay, se sợi nghe đều đặn, vui tai. Vào nhà nào cũng thấy không khí tấp nập, nhộn nhịp. Những đôi tay của các cô gái thoăn thoắt, dẻo dai, uốn lượn theo những đường kim. Dệt chiếu như con người ta dệt hạnh phúc vậy. Ngoài kia nắng xuân đang tràn về. Những chiếc chiếu hạnh phúc sẽ đến khắp nơi, neo giữ bao tâm hồn người. Gió xuân làm xao động cả một khúc sông. Những cây năn, cây lác đung đưa, hòa quyện vào với gió, nghe một mùa màng, no đủ, an lành.

(Theo Báo Nhân dân ĐT )

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.458.729
Tổng truy cập: