TỔ NGHỀ
Du lịch đồng bằng sông Cửu Long đỏ mắt tìm hàng lưu niệm
(Ngày đăng: 09/09/2012   Lượt xem: 1537)

Hàng lưu niệm cho khách du lịch chất chứa văn hóa Việt, giá trị Việt. Trong khi đó, theo nhận xét của du khách đến ĐBSCL, “đặc sản nhiều lưu niệm thì ít”. Một thị trường lớn đang để ngỏ.

  • Nhỏ lẻ, rời rạc

Chuẩn bị kết thúc Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VIII, ban tổ chức giao Cần Thơ, đơn vị đăng cai, chuẩn bị một số phần quà tặng các đơn vị tham gia. Chọn quà gì để khi ra về khách vẫn lưu luyến Cần Thơ? “Nghĩ nát cả óc vẫn chưa ra”, một cán bộ ngành VH-TT-DL Cần Thơ kể lại. Cuối cùng có người đưa ra ý kiến mua sách hoặc ảnh về cây cầu Cần Thơ. Con đường Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng có hàng chục cửa hàng bán đồ lưu niệm nhưng hỏi mua sản phẩm mang dấu ấn địa phương chỉ nhận được cái lắc đầu, vì chỉ bán hàng Sài Gòn.

Hàng lưu niệm từ vỏ dừa của tỉnh Bến Tre. Ảnh: TH.NHẤT

Làng du lịch Mỹ Khánh, một điểm du lịch hút khách nhất Cần Thơ cũng bày bán khá nhiều sản phẩm lưu niệm nhưng chủ yếu lấy từ Bến Tre, Tiền Giang hay tận Nha Trang, Tây Nguyên. Ông Lê Văn Sang, Giám đốc Làng du lịch Mỹ Khánh thừa nhận: Cần Thơ hiện đang rất “nghèo” về quà lưu niệm dù Sở VH-TT-DL đã nhiều lần nhắc nhở các doanh nghiệp du lịch phải tạo ra những món quà lưu niệm riêng của mình.

Công bằng mà nói hầu như tỉnh nào ở ĐBSCL cũng đã có một số sản phẩm lưu niệm du lịch. Ông Trần Kim Đính, Giám đốc Công ty TNHH Thông tin lữ hành Mekong (Metinfo) dẫn chứng: Cà Mau có tranh vỏ tràm; An Giang tranh lá thốt nốt, thổ cẩm Chăm và Khmer; Kiên Giang vỏ ốc xà cừ, đồi mồi; Sóc Trăng tranh vỏ trái bắp, khay đựng trầu, rổ nhỏ, xà ngom, ghe ngo; Vĩnh Long có giỏ lục bình, đồ gốm; Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) có dược liệu quý sản xuất từ rắn và trăn như cao trăn, cao rắn, rượu rắn... Tuy nhiên, theo ông Trần Kim Đính, ngoại trừ hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang đưa ra một số sản phẩm lưu niệm được chế biến từ vỏ dừa khá độc đáo, hầu hết các sản phẩm đó vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa phong phú; mẫu mã, chủng loại sản phẩm còn đơn điệu, không sắc nét và hợp với nhu cầu của thị trường…

Năm 2012, chỉ tính đến tháng 7, khách đến ĐBSCL đã đạt gần 13 triệu người. Doanh thu toàn ngành đạt trên 2.600 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng thị trường hàng lưu niệm vẫn trống vắng, bỏ ngỏ. Lỗ hổng này đi ngược lại xu hướng mua sắm hàng lưu niệm ngày càng gia tăng ở du khách quốc tế. Mua ngay tại nơi sản xuất để lưu dấu một chuyến đi, đóng góp trực tiếp cho những người làm ra sản phẩm. Đồng thời làm mất đi khả năng tiếp thị, nét hấp dẫn văn hóa bản địa, làm giảm tính cạnh tranh của chính địa phương đó.

Du khách xem hàng lưu niệm làm từ mây tre lá của ĐBSCL.

  • Mang giá trị Việt đi khắp 5 châu

Một trong những yếu tố hấp dẫn du khách và làm họ nhớ mãi về một vùng đất mình đã đi qua chính là quà lưu niệm. Đây còn là “chiêu” để du khách phải bỏ thêm hầu bao trong một chuyến đi du lịch. Dự án OTOP (One Tambon One Product: mỗi làng nghề một sản phẩm) Chính phủ Thái Lan triển khai từ năm 2001 đã cho thấy hiệu quả.

Tại thủ đô Bangkok hay tham quan Chathaburi hoặc ngược lên tận Chiang Rai, Chiang Mai giáp biên giới Myanmar du khách đều bắt gặp sản phẩm lưu niệm được bày bán rất phong phú, đa dạng kích cỡ, kiểu dáng, chất liệu, giá cả phù hợp lại tinh tế, mang đậm văn hóa bản địa. Việc tổ chức lại các làng nghề truyền thống ở Thái Lan đã tạo ra giá trị nhiều mặt. Bảo tồn và khai thác, nâng cao kỹ năng tay nghề nghệ nhân, gìn giữ văn hóa truyền thống, tạo công ăn việc làm ở nông thôn, ngăn chặn làn sóng di cư vào đô thị, tạo ra sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm du lịch.

Khách Tây Âu rất thích đồ sơn mài. Khách Nhật rất thích tranh thêu. Khách Mỹ mê đồ mỹ nghệ bằng gỗ, tre, rơm… Vì sao đồ thủ công mỹ nghệ Việt Nam xuất khẩu rất tốt sang những thị trường này nhưng khi họ du lịch Việt Nam lại “rụt rè” mua chính những sản phẩm đó và càng không thể mang với số lượng lớn về làm quà tặng bạn bè? Hình như chúng ta vẫn còn ít kinh nghiệm trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị làng nghề truyền thống, văn hóa cư dân bản địa và xóa đói, giảm nghèo ở vùng nông thôn.

Các làng nghề không chỉ để tham quan mà phải gắn chặt, tạo ra sản phẩm du lịch. Khơi dậy, phát triển hàng lưu niệm du lịch cũng góp phần phát huy được thế mạnh làng nghề ĐBSCL. Trong khi hiện nay người thợ cũng mới chỉ để ý đến kỹ thuật, sản xuất theo ý thích bản thân hoặc rập khuôn theo truyền thống mà chưa có sự sáng tạo và tìm hiểu thị hiếu của khách du lịch. Ngoài ra, chúng ta vẫn chưa rạch ròi trong phân khúc thị trường, vẫn nặng về hàng tặng, biếu (nên lớn cả kích cỡ lẫn giá tiền) trong khi mặt hàng phục vụ tiêu dùng phải khác mặt hàng phục vụ du lịch.

Hiện Hiệp hội Du lịch ĐBSCL (MDTA) và Sở VH-TT-DL Cần Thơ đang phối hợp tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm và quà tặng cho khách du lịch với nguyên liệu đặc thù tại ĐBSCL đạt các yêu cầu an toàn, tiện lợi, bền, dễ sản xuất hàng loạt; có giá bán phù hợp (không quá 100.000 đồng Việt Nam) với mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách.

Theo : ( SAIGON online ) VŨ THỐNG NHẤT

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.459.197
Tổng truy cập: