TỔ NGHỀ
Từ đứa trẻ kéo quạt thành ông tổ nghề báo
(Ngày đăng: 21/12/2016   Lượt xem: 870)

Nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh.

Tài không đợi tuổi

Nguyễn Văn Vĩnh chào đời tại 46 phố Hàng Giấy, Hà Nội ngày 15/6/1882 trong một gia đình lao động nghèo.

Tám tuổi phải đi làm thằng nhỏ kéo quạt cho trường Thông ngôn của Pháp  ở đình Yên Phụ. Ngồi cuối lớp kéo quạt, nhưng bé Vĩnh vẫn chăm chú nghe giảng, rồi nói và viết được tiếng Pháp. Thầy Hiệu trưởng Đac-giăng-xơ chú ý và cho phép cùng thi tốt nghiệp sau ba năm học. Nguyễn Văn Vĩnh đỗ thứ 12  khi mới 11 tuổi nên được đặc cách nhận vào học chính thức, được học bổng để theo học khóa tiếp theo (1893-1895) và đã đỗ thủ khoa khóa học này. Mới 14 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh đã làm Thông ngôn ở tòa sứ Lào Cai, sau chuyển về Tòa sứ Hải Phòng rồi Bắc Giang.

Thời gian này, Nguyễn Văn Vĩnh làm cộng tác viên cho tờ Courrier d’Hải Phong (Thư tín Hải Phòng) và tờ Triburier Indochinois (Diễn đàn Đông Dương). Công sứ Bắc Giang Hô- zê đánh giá rất cao tài mẫn tiệp và khả năng nói tiếng Pháp của Vĩnh nên đặc cách bổ nhiệm làm Chánh văn phòng. Khi Hô- zê được cử về làm đốc lý Hà Nội, Vĩnh cũng được về theo. 

Bắt đầu lập nghiệp

Dưới thời Toàn quyền Bô, ông Nguyễn Văn Vĩnh trở thành sáng lập viên của Hội Trí tri, và Trường Đông Kinh nghĩa thục. Ông cũng là người sáng lập Hội Dịch sách, Hội Giúp đỡ người Việt sang Pháp du học. Năm 1906, Nguyễn Văn Vĩnh cùng Hô-zê sang Pháp lo việc tổ chức và quản lý gian hàng Bắc Kỳ tại Hội chợ thuộc địa mở ở Mac- xây. Được tận mắt nhìn thấy nền văn minh phương Tây, Nguyễn Văn Vĩnh đã nuôi sẵn tinh thần bài bác hủ tục phong kiến để canh tân đất nước theo con đường tư bản. Nhưng ông đặc biệt quan tâm nghề in và nghề làm báo.

Về nước, ông từ chức ở Phủ Thống sứ để ra làm báo và làm nghề in. Nguyễn Văn Vĩnh được mời biên soạn và in ấn tờ Đại Nam đồng văn nhật báo (Tờ báo hàng ngày của nước Đại Nam chung một văn tự) vốn đã ra đến số 722 nhưng mới chỉ là một tờ công báo. Năm 1907, đổi tên là Đăng cổ tùng báo (Tập báo khêu đèn gióng trống) do Nguyễn Văn Vĩnh làm Chủ tịch và viết bài bằng ba thứ chữ: Chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Nôm. Khi Đông Kinh nghĩa thục bị đóng cửa, Phan Châu Trinh bị bắt, ông đã ký tên cùng bốn người Pháp đòi Chính quyền thực dân thả Phan Châu Trinh. Ông bị Toàn quyền Đông Dương gọi lên đe dọa.

Từ năm 1906 đến 1931, ông sáng lập và làm chủ bút nhiều tờ báo, tạp chí.

Năm 1932, dự họp Hội đồng Kinh tế và tài chính Đông Dương ở Sài Gòn, Nguyễn Văn Vĩnh thay mặt giới doanh nghiệp phản đối việc chuyển đồng tiền Đông Dương từ ngân bản ra kim bản vị vì có lợi cho ngân hàng Pháp và có hại cho Đông Dương. Đang họp thì có trát của Tòa án đòi tịch biên gia sản vì ông thiếu nợ, do vay tiền dựng tòa soạn báo An Nam Nouveau. 

Ảnh chụp năm 1919, Ban Biên tập báo Trung Bắc Tân Văn, tờ Nhật báo đầu tiên của lịch sử báo chí Việt Nam. Các thành viên BBT chụp nhân dịp ông François-Henri Schneider chuyển nhượng toàn bộ cơ sở của tờ báo ở 24 – 26 phố Orleans (nay là Phùng Hưng) Hà Nội, cho Nguyễn Văn Vĩnh. (Nguyễn Văn Vĩnh thứ 3 từ phải qua). (Ảnh: sưu tầm). 

Trở lại tay trắng

Theo bà Suzanne (vợ thứ 3) của Nguyễn Văn Vĩnh thì ông là người vạm vỡ, khỏe mạnh, sống rất điều độ, sáng nào cũng tập thể dục 30 phút, trời nắng cũng như trời mưa. Ông không hút thuốc phiện, không uống rượu, chỉ hút thuốc lào và thích đánh tổ tôm. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1936, Nguyễn Văn Vĩnh thất bại, tất cả sự nghiệp đã cầm cho Crédit Foncier bị tịch thu. Đầu tháng 2/1936, ông sang Lào để tìm vàng với người bạn Pháp là Clémenti, một công dân Pháp có đồn điền cũng đang bị phá sản. Mục đích đi Lào là đào vàng về trả nợ!  Một tháng sau, ông về Sê-pôn vì bệnh sốt rét - uống thuốc kí ninh và đã hết sốt. Tháng 4-1936, ông về Hà Nội, được tin Tòa xử “bị tù vì nợ”, ông bằng lòng ở tù để có thì giờ viết văn, nhưng bà Suzanne không muốn chồng phải cảnh lao tù nên khuyên ông trốn tránh. Một tháng sau, bà nhận điện tín từ Sê-pôn báo tin ông chết.

Cái chết của Nguyễn Văn Vĩnh

Sáng sớm ngày 1/5/1936, ông Clémen đưa Nguyễn Văn Vĩnh xuống thuyền độc mộc trở về định ghé Sê-pôn chữa bệnh (mỏ vàng cách Sê-pôn ba ngày đường sông). Trên thuyền ngoài ông Clémenti, có một người hầu và một người tài xế tên Ngọc. Sáu giờ chiều ngày 1/5/1936 về đến làng Ban San Khup, ông Vĩnh trút hơi thở cuối cùng trên chiếc thuyền độc mộc ở giữa sông Sê-băng-ghi, trong tư thế nằm ngửa, một tay cầm cuốn sổ, một tay cầm cây bút. Chiếc thuyền đưa xác ông về Sê-pôn và được tẩn liệm tại đây. Ngày 2/5, nhận được điện tín, nhưng ngày 5/5/1936, bà Suzanne mới lên đến Lào với người con trai tên Nguyễn Giang (con vợ cả). Xin được phép mở quan tài. Thi hài đã có mùi, mặt đen kịt và tóp lại không nhận ra, chỉ nhận được cái sẹo ở trên đầu nên mới chắc chắn là chồng bà. Ngày 6/5/1936, quan tài được đưa về đến Hà Nội. Các nhà báo ba miền và rất đông người đưa tang dưới dòng chữ: “Kính viếng Ông tổ của nghề báo”.

Sự tôn vinh xứng đáng sau hàng chục năm

Trong bài “Nguyễn Văn Vĩnh với sự nghiệp báo chí quốc ngữ những năm đầu thế kỷ 20” trên báo Văn nghệ Việt Nam ngày 18/6/2011, có đoạn: “Khi được tin ông Vĩnh qua đời, một biển người ước lượng 12.000 người đã đến dự lễ chật cả quảng trường trước nhà ga Hàng Cỏ đến đầu phố Gambetta (Trần Hưng Đạo ngày nay) nơi linh cữu ông được đưa từ Lào về. Đám tang không có kèn trống, nhưng không một trái tim nào không rung lên những xúc động. Hầu như mọi tầng lớp nhân dân từ trẻ đến già, từ nhà quê đến tỉnh thành đều ngưỡng mộ ông. Ai cũng muốn tiễn biệt ông lần cuối cùng người đã có công sáng lập nền báo chí An Nam và tiễn biệt người chiến sĩ chiến đấu không mệt mỏi cho sự phát triển chữ Quốc ngữ nước nhà.”.

Từ Điển Văn Học bộ mới, NXB Thế Giới tháng 10/2004, các tác giả đã đánh giá cao về  học giả Nguyễn Văn Vĩnh: “Nguyễn Văn Vĩnh là một nhân vật quan trọng của buổi giao thời chủ trương theo mới. Theo Nguyễn Văn Vĩnh, người Việt muốn bước mau trên đường tiến hóa thì phải thâu thái lấy những tư tưởng mới, mà muốn cho những tư tưởng mới truyền bá khắp dân gian thì phải đem những sách Âu Tây dịch ra quốc văn. Cho nên dịch là một phương tiện để ông thực hành đường lối canh tân của mình. Tính theo số lượng dịch phẩm và cả những bước cải tiến làm cho câu văn dịch tiếng Việt uyển chuyển thì cho đến trước cách mạng tháng Tám ông vẫn là người giữ giải quán quân” (Vũ Ngọc Phan).  Nguyễn Văn Vĩnh là người nhiệt thành với chữ quốc ngữ, nên trong bài Đề tựa bản dịch Tam quốc chí của Phan Kế Bính dịch năm 1907, Nguyễn Văn Vĩnh viết một câu bất hủ: “Nước Nam ta mai sau này, hay hay dở cũng ở như chữ quốc ngữ”.

Theo giáo sư sử học Phan Huy Lê: “Nếu đánh giá Nguyễn Văn Vĩnh mà chỉ dừng lại ở việc Cụ là thủy tổ của làng báo tiếng Việt, là người có công phát triển chữ quốc ngữ và là nhà dịch thuật thì chưa đầy đủ và thỏa đáng. Điều xứng đáng hơn và cũng là đóng góp lớn nhất của Cụ chính là về tư tưởng. Đó là một trong những nhà tư tưởng dân chủ của Việt Nam mang tính khai sáng. Cụ cũng là người biết dùng văn học và văn hóa để thấm sâu vào lòng người, truyền bá những tư tưởng tiến bộ vượt thời đại. Với người chủ soái của nền văn hóa sử dụng chữ quốc ngữ này, tiếc rằng đã có giai đoạn lịch sử bị nhìn nhận sai lệch”.

Nguyễn Văn Vĩnh có ba người vợ với 16 đứa con. Trong số đó, Nguyễn Dực (thứ 10), sinh năm 1921, người có công trong việc xây dựng Đài tiếng nói Việt Nam. Ông Dực có người con trai tên Nguyễn Lân Bình, đã bỏ ra nhiều công sức và kinh phí để sưu tầm và in 13 tập sách trong bộ sách “Lời người Man di hiện đại” gồm  những bài báo, sáng tác và dịch thuật của Nguyễn Văn Vĩnh. Năm 2006, đã hơn 50 tuổi, Nguyễn Lân Bình hợp tác với Nghệ sĩ Ưu tú, đạo diễn Trần Văn Thủy, quay bộ phim tài liệu lịch sử 4 tập dài 200 phút “Mạn đàm về người Man di hiện đại”về cuộc đời và sự nghiệp của ông Nguyễn Văn Vĩnh, quay ở 7 thành phố lớn ở Việt Nam, ở Pháp, và Lào. Năm 2012, bộ phim chiếu ra mắt, được khán giả hoan nghênh, giúp mọi người hiểu đầy đủ về hoạt động và tư tưởng yêu nước của Nguyễn Văn Vĩnh. 

Sau 80 năm qua đời, những việc làm có ý nghĩa to lớn đối với đất nước của nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh đã được trả về vị trí xứng đáng trong lịch sử dân tộc. Ở quận Tân Bình, có một con đường mang tên Nguyễn Văn Vĩnh. Hà Nội, nơi sinh ra ông và trưởng thành cùng những hoạt động chính của ông, nên có một con đường xứng đáng với cống hiến của ông cho thế hệ sau noi theo.

                                                                                                     Theo: daidoanket.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.461.762
Tổng truy cập: