Ai
cũng biết, chiếu cói Lật Dương, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng nổi
tiếng từ thế kỷ XVII về độ mịn, độ mềm, bền, đẹp được thị trường rộng
lớn ưa chuộng. Nhưng đó là chuyện ngày xưa. Kể từ khi xóa bao cấp, một
loạt doanh nghiệp xuất khẩu bỗng dưng "chết ngất" khiến hàng cói Lật
Dương dù tốt đến mấy cũng không còn đầu ra, kéo theo sản xuất đình đốn,
làng nghề đìu hiu.
Đến thời kỳ đổi mới, nhu cầu tiêu thụ chiếu cói trong
nước tăng mạnh, canh cửi trong làng lại rộn vang, những cánh đồng trũng
lại mướt xanh màu cói. Nghề truyền thống hơn 400 năm này đã tạo công ăn
việc làm cho 352 hộ trong làng với doanh thu 10-12 tỷ đồng/năm. Nhưng
điều mà các bô lão trong làng lo ngại lại thuộc khía cạnh khác.
|
Đồ mộc Kha Lâm, chiếu cói Lật Dương muốn bán được mượn danh thương hiệu khác. |
Cho đến giờ, chiếu bán ngược xuôi khắp mọi miền nhưng
không một ai mua nó lại biết xuất xứ từ Lật Dương. Mỗi ngày xuất hàng
nghìn chiếc nhưng thương lái không cho in thương hiệu Lật Dương mà phải
dập khuôn từ logo, chữ nghĩa, hoa văn theo đúng kiểu chiếu Đậu của Thái
Bình, của các làng nghề khác tỉnh như Hải Dương, Thanh Hóa...
Vì miếng cơm manh áo, vì sự tồn tại của cả làng nghề,
giờ không ai trong làng Lật Dương dám táo bạo ghi tên sản phẩm theo đúng
thương hiệu của mình nữa. Thật ngậm ngùi đau xót. Gọi là bán mình cho
thương hiệu khác cũng đúng, gọi sản xuất hàng giả, hàng nhái thương hiệu
cũng không sai.
Thế nhưng đâu chỉ có chiếu cói Lật Dương mới chịu kiếp
"bán mình". Làng mộc Kha Lâm (phường Nam Sơn, quận Kiến An) cũng có
truyền thống lâu đời; chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã, độ tinh xảo đồ mộc
gia dụng, mỹ nghệ, đồ thờ tự không hề thua kém các thương hiệu lớn đang
được ưa chuộng.
Song bàn ghế, giường, tủ, khán, ngai... làm ra tại Kha
Lâm đem đi chào bán rất khó. Trong khi đó, ở tại nội thành Hải Phòng,
hiện mọc lên hàng trăm xưởng, cửa hàng đồ mộc tại các tuyến đường phố
lớn như Nguyễn Văn Linh, Văn Cao, Tô Hiệu... Một điều khá lạ: tất cả sản
phẩm đều mang xuất xứ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Hà Nội, Bắc Giang...
Để tồn tại giữ lấy nghề, nhiều xưởng mộc ở Kha Lâm
buộc phải chấp nhận gia công thô cho các thương hiệu mạnh nêu trên hoặc
nhập sản phẩm thô của họ để chế tác, chạm khắc và đánh bóng theo đúng
"gu" đồ mộc Đồng Kỵ. Cũng có trường hợp khách đặt hàng hoàn chỉnh với số
lượng lớn nhưng lại yêu cầu các chủ xưởng ở Kha Lâm phải tìm cách hợp
lý hóa trong hóa đơn chứng từ là hàng mộc Bắc Ninh rồi mới mua…
Đặc biệt, ngay cả thương hiệu đúc kim loại Mỹ Đồng
(huyện Thủy Nguyên) vốn rất mạnh, rất nổi tiếng với 150 doanh nghiệp,
tổng giá trị sản phẩm mỗi năm hàng trăm tỷ đồng cũng phải nhiều phen
thực hiện những lô hàng ngay tại làng Mỹ Đồng nhưng lại mang danh các
làng nghề khác ở Nam Định, Thái Bình. Nhìn chung, đó cũng là khái niệm
tương đồng với kiểu làm hàng giả, hàng nhái thương hiệu.
Theo Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng, hiện chỉ có sản
phẩm đúc kim loại ở Mỹ Đồng (huyện Thủy Nguyên) và thuốc lào Tiên Lãng
được… "chỉ dẫn địa lý". Nhưng như thế vẫn chưa đủ vì cho đến nay các
làng nghề này vẫn chưa đăng ký được nhãn hiệu sản phẩm. Và như vậy chưa
thoát thai cách làm ăn nhỏ lẻ, manh mún.
Phát triển, giữ gìn giá trị của các làng nghề truyền
thống là chủ trương lớn của TP Hải Phòng đề ra từ hàng chục năm qua.
Nhưng trên thực tế thì chưa bao giờ thành phố có chiến lược bài bản để
đầu tư phát triển, quảng bá thương hiệu. Cứ cách làm này, làng nghề sẽ
không còn, sản phẩm truyền thống mai một. Không có nó, hoặc có nhưng
không có thương hiệu, thương hiệu không mạnh, không uy tín sao còn gọi
làng nghề?