Người làm gốm cuối cùng
Xưởng làm gốm của ông Trịnh Đắc Tân, người làm gốm cuối cùng của Thổ Hà, nằm ở một góc nhỏ ngay bên cạnh đình làng và phía sau Đoan Minh Tự, ngôi chùa cổ nhất vùng sông Cầu. Mới đến cổng, chẳng ai nghĩ đây là một xưởng gốm, nếu không nhìn thấy dòng chữ "hợp tác xã gốm sành Thổ Hà" đã bị bong tróc hết. Mặt tiền thì bị trưng dụng để làm nơi phơi than, với khung cảnh tiêu điều không hề cho thấy một dấu hiệu nào rằng xưởng gốm vẫn còn hoạt động.
Và buồn thay, nó không còn sản xuất nữa thật.
"Tôi nghỉ làm gốm đã một năm nay rồi," Ông Tân thở dài khi nghe chúng tôi hỏi về xưởng gốm, tay vẫn tỉ mỉ tráng bánh đa nem, cái nghề không được truyền thống lắm nhưng mang lại cuộc sống khá giả cho Thổ Hà. Khắp sân nhà ông Tân cũng chỉ toàn là nguyên liệu làm bánh đa, khác xa với trí tưởng tượng của tôi về những khuôn hình, đất sét, bàn xoay thường thấy ở những nhà làm gốm.
Ông Tân tâm sự, nghỉ làm gốm là do bất khả kháng, chứ ông vẫn muốn khôi phục lại cho bằng được nghề gốm Thổ Hà. Một phần là ông vẫn còn thấy mê, một phần là ông tin gốm Thổ Hà chắc chắn sẽ mang lại "bạc tỷ" cho mình.
"Hồi mới đi bộ đội về, thấy nghề làm gốm của làng chết dần, tôi nảy sinh ý định này, do nhận định gốm Thổ Hà có khả năng sinh lời lớn. Từ đó, tôi bắt đầu mon men đến các nghệ nhân trong làng để học hỏi về kĩ năng làm gốm, "Ông Tân nói.
Ông kể, phải mất đến 5 năm ông mới học được hết các ngón nghề làm gốm từ các cụ cao niên.
"Cái khó nhất là tính chuyên môn hóa của nghề gốm Thổ Hà rất cao, nên mỗi nghệ nhân chỉ nắm được một hoặc vài công đoạn. Thế cho nên tổng hợp lại quy trình sản xuất gốm xưa của làng mất rất nhiều thời gian. Tôi thấy tự hào là người duy nhất ở đây nắm được toàn bộ quy trình sản xuất đó."
|
Ông Trịnh Đắc Tân-Người làm gốm cuối cùng của làng Thổ Hà. Ảnh: Khắc Giang |
Những nỗ lực hết mình đã giúp ông xây dựng được một hợp tác xã làm gốm vào năm 2005. Tuy nhiên, khi đi vào sản xuất thì hợp tác xã lại gặp nhiều vấn đề trúc trắc, khiến sản phẩm ra đời không được như ý muốn: sản phẩm hư hỏng nhiều, chi phí cao, và không có nguồn cầu ổn định. Năm năm làm gốm, cả nhà ông đầu tư đến mấy tỷ đồng, nhưng thu lại thì không được bao nhiêu, thậm chí còn bị lỗ.
"Vẫn còn may là vợ con tôi không phải đi ăn mày," Ông Tân trầm ngâm kể lại.
Năm ngoái, chính quyền xã quyết định thu hồi số đất ông thuê (của nhà chùa) làm xưởng gốm để xây trường học, trong sự bức xúc của ông Tân, bởi ông bảo có chịu lỗ vài năm nữa để mạo hiểm với nghề gốm thì ông vẫn làm, miễn là chính quyền trao cơ hội.
"Làm vậy chẳng khác nào dồn tôi và nghề gốm và bước đường cùng," Ông Tân phàn nàn.
Quá khứ không trở lại
Trao đổi với trưởng thôn của làng, ông Cáp Trọng Việt, ông tỏ ý không bằng lòng với thái độ bất mãn của ông Tân khi chính quyền thu hồi mặt bằng sản xuất của xưởng gốm.
"Thời hạn cho thuê đất đã hết, cho nên việc thu hồi là đúng theo quy định, "Ông Việt nói. Ông còn cho biết thêm, chính quyền thôn và xã đã rất tạo điều kiện để ông Tân khôi phục lại nghề gốm, nhưng trải qua hơn 5 năm sản xuất mà nó vẫn chưa cho thấy hiệu quả.
"Tôi thì không tin ông Tân làm được đâu. Đến con trai ông ấy còn không theo nổi, phải bỏ dở xưởng gốm để làm bánh đa nem nữa là. Nhưng nếu ông quyết tâm, chính quyền vẫn sẽ giúp ông tìm mặt bằng sản xuất ở địa điểm khác,"
Ông bảo, chẳng có người con nào lại muốn cái nghề của làng bị thất truyền, nhưng làm gì cũng phải "thực tế." Bởi với cuộc sống hiện nay thì không có chỗ đứng cho gốm Thổ Hà nữa.
|
Xưởng gốm hoang tàn của ông Tân hiện nay. Ảnh: Khắc Giang |
"Ngày xưa chưa có đồ nhựa, đồ gốm sứ Trung Quốc, với lại đồ kim loại, người ta còn dùng đồ gia dụng bằng sành, sứ, chứ bây giờ nhan nhản như vậy thì sản phẩm làm ra có ai mua,"
Chỉ tay ra mấy cái chum, vại cổ ở ngoài sân, ông Việt chia sẻ rằng đó là gốm Thổ Hà xịn mà ông phải đi mua gom lại ở khắp nơi trong vùng Kinh Bắc, nhằm giữ lại chút gì đó gọi là kỉ niệm của cha ông.
"Trong làng này thì chẳng còn mấy gốm Thổ Hà nữa, mà có thì họ cũng giữ chứ chẳng bán cho ai," Ông Việt phân trần.
Ai làm cho khói lên trời...
Cụ Trịnh Đắc Cường là một trong những người hiếm hoi còn sót lại của lứa nghệ nhân làm gốm cuối cùng của đất Thổ Hà. Dù năm nay đã 86 tuổi và thôi làm gốm hơn hai thập kỉ, cụ vẫn hết sức say sưa khi kể chuyện về nghề gốm.
"Sản phẩm gốm sành của Thổ Hà rất bền, cứng, chum vại khi gõ vào có tiếng kêu như chuông, không bao giờ ngấm nước như đồ gốm của Phù Lãng. Sản phẩm không tráng men và phải có màu cánh gián đặc trưng khi xuất lò. Nhưng thế thì sản xuất cũng lâu công và đòi hỏi sự khéo léo cao hơn nhiều. Ví như đồ gốm tráng men của Bát Tràng thì cần lò nung 1000 độ là đủ, còn của Thổ Hà thì phải 1300 độ, mà phải đun bằng củi và cỏ, nếu không sẽ bị vỡ, méo mó, bọp bẹp ngay," Cụ Cường nói.
Cụ kể rằng ngày xưa làng chỉ sống bằng làm gốm, và cũng chỉ có nhờ có nghề này mà làng xây được ngôi đình "to bậc nhất vùng." Cách đây ngót nghét 60 năm thì gốm Thổ hà vẫn còn được giá, nhà nhà làm gốm, người người làm gốm. Nhà nào giàu thì có hai lò nung, mỗi lò cao xấp xỉ bằng "19 cái tiểu xếp chồng lên nhau," nhà nào nghèo cũng phải có một lò nung của họ hành chung nhau.
Đến khi giải phóng miền Bắc, cải tạo tư sản, cả làng bị gom trong "công tư hợp doanh" để lao động. Phần là do thời thế đổi thay, phần là do quản lý kém, gốm Thổ Hà đi xuống từ giai đoạn đó. "Đến khi đất nước đổi mới thì hợp tác xã làm gốm cũng tự giải thể," Cụ Cường nhớ lại.
Cũng như bác trưởng thôn, cụ Cường cho rằng nghề gốm là không thể khôi phục nổi, do sản phẩm đã lỗi thời với thời đại.
|
Lò nung của ông Tân được trưng dụng để phơi bánh đa nem. Ảnh: Khắc Giang |
"Tôi cũng có cậu con trai đề nghị đầu tư làm lại nghề gốm của gia đình, nhưng tôi không đồng ý," Cụ kể.
"Gốm Thổ Hà chủ yếu là phục vụ sinh hoạt hàng ngày, bây giờ người ta có sẵn các loại tương tự mà bền, rẻ hơn nhiều, sao mà cạnh tranh nổi. Có rổ rá nhựa thì ai dùng rổ tre nữa."
"Mong ước lớn nhất của tôi," Cụ nói. "là làm lại được một cái lò nung để gìn giữ nghề và cho khách du lịch tham quan thôi, chứ còn sản phẩm thương mại thì khó lắm."
Thế nhưng mong ước đó của cụ cũng không phải là dễ thực hiện, bởi hầu hết những người nắm vững kĩ thuật làm gốm xưa đã không còn nữa, hoặc vào độ tuổi không còn đủ minh mẫn.
"Thời thế nó vậy thì cứ phải vậy chứ biết làm sao," Cụ thở dài khi nói đến nguy cơ thất truyền của nghề gốm sành Thổ Hà.
Còn với ông Trịnh Đắc Tân, mặc cho cái tiếng là "gàn", vẫn tuyên bố sẽ trở lại và làm giàu bằng được bằng nghề gốm.
"Bây giờ tôi chỉ như con gấu ngủ đông thôi. Cuối năm nay khỏe thì tôi sẽ lại tiếp tục chiến đấu,"
Ông bộ đội phục viên khẳng định như đinh đóng cột khi chia sẻ về những kế hoạch phát triển trong tương lai, những thị trường mà sản phẩm gốm của ông sẽ hướng đến, và cả những công nghệ ông tự xây dựng để làm cho lò nung hiệu quả hơn.
Thời gian đã làm tàn phai dần nghề gốm, và cũng chỉ có nó mới chứng minh được liệu ông Tân có hồi sinh được nghề gốm từ cõi chết trở về hay không.