Đời phu đá Đời nữ phu Để tìm hiểu về cuộc sống mưu sinh của những phu chẻ đá, từ quốc lộ 22, chúng tôi chạy tới ven chân núi, đoạn phường Hiệp Ninh (thị xã Tây Ninh). Tới một bãi tập kết đá, dưới trời nắng khá gay gắt, lố nhố mấy chục người bịt mặt mũi kín mít đang hì hục đục đục, gõ gõ trên những phiến đá màu xanh xám. Những tiếng kêu chát chúa vang lên khiến tôi phải cố gắng lắm mới nói chuyện được. Công việc chính của những phu này là chẻ đá. Nghĩa là, từ những tảng đá to hàng chục tấn lấy trên núi về, sau khi được những chiếc máy gắn mô-tơ xẻ thành những phiến nhỏ, họ sẽ phải làm nhẵn những phiến đá này bằng thủ công. Tranh thủ lúc nghỉ tay uống nước, chúng tôi hỏi chuyện chị Trần Thị Phấn, được biết: Năm nay chị 43 tuổi, có hai con đang học dưới thành phố, gia đình ở xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu) nhưng ngày nào cũng chạy xe sang bên này chẻ đá thuê, kiếm tiền. Mỗi ngày, chăm chỉ lắm cũng chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng. Công việc rất nặng nhọc, nguy hiểm bởi, để những viên đá xanh kia có được hình dáng vuông vức hay bầu dục, phải trải qua hàng ngàn nhát đục đẽo mà tất cả công việc lại làm bằng tay một 100%. Đàn ông nhiều lúc còn nản lòng vì cơ cực chứ nói gì đến những người phụ nữ "chân yếu tay mềm”. Những tai nạn nghề nghiệp như trầy tay, dập móng, chảy máu hay mạt đá bắn vào mắt xảy ra như cơm bữa và đã thành quen với những phu đá này. Tuy nhiên, đó không phải là những rủi ro duy nhất mà các phu đá phải đối mặt bởi nguy hiểm nhất chính là bụi đá-kẻ thù dấu mặt của đời phu. Được biết, những công nhân làm việc ở môi trường có bụi đá độc hại như này rất nguy hiểm vì dễ mắc bệnh ung thư. Bằng chứng, hơn 20 người làm nghề đục, đẽo đá quanh khu núi Bà Đen trên địa bàn tỉnh đã nhiễm bệnh ung thư. Một con số rất đáng báo động. Buồn hơn là số phận của nữ phu Đặng Thị Hồng ở xã Phan (huyện Dương Minh Châu). Năm nay chị Hồng mới 31 tuổi nhưng đã có thâm niên làm nghề chẻ đá này 11 năm. Suốt ngày chỉ lo kiếm tiền nuôi 3 đứa con nhỏ nên nhìn chị cữ ngỡ như người phụ nữ đã chạm tuổi ngũ tuần. Cách đây 4 năm, chồng chị Hồng bị tai nạn khi đang chẻ đá, dập một bàn tay. Sau khi phẫu thuật, bàn tay ấy đã không còn. Nhiều lúc đi làm, nghĩ đến tai nạn thương tâm của chồng, chị bỗng rùng mình. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh, vì những gánh nặng áo cơm, chị phải nuốt nước mắt làm việc. Giờ, ngoài những công việc nhẹ nhàng ở nhà, anh không còn giúp đỡ gì chị nhiều những công việc nặng nhọc. Nhìn đôi bàn tay gầy guộc cầm cái búa và chiếc đục sắt mà chúng tôi ái ngại cho chị. Kéo chiếc khẩu trang che mặt xuống thấp một chút, chị Hồng cười buồn, làm riết rồi cũng quen các chú à. Lúc anh ấy mới bị tai nạn, tôi tưởng mình gục ngã. Nhìn những phiến đá cứ trơ ra mà rớt nước mắt tưởng như bất lực. Nhưng, không làm, lấy gì nuôi chồng, nuôi con. Dần dà, những phiến đá đã biết ‘nghe lời' chị để hình thành những viên đá nhỏ có kích thước và hình dáng nhất định. Thông thường, một viên đá có kích thước bề rộng (50x80) chiều cao 30 cm sau khi hoàn thành, được trả công khoảng 12.000 đồng. Theo đó, các khối đá có hình dáng gần như vậy được máy xẻ ra nhưng phải cần những bàn tay thủ công đục đẽo để chúng nhẵn nhụi hơn và phù hợp với sở thích của người tiêu dùng. Vì vậy, những người chẻ đá này nếu chăm chỉ một ngày có thể đẽo được chục viên, một thu nhập cũng tạm ổn cho những lao động nghèo nơi núi đồi hoang vắng này. Chị Hồng đang đục đá Bệnh tật bủa vây Nhìn những dãy núi sừng sững, những tảng đá xanh khổng lồ đến các viên đá xếp ngay ngắn chờ đưa lên xe mang đi mới cảm nhận hết công việc của những người phu đá. Như chị Hồng vừa nói, nhiều lúc đục mà búa và dùi sắt cứ chuội đi vì đá quá cứng, không theo ý mình, có lúc còn bật ngược lại, chảy máu như chơi. Đấy là còn chưa kể có khi chóng mặt, sây sẩm vì phải cúi từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều. Ngoài những tai nạn nghề nghiệp thì, nếu làm phu đá chừng dăm năm lưng sẽ còng, không thẳng được nên khó có thể nào làm nghề gì nếu không tiếp tục chẻ đá nữa. Tai nạn nghề nghiệp và bệnh tật kinh niên cứ ngấm dần vào người thợ đá lúc nào không hay. Nhiều lúc nghĩ đến cái nghề của mình mà rơi nước mắt nhưng vẫn phải tiếp tục làm, bởi xung quanh chân núi Bà Đen này toàn đá là đá, ngoài chẻ đá còn biết làm gì. Ngoài ra, còn một lý do nữa mà nhiều người cố bám vào phận phu đá vất vả này. Đó là, với những người nghèo không phải bỏ vốn liếng gì, công cụ chỉ vài thanh sắt, cái búa đinh mà thôi. Quan trọng là lấy công làm lãi, sáng đi, tối về cũng có khoảng 120.000 đến 150.000 ngàn. Không lo mất mùa, hạn hán hay lũ lụt sâu bệnh gì như những người nông dân khác. Có lẽ, chính vì nhẽ ấy mà nghề phu đá này thu hút được khá nhiều lao động địa phương trong vùng. Và ven chân núi Bà Đen, ở các địa bàn khác của huyện Dương Minh Châu, Tân Châu, thị xã đều có nhiều cơ sở che đá với hàng chục lao động tấp nập mỗi ngày. Quy trình làm đá, đa phần chủ đều dùng chất nổ lấy đá khối lớn từ những sườn núi sau đó dùng xe đưa về xưởng. Tại đây, ‘đội quân' phu đá bắt đầu có nhiệm vụ chẻ đá tảng thành những viên nhỏ, nhiều hình dạng kích thước. Anh Bùi Tất Thành, một chủ xưởng bảo, dân thành phố bây giờ họ thích những viên đá chẻ như vậy để trang trí, xây dựng. Nếu dùng máy cưa phẳng lì thì chỉ có thể xây móng chứ không làm tường trang trí được. Phải chẻ đá bằng thủ công mới thấy được vẻ đẹp cầu kì cũng như sự tinh xảo, tự nhiên của đá. Vì thế, nghề chẻ đá ngày một thu hút nhiều lao động địa phương tại đây. Xa xa, đỉnh núi Bà Đen vẫn ngạo nghễ là mái nhà cao nhất miền Đông Nam bộ với hàng ngàn du khách lên núi cầu nguyện điều may mắn, an lành và phú quý. Ở đây, dưới chân núi, những phu đá vẫn mệt mài với công việc muôn thủa của mình. Không biết, có bao giờ họ tự hỏi, bà Chúa linh thiêng trên đỉnh cao vời kia sao không cứu giúp họ, những phận người nghèo khổ ngay dưới chân Bà. ĐOÀN XÁ - daidoanket.vn
|