Chúng tôi phải về làng nghề giày
da Phú Yên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội lần này, vì mấy lý do không thể
cưỡng được. Trước hết là dạo chơi “phố” Hàng Giày mới xuất hiện ở làng,
kéo dài tới 1km chạy dọc con lộ 75, từ cầu Giẽ đi Vân Đình. Sau đó còn
được chiêm ngưỡng một chiếc giày rất khủng, dài gần 3m, đã từng đạt kỷ
lục trong cuộc thi “Tạo mẫu thiết kế giày” với chủ đề “Nhịp bước thời
đại”, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Còn nữa, giá bán giày ở
đây rẻ hẳn, nghe nói giảm tới 1/3, thậm chí có đôi còn rẻ tới một nửa,
so với hàng được bày bán ở phố Hàng Dầu, hay ở mấy cửa hàng trong nội
thành.
Chuyện bên chiếc giày kỷ lục
Tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Như Diên, Phó Chủ tịch Hội
Giày da Phú Yên, sôi nổi kể lại thời kỳ tập trung những người thợ giỏi
trong làng thi công đóng chiếc giày khổng lồ này, để đi dự thi. Lúc đó
không mấy ai nghĩ là cánh thợ của làng làm nổi, vì tìm đâu ra tấm da để
làm mũ giày lớn đến thế, với kích thước, dài 2,72m, rộng 1,1m, cao 1,3m
theo bản thiết kế.
Thế là anh em thợ mở một cuộc kiếm tìm, lặn lội đi
khắp nơi, hàng tháng trời để mua được một tấm da bò lớn. Ắt hẳn đó phải
là một bò rất khủng mới có bộ da to đến vậy. Trong nước không thể có,
cuối cùng cuộc săn lùng vươn tới nguồn hàng từ châu Phi, mới thành công.
Tiếp sau đó là việc đặt thửa chiếc đế giày, cũng là điều bất ngờ đối
với cánh thợ từ làng quê vùng chiêm trũng này... Nhưng rồi mọi chuyện có
thể bắt đầu. Đó là mấy tháng, gần như cả làng thao thức cùng với cuộc
hành quân theo cuộc thi “Nhịp bước thời đại”, đúng như ngày nào cả làng
vào chiến dịch bắn rơi máy bay Mỹ từ ụ súng trên cầu Giẽ, vào những năm
từ 1968 đến 1972.
Câu chuyện giữa chúng tôi giờ đây, bỗng hiện lên những
ký ức cùng với những con số không tưởng từ xã Anh hùng lực lượng vũ
trang này. Những máy bay “Con ma”, “Thần sấm” đã bị dân quân du kích ở
đây bắn rơi, cho dù ngày đêm chúng đã trút xuống cầu Giẽ của làng tới
11.460 trái bom và 99 tên lửa. Chúng muốn đánh gục cây cầu của làng mà
không được. Cầu Giẽ vẫn vững vàng đưa những đoàn xe ngày đêm đi vào
chiến trường miền Nam. Cầu Giẽ vẫn hiên ngang như một thách thức với đạn
bom của giặc Mỹ. Mặc cho máu rơi, bom nổ, những tay súng của Phú Yên
vẫn nhằm quân thù mà bắn. Các ụ súng liên tục nhả đạn làm máy bay Mỹ
không thể tiếp cận bắn trúng chiếc cầu của làng vượt qua sông Nhuệ. Cuộc
chiến thật ác liệt đúng với nghĩa các anh hùng bảo vệ cửa ngõ Thủ đô.
Nơi đây, cách trung tâm Hà Nội chỉ hơn 40km, và lại là
con cầu đầu tiên từ Hà Nội đi về phía Nam, nên kẻ địch càng điên cuồng
đánh phá ác liệt. Bom chất bom, đạn chồng đạn, nhưng máy bay giặc Mỹ
phải cam chịu thất bại, 20 máy bay đã bị bắn rơi. Chính khí thế chiến
đấu của quân và dân ta ở đây đã tạo nguồn cảm xúc cho nhạc sĩ Nhật Lai
sáng tác ca khúc “Hà Tây quê lụa” với giọng hát của NSND Quốc Hương ngày
nào vẫn còn ám ảnh lòng người: “Hà Tây cửa ngõ Thủ đô/ Cô gái suối Hai/ chàng trai cầu Giẽ/ Ngăn bày giặc Mỹ vẩn đục bầu trời...”.
 |
|
Dường như câu chuyện thu hút chúng tôi không còn chỉ ở
đôi giày khổng lồ nữa mà về những người thợ, con cháu của những người
anh hùng thuở nào. Họ làm đôi giày vì danh dự và khẳng định gương mặt
của một làng nghề đã định hình hơn 100 năm, từ những ông thầy nghề của
làng như Nguyễn Lương Nghé, Nguyễn Lương Mạc, Lê Văn Giầu, Đỗ Quang
Kình... Anh Diên cho biết, hiện Hội Làng nghề Phú Yên có 200 hội viên,
đại diện cho hàng trăm hộ, cùng gần 2.000 thợ làm nghề giày da trong xã.
Vậy nên chiếc giày kỷ lục này là niềm tự hào của làng và là một minh
chứng cho tay nghề và chất lượng hàng cao cấp của làng nghề cổ từ xưa
đến nay.
Gặp người thợ giỏi nhất làng
Chúng tôi rất tò mò khi được anh Diên đưa đến nhà ông
Lê Văn Thịnh, người thợ đã thiết kế và tổ chức thi công chiếc giày kỷ
lục của xã. Không ngờ khi gặp chúng tôi, ông Thịnh lại chỉ nhắc đến mấy
ông bạn thợ giày một thời trở thành nghệ sĩ sân khấu, nào là thợ giày
kiêm NSƯT Trịnh Mai, vừa đóng giày vừa bán ở cuối phố Hàng Bông; nào là
NSƯT Trần Hạnh, một tay thợ giày giỏi, giờ chuyên đóng các vai khổ khổ
tội tội, đến là thương. Lão nghệ nhân Lê Văn Thịnh vừa kể chuyện vui vừa
cười và nói mình bất tài nên cả đời chỉ làm mỗi cái anh đóng giày. Vậy
mà đã 63 năm đeo đuổi, theo nghề của ông bố là Lê Văn Giầu. Tính đến đời
các con cháu, thì gia đình ông đã 4 đời làm nghề này. Ông đang nhẩm
tính thì bỗng reo lên khi cháu đích tôn của ông là Lê Văn Hải vừa đi về.
Nó đấy! Cháu tôi đấy, nó đã được giải nhì quốc tế ở Trung Quốc trong
cuộc thi “Thiết kế thời trang châu Á - Thái Bình Dương”, năm 2009. Lão
nghệ nhân thực sự hể hả niềm vui vì mình đã có người cháu đích tôn nối
nghiệp và làm vẻ vang cho gia đình và làng xã.
Ấy thế rồi, ông nhổm dậy lấy một loạt bằng chứng nhận
giải thưởng của cả hai ông cháu để minh chứng cho niềm vui của mình.
Chúng tôi hỏi sao ông không treo lên cho mọi người biết, ông nói rằng,
không, mọi cái sẽ qua đi, điều trước mặt mới là quan trọng. Anh Diên
cũng chứng minh thêm, riêng ông không hề có cửa hàng ở ngoài phố mới,
mặc dù nhà ông cũng ở ngay mặt phố. Nhưng tay nghề ông nức tiếng thiên
hạ bấy lâu nay, nên khách hàng đến đặt làm giày nhiều lắm. Cả nhà ông
làm không hết việc. Ông nguyện tiếng chỉ làm thuê thôi, vì sợ khi bon
chen ra thị trường, ắt sẽ sa chân vào chuyện buôn bán, tính toán và gian
lận. Điều ông sợ nhất là không được làm nghề, rèn tay nghề và kiêu hãnh
với đôi giày của mình. Chính vì thế, chúng tôi mới hiểu vì sao ông đã
được chính quyền xã giao cho việc thiết kế và tổ chức thi công đôi giày
lớn đến thế.
 |
Anh Diên bên chiếc giày kỷ lục. |
Hình như, ngoài chuyện giày, ông còn biết bao ký ức
gắn kết với mảnh đất anh hùng này. Thấy trong chúng tôi có một nhà văn,
ông kể luôn quê ông, cái xã Phú Yên này một thời đã từng đánh bại trận
càn của giặc Pháp, ở khu Cống Thần và Chợ Đại. Rồi có đận xã trở thành
“Thủ đô kháng chiến”, và là mảnh đất cung cấp nguồn tư liệu cho nhà văn
Nam Cao viết truyện ngắn nổi tiếng “Đôi mắt”. Ngẫm nghĩ một lúc rồi ông
tặc lưỡi thán phục ông Nam Cao sao lại viết thâm thúy về con người thế.
Đó là con mắt nhìn như thế nào về một hiện thực, đó là nhân sinh quan,
chứ không phải là con mắt nhìn một là một, hai là hai nữa. Quả là ông
làm chúng tôi khá bất ngờ về những nhận định tác phẩm văn học. Ông nói
mình đã rút ra bài học qua 63 năm trải nghiệm làm nghề, nung nấu và thao
thức, chung quanh vẻ đẹp của cái mũi giày hay cái gót giày. Ông biến
chúng thành những tác phẩm cho người đời mang theo suốt cuộc đời mình.
Chính vì thế mà con ông, rồi đến các cháu của ông cũng theo ông làm nghề
và làm đúng như ông đã nhìn thấu tự những mẫu mã thiết kế, đến từng mũi
khâu hay may dán, đều phải đẹp, Nhìn phải ưa con mắt. Đó là đôi mắt của
ông.
Bất ngờ ông dẫn chúng tôi ra phía bờ sông Nhuệ chảy
qua làng, rồi chỉ về phía cầu Giẽ và kể chuyện về cái tên lịch sử của
cây cầu. Thì ra ngoài chuyện chiến đấu của dân quân xã bảo vệ cầu Giẽ,
mà anh Diên kể lại, thì ông Thịnh còn cho chúng tôi nhớ lại câu chuyện
không kém kỳ vĩ hơn đó là chiến công của tướng Đặng Tiến Đông, người con
của làng Phú Yên đã cầm quân, phối hợp với Quang Trung tiêu diệt 20 vạn
quân Thanh ở thành Thăng Long vào năm 1789. Trước khi tiến về phía Nam
thành Thăng Long, tướng Đặng Tiến Đông đã dẫn quân qua cầu và dừng chân ở
quê. Để ghi nhớ sự kiện lịch sử đặc biệt này, dân chúng đã đặt tên cho
cây cầu của làng là cầu Giẽ từ đó. Nghe chuyện, chúng tôi mới thấy, lão
nghệ nhân này gắn bó và yêu quê hương mình biết bao. Niềm vui giờ đây
trong ông cùng với các con cháu là đem lại vẻ đẹp dưới bàn chân con
người, theo “Nhịp bước thời đại”.
Niềm vui phố làng
Chúng tôi chia tay ông Lê Văn Thịnh và mang những niềm
vui của ông vào trong phố mới của làng. Đó là hai dãy hàng giày lấp
loáng chạy suốt con đường ven sông. Chúng tôi bất ngờ rẽ vào cửa hàng
Thạo Hương, thuộc thôn Giẽ Hạ, phía bên trái con đường. Ai cũng phải reo
lên vì quá nhiều mẫu mã để chọn. Đây là cửa hàng đầu tiên đăng ký
thương hiệu với những tem nhãn đàng hoàng. Chúng tôi chẳng phải khảo giá
vì đã có tem ghi giá ở các đôi giày. Tôi chọn một đôi dép da bò khá
đẹp, đường chỉ khâu chắc chắn, nom dáng khỏe và rất vừa chân. Bạn biết
giá bao nhiêu không? - 120.000 đồng. Tưởng mình mua đã rẻ, nhưng mấy
người trong đoàn còn vớ được những đôi dép còn rẻ hơn. Thế là chúng tôi
tranh nhau chọn thêm mấy mặt hàng nữa, nào giày, nào ví, nào túi... xem
như hôm nay được trời cho mua hàng rẻ. Thảo nào, ngay ở đầu cầu Giẽ, một
thời đã có bảng đề lời rao, ai mua giày rẻ chạy khỏe về Phú Yên.
Chúng tôi hể hả như như bắt được những niềm vui vậy.
Cùng những câu chuyện của làng giày do các nghệ nhân kể lại chẳng bao
giờ có thể quên trong tâm trí chúng tôi. Câu ca dao ngày nào chợt gợi
nhớ một nơi chốn mà nếu ai đã biết thì khó mà không quay lại: “Giai
làng làm thợ giày, may/ Con gái ngày ngày giữ việc đăng ten/ Ai đi qua
đấy đều khen/ Nhìn cảnh làng Hạ, mà thèm đến chơi...”
Theo: CAND