LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
(77)- Những người “giữ lửa” làng nghề thổ cẩm trăm năm tuổi
(Ngày đăng: 10/03/2023   Lượt xem: 125)

Làng Hà Văn Trên ở huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định còn khoảng 70 nghệ nhân Ba Na âm thầm lưu giữ làng nghề dệt thổ cẩm hơn trăm năm tuổi.

Nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na ở làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, Bình Định) có lịch sử hơn trăm năm tuổi. Vậy nhưng theo thời gian, đến nay chỉ còn khoảng 70 người theo nghề, chủ yếu là những người lớn tuổi.

Mỗi tháng chỉ làm được 1-2 bộ

Những nghệ nhân trong làng động viên nhau cố gắng theo nghề từng ngày để kiếm thêm thu nhập, đồng thời giữ lại nét văn hóa đặc trưng của tổ tiên đang dần mai một.

Bà Đinh Thị Liên (74 tuổi) cho biết bà tập tành dệt từ lúc còn nhỏ. “Thời đó, tôi chủ yếu dệt vải cho gia đình sử dụng và bán cho vài người trong làng. Sau này, một số người ở nơi khác có nhu cầu đặt hàng nên mới làm nhiều hơn” - bà Liên kể lại.

Theo bà Liên, giờ làng nghề chỉ còn một số người lớn tuổi, còn lứa trẻ chọn công việc khác có thu nhập cao hơn. “Dù thu nhập không nhiều nhưng chúng tôi vẫn theo nghề, sợ một mai không còn nữa” - bà Liên bày tỏ.

Những người “giữ lửa” làng nghề thổ cẩm trăm năm tuổi ảnh 1
Cụ Liên là một trong những nghệ nhân lớn tuổi của làng nghề, ngày ngày vẫn đều đặn dệt thổ cẩm. Ảnh: QN
Cũng theo bà Liên, để có một sản phẩm hoàn chỉnh, phải qua rất nhiều công đoạn, có khi cả tháng mới xong. “Váy thổ cẩm dành cho phụ nữ phải gần cả tháng mới xong một bộ, còn áo nam dù đơn giản hơn nhưng cũng gần chục ngày mới xong” - bà Liên chia sẻ.

Chính vì trải qua nhiều công đoạn, mất thời gian dài nên giá mỗi bộ váy khoảng 2-3 triệu đồng, còn đồ nam khoảng 500.000-700.000 đồng/bộ.

“Nhìn thì thấy số tiền lớn nhưng chính những nghệ nhân lành nghề nhất mỗi tháng cao tay lắm chỉ làm được khoảng 1-2 bộ. Ngoài ra, khó khăn hiện nay là tìm đầu ra rất khó, lâu lâu mới có một số chỗ đặt hàng” - bà Liên tâm tư.

Hy vọng cải thiện đầu ra

Bắt đầu tập dệt thổ cẩm từ năm 15 tuổi, đến nay nghệ nhân Đinh Thị Lên (64 tuổi) là một trong những người “cứng tay” trong làng. Theo bà Lên, trước đây người dân trồng bông để kéo sợi dệt thành vải, do đó chỉ đáp ứng nhu cầu trong gia đình hoặc đồng phục cho học sinh trên địa bàn. Bây giờ bông đã được thay thế bằng len.

Len sau khi mua về được tháo ra và đưa vào xa kéo sợi để xe len thành chỉ. Khi quay xa phải đều tay, nhịp nhàng thì chỉ mới săn đều, sợi mới dai để dễ dệt thành vải. Sau đó sợi được cuộn thành những cuộn to và đem đi nhuộm màu.

Bà Lên chia sẻ khâu nhuộm được coi là quan trọng nhất, đòi hỏi kinh nghiệm, thẩm mỹ cao để pha màu sao cho đa dạng mà vẫn hài hòa. Người thợ cần chuẩn bị trộn màu và nước theo tỉ lệ nhất định, thêm một nắm sáp ong, một lon gạo và củ dính. Tiếp theo, đun sôi nồi nước màu nhuộm và để nước nguội bớt, sau đó nhúng sợi đã xử lý vào cho đến khi ngấm đều màu và đem phơi khô dưới trời nắng. Thông thường sợi nhuộm được phơi dưới trời nắng một ngày là đã có thể cuốn lại thành búp để tiến hành dựng lên khung dệt.

Những người “giữ lửa” làng nghề thổ cẩm trăm năm tuổi ảnh 2

Một bộ váy thổ cẩm có giá 2-3 triệu đồng. Ảnh: QN

“Len trên thị trường rất đa dạng nên chúng tôi làm ra sản phẩm cũng phong phú và cách tân hơn trước rất nhiều. Ngoài làm các mẫu quần áo, chúng tôi đang hướng tới làm các loại túi xách với hy vọng có nhiều thị trường hơn” - bà Liên nói.

Còn theo nghệ nhân Đinh Thị Ngọt, nếu có cơ chế phát triển du lịch sinh thái gắn với làng nghề thổ cẩm thì đầu ra chắc chắn sẽ khả quan hơn. “Nếu đầu ra tốt, thu nhập của những người dệt thổ cẩm sẽ được cải thiện. Từ đó, nhiều người sẽ muốn gắn bó với nghề hơn, làng nghề sẽ được hồi sinh mạnh mẽ” - bà Ngọt tâm tư.

Cũng theo bà Ngọt, các nghệ nhân trong làng luôn nhắc nhở con cháu cố gắng giữ gìn nghề dệt thổ cẩm của cha ông để lại. Đó không chỉ là cái nghề mà còn là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Ba Na.

Sẽ mở nhà trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm

Để phát huy làng nghề dệt thổ cẩm Hà Văn Trên, ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết huyện cũng chú trọng và có kế hoạch mở các lớp dạy nghề cho thế hệ trẻ, nhất là học sinh ở một số trường nội trú.

Theo ông Việt, huyện đang có kế hoạch mở nhà trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm, đồng thời quảng bá hình ảnh thổ cẩm địa phương đến với du khách để tìm kiếm thêm đầu ra hỗ trợ người dân. Trong tương lai, huyện mong muốn hình thành du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề, từ đó tạo ra sự đột phá, tìm kiếm thêm nguồn thu nhập cho người dân.

Năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH&CN đã ra Quyết định 76334 về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Vải thổ cẩm Hà Văn Trên” cho Hội Phụ nữ xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, Bình Định. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể gồm mua bán vải thổ cẩm, các mặt hàng từ dệt thổ cẩm như túi xách, áo nam, áo nữ, vải, khăn đội đầu, địu trẻ em…

                                               Theo:  plo.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.461.682
Tổng truy cập: