LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
(29)- Dân Kiêu Kỵ trăn trở giữ nghề dát vàng, bạc quỳ
(Ngày đăng: 01/11/2022   Lượt xem: 205)

Cách trung tâm Hà Nội gần khoảng 15km về phía Đông Bắc, xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) nổi tiếng với làng nghề dát vàng, bạc quỳ-Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tương truyền nghề này đã có cách đây gần 400 năm, ông tổ nghề của làng là Tiến sĩ Nguyễn Quý Trị.

Đến làng nghề Kiêu Kỵ vào một buổi sáng cuối tuần, chúng tôi được nghe văng vẳng tiếng đập quỳ khoan, nhặt. Từ những miếng vàng, bạc thật, người ta đập cho dài và mỏng rồi cắt thành những hình vuông nhỏ 1cm2, sau đó đặt vào lá quỳ. Lá quỳ có cạnh dài 4cm được làm từ giấy dó, được người Kiêu Kỵ “lướt” nhiều lần bằng mực tự chế. Mỗi tập quỳ 500 lá, trên mỗi lá đặt một mảnh vàng nhỏ, dùng vải diềm bâu gói lại, đặt lên đe đá, dùng loại búa chuyên dụng đập hàng trăm nhát, sao cho mảnh vàng mỏng và tràn bằng lá quỳ. Một thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng thành gần 1.000 lá vàng, có diện tích hơn 1m2 mà chưa có ngành công nghiệp nào làm được.

Dân Kiêu Kỵ trăn trở giữ nghề dát vàng, bạc quỳ

  Nghệ nhân Lê Hữu Hoằng giới thiệu sản phẩm dát vàng. 

Theo nghệ nhân Lê Hữu Hoằng, nghề làm vàng, bạc quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ kiên trì, cần mẫn, cẩn thận, tinh tế từ việc xây lò kín, làm mực “lướt” quỳ, đánh quỳ, quỳ vàng, bạc. Để ra một sản phẩm quỳ vàng, bạc, người thợ phải trải qua 40-50 công đoạn, nay cải tiến còn 20 công đoạn. Nhiều công đoạn đã dùng máy móc hiện đại hỗ trợ. Búa dùng để đập quỳ cũng được cải tiến để đập được nhanh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, có những công đoạn thì mãi không thay thế, loại bỏ được và phải làm thủ công, như công đoạn xây lò, làm mực, cắt dòng, sang vàng, chại quỳ.

Gia đình nghệ nhân Lê Hữu Hoằng hiện đều làm nghề dát vàng, bạc quỳ; hai cậu con trai chỉ phụ giúp bố mẹ. Do công việc không nhiều nên những năm gần đây nghệ nhân còn buôn bán thêm đồ thờ cúng để tăng thu nhập. Nghệ nhân Lê Hữu Hoằng trăn trở: “Một lao động dát vàng, bạc quỳ lành nghề có thể kiếm thu nhập 300.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, không phải ngày nào cũng có việc để làm do nhu cầu mua sắm của người dân chỉ tập trung vào dịp cuối năm. Ngoài một số hộ gia đình tìm được đầu ra sản phẩm ổn định, còn lại hầu hết các hộ gia đình khác chỉ sản xuất cầm chừng”.

Dân Kiêu Kỵ trăn trở giữ nghề dát vàng, bạc quỳ

    Sản phẩm quỳ vàng. 

Làng nghề Kiêu Kỵ hiện có hơn 50 hộ làm nghề với từ 300 đến 400 lao động. Tuy nhiên, không phải hộ gia đình nào cũng có thu nhập ổn định do gặp khó trong việc tìm đầu ra sản phẩm. Cũng bởi mất nhiều công lao động, nguyên liệu bằng vàng, bạc quý hiếm nên các sản phẩm mà làng nghề Kiêu Kỵ tạo ra có giá thành cao. Hơn nữa, hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm được dát từ vàng công nghiệp, mạ vàng có giá thành rẻ đã được nhiều người tiêu dùng lựa chọn hơn.

Theo nghệ nhân Nguyễn Anh Chung, Chủ tịch Hội Dát vàng, bạc quỳ Kiêu Kỵ, trước đây Kiêu Kỵ có vài ba trăm hộ làm nghề, đến nay số lượng đã giảm đi nhiều. Sở dĩ vậy là do khâu tiêu thụ sản phẩm làng nghề còn gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm tiêu thụ ở khắp các tỉnh thành trong nước, tập trung nhiều ở Sơn Đồng – Hoài Đức, Đồng Kỵ – Bắc Ninh, Cát Đằng – Nam Định... Hơn nữa, đặc trưng của sản phẩm này là tiêu thụ chậm, vốn cao, nên chủ yếu dân Kiêu Kỵ nhận làm gia công các công trình, sản phẩm và phụ thuộc vào khách hàng. Hiện mong muốn của Hiệp hội và người dân Kiêu Kỵ là sản phẩm của địa phương sẽ vươn ra thế giới và không dừng lại ở phạm vi quà lưu niệm.

Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường, nghề quỳ vàng, bạc ở làng Kiêu Kỵ đã phát triển thành hai loại: Làm vàng, bạc quỳ cựu và làm vàng, bạc quỳ tân (công nghiệp). Cựu là vàng, bạc thật, còn tân hay công nghiệp làm từ thiếc nhập khẩu. Dù là vàng tân hay vàng cựu thì người Kiêu Kỵ luôn đề cao uy tín, chất lượng, tính thẩm mỹ của mỗi sản phẩm sơn, thếp. Bởi đơn giản, nó mang, thương hiệu uy tín và niềm tự hào mang tên Kiêu Kỵ.

                                      Theo: qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.462.759
Tổng truy cập: