LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Hà Nội: Lễ Giỗ lần thứ 287 Tổ nghề rối nước làng Đào Thuc
(Ngày đăng: 30/03/2019   Lượt xem: 1238)
Hôm nay (29/3/2019 dương lịch) nhằm ngày 24/2 âm lịch (Kỷ Hợi), đã diễn ra trọng thể Lễ Giỗ lần thứ 287 Tổ nghề rối nước làng Đào Thục, xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội là Ông Đào Đăng Khiêm tên thật là Nguyễn Đăng Vinh, sinh năm 1659 và mất năm 1732.


Tới dự có lãnh đạo huyện Đông Anh, xã Thuỵ Lâm; các Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn phát huy văn hoá dân tộc Nguyễn Thế Phiệt (ảnh trên), Đặng Thị Ngọc Vân; Nhà hát múa rối Việt Nam, Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát múa rối Cánh diều, Trung tâm bảo tồn phát huy các giá trị nghệ thuật, Khu di tích quốc gia đặc biệt Hoàng Thành Thăng Long, Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bảo tàng dân tộc học, Quỹ văn hóa Việt Nam - Thụy Điển, đại diện lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, phóng viên nhiều cơ quan báo chí, du khách trong và ngoài nước cùng đông đảo nhân dân dân thôn Đào Thục.

Sau khi xem chương trình biểu diễn múa rối nước đặc biệt tại thuỷ đình, lễ dâng hương hoa, cúng tiến Tổ nghề, Nghệ nhân Trưởng phường rối nước Đào Thục Nguyễn Thế Nghị (ảnh trên) đã phát biểu tại Lễ Giỗ lần thứ 287 Tổ nghề nêu rõ: Nghệ thuật múa rối nước (NTMRN) của Việt Nam ra đời từ "Nền văn minh lúa nước", được Triều Lý công nhận vào khoảng Thế kỷ X.

Nghệ thuật múa rối nước của làng Đào Thục ban đầu có tên gọi là Phường múa rối nước Đào Xá, được ông Tổ nghề Đào Đăng Khiêm truyền và dạy dân làng từ đầu thế kỷ XVIII.

NTMRN làng Đào Thục được hội tụ và kết tinh toàn bộ kỹ thuật điều khiển múa rối trên cả nước, bao gồm như Rối dây, rối sào, rối que, rối bè, rối đống..vv

Ngoài Nghệ thuật múa rối nước, ông Tổ Đào Đăng Khiêm còn tổ chức đón thầy về dạy dân làng nhiều Nghề khác như:

-Nghề Thầy (dạy chữ)
-Nghề Võ (rèn luyện sức khoẻ bảo vệ dân làng)
-Nghề Thó (đóng cối xay)
-Nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt cửi.

Ông Đào Đăng Khiêm tên thật là Nguyễn Đăng Vinh, sinh năm 1659 và mất năm 1732 - Thọ 74 tuổi.

Sinh ra và lớn lên tại Trang Đào Xá, Phủ Từ Sơn chốn Kinh Bắc (nay là Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội).

Thắp hương tại Bia ghi công đức Tổ nghề rối nước làng Đào Thục Nguyễn Đăng Vinh.

Ông Nguyễn Đăng Vinh thi đỗ Thám Hoa (Tiến Sĩ) năm Tân Mùi 1691 (lúc đó ông 33 tuổi) và được bổ nhiệm làm quan rồi thăng tiến lên làm quan Tổng nội giám (hàng quan Tam Phẩm) trong triều đình Hậu Lê.

Dưới thời Vua Lê Hy Tông, ông có công lớn với Triều đình như quản lý Lò đúc tiền đồng. Quy hoạch và phát triển làng xá, trang ấp khắp nơi, phát động toàn dân mở mang ruộng nương, chú trọng công việc trồng cây hoa màu, trồng dâu nuôi tằm trên khắp đất nước.

Ông được giao phó làm nhiều chức vụ trong triều như: Quan Phụng sai Phụ tá, Quản Thị nội hiệu đẳng ty, Tư Lễ giám, Tổng Thái Giám. Thuộc bậc Thượng Trụ Quốc.

Ông được Triều thần đề nghị sắc ban: Đặc Tiến kim tử, Vinh Lộc đại phu, Đô Thái Giám, Tư Lễ Giám, Tước dân Triều Hậu. Bậc Thượng Trụ Quốc. 

Chụp ảnh kỷ niệm với Trưởng phường múa rối nước Đào Thục Nguyễn Thế Nghị (Ảnh trên- thứ năm từ trái sang. Ảnh dưới - ngoài cùng bên phải). Người đứng thứ sáu - ảnh trên và đứng giữa ảnh dưới là Đại tá  Anh hùng quân đội Đinh Thế Văn 82 tuổi, là một trong những nghệ nhân lớn tuổi của làng Đào Thuc góp phần duy trì nghề rối nước truyền thống. 

Do theo phục dịch bề trên lâu, ngày đêm túc trực theo hầu bên cạnh Vua, nên xứng đáng như một vị Đại Nguyên Soái, Tổng Quốc chính Thượng Sư Thái Phụ.

Ngài là bậc hanh thông đức anh thanh, thánh công to lớn, làm cho nước thịnh dân yên, bằng sự nghĩa cả chính trực. Vì thế ông còn được ban chỉ "Chuẩn Thừa Ân", vì thế lại được Triều thần đề nghị thăng chức Tổng Thái Giám (hàng quan Tam Phẩm trong triều tương đương ngang chức Trưởng Viện Học Sĩ, Thị Lang, Đại Lý Tự Khanh, Bố chính sử, Phủ Doãn. Võ Nhất đẳng thị vệ, Chỉ huy sứ..vv

Với xóm làng, ông và bà vợ là Nguyễn Thị Cảnh, thuộc hàng thế gia vọng tộc, danh tiếng trong triều. 

Khi làm quan thì công bằng chính trực, với xóm làng thì tình nghĩa khiêm nhường, nên chính vì thế mà sau này được dân làng suy tôn, đặt tên làng làm Họ gọi là Đào Đăng Khiêm, tuy được Đăng quang làm quan to lớn, vinh quý bái tổ về làng nhưng với dân làng vẫn rất Khiêm nhường, kính trên nhường dưới tình nghĩa trước sau.

Với họ hàng, gia đình thì Hiếu Đễ, đối với người người thì thân ái, hài hòa nghĩa nhân, nhạy bén binh lược, bản lĩnh kiên cường.

Trải qua bao năm trường, được triều đình gửi gắm tin tưởng, nhiều công giúp rập, có đủ Tam Đức (gồm Chính trực - Cương khắc - Nhu khắc). Xứng đứng đầu làng xóm, coi trọng tình thân, thờ ơ phú quý, không màng công danh, được người đời tin theo, chung lòng mến phục.

Vì vậy ông, bà được dân làng toàn xã cảm mến ân sâu, hưởng đức vô cùng, để luôn nhớ tới ông bà, giữ tâm đức hạnh. Dân làng đã viết sớ tấu lên Triều đình cần phải bầu là Quan Hậu Thần để tỏ lòng thành kính.

Và may thay được Triều đình chấp thuận cho khắc bia đá để lại muôn đời.
Dân làng Đào Thục chúng tôi vô cùng tự hào và vinh dự, có tấm bia đá để lại mấy trăm năm qua ghi rõ công lao to lớn của ông bà Tổ nghề.

Sau năm 1732, ông mất, dân làng viết sớ đề nghị triều đình phong ông bà làm Hậu Thần năm 1735 (thời Vua Lê Ý Tông).

Ngày 10 tháng 7 năm 1738 được Triều đình chấp thuận và Trước đó ngày 24 tháng Giêng 1738 năm Vĩnh Hựu thứ IV ông được ban sắc: chức Tham Đốc Quận Công.

-Được phong tặng Huân Võ Tướng Quân, Quận công Đào Tướng Công. Tự Phúc Khiêm. Ban Thụy là Đôn Hậu.

Và ngày 20 tháng 6 năm Cảnh Hưng thứ Nhất 1740 toàn dân Đào Xá cùng nhau lập đơn nhất trí coi ông bà như Cha Mẹ, bầu ông bà làm Hậu Thần và cho dựng bia đá phía trước làng để phụng thờ mãi mãi.

Ba ảnh trên: Đông đảo đại biểu, du khách trong và ngoài nước xem biểu diễn nghệ thuật rối nước tại thuỷ đình làng Đào Thục sáng 24/2/2019 âm lịch là ngày Giỗ lần thứ 287 Tổ nghề rối nước làng này.

Các nghệ nhân chào tạm biệt khán giả xem biểu diễn ngày Giỗ lần thứ 287 rối nước làng Đào Thục.

Theo dòng lịch sử:
Nhà Lê trung hưng (1533-1789): kéo dài 256 năm. Qua đây mới thấy thời kỳ phát triển vào bậc nhất của làng Đào Xá thuở ấy gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của các Đức Vua nhà Hậu Lê.

Chúng ta cũng có nhiều điều cần suy ngẫm về đức tính Khiêm nhường của các đời Vua thời Hậu Lê ở nước ta.

Vua Lê Hy Tông lên ngôi từ tháng 4-1675 cho đến tháng 3-1705, sau đó tiếp tục thời gian 11 năm làm Thái Thượng Hoàng và mất vào tháng 4-1716 (thọ 54 tuổi).

Nếu tính thời gian thôi không làm quan trong triều của ông Nguyễn Đăng Vinh và đưa nghệ thuật múa rối nước về (sau khi Vua Lê Hy Tông nhường ngôi cho Vua Lê Dụ Tông) thì ông về quê kiến thiết xây dựng và phát triển làng Đào Thục khoảng năm 1705-1706, lúc ấy ông 47 tuổi.

Nghệ nhân giới thiệu kho chứa những con rối nước làng Đào Thục.

Có nhà sưu tầm lịch sử cho rằng: Ông Đào Đăng Khiêm tức Nguyễn Đăng Vinh đỗ đến Thám Hoa (Tiến Sĩ) mà chúa Trịnh không bổ nhiệm làm quan tiếp vì ông theo phò nhà Hậu Lê như cái gai trong mắt nhà Chúa Trịnh thì kể cũng đúng, nhiều cuộc hội thảo về sử học sau này tại Đông Anh có Giáo sư Vũ Khiêu, ông Phạm Văn Châm Nguyên chủ tịch UBND huyện Đông Anh đều cho rằng thời kỳ Vua Lê – Chúa Trịnh hoặc hầu hết chế độ phong kiến, nhiều người xuất thân từ nông dân hoặc đã từng làm việc trong cung Vua thì dù có tài giỏi, học hàm cao đến đâu cũng không mấy được trọng dụng.

Theo tôi thì các Vua thời Lê trung hưng ở nước ta đều có tầm nhìn chiến lược sâu rộng, vì triều đình - Triều đại – làm Vua làm Chúa hay là “lãnh đạo chức tước gì đi chăng nữa” cũng chỉ là giai đoạn còn nhân dân hay đất nước mới là mãi mãi, nói đến nhân dân phải nói tới văn hóa dân gian, văn hóa cội nguồn gốc rễ của 1 dân tộc.

Một đất nước có ổn định lâu bền thì phải đi đôi với việc giữ gìn văn hóa là nền tảng để phát triển đất nước. Nên các Vua thời Hậu Lê mới đưa “nghệ thuật múa rối nước” một nghệ thuật đỉnh cao nhất của triều đình thời bấy giờ trao cho Đào Đăng Khiêm cùng đội “Mỹ nữ - Ca nương” về làng Đào Xá thuở ấy. 

Ngoài nghệ thuật rối nước còn có “Phường Chèo – Phường hát - Phường Ca Trù”.. ở một số nơi khác xung quanh Kinh Thành Thăng Long với một số “Giáo phường văn nghệ” khác ví  dụ như Ca Trù làng Lỗ Khê trước đó, giáo phường Phú Đô ở huyện Từ Liêm hay “Phố Hiến”…cũng có câu : “Nhất Kinh Kỳ, Nhì Phố Hiến”.

Cũng giống như nhà nước Việt Nam ta ngày nay có những nhà hát trực thuộc Trung Ương như Nhà hát múa rối Việt Nam hay Nhà hát múa rối Thăng Long..vv

Làng Đào Xá được Vua ưu ái hơn nữa là việc đưa cả “Cô đào hát” đẹp nghiêng nước nghiêng thành, người quý phi mình yêu quý nhất về Đào Xá. (Theo lời truyền dụ của Tiến sĩ Nguyễn Bính ghi trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư năm 1735 hoặc bản chép còn lưu giữ tại Viện Hán Nôm ghi rằng: 

“Đào Xá có đường bàn cờ, có phường múa rối, có cờ vua ban.. nhất thôn nhất xã, có phường múa rối vua ban, tôn thờ nàng Đào Hát..”

Trong nhà thờ Ca Công của làng Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm có tấm bia đá dựng thời Tự Đức có ghi: “Đông Hạ giáp giáo phường Ca Công – Thờ một nữ danh ca họ Vũ, người làng xinh đẹp hát hay được tuyển vào cung vua giống như Cô Đào Hát làng Đào Xá..”. Bà này sau khi mất cũng được triều đình cấp đất phân ruộng và vua sắc phong: “Nam quốc danh ca Đào Thị Mẫu”.

Nàng “Đào Hát - Ca Nương” được xem là “Thiếp yêu” của Vua Lê Hy Tông về ở làng Đào Xá sau này không thấy nhắc đến nữa cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra, có nhà sưu tầm nghiên cứu lịch sử thì cho rằng ngay thời Vua Lê thì Chúa Trịnh đã như vậy sau đến nhà Tây Sơn rồi Nguyễn Ánh..vv nhất là thời Thiệu Trị thì rất hận thù nhà Tây Sơn vì Nguyễn Huệ lấy Công chúa Ngọc Hân là con rể của vua Lê Hy Tông. 

Vì căm thù nhà Tây Sơn mà Thiệu Trị còn về tận làng (Nành) đào hài cốt công chúa Ngọc Hân cùng hai con ném xuống sông Đuống. 

Thế nên việc làng Đào Xá giấu kín được chuyện “Thiếp yêu – Cô Đào Hát” của Vua Lê Hy Tông là đáng nể phục lắm, không nên đòi hỏi lịch sử quá khứ phải quá rõ ràng, “Cô Đào Hát” ở Trang Đào Xá đã đi vào tên đất tên làng của Đào Thục.

Lại nói chuyện vua ban ân huệ cho làng Đào Xá, ông Đào Đăng Khiêm chỉ đạo việc xây dựng kiến thiết lại Đình – Chùa thành cụm di tích như ngày nay, quy hoạch lại đường làng ngõ xóm phong quang sạch đẹp bàn cờ, các phường thầy, phường thợ, phường thó, phường canh cửi, hàng vải lụa, hàng lúa ngô khoai đậu…vv được xếp sắp ngăn nắp, ở mỗi góc làng đều có các cổng làng và những khu “Từ Vũ” “Văn Chỉ”… đi vào hoạt động giao thương tấp nập như một Kinh thành Thăng Long thu nhỏ nổi tiếng khắp vùng Kinh Bắc xưa.

Thế mới xứng câu ca dao “Nhất Kinh Kỳ, Nhì Đào Xá” sánh ngang Phố Hiến là vậy. 

Phải nói rằng làng Đào Thục lúc bấy giờ được xem như một làng kiểu mẫu điển hình ở chốn Kinh Bắc thuộc vùng Đồng bằng Châu thổ Sông Hồng của nước ta, có bến nước cây đa sân đình, có nhà thủy đình múa rối nước chứa đựng bao tâm hồn của người Việt. 

Ngôi đình đầu làng thờ những người có công lớn với quê hương đất nước như Đức Thánh Tam Giang, là tên gọi của 2 ông Trương Hống - Trương Hát, giúp Vua Triệu Quang Phục ở Thế kỷ thứ VI. Đức Thánh Đương Giang và bà Phi Nương Hoàng Hậu cũng là vị tướng giỏi giúp Vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 Sứ quân ở Thế kỷ X.

Một ngôi làng đặc biệt, rất ít ngôi làng có tới 2 ngôi Đình làng, ngôi đình trên cạn, ngôi đình dưới nước, có trước có sau, có trên có dưới, thủy thổ tương sinh tương khắc âm dương ngũ hành.

Phía sau ngôi Đình làng là Ngôi Chùa Thánh Phúc cổ kính có từ lâu đời, phía sau Tam Bảo có thờ tượng Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ, người giúp Vua An Dương Vương xây Thành Cổ Loa ở Thế kỷ III- TCN.

Như vậy làng Đào Thục có cả Đình và Chùa đều được phụng thờ các vị Thánh khác với nhiều ngôi đình và ngôi chùa khác.

Trước kia xung quanh làng đều có Thành cao hào sâu, địa thế rất hiểm trở nên nơi đây cũng từng là nơi trú ẩn của Tướng quân Đề Thám ở Thế kỷ XIX.

Nằm ven con sông Cà Lồ thơ mộng, trên bến dưới thuyền giao thương thuận lợi, cờ xí đưa đường uy nghi rợp trời mỗi khi làng mở hội hoặc nhà Vua xa giá đi về xem Hội múa rối nước nơi đây.

Hôm nay có các vị khách quý tề tựu về đây để cùng chúng tôi ca ngợi công lao to lớn của ông Đào Đăng Khiêm, một người con vĩ đại của làng Đào Thục.

Đền thờ ông Tổ của làng chúng tôi trước đây ở giữa làng, ngoảnh mặt về hướng đông, là hướng Đình làng cũ, do thời gian và lịch sử đã bị giặc phá dẫn tới mất cả Đình và Đền. 

Ngôi đình làng vị trí hiện nay XD năm 1735 được làm bằng tiền tu bổ của ông Đào Đăng Khiêm. Do lâu ngày hư hỏng đã được trùng tu, tôn tạo lại nhiều lần, nhưng phần Hậu cung thì hầu như vẫn còn nguyên trạng.

Nhà truyền thống mới được xây này mà chúng ta đang ngồi tại đây, cũng là được Nhà nước quan tâm, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc công lao to lớn của cụ Tổ nghề, đầu tư xây dựng để đưa ngài về đây thờ tự hôm nay.
Ông Đào Đăng Khiêm có công rất lớn với dân làng Đào Thục, khi sinh thời ông đã biên soạn ra bản Hương Ước cho làng, xây dựng và quy hoạch đường làng ngõ xóm vuông bàn cờ, trên bến dưới thuyền, do vậy mà làng Đào Thục từ lúc bấy giờ ngày một hưng thịnh phồn vinh, giàu có vào bậc nhất vùng, nhất xã, nhất thôn. Người dân nơi đây luôn hòa thuận, đoàn kết tự hào với quê hương mình, nên có câu "Vè" truyền từ xa xưa tới nay nói về con người nơi đây rằng: 

“Khó Kẻ Đầu hơn Giầu Hàng Tổng” ý nói nơi đây luôn là Hàng đầu, giàu có và trù phú cả về văn hóa, kinh tế vào bậc nhất vùng quê hương Kinh Bắc.

Có thơ tựa về làng Đào Xá rằng: 
“ Đào Xá mở hội vui thay
Bên Bắc có chợ, bên Tây có chùa
Bên Đông có miếu thờ vua
Bên Nam nước chảy đò đưa dập dìu ”

Ấy mới thấy một làng quê phong cảnh hữu tình, hình ảnh làng Đào Thục còn được “Anh Ba Khí” giáo trò trong nghệ thuật rối nước rằng:

“Nước Đào Thục vừa trong vừa mát;
Đường xóm thôn sạch đẹp bàn cờ;
Đẹp như phường phố Thủ đô;
Đẹp như một bức họa đồ trong tranh”

Cái tên làng Đào Thục bắt nguồn từ chuyện nơi đây được hội tụ bởi những người con gái xinh đẹp, nên có thơ ca ngợi về người con gái làng Đào Thục rằng: 

“Đào Xá có đất trồng bông, con gái ra đồng trông tựa tiên xa”.

Truyền rằng con gái nơi đây xinh đẹp nổi tiếng khắp vùng nhiều nơi biết đến, vì phụ nữ ở đây nết na hiền thục hay còn gọi là “thục nữ” nên tên Trang Đào Xá mới được đổi thành tên Đào Thục như ngày nay.

Đào là lấy tên gốc của Đào Xá, Thục - ý nói các cô gái nơi đây rất xinh đẹp nết na và hiền thục. 

Cũng như “phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục” một phong trào cải cách xã hội, khai trí cho nhân dân ở Việt Nam những năm của Thế kỷ XX, vì vậy mà chữ “Thục” của làng thời xưa có ý nghĩa là nơi hội tụ của những người con gái đẹp vua ban, là cái nôi cho việc trồng người, dạy chữ, dạy nết, dạy văn hóa thông qua phong trào văn hóa văn nghệ ở nơi đây.

Nhân ngày Giỗ tổ hôm nay, TM cho những người Nghệ nhân nông dân múa rối xin có một số ý kiến về việc duy trì và phát triển nghệ thuật múa rối nước dân gian trong thời kỳ mới như sau:

1. Đề nghị nhà nước, các đồng chí lãnh đạo chính quyền cấp trên, nhất là các cán bộ chuyên trách về văn hóa cần quan tâm sâu sắc hơn nữa ngoài nghệ thuật này là việc phát triển du lịch, cần hỗ trợ các nghệ nhân đầu tư thêm 1 số các dịch vụ ngoài dịch vụ xem biểu diễn múa rối. Như: đầu tư các gian hàng dịch vụ, khu mua sắm đồ lưu niệm nhằm níu chân du khách.

2. Cần gắn kết với ngành Giáo dục đưa nghệ thuật múa rối nước vào trường học để học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận trực tiếp, nhằm nâng cao giáo dục về văn hóa truyền thống và qua đây cũng nhằm phát triển tư duy sáng tạo của lớp trẻ cho nghệ thuật này trong tương lai.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm gắn bó với nghệ thuật múa rối nước, bản thân tôi nhận thấy việc lúng túng, khó khăn trong việc giữ gìn nghệ thuật này. 

Bao năm thăng trầm chìm nổi, có lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc, tuy rằng những năm gần đây được sự quan tâm của các đ/c lãnh đạo Thôn, xã, lãnh đạo Huyện, đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của một số anh chị CB Phòng VHTT huyện Đông Anh. Sự quan tâm đẩy mạnh Du lịch của các cấp Sở, ban ngành Văn hóa, du lịch.

Cũng phải nói là sự yêu nghề nhiều lắm của những người nghệ nhân nơi đây nữa chúng tôi mới có thể đứng vững được với nghề. 

Lấy một ví dụ nhỏ là một số nghệ nhân đã phải bỏ nghề để đi làm ăn kinh tế, các nghề Mộc, thủ công mỹ nghệ trên địa bàn 1 ngày công tối thiểu cũng vài trăm ngàn đến cả triệu, trong khi nghề rối không thể nuôi được bản thân họ.

Qua đây rất mong các đ/c lãnh đạo, chính quyền cấp trên, các Tổ chức xã hội, các DN doanh nhân, các Cty lữ hành du lịch, các cơ quan báo đài tiếp tục quan tâm một cách sâu sắc hơn nữa để nghệ thuật múa rối nước làng Đào Thục ngày càng phát triển, đem lại  những món ăn tinh thần tới nhiều khán giả trong nước và du khách quốc tế.

Một lần nữa cho phép tôi trước khi được dừng lời ở đây, xin được gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các quý vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể bà con nhân dân.

Xin được cảm ơn sự có mặt và động viên của các quý vị khách quý trong Lễ giỗ Tổ nghề trọng thể này!
                                                                  Theo: vanhien.vn

 


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

21
Đang xem:
72.466.906
Tổng truy cập: