LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Làng chạm bạc Đồng Xâm - Thái Bình
(Ngày đăng: 27/02/2017   Lượt xem: 902)
Làng chạm bạc Đồng Xâm
Làng chạm bạc Đồng Xâm đã tồn tại hơn 500 năm nay, nổi tiếng với những sản phẩm tinh xảo mang tính nghệ thuật cao. Hàng chạm bạc Đồng Xâm nổi trội so với hàng bạc của các nơi khác ở các kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm, ở các đồ án trang trí tinh vi mà cân đối, lộng lẫy mà nổi rõ chủ đề chính, ở thủ pháp xử lý sáng-tối bằng cách tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc... thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân Đồng Xâm lưu truyền qua bao thế hệ.

Lịch sử làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Làng Đồng Xâm được hình thành từ cuối đời Trần - Hồ, cách đây hơn 600 năm. Thế kỷ 15, làng khởi đầu có nghề đồng doa - nghĩa là nghề sửa chữa các đồ dùng bằng đồng. Về sau được ông tổ nghề là Nguyễn Kim Lâu, đem nghề chạm bạc phổ biến cho người dân trong làng, dần hình thành nên làng chạm bạc Đồng Xâm.

- Do thuộc “hàng xa xỉ, đồ quý” nên ban đầu chỉ có các đô thị là nơi thích hợp cho việc tiêu thụ. Chính vì vậy khá nhiều thợ chạm bạc Đồng Xâm có thời gian phải lưu tán khắp các vùng để làm ăn. Thợ Đồng Xâm tay nghề ổn định, cần cù, sáng tạo, sản phẩm cũng vì vậy mà dần được khách sành chơi ưa chuộng, đặc biệt là giới quý tộc thời bấy giờ.

Từ thời Lê - Trịnh đến thời Nguyễn, nhiều thợ được triệu lên kinh đô phục vụ cho triều đình chế tác vật phẩm khảm vàng, bạc như đồ thờ, đồ tiến cúng, đồ dùng sinh hoạt cung đình và cả đồ dùng cho các vị đại thần trong triều. Người thợ chạm bạc Đồng Xâm cứ như thế vào Nam ra Bắc, mang danh tiếng đất làng đến khắp nơi.

Sang đầu thế kỷ 20, nhiều sản phẩm cùng thợ giỏi của làng chạm bạc Đồng Xâm còn được chính phủ đưa sang Paris dự hội chợ triển lãm và dạy nghề, như trường hợp của ông Cửu Môn, người thôn Thượng Hòa.

Làng bạc Đồng Xâm rơi vào khó khăn thời điểm kháng chiến (1945 - 1954) và thời kỳ bao cấp (1955 - 1985), hầu như không phát triển được, một số gia đình phải bỏ nghề đi nơi khác làm ăn, các hợp tác xã đứng trước nguy cơ giải thể.

Sau năm 1986, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm từng bước được phục hồi và phát triển nhờ tác động tích cực của chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài sự hỗ trợ, Đồng Xâm có thể duy trì được nghề cổ truyền cũng bởi tính đoàn kết, tương thân tương ái giữa những người dân trong làng.

Từ năm 1995, tỉnh Thái Bình đã tập trung xây dựng các dự án phát triển du lịch làng nghề, trong đó làng chạm bạc Đồng Xâm là dự án trọng điểm. Đồng thời tỉnh cũng cho trùng tu, tôn tạo các di tích như đền Đồng Xâm, đền Thượng Hòa, am thờ tổ nghề... để lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu.

Sang đầu năm 2014, tiềm năng du lịch của làng nghề Đồng Xâm lần nữa được khẳng định bởi Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR) và Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA), tạo điều kiện đưa tên tuổi Đồng Xâm quảng bá tới các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Hiện nay, làng chạm bạc Đồng Xâm đã mở rộng kinh doanh các mặt hàng truyền thống ra phạm vi cả nước và xuất khẩu đi nước ngoài.

Du lịch làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Cách thành phố Thái Bình khoảng 15km về phía đông, làng chạm bạc Đồng Xâm nép mình bên hữu ngạn Đồng Giang hiền hòa. Bước đến làng, bạn sẽ nghe âm vang đâu đó tiếng chạm khắc trong khung cảnh yên bình của vùng đồng quê.

Đến thăm một cơ sở ở làng chạm bạc Đồng Xâm, bạn sẽ thấy những người thợ tỉ mỉ chạm khắc nên từng hoa văn trang trí, và được tận mắt quan sát những công đoạn chế tác thủ công bằng những dụng cụ thô sơ như dùi, đinh, búa… Mỗi thợ một việc, người tạo hình tạo dáng, người tạo nét tạo hoa. Trong đó, công đoạn chạm đòi hỏi sự tập trung, khéo léo và nhiều thời gian nhất, chỉ cần sai sót một chi tiết nhỏ là sản phẩm coi như đã bỏ đi hoặc làm lại từ đầu.

- Sản phẩm của làng chạm bạc Đồng Xâm ngày nay xoay quanh chất liệu đồng rồi mạ bạc sáng rất ưa nhìn và giá cả phải chăng, chia thành các loại chung như: thờ cúng, trang sức và mỹ nghệ. Đồ thờ Đồng Xâm gồm các loại đỉnh, vạc, lư hương, đĩa quả, chân đèn, ngai, mũ thờ, long lân quy phụng… Đồ trang sức gồm rất nhiều loại như dây chuyền, xà tích, nhẫn, hoa tai, lắc, vòng, trâm, khánh, thánh giá… bằng bạc. Đồ mỹ nghệ là những bức tranh Đồng Xâm được chạm khắc công phu, những mặt hàng lưu niệm bắt mắt, hay lược, đũa, ấm, chén, chuôi dao… Mỗi loại lại có nhiều kiểu dáng khác nhau.

- Đặc biệt, không chỉ đơn thuần làm bằng bạc hay đồng, nhiều món đồ mỹ nghệ Đồng Xâm còn kết hợp với các chất liệu khác như ngà, gốm, sứ, thủy tinh, và sử dụng đồng, bạc như họa tiết trang trí, tạo điểm nhấn cho sản phẩm.

Từ những tấm đồng thô kệch, sau khi định hình sản phẩm, chúng được đặt lên xi (khuôn) để chạm. Các họa tiết khi khắc chìm chạm nổi, lúc giản đơn, nhẹ nhàng, lúc lại cầu kỳ, chi tiết. Đôi bàn tay người thợ chạm bạc Đồng Xâm quen việc, quen nghề nện búa đều thoăn thoắt trông như những họa sĩ, biến đinh tán, dùi đục thành chiếc bút lông vẽ nên những tác phẩm nghệ thuật.

Ngoài ra, nếu có dịp đến thăm làng nghề chạm bạc Đồng Xâm Thái Bình vào ngày 1-5 tháng 4 âm lịch, bạn còn được hòa mình trong không khí sôi động của lễ hội đền Đồng Xâm với nghi lễ rước, tế linh đình, các trò chơi dân gian phong phú. Đây là dịp tưởng nhớ công ơn của ông tổ nghề chạm bạc, và là dịp để bạn chọn mua những kiệt tác tinh xảo được các nghệ nhân giỏi nhất của làng nghề.
Chế tác thủ công ở Làng chạm bạc Đồng Xâm Thái Bình
Chế tác thủ công ở Làng chạm bạc Đồng Xâm Thái Bình
Khách tham quan Làng chạm bạc Đồng Xâm Thái Bình
Khách tham quan Làng chạm bạc Đồng Xâm Thái Bình
Tranh tinh xảo ở Làng chạm bạc Đồng Xâm Thái Bình
Tranh tinh xảo ở Làng chạm bạc Đồng Xâm Thái Bình
                           Theo: vamvo.com
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.409.975
Tổng truy cập: