Về điêu khắc mỹ nghệ trong vùng nổi lên
các tổ hợp tác xã Mỹ Xuyên ở huyện Hương Ðiền và Thuận Hòa ở thành phố
Huế. Nơi đây tập trung những người thợ chạm tài hoa đã chạm trổ nhiều
công trình nổi tiếng cho triều đình và nhân dân, những sản phẩm mỹ nghệ
của họ làm cho nhiều công trình kiến trúc và đồ dùng cao cấp đạt tới giá
trị tuyệt phẩm. Trước kia làm ăn cá
thể, những người thợ điêu khắc với đồ nghề gọn nhẹ để trong cái tráp
nhỏ, họ xách theo đến những nơi mời mọc để hóa thân cho những đoạn ngà
voi và gỗ qúy, thành những đồ vật bền và có cuộc sống vượt cả thời gian.
Nghề điêu khắc ở đây không có trường dạy. Những người thành thạo trực
tiếp kèm cặp người học nghề qua thực hành.
Sống trên đất nghề, các cháu nhỏ như
được di truyền, luôn tỏ ra có năng khiếu. Ngày nay các em nhỏ ở hai tổ
hợp Mỹ Xuyên và Thuận Hòa đang trong lứa tuổi học sinh, có thể vừa đến
trường học chữ lại vừa đến tổ hợp tác xã học nghề. Sau nhiều năm theo
thầy, người học trò đã trở thành thợ chính lại đi tìm trò để làm thợ phụ
và cùng qua đó truyền nghề. Với nghề điêu khắc, thợ chính dù phát dáng,
phát đục sơ qua vật liệu cho hành hình dạng sản phẩm, tốn ít thời giờ
nhưng lại chính xác, lỡ tay là bỏ đi cả đoạn vật liệu quí hiếm.
Nhiều sản phẩm của Mỹ Xuyên và Thuận Hòa
đã giành huy chương vàng, bạc tại các triển lãm trong tỉnh và toàn
quốc. Thị trường của họ rất rộng, có mẫu hàng phải ký hợp đồng hàng
nghìn sản phẩm. Họ chạm người, chạm thú, chạm đồ vật... cái gì cũng sống
động. Trong nghề điêu khắc có câu: "nhất mộc, nhì nhân, tam vân, tứ
thú" hay: "... Nhị nhơn, tam sơn..." đã khái quát đề tài của họ gồm cây
cối, người, mây (hoặc núi) và thú vật. Cái gì cũng khó, phải chạm sao
cho thanh thoát và giống nữa, sao cho sản phẩm có tấm lòng nghệ nhân để
toát ra tiếng nói tâm tình.Có phát thảo rồi, thợ phụ kỳ cạch, gọt, tỉa,
mài, dũa cho bóng láng. Vì thế thợ cả và thợ phụ gắn bó với nhau và vì
mình, các thế hệ nối tiếp nhau và đào tạo cho xã hội những nghệ nhân tài
giỏi. Họ làm việc đầy trách nhiệm, cần cù và tỷ mỷ, không chấp nhận một
cái gì vội vã, cẩu thả.
Mỗi tổ hợp sản xuất tùy theo nhà xưởng
sản xuất và có khoảng mươi thợ chính và vài chục thợ học việc, từ những
khúc gỗ bình thường đã làm ra cả trăm loại sản phẩm nghệ thuật là những
hàng xuất khẩu cao cấp và ăn khách, thu nguồn ngoại tệ lớn làm giàu cho
đất nước
Xưa kia vật liệu chính là ngà voi, ngày
nay thường là gỗ rất hiếm quí. Từ thớ gỗ vô tri họ đã làm ra những rồng,
phượng, ngựa, voi, mèo... những thuyền rồng, anh hùng tương ngộ... về
những ông Di Lạc, tiên đánh cờ, người đi câu, người úp nơm, người cầm
chùi... cả những anh hùng như Phù Ðổng Thiên Vương... Mỗi đề tài lại có
nhiều cách thể hiện, cũng là ngựa của một nơi sản xuất mà có hàng chục
dáng hình khác nhau, con nào cũng sống động lạ thường. |