LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Làng nghề gỗ Đồng Kỵ: Loay hoay tìm hướng đi
(Ngày đăng: 03/10/2015   Lượt xem: 470)
Khác với những gì chúng tôi thấy trước đây ở làng nghề gỗ nổi tiếng vùng Kinh Bắc (làng Đồng Kỵ, tỉnh Bắc Ninh) ,vào dịp này luôn tấp nập xe ra vào. Nay, con đường thông thương của làng nghề ấy vắng tanh. Người bán ngồi ngóng người mua, không ít doanh nghiệp (DN) đã đóng cửa, hoặc sản xuất cầm chừng…

“Chợ chiều” làng gỗ

Làng Đồng Kỵ nổi tiếng với những sản phẩm gỗ như tủ chè, bàn ghế, gụ, sập… Với những chi tiết chạm khắc vô cùng tinh xảo, mẫu mã đẹp nên đồ gỗ của làng không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn xuất khẩu sang nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Theo ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hội gỗ Đồng Kỵ: Trước đây, có tới 70% lượng hàng của làng nghề làm ra được xuất sang thị trường Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 4 - 5 triệu USD/tháng.

Các cửa hàng vắng bóng khách hàng

Nhiều chủ DN ở đây cho biết, nhiều lúc hàng không có đủ để xuất sang nước bạn. Còn với người tiêu dùng trong nước đều phải đặt, chờ hàng trong một khoảng thời gian mới có. Hàng làm đến đâu bán hết đến đó nên làng nghề Đồng Kỵ không chỉ đảm bảo công ăn việc làm cho người dân địa phương mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân vùng lân cận và các tỉnh bạn.

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, do cơ chế chính sách của Trung Quốc khiến thị trường đồ gỗ mỹ nghệ tại nước này rất ảm đạm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng gỗ của làng Đồng Kỵ sản xuất ra không bán được.

Theo Hội gỗ Đồng Kỵ, lượng hàng của làng nghề bán sang thị trường Trung Quốc hiện đã giảm xuống còn một nửa, thậm chí 2/3 so với trước. Cùng với sản lượng xuất khẩu giảm sút, giá bán các sản phẩm làng nghề làm ra cũng giảm đáng kể. Tình cảnh này đã khiến thị trường đồ gỗ mỹ nghệ gần như bị “tê liệt”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của các DN, cơ sở sản xuất tại làng nghề. Nhân công phải nghỉ việc lên hơn một nửa so với con số ước tính trên 8.000 công nhân làm việc sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại Đồng Kỵ và khoảng 30 – 50% cơ sở sản xuất tạm ngưng sản xuất; số DN, cơ sở báo vỡ nợ khoảng 5- 7%. Phần còn lại cũng rơi vào tình trạng thu hẹp quy mô sản xuất các DN vừa và nhỏ hoạt động cầm chừng hoặc gia công cho các cơ sở lớn.

Phải tự “thay áo mới”

Theo ông Lê Khắc Côi, Giám đốc Viện Gỗ và Lâm sản ngoài gỗ, mặt hàng này của Việt Nam vẫn có tiềm năng duy trì, thậm chí mở rộng thị trường tại Trung Quốc. Điều quan trọng là phải đổi mới công nghệ, cơ chế hoạt động để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và năng lực của DN, tránh “bỏ trứng vào một giỏ”. Đồng thời, các DN trong ngành phải liên kết, xây dựng cơ chế, phương cách bán hàng chặt chẽ, vì mục tiêu chung chứ không phải mạnh ai nấy làm như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ - lâm sản Việt Nam, xuất khẩu gỗ trong đó có các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của làng nghề Đồng Kỵ vô cùng khó khăn và hạn chế. Từ cuối tháng 12/2014, nhà nước thắt chặt nguồn cung với lệnh đình chỉ tạm nhập, tái xuất gỗ quý hiếm từ Lào, Campuchia, khiến cho các DN, cơ sở sản xuất gặp rào cản về nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, đầu ra cũng vô cùng khó khăn khi đồ gỗ mỹ nghệ của Việt Nam chủ yếu bán tại các thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, với đối tượng tiêu dùng là những người có thu nhập cao. Thế nhưng thị trường Trung Quốc đang rơi vào tình cảnh “có tiền không dám mua”, đã khiến xuất khẩu đồ gỗ mỹ nghệ của Đồng Kỵ nói riêng và Bắc Ninh nói chung sang Trung Quốc gần như bị tê liệt.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Cầm, Quyền Chủ tịch Hiệp hội gỗ tỉnh Bắc Ninh, cho biết, ông đã đi tham quan, khảo sát rất nhiều thị trường, tuy nhiên qua tìm hiểu thì những hàng thủ công mỹ nghệ Bắc Ninh sản xuất chỉ phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng cao cấp của Trung Quốc. Trong khi thị trường châu Âu, Mỹ  họ chỉ thích các sản phẩm của Hoàng Anh Gia Lai, đồ nội thất ngoài trời của các DN Bình Dương. Tại thị trường các nước ASEAN, người tiêu dùng cũng không mặn mà các sản phẩm đồ gỗ của Bắc Ninh, nguyên nhân là do thị hiếu tiêu dùng và giá cả của các mặt hàng này quá đắt. Việc chuyển đổi, tương lai sẽ quay trở về thị trường nội địa nhưng đây là một viễn cảnh xa vời và cũng không dễ.

Được biết, hiện 80% các hộ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ trong làng mong muốn được chuyển đổi tìm kiếm hướng đi mới như thị trường châu Âu, Mỹ… với nhu cầu về nguyên liệu gỗ, thị hiếu hoàn toàn khác so với những gì làng nghề đã và đang làm. Theo đó, trong thời gian tới, làng nghề Đồng Kỵ sẽ tự “thay áo mới” bằng cách chuyển sang sử dụng nguồn cung cấp gỗ rõ ràng, hợp pháp, tiến tới người Đồng Kỵ chỉ sử dụng nguồn lao động trong làng và các nguồn lao động làng bên cạnh nhằm tạo ra giá trị thặng dư về lao động. Đồng thời, xây dựng quy mô bài bản chi tiết để đưa sản phẩm vào những thị trường khắt khe như EU, Mỹ…

Theo tìm hiểu, để góp phần tháo gỡ  khó khăn trên, hiện các cơ quan, chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã có những chính sách hỗ trợ về vấn đề tín dụng, nhân công lao động, sản xuất… nhưng những giải pháp này, theo các DN, là chưa đủ và chưa trúng. Trong khi đó, các DN Việt Nam nói chung và DN đồ gỗ thủ công mỹ nghệ của Bắc Ninh nói riêng sức ỳ rất lớn, hầu như rất bảo thủ và trì trệ trong việc tìm hướng đi mới như đầu tư công nghệ hay nghiên cứu sản phẩm mới. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, trước những khó khăn nội tại của làng nghề Đồng Kỵ, bản thân làng nghề phải tự mình chuyển đổi là điều tất yếu, thay vì phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, thay vì bán cái mình có phải chuyển sang tư duy bán cái thị trường cần, tìm kiếm những thị trường mới, ổn định và bền vững.

                                                                                                          Theo: laodongthudo.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.467.618
Tổng truy cập: