LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Làng Phước Kiểu - Cồng chiêng vang mãi
(Ngày đăng: 07/08/2012   Lượt xem: 2606)

(langnghevietnam.vn) Cồng chiêng Tây Nguyên có nguồn gốc từ truyền thống văn hóa và lịch sử rất lâu đời. Từ xa xưa, cộng đồng cư dân Tây Nguyên đã biết thổi hồn và tiếp thêm sức sống cho cồng chiêng Tây Nguyên để những âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng người Tây Nguyên, sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên.

 ảnh cong chiêng copy.jpg

Cồng chiêng Tây Nguyên giữ vai trò là phương tiện để khẳng định cộng đồng và bản sắc văn hóa chung các dân tộc Tây Nguyên cũng như của từng tộc người trên mảnh đất muôn mầu, muôn sắc Tây Nguyên. Mỗi dân tộc Tây Nguyên có một cách chơi chiêng khác nhau. Người dân bình thường ở Tây Nguyên tuy không phải là những chuyên gia âm nhạc, nhưng chỉ cần nghe tiếng chiêng là họ phân biệt được đó là dân tộc nào.

Nhưng chắc hẳn nhiều người chưa biết nhiều bộ cồng chiêng đó lại bắt nguồn từ làng đúc đồng Phước Kiều (xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam), nằm trên quốc lộ 1A, trục giao thông nối hai di sản văn hóa Hội An và khu đền tháp cổ Mỹ Sơn. Những năm gần đây, Làng nghề đúc đồng Phước Kiều đã trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn.

 duc dong pk.jpg

Khảng 400 năm về trước, nghề đúc đồng Phước Kiều đã hình thành vào thời chúa Nguyễn, có nguồn gốc từ Thanh Hóa, có người tên Dương Tiên Hiền di cư vào đây truyền dậy. Cuối thế kỷ XVIII, ở đây hình thành hai khu vực là phường Tào Tượng Đông Kiều và phường Chú Tượng Phước Kiều. Tại đây ngoài đúc những sản phẩm gia dụng sử dụng trong sinh hoạt đời sống hàng ngày, các nghệ nhân còn đúc súng, đạn, ấn tín…Những nghệ nhân Phước Kiều đã từng được vua Minh Mạng cho mời về đúc tiền, đúc ấn tín… Đến đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn sát nhập phường Tào Tượng và Chú Tượng để hình thành xã “hiệu Phước Kiều”, còn gọi là Làng nghề đúc đồng Phước Kiều, tồn tại cho đến ngày nay.

Năm 2006, Làng đúc đồng Phước Kiều đúc thành công quả chuông lớn nhất từ trước đến nay, nặng tới 1,8 tấn, đường kính 1m3, cao 2m4. Trước đó, năm 2004, làng đã đúc được một chiếc chuông Gia Trì nặng 432kg, cao gần 1m đã làm nhiều người bái phục. Hiện nay ở làng Phước Kiều có trên 100 cơ sở lớn nhỏ làm nghề đúc đồng với nhiều sản phẩm đa dạng như: chuông chùa, đồ thờ tự, cồng chiêng, lư hương và nhiều dòng sản phẩm nghệ thuật khác. Mới đây, các nghệ nhân của làng đã đúc thành công hai khẩu súng thần công theo đúng nguyên bản từ thời Nguyễn. Súng có trọng lượng 100kg/khẩu, nguyên liệu bằng đồng và thiếc, dài 1,2 mét, đường kính họng súng 25cm.

Đặc biệt làng nghề đúc đồng Phước Kiều có một bí quyết riêng là pha hợp kim. Mỗi cơ sở thì lại có cách pha hợp kim riêng như: đồng đỏ, đồng thau, (đông pha thiếc), đồng xanh (đồng pha kẽm), đồng thòa (đồng pha vàng). Để có được nhạc khí, người thợ mất nhiều thời gian công sức, tỉ mỉ, khóe léo trong việc làm khuôn. Cũng tùy sản phẩm, người thợ áp dụng những kỹ thuật khác nhau trong việc nung khuôn, nấu, rót đồng vào khuôn. Khi chuông mới ra khuôn đúc đánh lên vẫn có tiếng như âm thanh ban đầu của đứa trẻ tập nói, vì thế phải cho tiếng âm vang và ngân.

Trong kỹ thuật tạo nhạc khí là nét riêng của làng đúc đồng Phước Kiều, nhờ đó có thể phân biệt nhạc khí nơi đây với những nơi khác. Người thợ đúc phải có sự từng trải và có đôi bàn tay khéo léo cùng với đôi tai tinh nhạy, cũng như kinh nghiệm cảm nhận âm thanh một cách tinh tế mới chế tác được âm thanh của loại nhạc cụ độc đáo này..

Sản phẩm của làng nghề Phước Kiều suốt 200 năm qua chủ yếu là Cồng chiêng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa của các dân tộc thiểu số với số lượng 300 bộ các loại. Thương hiệu làng nghề Phước Kiều đã được lan tỏa ra các vùng miền khác và nổi tiếng trong khu vực, sang cả Lào, Campuchia, Thái Lan…

Nghệ nhân Dương Ngọc Tiển cho biết những nghệ nhân cao niên của làng từ 80 - 90 tuổi hiện nay vẫn ngày đêm sản xuất Cồng chiêng đồng thời truyền dạy nghề cho các thế hệ trẻ của làng. Như nghệ nhân Dương Ngọc Sang (Ông Chín Sang) với  hơn 30 năm sống bằng nghề đúc, ngày nào ông Sang cũng nghe chiêng, nghe thanh la do chính mình đúc, làm công việc cực kỳ khó là chỉnh tiếng chiêng. Nhờ miệt mài, chăm chỉ với nghề mà ông được tiền nhân dạy cho cách pha hợp kim để chiêng có âm thanh hay, không nứt vỡ. Lại nhờ tài thẩm âm mà năm nào ông cũng được đồng bào các dân tộc miền núi ở khắp nơi - từ Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Bình Phước, Lâm Đồng cho đến vùng A Lưới ở tỉnh Thừa thiên - Huế... mời đến tận buôn, làng mình để chỉnh âm cho những bộ chiêng.

Những nghệ nhân làng Phước Kiều hiện nay vẫn quyết tâm gìn giữ và khôi phục thương hiệu đúc đồng Phước Kiều và không để thương mại hóa sản phẩm của làng nghề truyền thống đang đặt ra nhiều thách thức đối với chính quyền địa phương. Muốn sản phẩm tồn tại, ngoài tình yêu với nghề, mỗi người thợ cần có sự đột phá, không ngừng học hỏi để sáng tạo ra những mẫu mã đẹp, phù hợp nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Những sản phẩm ở đó còn ẩn chưa những bí ẩn của  âm thanh vang ngân đã được kết tinh từ bàn tay, khối óc và trái tim nhiệt thành của bao người thợ tài hoa xứ Quảng. Tin rằng tiếng chuông Phước Kiều sẽ ngân mãi với thời gian.

Nguyễn Vân

 

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

23
Đang xem:
72.466.603
Tổng truy cập: