LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Làng tỷ phú nhờ nghề lấy búa tạ “hạ” ô tô
(Ngày đăng: 28/04/2015   Lượt xem: 357)
Làng tỷ phú nhờ nghề lấy búa tạ “hạ” ô tô
Ô tô, máy cày, công nông... to đến mấy qua tay thợ lành nghề, chỉ trong vài ba ngày “phẫu thuật” là được phân loại từng bộ phận để bán
Từ một vùng quê lúa đồng chiêm trũng “nghèo rớt mùng tơi”, nằm giáp quốc lộ 1A thôn Thuyền, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang, hơn chục năm nay vùng quê này đã “thay da, đổi thịt” nhờ nghề phá dỡ ô tô. Nghề độc đáo này mang lại cuộc sống no ấm và sung túc cho người dân địa phương.
Mưu sinh từ đồng nát
Cách đây khoảng hai chục năm, thôn Thuyền được gọi là “làng đồng nát”. Với đôi quang gánh hay chiếc xe đạp thồ, có khi thêm thùng kẹo kéo bên cạnh, người dân trong thôn đi khắp nơi trong tỉnh và một số tỉnh lân cận để thu mua phế liệu hoặc đổi bằng kẹo kéo. 
Trong thôn, nhà nào cũng chất đống sắt vụn cao ngất ở sân, vườn mặc cho han gỉ để chờ đủ chuyến ô tô mới gom lại đi tiêu thụ. Sau một số nhà có vốn đứng ra làm đại lý thu mua lại của những người đi mua nhỏ lẻ. Dần dần, nguồn hàng khan hiếm, người ta kiếm những món hàng to hơn, giá trị hơn. Làng nghề phá dỡ ô tô được hình thành từ đó, tạo thành thương hiệu nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc như bây giờ.
Từ đầu làng đã ngổn ngang phụ tùng ô tô, máy xúc, máy ủi, đủ các chủng loại xe cũ nát đã được phá dỡ. Hàng chục bãi dài đầy nhíp, máy, trục, bánh xe hoen gỉ đã được phân loại chất thành từng đống sau khi được tháo dỡ. Xen lẫn đó là những chiếc ô tô đã cũ nát của các thương hiệu như Lada, Toyota, Hyundai, Volga... có giá từ vài triệu đến trăm triệu đồng.
Người dân làng Thuyền không sản xuất mà chỉ... phá. Trình độ của “thợ phá” không đánh giá bằng bằng cấp, mà đánh giá bằng thời gian phá, tháo các bộ phận. Ô tô, máy cày, công nông... to đến mấy qua tay thợ lành nghề, chỉ trong vài ba ngày “phẫu thuật” là được phân loại từng bộ phận để bán. Từ cái lốp xe, dầu nhớt cũ đều có người đến tận nơi thu mua về tái chế.
Theo ông Nguyễn Văn Phong, chủ một cơ sở “mổ xe” rộng hàng nghìn mét vuông cho biết: “Chẳng có chiếc xe nào hỏng hoàn toàn, kể cả những cái xe phải cẩu kéo về bãi. Thế nào cũng có những bộ phận còn hoạt động được, có thể lắp vào những chiếc xe khác. Một chiếc xe sau khi phá dỡ hầu như không bỏ đi thứ gì, từ cái ốc vít đến những vỏ ghế rách”.
Biệt thự mọc lên khắp nơi trong làng “đồng nát” 
Cả làng “phát” nhờ... phá
Người dân làng Thuyền không còn phải đi từng ngõ ngách để thu mua phế liệu như trước nữa, giờ các chủ cơ sở “mổ xe” trong thôn đều sắm xe hơi “xịn” để đi giao dịch làm ăn. Ngoài những chiếc xe mang về làm phế liệu, thỉnh thoảng vẫn mua được những cái xe còn chạy được, chỉ là quá cũ, hoặc những xe còn mới nhưng bị tai nạn, chủ cũ không muốn dùng nữa nên họ thanh lý. Các hộ phá dỡ ở làng Thuyền cũng có chân rết khắp nơi để nghe ngóng thông tin về các thương vụ đấu giá những lô hàng xe cũ trị giá hàng vài tỷ đồng.
Anh Nguyễn Văn Cường, chủ một cơ sở tháo dỡ xe tâm sự: “Nghề phá dỡ xe có từ khá lâu rồi, ông Nguyễn Khắc Nhuận, trưởng thôn là người tiên phong mang nghề này về làng. Nhưng thực tế anh em làm ăn khấm khá hơn mới được mấy năm nay, khi Nhà nước quy định chặt hơn về thời gian lưu hành xe cũ nát, công nông thì cấm hẳn”. 
Hút xong điếu thuốc lào, nhấp ngụm nước trà, anh Cường tiếp câu chuyện: “Nguồn hàng đấy chứ đâu, hồi đầu mới cấm công nông, anh em làm không có thời gian nghỉ, có ngày mang về cả chục chiếc để phá dỡ. Chẳng có gì bỏ đi cả, kim loại gỉ bán sắt vụn, còn nguyên tấm thì bán cho đội gò hàn, sửa chữa thùng xe, máy móc, các chi tiết máy, khung gầm cũng tận dụng triệt để”.
Ông Nguyễn Văn Nhuận, Trưởng thôn Thuyền cho hay, thôn hiện có 270 hộ, trong đó khoảng 60 hộ làm nghề “mổ xe”, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 200 lao động địa phương. Với vẻ mặt phấn khởi, pha chút tự hào ông chia sẻ: “Đã hơn 10 năm nay thôn không còn hộ nghèo, đặc biệt số hộ có tài sản hàng tỷ đồng không còn là chuyện hiếm. Một số hộ xây biệt thự, sắm xe hơi bạc tỷ, còn xe hơi loại từ 200 đến 500 triệu thì thôn này có vài chục chiếc”.
Nhờ có nghề phá dỡ này mà người dân thôn Thuyền làm ăn khấm khá, nhiều thanh niên học xong phổ thông đã kế nghiệp gia đình, hoặc đi làm thuê cho các xưởng phá dỡ. Thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng, phụ nữ tham gia phụ việc mỗi tháng cũng kiếm được vài ba triệu đồng. Bộ mặt làng quê ven thành phố Bắc Giang này đã có nét khởi sắc với nhiều nhà cao tầng, kiến trúc hiện đại dần theo kịp tốc độ phát triển đô thị của thành phố.
                                                                                 Theo : baophapluat.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.457.865
Tổng truy cập: