LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Giữ lửa nghề rèn Hiền Lương
(Ngày đăng: 24/04/2015   Lượt xem: 896)

Một thời, đồ rèn làm tại làng Hiền Lương (xã Phong Hiền, H. Phong Điền, TT Huế) nổi tiếng khắp trong nam ngoài bắc về độ bền, đẹp. Rồi sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, máy móc hiện đại được áp dụng triệt để khiến nghề rèn Hiền Lương lâm vào khó khăn, thử thách. Tưởng chừng nghề rèn lâm vào mai một, nhưng, những người thợ rèn cuối cùng của làng vẫn "nhen nhóm" niềm tin khôi phục lại thời hoàng kim của làng nghề rèn Hiền Lương. 

Thời huy hoàng

Làng Hiền Lương xưa kia có tên là Hoa Lang, là một trong 59 ngôi làng cổ trên 500 tuổi  thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa xưa. Bao đời nay, dân làng chỉ sống bằng nghề nông. Theo lời kể của các cụ, đầu thế kỷ XVII, nhiều nhóm người theo chân Chúa Nguyễn vào Nam khẩn hoang, lập ấp. Được sự đồng ý của các hương chức làng, có một nhóm nhỏ dừng chân và xin ở tại làng.

Trong nhóm người ấy có một vị biết làm nghề rèn, chuyên rèn các dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, khai hoang khẩn đất, lập làng xã, xây dựng nhà cửa... nghề rèn ở Hiền Lương dần dần phát triển. Làng Hiền Lương vẫn còn ngôi Tổ đình Nghề Rèn, được con dân làng chung sức trùng tu vào năm 2005 với những di vật trưng bày như đồ khí tự, thần phả, thần vị... nhằm lưu giữ những giá trị lịch sử, trưng bày các công cụ xưa và nay do làng nghề chế tạo nên.

Ông Hoàng Hứa (78 tuổi), một người có hơn 50 năm trong nghề nhớ lại: "Ngay từ đầu, lò rèn trong làng mở ra để phục vụ sản xuất trong vùng. Nhờ những người thợ khéo tay và uy tín nên nhiều người biết đến và đặt hàng". "Chỉ cách đây khoảng trên dưới 40 năm, những lò rèn trong làng đều hoạt động cả ngày lẫn đêm, rồi những vị khách phương xa từ các tỉnh xa như Quảng Nam, Quảng Ngãi phải lặn lội tìm đến đặt hàng trước hàng tuần lễ mới làm kịp. Số thanh niên trong làng trong thời gian đó đều học nghề rèn". ông Hứa nhớ lại.

Ông Hứa đang hoàn thiện sản phẩm để giao cho khách.

Cần lắm một… truyền nhân

Có mặt tại các lò rèn truyền thống của làng Hiền Lương, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là mọi công đoạn đều được làm thủ công. Ở cái tuổi gần bát tuần, ông Hứa trông vẫn rắn rỏi, săn chắc, đôi tay luôn thoăn thoắt quai búa. "Người thợ làm lâu năm, có kỹ thuật tốt đều phải hiểu để có một sản phẩm ưng ý trước hết phải tìm cho được sắt, thép tốt, bên cạnh đó còn nằm ở cách chọn than cho đến đặt bếp cũng phải có con mắt tinh ý. Cần tính toán kỹ lưỡng mỗi khi bắt tay vào rèn một sản phẩm, phải thổi lửa sao cho sắt đỏ vừa phải, phù hợp. Người thợ rèn có khi làm cả công đoạn đập sắt, vì chỉ có thợ rèn mới hiểu rõ được thanh sắt sắp rèn. Họ phải nâng búa đập nhịp nhàng, lần nặng, lần nhẹ tạo sự chính xác nơi nện búa", ông Hứa cho biết.

Để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ cắt sắt tạo hình, nung, đập, nhúng nước, rồi lại nung, đập cho tới khi định hình được sản phẩm, mài cho sắc, làm nắm cầm. Thông thường các lò rèn có từ hai đến ba người làm và phần lớn đều là người cùng họ hàng, anh em, thỉnh thoảng mới thuê thợ ngoài. Nghề rèn cần sức khỏe tốt, sự kiên trì và tính tỉ mỉ. Nói về bí quyết để tạo sự khác biệt trong nghề, ông Hứa nói: Cái khó nhất làm nên tên tuổi một người rèn lâu năm so với người mới vào nghề là nhìn vào thanh sắt, thép được tôi trên lửa hồng để biết vừa hay đủ. Người thợ rèn chỉ cần một thoáng mất tập trung, sơ sẩy khiến thép được tôi quá già hoặc quá non thì sản phẩm đó không đạt chất lượng, không sử dụng được.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trương Thêm (66 tuổi), một người từng được đề xuất phong danh hiệu nghệ nhân,   than thở: "Những năm gần đây, nghề rèn gặp vô vàn khó khăn chú à. Do những công cụ như rựa, dao, cuốc, xẻng, liềm, dao phay... đều làm thủ công nên rất khó cạnh tranh với các mặt hàng ngoài thị trường. Một cái rựa được rèn thủ công phải mất đến cả buổi sáng, đổ mồ hôi nước mắt, và cả công sức, bán với giá 500 ngàn đồng. Trong khi cũng là rựa nhưng làm công nghiệp nhập từ các nước ngoài bán 60 ngàn đồng thì thử hỏi làm sao chúng tôi cạnh tranh nổi".

Nếu như trước đây, lớp thanh niên trong làng coi nghề rèn là một nghề mưu sinh chính thì bây giờ hầu như chẳng còn ai gắn với nó. Số thợ rèn biết nghề cũng đã chuyển đổi sang việc khác như hàn, nghề sửa xe ô-tô... Ngay gia đình ông Thêm, hai đứa con trai của ông đã tìm việc tại các thành phố.  "Hiện nay, lò rèn nhà tôi chỉ còn trơ trọi hai vợ chồng già nương trợ vào nhau trong nghề. Tôi rất muốn truyền nghề nếu có ai học. Nhưng, tìm mãi cũng chẳng có người nào". Thế hệ bây giờ rất ít người có thể kiên nhẫn ngồi chọn lựa từng thanh thép, sắt, tỉ mẩn gọt đẽo từng thanh tre hay chịu đựng cái nóng bức trong lò, ông Thêm tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch xã Hiền Lương Nguyễn Văn Dũng trăn trở: "Nghề rèn Hiền Lương xưa nay tồn tại theo kiểu "cha truyền con nối", không có tài liệu  ghi chép lại nên dần dần bị "thất truyền". Những thợ rèn tay nghề giỏi đều đã lớn tuổi, trong khi giới trẻ lại không còn ai thiết tha với nghề của cha ông". Ông Dũng cũng thừa nhận việc duy trì nghề rèn truyền thống như trước đây rất khó thực hiện bởi quy trình sản xuất chủ yếu dựa vào lao động thủ công nên năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu. "Chúng tôi luôn quan tâm, hỗ trợ, động viên những thợ rèn cũ, khuyến khích những thanh niên trong làng đến với nghề. Trong những kỳ Festival làng nghề truyền thống Huế, chúng tôi đều cử những thợ rèn lâu năm đi để quảng bá sản phẩm", ông Dũng cho biết.     

                                                                      Theo : cand.com.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.466.448
Tổng truy cập: