LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Vào làng nghề heo đất
(Ngày đăng: 22/12/2014   Lượt xem: 943)
Là một trong những làng nghề nổi tiếng nhất của vùng đất Bình Dương, nghề làm heo đất ở Tân Phước Khánh (Tân Uyên) từng thu hút hàng trăm hộ gia đình tham gia, bởi thổ nhưỡng vùng đất này có hàm lượng cao lanh nhiều, rất phù hợp với nghề đất nung. Hơn nữa, sản phẩm heo đất ở Tân Phước Khánh cũng từng có mặt ở nhiều thị trường như Thủ Dầu Một, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, thậm chí xuất khẩu sang cả Thái Lan, Campuchia. Hiện nay dù đã bị mai một ít nhiều nhưng những lò nung heo còn lại của làng nghề có tuổi đời trăm tuổi này cũng khá nhộn nhịp để chuẩn bị hàng cho mùa Tết sắp tới.



Ông Biển với sản phẩm vừa nung xong

Tạo hình từ đất quê

Tìm đến lò nung của gia đình bà Nguyễn Thị Nụ nằm trong một con hẻm nhỏ từ đường tỉnh lộ DT 746 rẽ vào, chúng tôi thấy từ ngoài ngõ là hàng trăm, hàng ngàn chú heo đất mũm mĩm đang phơi mình trong nắng sớm ngày cuối năm, trên những chiếc giàn phơi bằng tre. Trò chuyện với chúng tôi, anh Tuấn - con rể bà Nụ cho biết. Cũng như nhiều lò heo khác, lò heo nhà anh cũng hối hả chuẩn bị cho mùa cuối năm, bởi đây là lúc thị trường heo đất nhộn nhịp nhất. Chỉ tay vào một hàng heo đất nằm ngay ngắn, thẳng thớm đều đặn, anh Tuấn kể tiếp: Mặc dù nhìn heo đất đơn giản vậy nhưng để làm được một con heo lại khá phức tạp và nhiều công đoạn. Bắt đầu từ việc chọn đất. Mặc dù vùng Tân Uyên này có lịch sử về nghề đất nung với chất đất rất tốt, nhưng hiện nay do quá trình đô thị hóa, hầu như ở đây không còn đất nữa bởi nhiều nhà máy, khu công nghiệp đã được xây dựng quanh đây, đặc biệt là từ khi Tân Uyên được nâng cấp thành thị xã. Vì thế, đất nguyên liệu thường được mua về từ phía thượng nguồn sông Đồng Nai, tận trên mạn Bến Cát hoặc bên Chơn Thành (Bình Phước). Sau đó, đất nguyên liệu phải để ở ngoài trời mưa nắng một thời gian, có khi cả tháng trời, để những kim loại nặng, hóa chất trong đất mất đi rồi mới nhào nặn. Từ đây, qua bàn tay của những người thợ chăm chỉ, từng khối đất vô tri đã dần dần lên hình thù, được quyện hòa với ngọn lửa ngàn độ để tạo lên những chú heo đất giản đơn mà tinh tế này. Đó không chỉ là một nghề để mưu sinh, để kiếm sống mà còn là tình yêu của những con người với đất quê hương và ngọn lửa đam mê trong lòng. Nó đem đến cho cuộc sống không chỉ là những chú heo đất mà còn là nơi để người mua dành dụm, để sẻ chia, để tiết kiệm những đồng tiền bé nhỏ với một bài học làm người giản đơn mà sâu sắc.

Bà Nụ quê gốc ở Núi Thành (Quảng Nam), nhưng đã theo gia đình vào đây từ năm 1954, khi bà mới chỉ là đứa bé chập chững. Sau nhiều kế sinh nhai, cuối cùng cha mẹ và anh trai bà quyết định gắn bó với nghề làm heo đất. Còn bà, sau khi lấy chồng cũng tiếp tục công việc với một lò nung riêng và có thể cô con gái và con rể bà cũng sẽ tiếp tục công việc nhỏ bé, vất vả nhưng cũng nhiều duyên nợ này. Bà bảo, dù vất vả vậy nhưng giá thành của một con heo đất cũng rất rẻ, nung xong chỉ có giá 2.000 đồng loại 1 lít, 2.500 đồng loại 1,5 lít và 3.000 loại 2 lít mà thôi. Nếu tiếp tục làm thêm công đoạn sơn màu nữa thì giá tăng thêm ở mỗi loại là 1.000 đồng. Tuy nhiên, do nhu cầu của khách hàng hiện nay rất đa dạng, nhất là hàng xuất khẩu nên có nhiều thương lái mua heo không cần sơn màu, chỉ mua heo trơn mà thôi. Mặc dù giá rất rẻ nhưng thực tế, rủi ro của nghề nung heo là khá lớn, kể cả những người có tay nghề thành thục như bà Nụ. Theo đó, những sản phẩm sau khi ra lo bị móp, bị hư, bị méo, bị nứt đều phải bỏ đi. 



Cuối năm, heo đất Tân Uyên hối hả đưa ra thị trường

Bám nghề mưu sinh

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay ở vùng Tân Uyên còn khoảng hơn 20 lò nung heo đất, nằm rải rác bên cạnh một số hộ dân đã chuyển lò nung lên trên vùng Khánh Bình xa xôi để có không gian và nguyên vật liệu phục vụ nghề. Có thể nói, mặc dù không hưng thịnh như trước nhưng nhìn chung nghề làm heo đất vẫn là một trong số ít những làng nghề thủ công có sản phẩm được thị trường đón nhận. Mặc dù vậy, việc vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ những sản phẩm cùng loại khác cũng khiến nghề làm heo đất ngày càng trở lên khó khăn hơn. Cụ thể, ngoài heo đất, hiện nay trên thị trường còn có những loại heo nhựa, gỗ công nghiệp hay những vật liệu tổng hợp khác cũng khiến thị phần sản phẩm làng nghề bị giảm sút đáng kể. Có thể nói, những loại vật liệu này cùng có chung một ưu điểm hơn so với heo đất là bền đẹp, mẫu mã đa dạng, phong phú và có thể tái sử dụng nhiều lần được. Theo ông Đặng Văn Biển, 53 tuổi - một người làm heo đất lâu năm ở Tân Phước Khánh thị phần heo đất đã giảm rất nhiều so với khoảng 10 năm trước, mặc dù dân số sinh sống quanh khu vực này tăng lên. Lý giải về điều đó, ông bảo trước kia khách hàng mua heo đựng tiền hầu hết là bằng đất thì hiện nay, heo nhựa heo  gỗ ép… đã chen chân vào cạnh tranh. 

Không những vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, trang thiết bị máy móc để đầu tư cho nghề cũng phức tạp hơn để đảm bảo những yêu cầu của khí thải và chống ô nhiễm môi trường. Cụ thể, ngoài hệ thống khuân, mẫu hàng mà khách hàng đặt, thợ nung còn phải trang bị những công nghệ đốt lò khác để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Có lẽ, chính những quy định khắt khe hiện nay đang dần làm mai một những lò nung này. Theo ông Biển, khoảng hơn chục năm trước, vùng này còn thưa thớt dân cư, cây cối nhiều nên mỗi ngày có hàng chục lò nung hoạt động cũng không ảnh hưởng đến môi trường sống. Ngày nay, đất chật người đông nên khi lò hoạt động, lượng khí thải nhiều tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh. Chính vì vậy, để bám nghề mưu sinh những lò nung phải đáp ứng được nhiều hơn nữa những yêu cầu khắt khe của thị trường và xã hội.



Sơn màu trước khi đưa heo ra thị trường

Và để tồn tại được, tất nhiên ngoài việc gắn bó với nghề bằng tất cả tình yêu, tâm huyết, những người thợ tài hoa nơi đây phải không ngừng sáng tạo, tìm tòi ra những hướng đi riêng. Cụ thể, ngoài sản phẩm là heo đất, thợ nung còn làm những sản phầm gà đất, rồng đất, dê đất… để phục vụ khách hàng, nhất là những dịp cuối năm với mẫu mã được ưa chuộng là linh vật của năm đó. Hi vọng, nghề nung heo đất sẽ được gìn giữ và phát huy không chỉ bởi những sản phẩm độc đáo của mình, mà nó còn là một nét văn hóa khá ngộ nghĩnh của những em nhỏ với những ước mơ nhỏ bé về khoản tiền dành dụm của mình.
                                                                       Theo : daidoanket.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.459.587
Tổng truy cập: