LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Nét đẹp nón làng Chuông
(Ngày đăng: 23/10/2014   Lượt xem: 814)
Một phiên chợ nón làng Chuông.

Nhằm ngày 10 âm lịch, đúng phiên chợ nón, chúng tôi về làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Ðã hơn ba thế kỷ nay, chiếc nón làng Chuông không chỉ che nắng, che mưa mà còn để làm duyên cho người phụ nữ Việt Nam. Hằng tháng, cứ vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch, đến hẹn lại lên, chợ nón làng Chuông lại họp. Sáu phiên một tháng, 72 phiên chợ trong một năm như để khẳng định, nón làng Chuông vẫn còn nhiều người mua, kẻ bán - cơ hội tốt cho sự phát triển của làng nghề truyền thống trong cơ chế thị trường cạnh tranh hiện nay.

Làng Chuông gồm có sáu xóm thì tất cả người dân đều làm nghề nón. Vật dụng làm nón gồm lá, chỉ và khung nón. Lá là chất liệu quan trọng làm nên chiếc nón được lấy từ hai loại cây giống như cây cọ, mọc ở những vùng đồi núi. Với loại lá non còn búp, chưa xòe ra hẳn, người ta cắt về phơi khô hai đến ba nắng, rồi đem ủi phẳng. Khi ủi phải dùng khăn nhúng nước, hơ trên lửa cho nóng trước khi chà nhẹ lên lá cho thẳng. Các vòng tròn nhỏ dần đến chóp nón tạo ra khung nón. Thường mỗi mối buộc được dùng guột hoặc mây bện lại rất chắc chắn và đẹp mắt. Công đoạn làm khung nón được cho là khó nhất bởi nó quyết định đến độ tròn và sự bền chắc của một chiếc nón. Nón làng Chuông trông đơn giản, nhưng đòi hỏi rất công phu, tỉ mỉ khi làm ra nó. Khung nón làm bằng tre ngâm kỹ vừa dẻo dai lại rắn chắc, gồm 16 vành. Ðây được coi là công thức bắt buộc đã chọn lọc phù hợp với thực tế thông qua bao đời người thợ làm nón Chuông. Công thức ấy đã được nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm đưa vào thơ ca của mình như càng nhấn mạnh thêm vẻ thanh tao, tình tứ song không kém phần cầu kỳ của nghề làm nón lá:

"Bàn tay xây lá, tay xuyên nón

Mười sáu vành, mười sáu trăng lên"

Ngồi bên những chồng nón xếp ngay ngắn trong gian hàng chính chợ, chị Hoàng Thị Huyền ở Ðội 6, xã Phương Trung vừa thoăn thoắt chẻ nan vừa trò chuyện vui vẻ. Gia đình chị có tám người, bố mẹ chị đã được truyền nghề làm nón từ ông, bà nội. Ðến nay vợ chồng chị và các em bên chồng vẫn tiếp tục làm nghề này. Doanh thu bình quân hằng năm của gia đình chị từ 50 đến 100 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí cũng có thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Chị Huyền còn cho biết thêm, cái nghề khâu nón không kén người làm, trẻ con, người già, thậm chí cả những người khuyết tật đều có thể tham gia sản xuất. Thôn chị có hàng trăm hộ gia đình làm nón. Nhờ vậy, công ăn việc làm của bà con được bảo đảm. Mỗi năm, người làng Chuông làm ra khoảng ba đến bốn triệu chiếc nón, doanh thu từ nón bình quân cũng đạt hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hầu hết người dân trong làng, nhất là mỗi dịp nông nhàn. Trước đây, những người làm nón phải cất công lặn lội đi mua nguyên liệu về sản xuất rồi đem ra chợ làng mình tiêu thụ. Bây giờ, thời thế đã khác, nón làng Chuông được xuất khẩu và khách du lịch tăng lên, từ đó làng Chuông đã có nhiều doanh nghiệp được hình thành, thu mua nón với số lượng lớn. Nhu cầu làm đẹp tăng lên đồng nghĩa với việc những người thợ phải không ngừng thay đổi cách nghĩ, cách làm và cải tiến mẫu mã. Theo một số nghệ nhân trong làng, nón làng Chuông đã có hàng chục kiểu dáng được cải tiến phù hợp với thị hiếu khách hàng. Ngoài những kiểu mẫu truyền thống, đã có thêm nhiều kiểu dáng khác như quai thao, nón chóp dứa, nón tơi, nón Lâm Sung, nón Thái-lan, nón Hàn Quốc... Nón làng Chuông cũng vinh dự được tham gia vào nhiều sự kiện lớn của đất nước như APEC, SEA Game và các hội chợ quốc tế khác.

Hiện, trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 1.300 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 286 làng nghề đã được cấp có thẩm quyền công nhận. Thu nhập bình quân của người lao động trong làng nghề đã tăng lên đáng kể từ 14,6 triệu đồng/người (năm 2009) lên hơn 25 triệu đồng/người (năm 2014). Riêng huyện Thanh Oai có hơn 50 làng thuộc địa bàn 14 xã được công nhận làng nghề. Trong số đó, có 16 làng nghề truyền thống và 35 làng nghề mới. Số lao động có nhu cầu học nghề và tìm được việc làm ổn định là hơn 5.400 lao động. Bên cạnh đó, toàn huyện có tổng số 11.291 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong làng nghề; có 30.512 lao động tham gia nghề. Cùng với làng thêu Quất Ðộng, làng may Trạch Xá, làng Vác làm quạt giấy, lồng chim; làng mây tre đan Phú Vinh, làng giò chả Ước Lễ... làng nón Chuông đã và đang góp phần làm rạng danh nét đẹp truyền thống các làng nghề của Thủ đô, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã xác định, phát triển làng nghề là công cụ để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Ðể phát triển bền vững, làng Chuông đã đặt ra mục tiêu tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, phát huy thế mạnh từng vùng và bảo vệ môi trường. Ðẩy mạnh các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho các cơ sở làm nghề, đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, đồng thời đơn giản hóa thủ tục vay vốn để tăng cường khả năng tiếp cận của các cơ sở đến nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về ngành nghề nông thôn, thu hút, tạo điều kiện để các nghệ nhân truyền nghề cho thế hệ kế cận, bảo tồn làng nghề truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho người lao động...

Làng Chuông đang thay da, đổi thịt, những ngôi nhà mới thi nhau mọc lên, đường sá khang trang, sạch sẽ, trong đó có phần đóng góp không nhỏ từ nghề làm nón lá truyền thống.

                                                                     Theo : nhandan.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.455.447
Tổng truy cập: