---------
Nhận lời mời của ông Bùi Văn Luyến giám đốc Công ty TNHH Minh Đạt, langhe cùng ông Nguyễn Đức Ngọc làng nghề Đúc kim loại Bằng Châu thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định cùng tháp tùng xe của Cty Minh Đạt đi Nam Định để tham dự lễ hội giỗ tổ làng nghề truyền thống đúc Tống Xá, Yên Xá, Ý Yên, Nam Định.
Mục đích chuyến đi của chúng tôi là giao lưu làng nghề, và tìm hiểu nghề đúc đồng chạm khảm tam khí để mong du nhập phát triển làng nghề đúc đồng lâu năm ở quê hương chúng tôi!
Theo lời ông Nguyễn Đức Ngọc, gia phả cụ Tổ nhà ông thì quê hương ông ở Nam Định, vào Bình Định lập nghiệp lâu đời. Đến nay làng nghề đúc kim loại Bằng Châu, Đập Đá, An Nhơn, Bình Định đã tồn tại trên 200 năm. Hằng năm có ngày giỗ Tổ là ngày 17/3/âm lịch, thờ tổ sư nghề đúc là Không Lộ Thiền Sư. Cho nên ông rất hoan hỉ cho chuyến đi này, đó là chuyến đi về nguồn tìm về đất Tổ nghề!
------
Chuyến xe du hành bắt đầu từ Bình Định 8 giờ 30 sáng ngày 04/3 đến 4 giờ 30 sáng ngày 05/3/2009 chúng tôi đến làng Tống Xá, mưa lất phất lạnh trái ngược với nắng nóng ở Bình Định, không khí mừng đón lể hội làng nghề của Tống Xá làm chúng tôi hào hứng quên cái mệt mỏi và cái lạnh miền Bắc.
Cội nguồn của làng Tống Xá đã có 1218 năm tuổi, cội nguồn của nghề đúc truyền thống đã qua 891 năm.


Theo "Tống Xá làng nghề đúc truyền thống, cội nguồn Xưa và Nay " của Tiến sĩ Dương Minh Đức người con của làng nghề Tống Xá thì:
KHÁI QUÁT CHUNG

Làng Tống Xá ra đời từ năm 791, nhưng nghề sống chính vẫn là nông nghiệp với cấy lúa trồng màu. Do dân số ngày một tăng, ruộng đất khai phá không được nhiều, địa hình canh tác không thuận lợi, ruộng chiêm trũng nhiều, nên năng suất rất thấp. Người dân lao động làm ăn quần quật quanh năm mà vẫn đói rách, nghèo khổ. Cuộc sống trên 300 năm chỉ với đồng ruộng, không có gì thay đổi.
Mãi đến năm 1118, sau 327 năm ra đời, dân làng nghề mới có thêm một nghề mới, đó là nghề đúc kim loại. Ngày tháng trôi qua, lúc đầu nghề mới còn lạc hậu, song rồi từng bước phát triển, nổi bật từ năm 1986 đã tăng tốc rất mạnh mẽ, như một bước ngoặc lớn về phát triển kinh tế của quê hương, chiếm tới 97% doanh thu của xã. Người đem nghề đúc kim loại này về cho dân làng Tống Xá, đó chính là một nhà sư - một vị Thánh - Nguyễn Minh Không.
ÔNG TỔ NGHỀ ĐÚC






Ông tổ nghề đúc thờ ở đình Thánh Tổ của làng Tống Xá là Đức Thánh Không Lộ - Minh Không, tên thực là Nguyễn Chí Thành sinh năm 1076 ở làng Điểm Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ông là nhà sư nhiều tài năng ( Trong entry chùa Bái Đính sẽ nêu rõ tiểu sử nhà sư Minh Không, người sáng lập chùa Bái Đính cổ ).



Ngày 12 tháng 2 Âm lịch tương ứng với năm 1118, nhà sư Nguyễn Chí Thành ( 43 tuổi ) đã đến vãng cành chùa Tống Xá ở xứ đường Leo, trước cửa làng và ngụ cư tại chùa này. Trong thời gian ở chùa, Ông đã đi thăm các cánh đồng của làng, nhận thấy ở phía đông bắc làng có một khu ruộng khoảng vài ba mẫu có loại đất sét dùng được làm khuôn đúc. Ông đã cùng dân làng đào một hố sâu để lấy đất về làm khuôn và dạy cho làng Tống Xá nghề đúc, kéo bể thổi lò, chế tạo ra các dụng cụ bằng gang, đồng như cày bừa, nồi chậu để cung cấp cho nông nghiệp và sinh hoạt gia đình. Cánh đồng lấy đất làm khuôn nói trên, từ ngày đó được gọi là canh đồng Cầu Hố.
Khi mọi người đã thạo nghề, sau 7 tháng, ngày 12 tháng 9 Ông ra đi. Những học trò đầu tiên đã tiếp thu được nghề đúc của Ông truyền lại là các ông ; Dương Công Lâm, Nguyễn Đức Thường, Trần Thế Tường, Diệp Xuân Tâm, Hồ Chí Hòa, Hoàng Đạo An, Đỗ Duy Phúc.
Sau này nghề đúc được mở mang, dân làng làm ăn phát đạt, đã dựng đền thờ Ông ở phía tây làng để truy tu công đức, lấy ngày Ông đến là 12 tháng 2 và ngày Ông đi là 12 tháng 9 âm lịch làm ngày giỗ hằng năm. Theo Thần phả đình thờ Ông được xây dựng ở phía đông đền thờ hai Ông Tổ dựng làng là ông Tống Phúc Thành và ông Dương Vạn Hợp ( không ghi rõ ngày tháng năm dựng đền). Đình quay hướng nam, phía tây và phía bắc giáp các cánh đồng lúa, phía nam giáp sát với trục giao thông chính của làng, phía đông giáp lũy tre xanh của khu dân cư.

Bằng công nhận di tích đền thờ Đức Thánh Tổ
( Theo QĐ số 3211 do Thứ trưởng Lưu Trần Tiêu Bộ Văn hóa Thông tin ký ngày 12/12/1994)

------
Xin chép bài thơ của tác giả Dương Văn Tốn ở Cố Liêu về lễ hội:

QUÊ TA

Tháng hai lễ hội ở quê ta
Khách quí thập phương đến xã nhà
Dự hội làng nghề thay đổi mới
Xem nghề đúc thép rất tài ba
Hội mừng Cụ Tổ linh đình quá
Có tế, rước, chèo, hát, pháo hoa
Công đức ơn này, Tiên Tổ dựng
Đời đời con cháu hướng vinh hoa.