Là nơi giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân, thể hiện trình
độ phát triển của cả vùng miền, chợ là một nét văn hóa đặc sắc, mang trong mình
biểu trưng của sự hội tụ và chắt lọc, vừa cũ xưa, dung dị, hồn hậu lại vừa mới
mẻ, tươi tắn bởi sự sôi động, ồn ào của nó. Dù là ở thành thị hay thôn quê, thì
chợ cũng chính là nơi chứa đựng “linh hồn” của vùng đất và con người nơi ấy. Nằm giữa không gian văn hóa cổ
kính làng Chuông, xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội, phiên chợ làng nón vẫn
còn lưu giữ nguyên vẹn những nét đẹp truyền thống độc đáo.
Ở Việt Nam,
hình ảnh chiếc nón đã hiện diện từ lâu trong đời sống hàng ngày của người dân
và trở thành một phần cuộc sống của người Việt. Có thể thấy trên khắp đất nước
có biết bao vùng làm nón nổi tiếng và mỗi loại nón ở từng địa phương đều mang
sắc thái riêng. Với vùng đồng bằng Bắc Bộ, nón làng Chuông,Thanh Oai, Hà Nội
nổi tiếng là loại nón bền đẹp vào bậc nhất. Mỗi chiếc nón đều mang nét duyên
dáng, sự giản dị, thuần khiết mà vẫn không kém phần đài các, quý phái. Nó là
chứng nhân phản ánh rõ nét đời sống, mong muốn cũng như cảm nhận của người dân
Việt, trở thành vật điểm trang đi cùng các bà các chị trong những ngày lễ, ngày
hội; tôn thêm nét đẹp, nét duyên của người phụ nữ Việt.
Muốn ăn cơm trắng cá
trê
Muốn đội nón tốt thì
về làng Chuông
Theo câu ca dao xưa, từ sáng sớm chúng tôi đã tìm về làng Chuông để có
thể kịp dự phiên chợ quê. Ngôi làng nhỏ nằm bên dòng sông Đáy hiền hoà, cách
trung tâm Hà Nội khoảng 30km. Từ lâu, chợ đã trở
thành một nếp sống, một nét văn hóa đặc trưng của ngôi làng cổ hàng
trăm năm tuổi nổi tiếng với nghề làm nón lá.
Người dân làng Chuông, sinh ra, lớn lên vẫn theo cái nghề của cha ông để
lại từ bao đời. Nghề làm nón giản dị này đã
nuôi sống biết bao gia đình. Trong làng, từ người già cho đến trẻ em, hầu như
ai ai cũng biết làm nón và tranh thủ lúc nông nhàn để tăng thu nhập. Sự lặng lẽ
của những con người nơi làng quê khiến chúng tôi tường tận hơn về ba chữ Nón làng Chuông. Tới chợ, dễ có thể bắt gặp những hình ảnh thân quen về cuộc
sống lao động, hay những nhịp sống của một chợ quê vùng Bắc Bộ,
ẩn mình trong không gian văn hóa thuần Việt.
Chợ nón họp mỗi tháng 6 phiên, vào các ngày chẵn
trong tháng: mùng 4, 10, 14, 20, 24, 30 Âm lịch
Từ khắp chợ, người người vui vẻ mang theo những sản
phẩm của mình đến chợ
Ngôi làng nghề nhỏ bé này luôn tấp nập khách ra vào
không chỉ để đặt hàng, mà còn để tham quan, tận mắt chứng kiến công việc làm
nón.
Nón được xếp thành từng chồng dài, trắng loá. Màu trắng của nón lấp loá
khắp nơi xen lẫn những gương mặt hoan hỉ, chất phác của những người nông dân
giản dị như chính những chiếc nón khiến người ta có thể cảm nhận được cuộc sống
yên ả nơi đây.
… tiếng cười giòn tan của các bà các chị đã làm cho
không khí trong chợ càng thêm đậm đà bản sắc quê hương
Trước đây, phiên chợ này chỉ để bán nón, về sau, do những thay đổi của
cuộc sống mà tính chất của phiên chợ cũng có nhiều thay đổi. Người ta đến đây
để trao đổi, để mua tất cả những nguyên liệu cần thiết để làm ra một chiếc nón.
Người dân từ các làng khác ở Thanh Oai đều đổ về đây dự phiên chợ…
Ở chợ Chuông, người ta bán đủ thứ nguyên liệu để làm
thành chiếc nón. Từ lá nón, kim, chỉ, cước khâu nón, vành nón, rồi khuôn làm
nón cho tới quai nón rồi tua rua đủ màu...
Hình ảnh người bà, người mẹ…cặm cụi cắt lá, lợp nón,
nắn nót từng đường kim mũi chỉ, cẩn thận với từng đường phết quang dầu thông
lên nón
Những cụ bà đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn gắn bó với
chợ, với nguyên liệu làm nón, chứng kiến những thăng trầm của nghề làm nón làng
Chuông
Sức hút chợ Chuông còn hiện hữu bởi một không gian kiến
trúc cổ kính
Chợ họp ngay tại đình làng, bên ngoài cổng Tam quan,
trong sân đình…
Những nét giản dị trong cuộc sống thường ngày đã tạo
nên sắc thái riêng cho chợ quê
Người làng nón truyền nhau: còn người Việt Nam, còn cô gái mặc áo dài thì nghề
làm nón vẫn không bị mất. Có lẽ, đó là lý do một phiên chợ nón thế này còn tồn
tại đến nay và không thiếu sự tấp nập, người qua kẻ lại, người mua kẻ bán… Không
chỉ là nơi trao đổi, buôn bán nữa, chợ nón Chuông đã trở thành điểm hẹn của văn
hóa chợ quê, biểu trưng của vẻ đẹp truyền thống Việt.
Rời
làng nón nhưng hình ảnh những chiếc nón trắng và nụ cười viên mãn của các mẹ,
các chị trong phiên chợ nón cùng hình ảnh những bàn tay tài hoa và lòng nhiệt
huyết của những con người bình dị nơi đây vẫn còn in đậm trong chúng tôi. Có một
niềm tin rõ ràng rằng nghề nón sẽ không bao giờ mất. Dù cho những ba động của
cuộc sống hiện đại có mạnh mẽ đến đâu đi nữa thì hình ảnh chiếc nón cùng tà áo
dài truyền thống vẫn sẽ mãi mãi là biểu
tượng văn hoá đặc sắc của người Việt Nam, là vẻ đẹp độc đáo của truyền
thống Việt.
Trang Nguyên