LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Nghề dệt thổ cẩm cườm của người Cơ Tu, Quảng Nam
(Ngày đăng: 25/04/2014   Lượt xem: 434)
Đồng bào Cơ Tu thôn Zara (Quảng Nam) luôn tự hào về nghề dệt thổ cẩm cườm do cha ông để lại.



Thổ cẩm của người Cơ Tu ở Zara được làm hoàn toàn thủ công. Ảnh: Internet

Không ai biết thổ cẩm của người Cơ tu ở Quảng Nam có từ bao giờ, nhưng theo các già làng, trưởng bản ở thôn Zara, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang kể lại, từ khi còn nhỏ, các cụ đã thấy khung dệt của cha ông để lại. Điều thú vị là, nếu các dân tộc ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên thất truyền nghề dệt, thì đồng bào Cơtu ở Quảng Nam vẫn còn bảo lưu được. Đó là một giá trị văn hoá vô cùng độc đáo.

Thôn Zara là nơi tập trung đông nhất người làm nghề dệt thổ cẩm. Đến Zara, không phải cảnh mỗi nhà một khung cửi, tiếng thoi lách cách rộn rã từ ngoài đường vào trong xóm, mà tất cả các thợ dệt trong làng tập trung vào một nhà, cùng nhau dệt vải, tra cườm. Vải thổ cẩm dệt xong được đưa vào xưởng may tập trung, mỗi người một công đoạn, may váy quấn, khố, tấm đắp, túi… và nhiều loại vật dụng khác.

Trước đây, loại cườm phổ biến mà người Cơ Tu sử dụng là hạt cây và hạt đúc từ chì. Hạt cây arạc có nhiều ở rừng được người dân lấy về tra sợi dệt vải và xâu vòng cổ, vòng đeo tay, chân… Tuy nhiên hạt cây này không bền nên sau này không được dùng nữa. Còn hạt cườm từ chì được nấu từ chì nung chảy, đổ lên đá và lấy que tre tách hạt, miết tròn và chích lỗ rồi thả vào nước lạnh cho cứng viên chì lại.

Ngày nay, người Cơ Tu dùng loại hạt cườm nhựa sản xuất sẵn phổ biến ngoài chợ để dệt trong những tấm vải thổ cẩm của mình, bởi ưu điểm tiện dụng, nhiều màu sắc và đa dạng, đồng thời bền hơn nhiều.

Thổ cẩm của người Cơ Tu ở Zara được làm hoàn toàn thủ công và khép kín, từ khâu trồng cây nguyên liệu như bông, gai, đay, xe sợi, nhuộm, dệt vải, tạo hoa văn, tra cườm, thêu… cho đến may thành sản phẩm. Các khung dệt ở đây cũng được làm hết sức thô sơ, chỉ từ những thanh tre, nứa…

Muốn dệt nên một hoa văn cườm, người thợ phải cắt sợi ngang rồi chèn các hạt cườm vào, tùy theo trí tưởng tượng của mình mà thêm hay bớt hạt. Số hạt càng nhiều, hoa văn dệt càng khó, và ngược lại. Hoa văn cầu kỳ thể hiện sự tinh xảo của đôi tay người thợ dệt, và tùy hứng sáng tạo mà các hoa văn tạo ra mỗi lúc không giống nhau.

Để hoàn thành một sản phẩm, thường rất mất thời gian, một phụ nữ Cơ Tu phải mất hàng tuần, thậm chí đối với những sản phẩm tinh xảo, có hoa văn khó, phải mất tới cả tháng. Hoa văn thổ cẩm Cơ Tu thường được dệt bằng sợi bông trắng trên nền vải đen hoặc sẫm màu.

Chính vì sự độc đáo của nó mà dệt thổ cẩm của làng Zara đã các cấp ngành, chức năng nghiên cứu, phục dựng hơn 50 sản phẩm dệt truyền thống của đồng bào Cơ tu, trong đó có những kiểu mẫu tưởng chừng đã thất lạc, mai một, nay được các Mế như Zơ Râm Mê, A Lăng Thum... nhớ ra và truyền lại cho các chị em nhóm dệt. Các sản phẩm này đã đặc biệt thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước khi đem trưng bày tại Hội An, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Đáng mừng hơn là cho đến nay, đã có 853 sản phẩm thổ cẩm của nhóm dệt làng Zara được đưa ra thị trường.tập trung trong một ngôi nhà sàn để may, thêu các sản phẩm… Nghề dệt thổ cẩm được khôi phục đã giúp cải thiện đáng kể đời sống của người Cơ Tu Quảng Nam.

                                                                                                                          Theo: Dantocviet


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.467.803
Tổng truy cập: