LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Chiếc khố của đàn ông dân tộc Cơ Tu
(Ngày đăng: 25/04/2014   Lượt xem: 828)
Chiếc khố là một phần quan trọng gắn liền với lịch sử và đã ăn sâu vào tiềm thức trong tập quán ăn mặc của người Cơ Tu. Với đàn ông Cơ Tu, khố còn là một gia tài, hiện vật sống, một di sản văn hóa vật chất được họ gìn giữ để làm rực rỡ thêm sắc màu văn hóa cổ truyền của dân tộc mình trên vùng đất Trường Sơn...

Khố bằng vỏ cây - ẩn chứa nét hoang dã

Đàn ông dân tộc Cơ Tu với chiếc khố bằng vỏ cây
Đàn ông dân tộc Cơ Tu với chiếc khố bằng vỏ cây .

Trước khi biết đến kỹ thuật dệt và các loại vải dệt, tổ tiên của nhiều dân tộc chủ yếu dùng các loại vỏ cây sẵn có trong thiên nhiên để làm vật dụng che thân như tấm choàng, váy, áo, khố... Có thể coi những đồ mặc này như là loại y phục cổ sơ. Ngày nay, những y phục vỏ cây vẫn còn thấy một số đồng bào ở những vùng xa xôi hẻo lánh sử dụng trong sinh hoạt.

Người Cơ Tu ngày xưa đã chọn lựa một vài loại vỏ cây sẵn có tại rừng núi quê hương mình để làm đồ mặc. Ban đầu họ khai thác loại vỏ cây có kích thước lớn, đập mỏng, phơi khô rồi dùng nguyên một miếng để khoác vào người. Áo vỏ cây không những giúp đồng bào chống được giá rét, mà còn thích nghi với một số hoạt động như khi đi khai thác song mây, phát rẫy, cắt lá lợp nhà và đặc biệt là khi đi săn bắt ở rừng sâu.

Về sau, người Cơ Tu thường lấy vỏ của cây hơ mớt, hơ mon, hơjoong, chrơ dđangơ duông, ta đuých... để làm váy, áo mặc che thân. Họ chọn những thân cây có kích cỡ lớn khoảng 3 đến 4 gang tay, cắt thành từng khúc theo kích thước phù hợp với yêu cầu của mỗi người trong gia đình rồi lột thành từng mảng để làm đồ mặc. Để tấm vỏ cây được mềm mại và dẻo, sau khi hơ lửa cho nóng đều, người ta dùng một khúc cây đã khắc rãnh lồi lõm để đập dập. Đập xong, lột bớt lớp vỏ ngoài, chỉ để lại lớp vỏ trong.

Lúc đầu, chiếc khố (h’giăl hay g’hul) được làm bằng vỏ cây hoặc những sợi dây rừng đan lại với nhau để che nửa phần dưới của cơ thể. Khi nghề dệt của người Cơ Tu phát triển, cây bông vải đã được trồng phổ biến, thì loại vỏ cây nói trên ít khi được người Cơ Tu sử dụng.

Chiếc khố bằng vải thổ cẩm truyền thống

Chiếc khố của đàn ông dân tộc Cơ Tu có nhiều loại, có loại khố thường không có hoa văn, khố có trang trí hoa văn bằng cườm gọi là cha loon arắc, khố trang trí hoa văn bằng chì (đây là khố sang trọng, người giàu mới có thể sắm để mặc). Khi đàn ông Cơ Tu mặc vào có dáng hình chữ T. Bộ trang phục truyền thống của đàn ông Cơ Tu gồm chiếc khố cùng với tấm choàng hình chữ X. Khố chữ T là một tấm vải rộng từ gang rưỡi đến 2 gang tay (từ 30 đến 40cm), có chiều dài khoảng từ 2 sải tay đến 6 sải tay (từ 2m đến 8m).

Đàn ông Cơ Tu với chiếc khố bằng vải thổ cẩm truyền thống
Đàn ông Cơ Tu với chiếc khố bằng vải thổ cẩm truyền thống.

Chiếc khố của đàn ông dân tộc Cơ Tu được dệt hoàn toàn bằng thủ công với những dãy hoa văn hết sức tinh tế bằng chì hoặc cườm trắng trên nền vải chàm đen hình đàn ông Cơ Tu múa tung tung (múa nam), hoa văn bằng cườm hình dây buộc nhà Gươl (Hơma cating), hoa văn bằng cườm hình trang sức (mã não), hoa văn bằng cườm hình hàng rào... Khi mặc, đàn ông Cơ Tu lấy tấm khố quấn quanh thắt lưng rồi quàng qua háng, với vạt trước dài gần đến chân, vạt sau dài dưới đầu gối một chút.

Người Cơ Tu lớn lên cùng với chiếc khố, nó không chỉ được những người đàn ông từ trẻ đến già mặc trong sinh hoạt ngày thường mà họ thường mặc vào hầu hết các lễ hội truyền thống của cộng đồng như: Lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơmêê), lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơtu (Pơ-ngoót), lễ ăn mừng được mùa (Bhuối Aví), lễ tạ ơn thần lúa (Phôih zơvây ha roo)… Chiếc khố của người đàn ông dân tộc Cơ Tu làm toát lên vẻ đẹp gần gũi với thiên nhiên, núi rừng...

Gìn giữ và trân trọng chiếc khố truyền thống như một di sản mang dấu ấn cổ xưa của các bậc tiền nhân đã tạo ra nó để vào mùa lễ hội các già làng, trai tráng và cả trẻ em Cơ Tu trưng diện góp phần làm nên bức tranh văn hóa Cơ Tu thật sống động trong tổng thể cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Na.

                                                                                                                            Theo: Báo mới

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.462.918
Tổng truy cập: