LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Nghề kẹp quế của đồng bào dân tộc Cor
(Ngày đăng: 24/04/2014   Lượt xem: 433)
Từ bao đời nay, tại các xã vùng cao huyện Trà My (Quảng Nam), thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây một thứ lâm thổ sản quí đã được truyền tụng đó là: “Cao sơn ngọc quế”.

Vùng đất được thiên nhiên ưu ái

Quế ở vùng Trà My có tinh dầu nhiều, chất lượng cao vượt trội hơn quế một số nơi trong vùng và đem lại nguồn lợi lớn, nhờ khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây đã ưu ái cho. Từ đây, đồng bào dân tộc Cor (Trà My) đã hình thành nghề kẹp quế truyền thống và mang một sắc thái riêng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vùng người Cor có rất nhiều quế, nhưng quí nhất là quế rừng tự mọc ở núi cao, trong rừng sâu nên rất khó phát hiện. Vỏ quế rừng có da xanh đen và mịn, tinh dầu đỏ tươi, đây là loại quế quí hiếm và người Cor gọi là quế trời. Trước kia, mỗi cây có tuổi trên 20 năm thì giá trị của nó có thể đổi được từ 2 đến 3 con trâu, nhiều cồng chiêng hoặc nồi đồng.



Kẹp quế.

Người Cor sống chủ yếu bằng nông nghiệp làm nương rẫy không đủ đảm bảo nuôi sống con người nên đồng bào còn trồng thêm cây quế. Có quế, bà con có thể bán hoặc đổi được nhiều thứ như: quần áo, chăn mùng, rìu rựa, mắm muối, trâu bò...phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày.

Công phu trong cách khai thác

Vùng Trà My, mỗi năm có hai mùa khai thác quế, người Cor gọi là mùa tiền và mùa hậu. Mùa tiền bắt đầu vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5, mùa hậu bắt đầu từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 12 (theo lịch của người Cor). Những tháng không phải mùa thu hoạch theo bà con nếu có muốn khai thác thì chất lượng quế thấp và cũng khó mà lột vỏ.

Ông Hồ Văn Hành, 72 tuổi dân tộc Cor hiện đang sinh sống tại thôn 2 xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My và một số người già Cor lớn tuổi cho biết: “Để có một kẹp quế hoàn chỉnh, thì công việc lột vỏ quế đòi hỏi nhiều kinh nghiệm mà không phải người Cor nào cũng làm được. Trước khi lột, phải bắt giàn hoặc thang cạnh những cây quế cần lột. Công cụ lột quế là con dao và cái rựa để tiện vòng quanh thân cây hoặc cành và một thanh tre vót mỏng hoặc một mảnh sừng trâu để vạch và tách vỏ quế ra. Vỏ của thân và cành thường được tách thành hai miếng. Vỏ quế khi lột xong để xuống đất và ba ngày bà con gọi là dầm sương hoặc ngâm vỏ quế dưới suối từ 1 đến 2 ngày. Sau đó chùi rửa sạch sẽ rồi đem ra phân loại. Tùy ở độ dày hoặc mỏng của vỏ quế mà bà con phân ra nhiều loại khác nhau: loại 1, loại 2 hoặc loại 3...Rồi sau đó thực hiện từ uốn, nắn cho vỏ quế thẳng, thời gian này mất cả 5 ngày và hơn thế nữa. Quế có hàm lượng tinh dầu cao thì thanh của nó càng dễ làm và tạo ra kẹp quế càng đẹp”.



Quế sau khi kẹp xong đem đi phơi khô.

Nghề kẹp quế đòi hỏi bà con người Cor làm việc hết sức khẩn trương. Phải kẹp xong trong vòng từ 5 đến 7 ngày cho mỗi đợt lột quế không thì quế bị khô cuốn lại không kẹp được mà càng cuốn lại càng bị nứt tách thanh quế ra làm hai làm ba miếng nhỏ. Chính vì vậy mà đôi khi ban ngày làm chưa xong bà con người Cor lại tranh thủ làm cả ban đêm.

Quế kẹp có nhiều loại: quế xe và quế chạt. Quế xe thì nhọc công hơn, khi kẹp người kẹp phải tự xuôi theo thanh quế và tề hai đầu thanh quế cho bằng, thường đây là loại thượng hạng, loại nhất. Còn quế chạt thì ít nhọc công hơn, nhưng đây là loại quế hạng 2 hạng 3.

Khi kẹp xong, đem vào hong trong bóng râm mát rồi dùng lá chuối rừng hoặc lá tranh, cỏ khô ủ thêm 2 đến 3 ngày nữa rồi tháo kẹp cho đến khi hết nhựa mới đem ra phơi. Quế phải được phơi nắng sớm hoặc khi đã dịu nắng, rất kiêng nắng lớn và mưa sẽ làm cho quế hết tinh dầu.

Khi những thanh quế khô lại cuộn tròn có dạng hình ống trông thật bắt mắt và dễ thương. Bà con đem những ống quế cuộn tròn ấy xếp vào gùi để vào góc nhà sàn của mình chờ người mua đến là có thể bán được và đôi khi rảnh rỗi công việc nương rẫy bà con lại gùi đi xuống chợ huyện hoặc qua các vùng khác để trao đổi vật dụng cần thiết về dùng.

Khẳng định thương hiệu “Cao sơn ngọc quế”

Dù không mấy được xã hội biết đến nghề nghiệp truyền thống của người Cor Trà My (Quảng Nam) nhưng với họ đó là nghề rất đỗi thân quen, họ muốn được trổ tài của mình trên những thanh quế của vùng đất nơi họ từng sinh ra, lớn lên và cả đời gắn với cây quế.

Người Cor nơi đây cũng không biết rõ rằng qua tay của họ để tạo nên những kẹp quế với dáng dấp mềm mại và dễ thương nó sẽ đến những vùng miền, những xứ sở xa xôi, ở đó nó sẽ được nâng niu và quí trọng.

Rời vùng Trà My (Quảng Nam), chia tay những người Cor hiền hòa, chân chất đầy nắng và gió giữa không gian bao la của đại ngàn, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động giữa nơi núi rừng cao ấy lại có một nghề đã gắn với bà con dân tộc Cor từ bao đời nó thành một nghề truyền thống.

Cuộc sống của bà con người Cor còn nghèo, nhưng có ai nghĩ rằng những cơ cực trong nghề kẹp quế được chú ý để nhân rộng phục hồi thương hiệu “Cao sơn ngọc quế” góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống của bà con người Cor nơi đây bao đời đã cưu mang với cây quế Trà My.

Nguyễn Văn Sơn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.462.165
Tổng truy cập: