LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Nghề dệt Đình Cả trước nguy cơ thất truyền
(Ngày đăng: 10/04/2014   Lượt xem: 483)

Vốn là làng nghề sầm uất, thu hút đông đảo người lao động, sản phẩm được chào hàng tại thị trường trong và ngoài nước, thế mà hiện nay nghề dệt truyền thống thôn Đình Cả, xã Nội Duệ (Tiên Du, Bắc Ninh) đang đứng trước nguy cơ mai một.

Vào thời điểm hiện nay, về thôn Đình Cả, xã Nội Duệ, du khách thật khó tìm thấy một khung dệt cửi. Khắp hai bên đường làng, đâu đâu cũng thấy ngổn ngang sắt vữa, vật liệu xây dựng. Bà Nguyễn Thị Nam, một hộ dân từng làm nghề dệt cho biết: “Bây giờ làm gì có nghề dệt nữa mà xem. May ra cả làng còn 1 đến 2 hộ là còn tâm huyết theo nghề, số còn lại đã bán hết khung cửi, hoặc xếp trong góc nhà. Hầu hết các xưởng dệt đều được chủ nhà ngăn vách chuyển sang cho thuê trọ cả rồi”.

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngừng - cơ sở dệt cuối cùng ở Đình Cả, xót xa tâm sự: Nghề dệt vốn là nghề cha truyền con nối. Những năm đầu thập niên 2000 là thời hoàng kim. Ngày đó, xưởng dệt của gia đình tôi có tới 10 chiếc máy dệt, với 25 công nhân, ngày đêm hoạt động. Thu nhập của công nhân dệt luôn ổn định ở mức 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Nhờ nghề dệt phát triển mà diện tích trồng dâu, nuôi tằm không chỉ ở địa phương, mà các xã lân cận cũng phát triển mạnh. Ở Tam Giang, Bắc Ninh thành lập cả một trung tâm trồng dâu và ươm tơ. Hằng tháng, chúng tôi đến Tổng công ty dâu tằm Bắc Ninh nhận tơ về, rồi phân phát cho các hộ dân trong làng. Cả làng chia làm 12 đội sản xuất, với hơn 100 khung dệt. Đi đến đâu cũng nghe thấy tiếng thoi đưa lách cách, tiếng máy dệt chạy ầm ầm cả ngày lẫn đêm. Từ trẻ con đến người già, ai cũng có việc để làm. Người thì quay tơ thành ống, người thì nối sợi mành, sợi mốt và xe sợi. Có việc làm và thu nhập, người dân nhiều khi bỏ bê cả việc đồng áng. Thời điểm bấy giờ, uy tín về tơ dệt của làng Đình Cả đã lan xa. Khách hàng khắp nơi tìm đến mua hàng. Một số hộ trong làng đã mạnh dạn mở các gian hàng ở nước bạn Lào và Thái Lan. Trong làng cũng xuất hiện tới 46 đại lý lớn, chuyên đi gom hàng và xuất khẩu sang nước bạn. Nhiều hộ làm nghề dệt còn thuê cả nhân công lao động ở Hải Dương về làm cho xưởng của mình. Thế mà bây giờ im ắng quá, nghĩ mà nẫu cả ruột.

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngừng vẫn quyết giữ nghề và mong ngày nghề dệt của làng sẽ được khôi phục.

Theo ông Nguyễn Đức Ngọc, Trưởng thôn Đình Cả: “Nếu như năm 2008, trong làng vẫn còn khoảng 30 khung dệt, đến năm 2010 giảm xuống còn khoảng 10 khung dệt, nhưng từ năm 2012 đến nay nghề dệt gần như biến mất. Chỉ còn 1 đến 2 hộ tâm huyết với nghề, nhưng cũng chuyển sang dệt bằng máy. Ngay như gia đình tôi, trước cũng làm nghề dệt, nhưng giờ thì chuyển sang làm nghề khác rồi. Khung cửi xếp dưới bếp”.

Ông Nguyễn Hoàng Cúc, Phó chủ tịch UBND xã Nội Duệ, người gắn bó nhiều năm với làng nghề Đình Cả cho biết: Cái khó nhất của nghề dệt Đình Cả là không có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nghề dệt vốn dĩ thu nhập đã thấp, hàng hóa làm ra không tiêu thụ được, trong khi đầu tư ban đầu đâu phải nhỏ. Thế là các chủ xưởng dệt đóng cửa. Công nhân làm nghề dệt trung bình thu nhập chỉ dăm ba chục nghìn đồng/ngày, thu nhập quá thấp nên họ cũng bỏ nghề”.

Ông Nguyễn Hoàng Cúc cho biết thêm: “Từ khi khu công nghiệp mở tại địa bàn xã và tuyển dụng lao động vào làm với mức lương ổn định, công nhân dệt thi nhau bỏ nghề “đầu quân” cho khu công nghiệp. Thế là nhà xưởng dệt năm xưa giờ đây đã được các hộ dân cải tạo làm nhà trọ. Những cánh đồng trồng dâu cứ bị thu hẹp dần, nghề nuôi tằm cũng mất...”.

Một trong những nguyên nhân nữa khiến nghề dệt ở làng Đình Cả bị mai một là sự chiếm lĩnh thị trường của các sản phẩm tơ dệt từ Trung Quốc. Làng nghề Đình Cả nổi tiếng là vậy, nhưng một số hộ dân vì lợi nhuận vẫn “vô tư” nhập hàng Trung Quốc với giá rất thấp về bày bán.

Nghề dệt ở Đình Cả đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Rất mong các cấp chính quyền của huyện Tiên Du và tỉnh Bắc Ninh, sớm có giải pháp đồng bộ giúp người dân làng Đình Cả nói riêng và xã Nội Duệ nói chung khôi phục lại nghề truyền thống của quê hương.

                                                                                          Theo: Quân đội nhân dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.458.623
Tổng truy cập: