Không sợ vất vả khổ cực ông đi khắp các
chốn Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội ...để bán quạt. Ông còn tìm đến các danh
lam thắng cảnh nơi có nhiều khách du lịch mong sao chiếc quạt không phụ
lòng người. Lúc đầu ít người xem nhưng cuối cùng cũng có những người
hiểu được cái hồn dân tộc in hình trên những thanh quạt, múi quạt ấy.
Thế rồi tin lành đồn xa, những ông Tây
bà Tây cứ thi nhau tìm về nhà ông. Ông không phải đi bán quạt xa nữa mà
khách tìm về tận nhà để đặt hàng nghệ thuật, trưng bày, trang trí, làm
lưu niệm. Niềm vui đã đến với ông cùng những đứa con trong gia đình. Vậy
là chúng đã có tiền để đi học và mua sắm quần áo mới. Con cái đã lớn,
kinh tế gia đình khá giả lên dần. Cuộc sống ngày càng bộn bề hơn với
những đơn đặt hàng, hàng vạn chiếc sang Pháp, Nhật, Mỹ, Hàn... Cứ có
thời gian rảnh là ông lại đi khắp các chốn để lấy cảnh sông núi, làng
quê giúp cho ông có thêm cảm hứng sáng tạo ra phong cảnh hữu tình, cảnh
dân gian.
Để có được một chiếc quạt ưng ý, người
nghệ nhân phải bỏ công chọn từng ống tre, đạt 3 chuẩn: dẻo, già, không
mối mọt để làm nan quạt. Tiếp đến là công đoạn trọn mây để đan viền
quạt. Sợi mây phải mượt, óng, dài để khi đan không phải nối nhiều đoạn .
Khi vào giấy cho nan quạt phải khéo léo, tỷ mỷ, sao cho giấy không bị
nhàu, nếp gấp phẳng, đều, tiện cho công việc vẽ tranh. Khi vẽ, điều khó
nhất của người hoạ sỹ là căn chuẩn nếp gấp giữa các nan quạt. Phải tính
toán kỹ lưỡng sao cho khi hoàn thành, gấp quạt lại không ảnh hưởng đến
tranh, các nếp gấp nằm vào đúng khoảng không, không được cắt người hay
cắt vật.
Nếu trường hợp bắt buộc phải cắt, thì
cái tài của người vẽ chính là tạo mối liên kết sao cho người xem không
biết vật đó bị cắt nếu không tận tay sờ vào hiện vật. Khi các công đoạn
làm quạt hoàn thiện, người hoạ sỹ sẽ phủ lên đó một lớp sơn bóng để giữ
cho quạt sáng đẹp, bền lâu. Chính vì những kỹ thuật tinh tế đó và vì cả
chất liệu dân gian độc đáo của sản phẩm nên quạt nghệ thuật ông Mơ rất
được yêu chuộng.
Chuyến xuất ngoại đầu tiên của quạt nghệ
thuật lại do một vị khách người Mỹ đến đặt. Nguồn thu từ sản phẩm quạt
nghệ thuật mỗi năm với gia đình ông cũng vì thế mà tăng lên dần, thường
từ 60 đến 80 triệu đồng, tuỳ theo đơn đặt hàng của khách. Năm 2009, ông
nhận được đơn đặt hàng 6 vạn chiếc từ một người Pháp. Thành công cứ đến
với ông, rồi ông lại chợt thở dài. Chỉ tiếc chưa có đứa nào thật sự
thích hợp, bởi làm quạt cũng cần có cái tâm.
Điều băn khoăn và mong mỏi nhất của ông
hiện nay là làm sao truyền được nghề cho con, cháu trong làng. Cả làng
Chàng bao năm qua hiện vẫn chỉ có duy nhất một mình ông duy trì nghề làm
quạt nghệ thuật. Các con ông là niềm hy vọng gần nhất, chúng cũng mỗi
người mỗi việc, chẳng có ai chịu học . Ngay cậu con trai Dương Văn Đoàn
nổi tiếng trên thị trường Hà Nội, Sài Gòn với các loại quạt giấy nay vẫn
mải làm ăn, chưa ngó ngàng tới việc giữ gìn bí quyết nhà nghề. Thời
gian qua mau, nghệ nhân Mơ tuổi mỗi ngày một cao, sức mỗi ngày một yếu,
mong mỏi kiếm tìm học trò để truyền nghề của ông xem chừng gặp khó khăn.
100 chiếc quạt cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội
Để làm chiếc quạt lập kỷ lục lớn nhất
Việt Nam, dài 9m, cao 4,5m, vẽ tranh chợ quê Hà Nội theo mẫu tranh phố
Hàng Trống trưng bày tại Lễ hội phố hoa Tết và Festival làng nghề truyền
thống tổ chức tại Huế tháng 6 năm 2009 ông và một nghệ nhân làng Phí
Quang Bộ phải huy động 4 nhân công làm dòng dã hơn 30 ngày.
Bước đầu ông lựa chọn một cây gỗ dài
4,5m, đinh óc bằng sắt phi 12 dài 60cm, giấy nện 30 tấm rộng 1,6m, dài
1,8m. Chiếc quạt nhanh chóng được dựng lên nhưng phải cần đến sự trợ
giúp của 20 cây tre dài, thẳng gần 10m để làm giáo dựng. Nguyên liệu
dùng làm quạt được lựa chọn kỹ lưỡng: nan làm bằng gỗ thông; múi quạt
làm bằng gỗ tếch loại I được dán bằng mây phên đan ô; bản lề làm bằng
vải lụa, được sơn phủ và vẽ tranh Hàng Trống nổi tiếng có tên Chợ quê.
Tiếp đó hai anh em đã phải vẽ liên tiếp trong 8 ngày, không dừng được vì
trời mưa sẽ làm nhòe mực và hỏng quạt. Lúc nào cũng lo ngay ngáy, trời
mà đổ mưa là công cốc công cò hết. Mỗi khi sợ trời mưa ông lại huy động
anh em hạ xuống cho vào nhà, cố lắm cũng phải mất 5 người mới di chuyển
được.
Cuối cùng mọi việc cũng xong xuôi đâu
vào đấy. Bước tiếp theo là phải dùng xe 3,5 tấn để chở quạt đi triển
lãm. Khi chuyển quạt vào thủ đô phải tránh lúc tắc đường.Mọi sự nỗ lực
cuối cùng cũng mang lại thành công. Chiếc quạt này đã đem thương hiệu
quạt Chàng Sơn đến với người dân mọi miền Tổ quốc và cả các du khách
nước ngoài.
Ông Mơ vẫn đang gấp rút hoàn thành 100
chiếc quạt có đường kính 1,2m có hình ảnh hai con rồng trầu nguyệt, cho
đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là một dịp để ông hoàn thành
ước nguyện cha ông để lại: mang văn hóa quê hương hòa nhập với văn hóa
dân tộc.
Ông Mơ không chỉ lưu giữ nghề quạt
truyền thống cho quê hương mà ông còn tạo ra các loại quạt mới, được cải
tiến bằng sự phối mầu, bằng những chất liệu mới . Cùng với những hình vẽ
ngày càng bay bướm hơn, tài hoa hơn, giá trị của chiếc quạt đã nâng lên
một tầm cao mới, trở thành những bức tranh sống động, có hồn, có cá
tính và biểu thị cho "gu" thẩm mỹ của người sử dụng và của người sản
xuất ra chiếc quạt, thậm chí, tiêu biểu cho bản sắc văn hoá của một dân
tộc. Có thể thấy những người thợ làm quạt như ông Mơ còn như một nhà
điêu khắc, một nhà hội hoạ, và đặc biệt am hiểu nghệ thuật sơn mài...
Rời khởi làng nhưng hình ảnh chiếc quạt
Chàng Sơn và người nghệ nhân già có dáng người mảnh khảnh, mái tóc bạc
màu vì năm tháng bôn ba, in hình hài thôn quê, đất nước trên từng múi
quạt vẫn thấp thoáng trong tôi. Không biết con người với 70 năm giữ nghề
ấy có đủ sức để chờ đợi một hậu duệ để truyền nghề hay không?