VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(37)- Khí nhạc của người Mông - Bài 2: Truyền thuyết thú vị
(Ngày đăng: 30/06/2022   Lượt xem: 197)

Trong bài đầu tiên của chuyên đề “Khí nhạc của người Mông”, tác giả đã giới thiệu các loại nhạc cụ phổ biến như kèn lá, đàn môi (dà), trà liến dồ (sáo dọc), trà blải (sáo ngang)... Trong bài 2, mời bạn đọc tiếp tục tìm hiểu về các loại nhạc cụ đặc sắc khác của đồng bào Mông Nghệ An, gắn với những truyền thuyết thú vị.

Tra kềnh (khèn)

Khèn là nhạc khí phổ biến nhất của người Mông, biết thổi khèn là một tiêu chuẩn để các cô gái chọn người yêu, cho nên hầu như người con trai nào đến tuổi trưởng thành đều học thổi khèn. Nếu không đủ tiền mua khèn thì họ mượn của nhau hoặc cùng nhau tập thổi.

Khí nhạc của người Mông - Bài 2: Truyền thuyết thú vị ảnh 1

Tiếng khèn mùa Xuân. Ảnh tư liệu: Đình Tuân

Theo ông Và Phái Tểnh - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn thì đồng bào Mông ở Nghệ An có truyện cổ tích về chiếc khèn như sau: "Ngày xưa có một gia đình không may mẹ chết, không hiểu vì lý do nào đó mà không được chôn. 6 người con thương mẹ quá, khóc lóc thảm thiết hết ngày đến đêm, khóc đến hết nước mắt, khản cả cổ mà không sao vơi đi niềm thương mẹ. Có người bày cho 6 anh em: "Nếu khản cổ không khóc được thì làm cây sáo thổi thay cho tiếng khóc”. Thế là 6 anh em làm 6 cây sáo thổi để giãi bày tình yêu thương mẹ và kể công ơn của mẹ với con cháu. Nhưng thổi sáo mãi cũng hết hơi, cũng mệt, sinh ra ốm. Hết người này ốm đến người khác ốm; không thể cả 6 anh em cùng thổi để bày tỏ lòng con cho mẹ. Họ mới lấy quả bầu (bầu nước, bầu canh) đã khô, khoét ra 6 lỗ cắm 6 ống sáo vào, lại cắt đầu cuống quả bầu làm miệng thổi. Thế là chỉ cần 1 người thổi vẫn nói được lời của 6 anh em. Và sau một số bài khèn, như thấu hiểu tấm lòng hiếu thảo của các con nên bà mẹ được đưa đi chôn để bà đi thanh thoát. Từ đó, đồng bào Mông có phong tục khi có người chết là phải có khèn thổi để người chết mau được về với tổ tiên".

Ở Nghệ An cũng lưu truyền truyện kể về chàng trai Mông dùng tiếng khèn của mình để cứu vợ. Truyện kể rằng:

"Già Ba Sử và Y Dơn là vợ chồng, họ sống với nhau thật đầm ấm, hạnh phúc. Một hôm, Già Ba Sử lên nương, ở nhà Y Dơn bị một con hổ đến cướp mất. Về nhà nghe kể lại, Già Ba Sử muốn vào rừng tìm giết hổ cứu vợ. Nhưng biết mình sức yếu không thể thắng được hổ; ngày đêm anh luyện võ, lại được người già trong bản tặng cho thanh kiếm quý. Khi sức khỏe cường tráng, tay kiếm điêu luyện, tin ở sức mình, anh vào rừng tìm hổ. Với kiếm quý trong tay, cây khèn sau lưng anh đi tìm hết rừng này núi khác, đến hang nọ, động kia, cứ ngày đi, đêm nghỉ, đêm nào anh cũng đem khèn ra thổi. Anh thổi lại các bài mà anh đã thổi cho Y Dơn nghe như gợi lại thuở hai người yêu nhau say đắm; cứ mỗi lần như thế, chân anh như khỏe thêm, mắt như tinh hơn, tai như thính hơn.

Một lần đang thổi khèn, bỗng nghe tiếng động thoảng qua như tiếng gió vờn trên lá, chú ý nhìn thì đó là con hổ, anh định vung kiếm chém, hổ vội cất tiếng xin: "Em là Y Dơn, là vợ của anh đây, hổ xám đã bắt em mang lốt hổ. Con hổ ấy sắp về, anh phải cẩn thận đề phòng, nó ác lắm đấy"! Quả nhiên hổ về thật, ngửi thấy mùi thịt lạ, mắt hổ long lên nhảy bổ vào Già Ba Sử, hổ và người quần nhau mãi. Được Y Dơn khuyến khích, cuối cùng anh cũng giết được con hổ hung ác. Nhưng làm sao cởi được lốt hổ cho Y Dơn? Thương vợ, anh lấy khèn ra thổi. Tiếng khèn tha thiết yêu thương, càng thổi tiếng khèn càng say đắm như tiếng lòng anh ngày nào bên tai người vợ hiền. Bỗng lốt hổ biến mất, hiện rõ nàng Y Dơn xinh đẹp, nết na, dịu hiền, duyên dáng. Hai vợ chồng vui mừng đưa nhau về bản, từ đó hai người sống với nhau càng đằm thắm hạnh phúc hơn, con cháu đầy đàn, ngày càng đông đúc như tổ ong rừng".

Rùa (trống)

Tiếng Mông gọi trống là rùa. Tuy trống ít sử dụng nhưng rất quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào. Trống chỉ được đánh khi có người chết. Một số họ người Mông làm trống để dùng lâu năm nhưng cũng có một số họ chỉ khi có người chết mới làm trống. Trống phải làm ở trong rừng, việc làm trống đối với họ không khó khăn lắm. Một đoạn thân cây khô rỗng ruột và 2 mảnh da bò là đã thành trống. Thân cây khô người ta để ý từ khi đi rừng, làm rẫy; mỗi khi giết thịt bò, người ta phơi khô da để dành. Việc làm trống dễ dàng bao nhiêu thì thủ tục đón trống về cầu kỳ, phức tạp bấy nhiêu. Đầu tiên là đặt tên cho trống, khi đưa trống về đến nhà là tiến hành ngay các thủ tục đón trống gồm: mời chủ ma trống (chí mủa), thổi 3 bài khèn đón trống (chí đùa).

Sau khi làm các thủ tục xong mới được sử dụng trống. Người ta không đặt trống lên giá hoặc treo nơi thuận tiện mà phải làm nơi treo trống. Lấy 3 cây tre hoặc gỗ nhỏ dài khoảng 3m, buộc chụm đầu vào nhau, tách 3 chân ra 3 góc làm sao dưới 3 chân ấy đủ rộng, đủ cao để người thổi khèn có thể múa, luồn qua lại dưới trống và 3 chân giá trống không bị vướng khèn.

Khí nhạc của người Mông - Bài 2: Truyền thuyết thú vị ảnh 2

Chiếc trống thiêng của dòng họ Lỳ ở bản Hợp Thành, xã Xá Lượng (Tương Dương). Ảnh tư liệu: Hữu Vi

Trà Blồng, trà gồ dở (sáo 3 lỗ)

Gọi Trà Blồng vì âm sắc khi thổi nghe như tiếng kèn lá, vang xa nhưng nghe chói chang. Đầu sáo, miệng sáo cũng làm như sáo dọc (trà liến dồ). Sáo được làm từ 1 đốt ngắn cây trúc.

Sáo 3 lỗ không có bài riêng nhưng có thể thổi được các bài như thổi lá và sáo dọc. Ngày nay hầu như người ta không dùng sáo 3 lỗ nữa. Phải chăng vì lá vừa dễ lấy, vừa thổi được nội dung như sáo 3 lỗ, trong lúc sáo 3 lỗ vừa phải tìm trúc, nứa mất thời gian và công làm nên vì sự thuận lợi ấy mà sáo 3 lỗ dần nhường chỗ cho lá? Vả lại, theo một số người già cho biết thì người Mông ít thổi sáo 3 lỗ trong bản và kiêng không thổi vào ban đêm, vì vậy, sáo ngày càng ít người dùng.

Chia nênh

Là 1 vòng tròn bằng thép, to bằng chiếc đũa, có chuôi cầm bằng nhôm hoặc từ vòng thép uốn cong và gập lại thành hình cán dao. Khi làm lễ, thầy cúng vừa đọc, xướng, hát các bài, vừa lắc chia nênh để giữ nhịp. Khi giơ lên, dập xuống các mảnh sắt va vào nhau tạo nên âm thanh tựa như ta chơi tăm bua.

Ngoài các nhạc khí trên, người Mông còn dùng chuông cho các súc vật nuôi để dễ tìm, dễ nhận đâu là súc vật của mình. Đáng chú ý, khác với người Mông ở các tỉnh phía Bắc, người Mông ở Nghệ An không dùng chụm chọe (xập xoẻng) trong các nghi lễ tâm linh và cũng không dùng trong đời sống hàng ngày.
                                        Theo:  baonghean.vn

Xem thêm:
>> (37)- Khí nhạc của người Mông - Bài 1: Những nhạc cụ từ đại ngàn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.459.406
Tổng truy cập: