Untitled Document
(Dân Việt) - Chứng kiến cảnh người dân trong làng cứ sau mùa vụ lại bỏ đi nơi khác mưu sinh, ông Nguyễn Xuân Hòa, thôn Vũ Hạ, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình quyết tâm phục hồi nghề dệt chiếu truyền thống của làng bằng công nghệ dệt tiên tiến và tạo việc làm cho bà con.
Thấy cảnh khung dệt bị nhiều gia đình vứt bỏ, ruộng cói bị bỏ hoang, ông Hòa không khỏi xót xa . Tìm hiểu, ông thấy nguyên nhân bà con không mặn mà với nghề truyền thống là do công cụ dệt lạc hậu nên không thể cạnh tranh được với chiếu dệt bằng máy công nghiệp.
Tìm thợ giỏi về dạy
Bắt được “bệnh”, ông Hòa vào các tỉnh phía Nam, sang Trung Quốc tìm hiểu công nghệ dệt chiếu công nghiệp, rồi đến các xưởng dệt chiếu nổi tiếng học hỏi kinh nghiệm, nhờ người thân tra cứu, tìm tài liệu về nghề dệt chiếu để tham khảo…
Năm 2000, ông dốc toàn bộ vốn liếng, tài sản tích góp được trong nhiều năm, vay mượn anh em, bạn bè để mua máy dệt, xây nhà xưởng, mua ô tô... mở xưởng dệt chiếu. Thấy ông chở những giàn máy khổng lồ về nhà, rồi bắn tin tìm công nhân, nhiều người bán tín, bán nghi, kéo đến nhà ông nghe ngóng. Và ông đã giải thích cho mọi người, khẳng định hướng đi của mình sẽ đem lại thành công.
Ông đi "săn" các thợ giỏi ở những xưởng dệt chiếu nổi tiếng về truyền dạy cho công nhân xưởng mình. Với cách làm này, xưởng của ông làm ra những chiếc chiếu vừa mịn, vừa đẹp. Không ai bảo ai, mọi người kéo nhau đến xin được vào xưởng của ông làm việc.
Theo ông Hòa, dệt theo lối thủ công mất rất nhiều công đoạn như, căng go tre, chọn cói, dập vo, ghim mép… Một ngày 2 người làm khéo cũng chỉ được 2 chiếc chiếu. Còn làm bằng máy, có thể dệt tới 60 lá chiếu/máy/ngày. Đường dọc của chiếu dệt bằng máy dày hơn chiếu dệt bằng thủ công.
Tạo việc cho làng
"Muốn có một chiếc chiếu đẹp, trước tiên phải chọn được cói đẹp, không sâu, không nấm, đủ độ dài, các sợi đều nhau. Khi dệt, người thợ phải xử lý thật khéo sao cho các đường bẻ mép, bắt biên gọn gàng đều tắp…" - ông Hòa cho hay. Với 9 máy dệt, trung bình mỗi tháng xưởng của ông đưa ra thị trường 8.000 chiếc chiếu, thời điểm mùa cưới thì làm đến 10.000 chiếc (giá hiện nay 130-150 ngàn đồng/đôi chiếu) . Giờ đây, chiếu cói "Xuân Hòa" đã có mặt tại nhiều tỉnh thành, như Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hải Phòng, Tiền Giang, Long An…. Mới đây, bạn hàng từ Mozambique đến thăm xưởng chiếu "Xuân Hòa" và hứa sẽ ký kết mua chiếu của ông.
Băn khoăn nhất của ông Hòa hiện nay là huyện Quỳnh Phụ có 29.000ha canh tác, trong đó chỉ có 1.000ha đất trồng cói nên nguyên liệu chủ yếu ông phải mua từ miền Nam. Một số xã trong huyện đưa cây cói vào trồng, nhưng chất lượng cói không đạt yêu cầu để dệt chiếu bằng máy.
Từ ngày có xưởng dệt chiếu "Xuân Hòa", nhiều gia đình ở làng An Vũ đã có việc làm, thu nhập ổn định. Chị Phạm Thị Tiệm (thôn Đồng Phú, xã An Lễ), bộc bạch: "Trước đây, xong vụ cấy, tôi lại theo chồng đi xây, phụ hồ ở các tỉnh lân cận. Từ ngày làm ở xưởng ông Hòa, tôi có thu nhập cũng ổn".
Công nhân của xưởng chiếu "Xuân Hòa" rất yên tâm làm việc, bởi ngoài được ông Hòa trả lương đúng hẹn, mỗi khi gia đình có người ốm đau, có việc hiếu, hỉ, ngày lễ, tết... ông đều có quà thăm hỏi, động viên. Nhiều gia đình thiếu tiền đóng học cho con, ông ứng lương trước . Chính cách ứng xử có tình có nghĩa đó, hơn 50 lao động trong xưởng chưa ai bỏ việc giữa chừng. Ngoài ra, gần 200 gia đình trong vùng thường xuyên nhận việc của xưởng ông về nhà làm.
Tiến Chính