VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Góc an nhiên: Tin những giọt nước mắt
(Ngày đăng: 12/10/2021   Lượt xem: 288)

Những ngày trước khi siết chặt lệnh giãn cách, tôi đi giữa thành phố, đường vắng xe, vắng tiếng người cười nói hay cãi cọ, vắng những tiếng lao xao trộn tiếng Việt vào tiếng Anh, tiếng Hàn.

Tôi đi. Sài Gòn im ắng như thể nghe tiếng Trái đất thở nặng nhọc trong cơn sốt đại dịch. Đường Đồng Khởi vắng, các cửa hàng đại diện các thương hiệu cao cấp giờ đóng cửa im lìm, những trung tâm thương mại, những cửa hàng xa xỉ từng là biểu tượng cho sự xa hoa ở thành phố này, hiện thời dường như bớt long lanh hơn như để chứng minh dù thuộc giai tầng xã hội nào, tất cả đều chung hoạn nạn. Đường Nguyễn Du vắng, những quán cà-phê không bao giờ vắng khách, giờ bên trong bàn ghế xếp chồng lên nhau.

Người bán vé số lững thững bước đi trên đường. Sài Gòn có bao nhiêu người như ông? Những người không chỗ trú chân, đang bơ vơ giữa lòng thành phố này. Họ không có hộ khẩu, không có tạm trú, nhiều khi giấy tờ tùy thân chắc cũng không. Họ có lẽ họ không bao giờ nghĩ mình được trợ cấp, họ chỉ đơn giản mong chờ vào lòng tốt của những người khác, như họ đã từng. Những địa điểm phát cơm từ thiện, những quán 0 đồng, nhu yếu phẩm, xuất hiện nhiều hơn, dễ tìm hơn. Có lẽ lòng tốt của người thành phố là thứ duy nhất không bị tác động bởi dịch bệnh.

Góc an nhiên: Tin những giọt nước mắt ảnh 1

Tranh minh họa - Họa sĩ Lê Sa Long

Nếu không có lòng tốt ấy, bác trung niên chạy ba gác không biết trưa nay ăn gì, từ ngày các cửa hàng ngưng hoạt động, không ai thuê chở đồ. Đến chị ve chai thường chỉ dừng lại ở quán nhậu đầu hẻm để gom vỏ lon với thùng cạc-tông, giờ vào tận hẻm, gọi từng nhà mà cũng chạy xe không về vì đến ve chai cũng chẳng có mà mua.

Nhắc đến hẻm nhỏ ở nhà, vốn là lối tắt mà mỗi trưa công nhân viên từ tòa nhà gần đó hay đi qua để mua đồ ăn trưa, một tháng nay yên ắng hẳn. Chắc có lẽ những nhân viên ấy cũng đang ở nhà, chật vật với nỗi lo giảm lương hay thậm chí là mất việc.

Nhưng kỳ lạ là không ai chịu từ bỏ mảnh đất này, như một cô cao tuổi phụ quán ăn gần nhà. Ngày thường chỉ quen mặt mà chẳng biết tên, cứ thấy cô cần mẫn tháng rồi lại năm ở quán. Dịch dã kéo dài, quán bán mang đi một thời gian rồi thấy không khả quan cũng đóng cửa. Mấy tuần trước cô phụ quán đi các nhà trong xóm, run run không phải vì đói mà có lẽ vì xấu hổ khi giờ đây cô chỉ có thể nương nhờ lòng tốt của mọi người.

Cô nói mình chỉ dám đi xin dọc hẻm này vì nghĩ mọi người biết mặt cô, rằng cô vốn dĩ siêng năng dù già cả vẫn tự lao động, rằng khốn cùng rồi cô mới phải ngửa tay xin mọi người. Ái ngại hỏi sao cô không về quê, cô nén nước mắt nói ở quê không sống được mới tìm lên thành phố, dù dịch dã không có việc làm, nhưng ở đây vẫn sống được nhờ những quán cơm từ thiện, những “ATM gạo”. Và quan trọng, cô tin Sài Gòn sẽ sớm bình phục, lúc đó cô lại đi làm liền, khỏi tốn công tốn tiền từ quê lên lại thành phố. Cô cảm ơn rồi quay vội đi, giấu nhanh những giọt nước mắt.

Dịch bệnh khiến chúng ta nhận ra mình bình đẳng trước tự nhiên. Để thấy rằng một thay đổi nhỏ, một con người làm công việc mà ngày thường chúng ta xem nhẹ, nhưng thiếu họ trong hoạn nạn thì công việc cũng đình trệ biết bao...

Không giống như tên bộ phim Moskva không tin vào những giọt nước mắt của điện ảnh Liên Xô, Sài Gòn tin những giọt nước mắt, những giọt nước mắt thành thật nhiều hơn trong những ngày này. Những lời động viên “lạc quan lên” hẳn quan trọng vào thời điểm nguy nan, nhưng những giọt nước mắt cũng cần thiết. Nước mắt hẳn không phải là yếu đuối. Tôi đã thấy những giọt nước mắt cảm thương đến từ những mạnh thường quân trước các mảnh đời, những giọt nước mắt bất lực vì không giúp được nhiều thêm, những giọt nước mắt rơi vội rồi được chùi đi nhanh thay bằng nụ cười, gắng gỏi lao đi tìm kế sinh nhai.

Tôi thấy điều đó trong những chuyến xe lẻ loi ra đường. Đôi khi họ lao vào cuộc trong thời buổi như vầy không chỉ để mưu sinh, mà có người chia sẻ rằng dưới mình còn bao nhiêu nhân viên, phải cố vừa phòng dịch vừa làm sao cho anh em còn có cái ăn.

Thành phố đang sống chậm đi nhưng không dừng lại. Còn rất nhiều người bằng khả năng và điều kiện của mình ủng hộ vật chất cho những người khó khăn hơn, họ san sẻ những gánh nặng, cố duy trì công việc trong điều kiện cho phép. Vì thế mà chúng ta không nỡ bỏ thành phố này, kể cả giờ đây nó đang gặp nhiều khó khăn đến thế. Cũng giống như những lưu dân xưa đã tìm đến đất Gia Định vì tin vào sự trù mật lẫn cái trượng nghĩa, cái tình yêu thương đùm bọc của phương Nam.

Dịch bệnh khiến chúng ta nhận ra mình bình đẳng trước tự nhiên. Để thấy rằng một thay đổi nhỏ, một con người làm công việc mà ngày thường chúng ta xem nhẹ, nhưng thiếu họ trong hoạn nạn thì công việc cũng đình trệ biết bao. Tôi đi giữa thành phố, thấy những giọt nước mắt, đôi lúc không hẳn đã cạn hết lạc quan. “Nhưng biết sao giờ”, tôi nghe nhiều người nói vậy, để rồi sau câu nói đó họ vắt óc nghĩ suy, làm việc để sống qua tao đoạn này. Và đặc biệt họ không rời đi. Ta gọi điều này là gì? Một mãnh lực của vùng đất này, hay chỉ đơn giản vì chúng ta trót hít chung một bầu không khí, đi chung những con đường và vì chúng ta thật sự cần nhau hơn chúng ta nghĩ.
                                     Theo: giacngo.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.464.525
Tổng truy cập: