VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Thương lắm Rổ tre
(Ngày đăng: 20/08/2021   Lượt xem: 263)

Cha ở quê lên. Quà cho con là mấy chiếc rổ tre đủ cỡ. Mấy đứa cháu nhìn quà của ông lạ lẫm. Tôi hết nhìn cha rồi lại nhìn những chiếc rổ tre đen bóng bồ hóng mà thương cha đến nghẹn lòng. Chính nhờ những chiếc rổ tre mà anh em chúng tôi được học hành đến nơi đến chốn và thành đạt như bây giờ.

thuong-lam-ro-tre-1629299477.jpg

Ngày ấy, bao quanh làng tôi là lũy tre xanh ngát. Nào là tre gai, tre hóp, tre vầu, tre trúc, tre hóa. Từ xa nhìn lại chỉ thấy xanh ngắt một màu xanh của tre mà thôi.

Tre ôm lấy làng quê như vòng tay người mẹ ôm ấp đứa con thơ vào lòng âu yếm, vô về. Ở quê, nhà nhà ngăn cách với nhau bởi hàng rào tre. Ở đấy có những lỗ hổng do bọn trẻ chúng tôi tạo ra để "tót" sang nhà bạn rủ nhau chơi trò trốn tìm, đánh khăng, đánh đáo mà không phải đi qua cổng, thật là tiện lợi.

Tre bao quanh làng. Tre bao quanh nhà nên mỗi độ đông về tre “sưởi ấm" phần nào cái rét của mùa đông. Cây tre, cành tre đan vào nhau như một tấm áo len ngăn lại những cái rít của nàng gió Đông đang cố len lỏi nhằm cắt đa cắt thịt con người, nhưng đành bất lực. Mùa đông, có tre bao quanh, làng quê thật ấm áp. Ngày hè oi ả, tre chùm phủ bóng mát tạo cảm giác sảng khoái, thanh bình của làng quê yên ả. Trưa hè, mắc võng mà ngủ dưới bóng tre, cái cảm giác dễ chịu, thảnh thơi mơn man khắp cơ thể. Chiều về, bọn trẻ con chúng tôi chạy theo người lớn lên đê thả diều, thả cốc. Những chiếc diều được làm từ thân tre chứ không như những chiếc diều bây giờ khung được làm bằng nhựa, cứng đơ chẳng mềm mại chút nào. Dưới cái nắng vàng suộm của buổi chiều tà, trên nền trời tô điểm đủ kích cỡ, sắc màu của những chiếc diều no gió đang hòa tấu bàn nhạc đồng quê bởi dàn sáo đa cỡ.

Mẹ mất. Cha thành gà trống nuôi con. Mỗi mùa cây thay lá tóc cha thêm sợi bạc. Trong họ nhiều người khuyến cha đi bước nữa để có người đỡ đần nhưng cha không chịu. Cha sợ anh em tôi khổ.

Ngoài việc đồng áng, cha còn làm thêm nghề đan lát. Người trong làng đan nong, nia, thúng, mủng...nhưng riêng cha tôi thích nhất là đan rổ. Dưới bàn tay khéo léo của cha, từ thân tre dần hiện lên hình hài những chiếc rổ tròn vành vạnh xinh xắn. Đầu tiên cha chọn những cây tre già chặt ra từng khúc dài ngắn khác nhau tùy theo kích cỡ của rổ rồi chẻ ra làm ba, làm bốn tùy theo cái lớn hay nhỏ. Những chiếc lạt làm từ cật tre được vót nhỏ tròn trịa đan khít vào nhau gọi là rá. Rá được dùng để vo gạo, mỗi lần vo gạo lấy rá xốc gạo lên làm cho gạo đảo từ trên xuống dưới rồi vo tiếp gạo sẽ sạch hơn, nồi cơm không bị đục màu. Những que nan được vót dẹt đan hình mắt cáo gọi là rổ được dùng để rửa rau. Ngoài ra rổ còn được đùng để đựng chén bát, làm ổ gà và nhiều việc khác nữa.

Ở quê, không nhà nào là không có rổ, rá để dùng. Những lúc làm xong bài tập anh em tôi thường giúp cha chặt tre, vót nan, chẻ lạt. Cũng phải vài lần đứt tay những que nan mới thành hình hài. Cha bảo “trong tất cả các công đoạn thì công đoạn vót nan, chẻ lạt là khó nhất. Chẻ lạt, vót nan mà vội vã nóng nảy thì thân nan, sợi lạt sẽ không đều, chỗ dày chỗ mỏng, chỗ dẹt chỗ tròn nên rất khó đan và chiếc rổ cũng không được đẹp, cho nên đan rổ , rá cũng rèn luyện cho con người sự chịu khó, tính kiên trì, nhẫn nại, có như vậy mới làm ra những sản phẩm đẹp”. Mỗi lần như vậy anh em tôi học được ở cha nhiều điều bổ ích.

Ngoài việc đan rổ để dùng cha còn đem bán. Những chiếc rổ kĩu kịt trên vai cha lên chợ huyện cách nhà mười cây số để rồi khi về thế nào anh em tôi cũng có quà, lúc thì bánh đa khi thì bánh hấp. Biết tôi thích nhất là đọc truyện nên quà của cha thường là những quyển truyện như Thạch Sanh, Con Rồng cháu Tiên, Đội du kích Đình Bảng... khiến tôi rất thích thú và cảm động.

Một lần, cha cho tôi đi chợ huyện. Tôi đã thức suốt đêm không ngủ vì háo hức chỉ mong sao trời mau sáng để được cùng chạ đi chợ. Tôi nhảy chân sáo chạy trước còn cha quẩy gánh rổ theo sau. Tới chợ tôi ngạc nhiên khi thấy rất nhiều thứ được bầy bán trong đó có rổ tre. Trong chợ có hẳn một khu bày bán sản phẩm này.

Lần nào cũng vậy, chỉ non nửa buổi chợ là cha đã hết hàng. Nhưng những phiên chợ sau cha thường xuyên về muộn hơn mà trên vai vẫn còn vài chiếc rổ. Rồi cha mang về nhiều hơn, tóc cha bạc nhiều hơn, những nếp nhăn đan vào nhau hằn dấu suy tư “dạo nầy người ta mua rổ nhựa nhiều nên ế”.

Anh em tôi lo lắng “chắc phải nghỉ học mất”. Nhưng không, tình yêu thương và sự hy sinh vô bờ của cha, anh em tôi vẫn học hết cấp ba, vào đại học rồi ra trường công tác mỗi đứa mỗi nơi.

Bây giờ làng quê thay đổi nhiều. Những bức tường xây, cổng sắt dần thay thế hàng rào tre, cổng tre. Tình cảm người làng cũng vì thế mà nhạt phai ít nhiều. Những cái cổng sắt đen sì khóa im ỉm, mỗi khi muốn vào nhà phải bấm chuông rồi đứng đợi người nhà ra mở nên người ta cũng ngại sang nhà nhau, không như cổng tre chỉ khép hờ, nhích nhẹ một cái là có thể vào được, phải chăng vì thế mà tình người đậm đà hơn?!

Làng quê dần vắng bóng tre xanh. Từ xa nhìn lại chỉ thấy những bức tường cao lút đầu người sơn phết lòe loẹt đến nhức mắt “người làng chẳng còn ai đan dần, sàng,., dùng rổ rá nữa... Mà có muốn đan cũng chẳng có tre mà đan. Mai này con cháu sẽ chẳng còn biết đến rổ tre nữa...” - Cha ngậm ngùi. Tôi nghe mắt mình cay cay.

Món quà cha đem đến cho tôi là sản phẩm từ rặng tre của nhà mà cha còn giữ lại được. Không biết nó có tồn tại được không khi mà làng quê ngày càng nông thôn hóa.

Thương lắm, rổ tre ơi!

                                          Theo: vanhoavaphattrien.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.464.217
Tổng truy cập: