VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(81)- Lễ cúng giọt nước trong tâm thức người Jrai
(Ngày đăng: 15/06/2021   Lượt xem: 345)

Đối với đồng bào Jrai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, nước luôn gắn liền với đời sống tâm linh vô cùng độc đáo mà người làng đã gìn giữ từ xa xưa. Chính vì thế, hằng năm, các làng đều tổ chức lễ cúng giọt nước để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với Yàng, thần nước và mong đấng thần linh tiếp tục phù hộ dân làng khỏe mạnh, đoàn kết và cùng nhau phát triển.

Các già làng ở xã Hà Bầu đang tiến hành lễ cúng giọt nước tại bến nước của làng. Ảnh: Thùy Dung

Nghi lễ truyền thống

Từ sáng sớm, người làng Bông, xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai) đã cùng nhau dậy sớm để chuẩn bị cho lễ cúng giọt nước- một nghi lễ vô cùng quan trọng đối với người làng Bông bao đời nay. Trong không khí rộn ràng, nô nức, già làng Blơng chia sẻ: “Đồng bào Tây Nguyên quan niệm rằng nước là khởi nguồn của sự sống, nước cho hoa màu phát triển và nó phục vụ đời sống sinh hoạt của con người. Vì vậy, khi lập làng, người ta thường chọn nơi có nguồn nước dồi dào, gần sông suối để phục vụ con người làm ăn, sản xuất. Để tạ ơn thần linh, người dân các làng hằng năm vẫn tổ chức lễ cúng giọt nước và cầu xin một năm mới sức khỏe, mưa thuận gió hòa, lúa thóc về đây kho”.

Ông Siu A Mát, người có uy tín làng Bông cho biết: “Người Jrai quan niệm rằng, các vị thần cũng có tình cảm như con người. Vì vậy, cúng thần nhiều lễ vật sẽ được nhiều sự giúp đỡ, chở che, bảo vệ. Cứ mỗi năm 1 lần, vào tháng 4, người làng sẽ tổ chức lễ cúng giọt nước. Để tổ chức lễ cúng này, những người đứng đầu trong làng như già làng, người có uy tín, trưởng thôn và các cán bộ phải họp bàn. Sau khi đã thống nhất, già làng tổ chức họp dân, huy động đóng góp để tổ chức lễ cúng, đồng thời, phân công công việc cho mỗi người để dọn dẹp, phát quang đường làng, ngõ xóm. Thanh niên thì đi chặt tre, chẻ nứa, dựng cây nêu nơi bến nước. Đội cồng chiêng, xoang tổ chức tập luyện cho buổi lễ. Các già làng chuẩn bị các bài cúng”.

Theo truyền thống, lễ cúng giọt nước cần 1 bộ chiêng, trống, 2 ống nứa, 10 ché rượu, 1 bầu nước, 1 con gà trống, 1 cây nêu, bó lá Ngăl có trái. Nghi lễ cúng tại giọt nước thì các lễ vật gồm: Cây nêu, ghè rượu nhỏ và lớn, gà, gan gà, lá chuối,... Khi mọi thứ đã được chuẩn bị xong, trước sự chúng kiến của dân làng, già làng Blơng cùng 3 già làng khác tiến hành lễ cúng tại bến nước của làng. Khi kết thúc bài cúng, người dân bắt đầu đến hứng nước vào trái bầu khô. Tiếng cồng chiêng, điệu xoang cũng bắt đầu vang lên, người làng bắt đầu mời nhau nhấp ché rượu cần và chúc nhau những điều may mắn.

Sau khi cúng xong, người dân sẽ rước nước về làng. Sau phần lễ là phần hội, trong phần hội, các nghệ nhân sẽ biểu diễn cồng chiêng, múa xoang gắn với nghi lễ tâm linh và thưởng thức ẩm thực truyền thống.

Nét đẹp văn hóa

Hiện nay, người Jrai ở xã Hà Bầu vẫn duy trì được nhiều nghi thức văn hóa truyền thống quan trọng như lễ cúng nhà mồ, lễ mừng lúa mới, lễ cúng giọt nước... Trong đó, lễ cúng giọt nước là quan trọng nhất, vì người Jrai quan niệm giọt nước là mạch nguồn của sự sống. Đây không chỉ mang dấu ấn, nét đẹp văn hóa của người Tây Nguyên nói chung, người Jrai nói riêng mà nó còn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của dân làng.

Người làng cho rằng, sống chung với nhau là chung một cội nguồn, uống chung giọt nước là sự gắn kết bền chặt, đó là truyền thống từ bao đời nay của dân làng. Bến nước còn là nơi kết duyên của biết bao nhiêu đôi trai gái trong làng. Đối với người làng, bến nước được ví như một phần hồn của làng. Cùng với tiếng chiêng, điệu xoang và mái nhà rông đã tạo thành một nét văn hóa vô cùng đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên, khiến những ai đi xa làng đều phải nhớ về.

Già làng Blơng chia sẻ: Hằng năm, dân làng vẫn góp tiền để tổ chức lễ cúng, nhưng năm nay, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, lễ cúng được phục dựng bài bản, quy mô hơn, nhiều người tới chung vui cùng dân làng. Điều này đã giúp người dân thêm yêu văn hóa truyền thống và có động lực để truyền dạy, bảo tồn và lưu giữ văn hóa cho các đời sau.

“Với vai trò là già làng, tôi rất mong muốn văn hóa của người Jrai sẽ được thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa và phát huy. Mỗi dân tộc đều có những nét đẹp văn hóa tinh thần, tượng trưng cho dân tộc mình. Vì vậy, tôi đã không ngừng kêu gọi lớp trẻ học đánh chiêng, truyền lại các bài cúng cho các thế hệ sau, với hi vọng văn hóa truyền thống của dân tộc không bị mai một, lớp trẻ sau này còn biết đến cội nguồn của mình” - già Blơng bộc bạch

                                       Theo; bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.465.059
Tổng truy cập: