VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Ký sự - Mùa thu Bát Tràng
(Ngày đăng: 21/11/2012   Lượt xem: 2120)

Khác hẳn những làng và làng nghề quanh ngoại thành Hà Nội, có phần lạnh lẽo và buồn tẻ, làng nghề Bát Tràng luôn nhộn nhịp tiếng người mua, bán và khám phá miền đất cổ, bởi đây không những là một làng nghề tồn tại từ rất lâu đời mà còn là điểm đến của du khách bốn phương. Đồ gốm Bát Tràng không thể thiếu trong việc trang trí nội thất, những sản phẩm thờ cúng hay những vật dụng hàng ngày trong sinh hoạt đời thường của gia đình Việt. Cuối thu, trời se lạnh với từng cơn gió thấm nhẹ  vào da thịt, nhưng đến với Bát Tràng chúng ta vẫn cảm nhận được luồng không khí ấm áp của đất và người nơi đây.

Bát Tràng ngày cuối thu

Chúng tôi có dịp trở lại làng nghề Bát Tràng vào một chiều cuối thu, khi cái nắng rực rỡ của mùa Hạ đã lùi vào xa vắng và nhường chỗ cho cái lạnh hắt hiu của tiết trời cuối thu sang đông.  Cứ mỗi độ đông về, người ta thường tìm cho mình một nơi nương náu để thả trôi tâm hồn, hòa mình vào những tình khúc trữ tình ấm áp, hay đơn giản là cảm hứng để người nghệ sỹ sáng tạo ra những “đứa con” của họ. Mỗi một mùa đi qua, là biết bao nốt nhạc thăng trầm của thời gian, công việc, tình đời… Với những nghệ nhân nơi đây có lẽ còn hơn thế, bởi họ đã trót gửi gắm “hơn một chữ tình” vào tác phẩm của chính họ rồi!

Làng nghề Bát Tràng hôm nay được khoác thêm một tấm áo giao mùa, là lạ nhưng rất đỗi thanh bình. Những cửa hàng trưng bày la liệt đồ gốm đẹp lung linh trong nắng, mỗi hình thù, một ý nghĩa, mỗi tác phẩm chứa dựng một câu chuyện thú vị, khiến chúng tôi không khỏi trầm trồ, rồi được hòa mình vào gốm, phiêu cùng nghệ nhân.

a1.png 

Chợ gốm sứ Bát Tràng

a2.png 

Thăm quan làng cổ Bát Tràng

a3.png 

Du khách thăm quan xưởng gốm

doi.jpg
Con ngõ nhỏ đi tới nhà nghệ nhân Trần Nam Tước

Vẫn cây đa, bến nước, mái đình xưa… nhưng Bát Tràng nay đã và đang đi lên bằng  chính những đôi tay người thợ giỏi và nghệ nhân gốm tài hoa.  Màu của đất, mùi vị của đất hòa trộn vào tình người không thể tách rời, không thể định nghĩa, phải chăng đó là tinh hoa của trời và đất đã tạo nên một Bát Tràng đắm say lòng người yêu nghệ thuật đến vậy!

Gặp nghệ nhân “viết sử bằng tượng gốm”

Đi qua cổng chợ gốm, rẽ vào con đường ngoằn nghèo nhỏ bé phủ đầy rêu phong của thời gian, chúng tôi tiến vào thăm gia đình nghệ nhân Trần Nam Tước, tiếp chúng tôi bằng ly rượu gạo thửa riêng của làng rượu, vẫn cách ăn vận hào sảng, anh lại “thao thao bất tuyệt” những câu chuyện muôn thủa của người nghệ nhân mà chúng tôi chưa bao giờ thấy cũ. Nhất là khi đã ngà ngà say, người nghệ nhân trẻ sẵn lòng “trổ” hết tài năng “thiên bẩm” của mình. Tôi có thể nhận thấy con người tài hoa này hội tụ cả một pho tượng về sử, về triết lý tôn giáo.  Vì thế, mổi tác phẩm của anh là một tích, một câu chuyện lịch sử của hàng thế kỷ… ngoài ra, anh còn rất “phiêu” với những bản nhạc trữ tình réo rắt lòng người qua tiếng đàn guitare classic. Sự kết hợp nhuần nhuyễn nhiều tài năng đặc biệt trong một con người ấy lại nằm gọn trong một nghệ nhân trẻ như anh. Anh chia sẻ “Để tạo nên được một sản phẩm gốm đẹp đã khó nhưng việc phải chuyển tải được đươc hết cái hồn cốt của các nhân vật sao cho đúng với lịch sử để người xem có thể cảm nhận được là điều mà không phải nghệ nhân nào cũng làm được”. 

Căn nhà tuy nhỏ nhưng được bày biện rất ấn tượng, có thể nói rằng gốm nối tiếp gốm, nhưng không một sản phẩm nào mắc phải khiếm khuyết nhỏ, nếu có cơ hội ghé thăm gia tư và nghe anh kể chuyện thì dẫu một lần, nhưng ai cũng sẽ nhớ mãi về hình ảnh một con người tài hoa Trần Nam Tước và những sản phẩm gốm đẹp đến lạ thường của anh.

tuoc.png

Nghệ nhân Trần Nam Tước

than tai 1.jpg

Bức tượng thần tài phái Mật Tông ( SP đặt hàng của NN Trần Nam Tước)

Trong một góc nhỏ trên bệ tủ của gian phòng khách, một bức tượng mới tinh nổi bật bởi cái thần khí toát ra từ bên trong sản phẩm. Được biết đây là sản phẩm anh vừa hoàn thành xong, anh cho rằng “nếu tác phẩm cần thời gian để “lửa thử vàng” thì người chế tác cũng cần lấy “gian nan mà thử sức”. Dõi theo ánh mắt chăm chú thưởng thức của chúng tôi, anh liền giải thích như để làm “no đầy” phần khát khao tìm hiểu đến tận cùng cái tinh khí trong tác phẩm này. Anh nói “Mật tông là một trong những tông phái của Phật giáo, xuất phát từ Ấn Ðộ vào khoảng thế kỷ thứ VII, rồi sau đó được truyền bá sang Trung Hoa, Nhật Bản... và đặc biệt là phát triển mạnh mẽ ở Tây Tạng. Ở Tây Tạng, Mật tông còn được gọi là Kim cương thừa. Kim cương thừa được coi như là con đường thẳng dốc đứng để đi lên đỉnh núi; điều đó vừa nói lên tính siêu việt, đồng thời cũng nói lên sự khó khăn và nguy hiểm của con đường, lối tu Mật giáo. Vũ trụ, thế giới, con người, vạn vật... đều mang một giá trị thiêng liêng đối với một hành giả Mật tông”.

Ngắm nhìn kỹ các tác phẩm và sản phẩm ta hiểu được rằng nghệ nhân đang chuyển tông màu thẫm hơn khoảng 1/10 so với màu men trước. Anh chưa bật mí về vấn đề này. Chúng tôi hiểu rằng nếu những người yêu nghề và sống bằng nghề họ luôn tìm được đầu ra cho sản phẩm và sản phẩm của họ luôn đầy ắp những giá trị văn hóa và nghệ thuật.

than tai.jpg

Bức tượng hội tụ  tinh khí của đất trời, vạn vật

Người nghệ nhân “viết sử bằng tượng gốm” Trần Nam Tước, cho chúng tôi thêm nhiều trải nghiệm về triết học, sử học ẩn mình trong mỗi tượng gốm. Tác phẩm có thật sự linh thiêng, đáng trân trọng, gìn giữ hay không đều do người thưởng thức chúng. Nhưng hiếm ai có thể truyền tải được hết thần thái, tinh khí và linh hồn của tác phẩm như người nghệ nhân trẻ Nam Tước.

Chúng tôi rời Bát Tràng mang theo cả mùi của đất, hồn cốt  gốm sứ và những bài học quý báu từ những người thợ làng nghề. Hẹn gặp lại Anh vào một dịp khác nhân ngày Hiến chương các nhà giáo, chúc Anh một “thầy giáo” truyền nghề cho nhiều lớp thợ trong làng một sức khỏe dồi dào và hạnh phúc trong cuộc sống.

Mai Lý

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

267
Đang xem:
73.603.033
Tổng truy cập: