VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Kỳ 1: Nhạc cụ thuần Việt độc đáo
(Ngày đăng: 28/11/2019   Lượt xem: 395)
Trên thế giới cây đàn một dây có ở nhiều quốc gia, nhưng đều dừng lại ở mức độ khá đơn sơ, duy chỉ có đàn bầu của người Việt là phát triển ở trình độ cao với kỹ thuật diễn tấu đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc nhưng lại rất thuần Việt.
 

Độc đáo trong nghệ thuật biểu diễn

Đàn bầu Việt Nam thuộc loại nhạc cụ (nhạc khí) một dây, nhưng khác với các loại đàn một giây của các dân tộc, quốc gia khác ở chất liệu tạo và âm chất của nó. Hình ảnh quả bầu thật giản dị, gắn liền với đời sống của người nông dân, sản xuất nông nghiệp nước ta từ lâu đời. Âm thanh của đàn bầu phong phú, diệu kỳ như giọng nói, tiếng hát, lời ru của người Việt. Trong nền âm nhạc truyền thống của Việt Nam có rất nhiều nhạc cụ, nhưng “có mặt” ở khắp các loại hình nghệ thuật biểu diễn thì chỉ có đàn bầu.

ky 1 nhac cu thuan viet doc dao
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh từng mang đàn bầu đi thi tài năng tại cuộc thi Hoa hậu thế giới

Trong nền âm nhạc truyền thống của các dân tộc Việt Nam có các thể loại khác nhau như dân ca, dân nhạc, âm nhạc thính phòng, âm nhạc Cung đình, âm nhạc sân khấu cổ truyền… Dân ca là một bộ phận cấu thành nền văn hóa Việt Nam, giàu bản sắc dân tộc, chính vì vậy, diễn tấu dân ca rất quan trọng trong nghệ thuật biểu diễn đàn bầu.

Nghệ thuật biểu diễn đàn bầu còn được biết đến trong phong cách thính phòng cổ truyền ở Việt Nam bởi sự phong phú và đặc sắc. Một số loại hình nổi bật như ca trù, hát văn, xẩm, Huế, đờn ca - tài tử... được coi là những loại hình độc đáo mang tính chuyên nghiệp cao, đặc biệt trong phong cách Huế và đờn ca – tài tử nam bộ.

Đối với ca kịch truyền thống, cũng không thể thiếu sự có mặt của tiếng đàn bầu. Ví dụ âm nhạc trong chèo giữ một vị trí đặc biệt, nó là một thủ pháp quan trọng nhất để biểu hiện tính cách nhân vật, tâm tư, sự việc và tạo kịch tính. Trong khi biểu diễn, mỗi nhạc công là một chủ thể sáng tạo không ai giống ai. Tùy theo tính năng và âm sắc của mỗi cây đàn mà người đàn trước kẻ đàn sau, quan trọng nhất là dựa vào tiết tấu và lòng bản chính của làn điệu mà mỗi cây đàn tự ngẫu hứng theo cách riêng của mình.

Phong cách biểu diễn đàn bầu rất giống ca hát, nốt nhạc đàn Bầu đơn giản tùy theo lời ca, các âm chỉ cần gẩy một nốt tay phải rồi sử dụng các kỹ thuật luyến láy của tay trái, hai tay phối hợp linh hoạt, tạo ra những âm thanh hiệu quả giống như một người đang hát.

Ngày nay, đàn bầu còn được biểu diễn với dân ca, nhạc cổ theo phong cách mới, dùng những biện pháp kỹ thuật mới khi chơi các bài dân ca, nhạc cổ mang lại phong cách mới phù hợp với nhu cầu của dân chúng, của thời đại mang lại hiệu quả là người nghe dễ tiếp thu, đồng thời cũng thêm mầu sắc cho việc biểu diễn âm nhạc truyền thống trên sân khấu.

Tại Hội thảo “Nghệ thuật đàn bầu Việt Nam - Truyền thống, kế thừa và phát triển” vừa qua, Phó giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khẳng định: Đàn bầu là một nhạc cụ độc đáo của người dân Việt Nam. Trong diễn trình văn hóa Việt Nam nói chung, trong nền âm nhạc Việt Nam nói riêng, đàn bầu giữ một vị trí bền vững không thể phủ nhận.

Từ trong các sinh hoạt âm nhạc dân gian, lễ nghi phong tục, các loại hình sân khấu truyền thống, âm nhạc cung đình cho tới các sáng tác mới cho nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ phương Tây trong mấy chục năm gần đây, đều thấy có sự tham gia trình diễn của đàn bầu. Việc nghiên cứu, sáng tạo trong mọi khía cạnh liên quan đến đàn bầu cũng được thực hiện từ nhiều thập kỷ qua với thành quả đạt được là những tài liệu văn bản, sách xuất bản, tác phẩm âm nhạc mới, các nhạc cụ cải tiến.

Là nhạc cụ của giai điệu

Là nhạc sĩ đã viết nhiều bản giao hưởng cho đàn bầu, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, âm thanh của đàn bầu phát ra gần gũi với giọng nói của con người (người Kinh) về độ rung, âm vực, luyến láy, có khả năng mô phỏng các cung bậc cao thấp của 6 âm ngữ trong tiếng Việt là: Sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, không. Đó là nhạc cụ của giai điệu, thiên về trữ tình, ngân nga, êm đềm, rất phù hợp với tình cảm nỉ non của người Việt, cho nên trong âm nhạc cổ truyền của người Việt, đàn bầu luôn đóng vai trò bè chính trong các hình thức diễn tấu: Độc tấu, hòa tấu, thậm chí đệm cho hát...

“Đàn bầu là một thành quả vô cùng quý giá đã được hình thành và đúc kết từ rất lâu đời, được nhiều thế hệ gọt giũa, giữ gìn, bảo tồn, phát huy, đàn bầu là tài sản vô cùng quý giá của dân tộc, là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng người Việt”, Tiến sĩ Bùi Văn Hộ khẳng định.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng cho rằng, đàn bầu là nhạc cụ “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, là tiếng nói âm nhạc thuần khiết, là một đại diện xứng đáng cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, khả năng khai thác nghệ thuật diễn tấu của cây đàn bầu phong phú trên cả hai lĩnh vực sáng tác và biểu diễn. Giờ đây, ngay các nhạc sỹ quốc tế cũng bắt đầu quan tâm tìm hiểu và viết cho cây đàn bầu.

“Ca khúc “Tiếng đàn bầu”, nhạc Nguyễn Đình Phúc, thơ Lữ Giang là hiện tượng độc đáo “đàn bầu hóa giai điệu ca khúc”. Tác giả đã xây dựng giai điệu bài hát mô phỏng âm hưởng đàn bầu, và sau đó lồng ghép ca từ về cây đàn, nên hiệu quả là chỉ nghe riêng phần âm nhạc cũng hình dung ra cả hình ảnh, âm thanh của cây đàn này. Cho dù không nghe lời ca, người nghe vẫn cảm thụ đầy đủ và trọn vẹn hình tượng “độc huyền cầm””, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân dẫn chứng.

Theo Tiến sĩ Bùi Văn Hộ, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, cây đàn bầu đã được thế hệ ông, cha ta gọt giũa, sáng chế một cách tài tình, chỉ có một dây mà thể hiện đầy đủ mọi giai điệu, ngôn ngữ đa thanh. Tiếng đàn bầu thánh thót, giàu sức biểu hiện, có thể diễn tấu rất hay các làn điệu trong nước và cả nước ngoài, đặc biệt là các bài mang âm hưởng dân gian, cổ truyền cho đến các tác phẩm mới, nhạc nhẹ... Chính sự phong phú và đa dạng ấy mà mỗi khi nhắc đến con người, đất nước Việt Nam, một nhà thơ nữ người Pháp đã mô tả về cây đàn bầu của Việt Nam: “Cây đàn bầu thật giống với con người Việt Nam/Nghèo của cải mà giàu lòng thân ái/Giản dị mà thanh tao/Đơn sơ mà phong phú”.

“Đàn bầu là một thành quả vô cùng quý giá đã được hình thành và đúc kết từ rất lâu đời, được nhiều thế hệ gọt giũa, giữ gìn, bảo tồn, phát huy, đàn bầu là tài sản vô cùng quý giá của dân tộc, là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng người Việt”, Tiến sĩ Bùi Văn Hộ khẳng định.

Qua kết quả khảo sát tại một số địa phương cho thấy, ngoài các nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên nghiệp chơi đàn bầu, còn có một đội ngũ đông đảo những người thực hành đàn bầu mang tính nghiệp dư, đến với cây đàn bằng sự yêu thích đam mê. Họ thành lập các đội nhóm, câu lạc bộ, fanpage để cùng học và trình diễn đàn bầu. Như vậy, vị trí và vai trò của đàn bầu trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam đã bước đầu được khẳng định dựa trên những cơ sở khoa học nhất định. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, đây là cây đàn độc đáo có một không hai của dân tộc Việt, từ hình dáng, cấu tạo, tính năng, cách chơi đến âm thanh đều rất độc đáo, không giống bất cứ nhạc cụ nào trên thế giới, cho dù nhiều quốc gia cũng có đàn một dây.
                                                                         Theo: laodongthudo.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.408.385
Tổng truy cập: