VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Da diết tiếng kèn bầu cao nguyên
(Ngày đăng: 29/07/2019   Lượt xem: 502)

Nam Tây Nguyên, mùa con chim C’rao sải cánh giữa đại ngàn, mùa dệt những thảm xanh. Giữa mênh mông trời đất, bỗng miên man nhớ âm giai rơkel (kèn bầu) của người Chu-ru trên miền đất đỏ, tôi lang thang tìm về những buôn làng đang nuôi giữ cổ tích, nơi tiếng rơkel vẫn đong đưa, tha thiết.

 

Da diết tiếng kèn bầu cao nguyên

Thổi kèn bầu trong đêm hội buôn làng.

Mầu nắng vàng tơ trên những sườn đồi Nam Tây Nguyên, mùi hương hoa cải thoảng bay trong gió, bước chân đưa tôi đến với buôn làng người Chu-ru ở xã Tu Tra, huyện Ðơn Dương (Lâm Ðồng), để được nghe nghệ nhân Ma Tham tấu khúc rơkel giữa rừng chiều yên ả. Giai điệu trải lòng của những người con ở núi chậm, buồn, tha thiết; điệu ru con đong đưa, nhẹ nhàng, trìu mến; điệu tiễn đưa nỉ non, day dứt… Quả thực, trên nhạc cụ sáu ống tre gắn vào quả bầu khô là một thế giới siêu thực, nhưng rất đời. Ðó là những câu chuyện được tỉ tê bằng thanh âm, đó cũng là tiếng lòng của người Chu-ru tự thẩm thấu qua bao thế hệ. Những điệu thức không có ghi chép, đó là mạch nguồn hồn nhiên tự chảy trong huyết quản của những người con trên miền rừng xanh, núi đỏ.

Không gian trầm mặc. Ma Tham chuyển điệu ru con, với tiết tấu khoan thai trong bài Anà hia duah ama (con khóc tìm bố) "Cá dưới nước, hoa trên cây xưa giờ đã thế/Chim bay tìm nhau/Con khóc tìm bố/ Bố đi chiến đấu vì chúng ta/Ơi con ơi, hỡi con ơi…". Ðiệu rơkel tỉ tê, xa thẳm, an ủi, vỗ về. Nghệ nhân Ma Tham ngừng thổi, vừa nói, vừa chỉ tay vào chiếc rơkel: "Trong này có hết, chuyện vui, chuyện buồn, thủ thỉ tâm tình, đối đáp, thách thức... đủ mọi trạng thái". Những điệu rơkel thường kết thúc một cách nhẹ nhàng, cứ như chưa muốn kết thúc, cứ lơ lửng, day dứt...

Tiếng kèn bầu của Ma Tham nổi tiếng khắp vùng lâu nay là nhờ bố, ông Ha Sen, nay đã qua tuổi thất thập. Ma Tham đã đem "vốn liếng" nghệ thuật rơkel được cha trao truyền lưu diễn khắp nơi. Giờ đây, Ma Tham lại nhìn thấy bóng dáng của mình ở người con gái tuổi mười ba Ma Viên. Ðang đắm say trong tiết tấu nhanh bài Pơ ama kơu nau (bố đi săn), thì già Ha Sen xuất hiện. Già chào đón khách lạ bằng một điệu rơkel "mừng khách" Adoh mơyòm. Dứt đoạn, ông bảo: "Mình chỉ giỏi làm kèn, sửa kèn và thẩm âm, còn thổi thì không hay bằng…", buông lơi câu nói, ông nhìn về phía Ma Tham. Năm lên mười, mỗi chiều nhạt nắng, Ma Tham lặng lẽ mang kèn bầu của cha trốn ra góc vườn để tập thổi. Những âm giai đang rời rạc, nhưng chất chứa cung bậc cảm xúc bật ra từ tâm hồn của đứa trẻ lên mười, khiến bà con buôn làng thổn thức. Tài năng thiên bẩm và tình yêu rơkel được bồi đắp tháng ngày, cứ thế mà trở thành nghệ nhân Ma Tham nổi tiếng khắp vùng.

Nói về chuyện làm rơkel, già Ha Sen bảo, để có một chiếc kèn bầu là một quá trình công phu, tỉ mẩn. Trước tiên, chọn quả bầu thật già, dày vỏ, tròn đều và kích thước vừa phải, sau đó vùi vào đất nhão cho ruột rữa ra. Tiếp đến, lấy hết ruột qua lỗ cắt ở cuống, làm sạch và phơi nắng. Sau đó phải có bí kíp xử lý để tránh mối mọt và co giãn; gác quả bầu lên giàn bếp cho phần da lên mầu nâu đỏ và săn, rồi phơi sương vài hôm nữa. Công đoạn kế tiếp là khoét lỗ ở hông, kiểm tra âm để lắp sáu ống nứa vào thành hai hàng: trên bốn, dưới hai, theo thang âm quy chuẩn trao truyền. "Ống nứa cũng phải chọn lựa kỹ càng mới phát đúng âm. Trong mỗi ống nứa có gắn một cái "lưỡi gà" để tạo độ rung. Khâu này rất quan trọng và khó nhất, bởi nó quyết định âm sắc. Cuối cùng mới gắn đường âm (sáu ống nứa) vào hộp âm (quả bầu) và dùng sáp ong hàn kín. Ðể đạt chuẩn âm sắc, nghe có hồn còn phải chỉnh sửa nhiều lần", già Ha Sen nói.

Có lẽ, như cách nói của người Nam Tây Nguyên, già Ha Sen được Yàng (ông trời) chọn để trở thành người nối nghiệp làm rơkel cho buôn làng, để kết nối mạch nguồn văn hóa truyền thống. Hơn chục năm qua, chiếc kèn bầu của già Ha Sen đã cùng Ma Tham ngân rung tại nhiều lễ hội của buôn làng mình, đến những buôn làng khác trên đại ngàn Tây Nguyên. Rơkel có thể chơi ngẫu hứng, lúc tự tình, lúc quyện hòa, hợp tấu với chiêng, trống… Trong các đêm hội, khi rơkel tấu lên, là lúc đôi chân trần những chàng trai, cô gái miền sơn cước hòa quyện, uốn lượn trong các điệu Tamya huyền thoại, với khúc T’rumpô nhã nhặn, khúc thức trong nhịp điệu mời thần; Păhgơnăng tưng bừng, hối hả mời mọi người nhập cuộc; Arya gợi mở cuộc vui vào đêm bất tận; Damtơra kết nối gái trai… Trong giàn hợp tấu, rơkel đóng vai trò giữ nhịp, tâm sự dọc chiều lễ nghi. Rơkel tấu trước, chiêng, trống nối nhịp, tạo nên bản hòa âm thống thiết, đa nghĩa.

Nghệ nhân Ma Tham bảo, không giống dòng nhạc hiện đại, các điệu rơkel không được ghi chép, ký âm để truyền dạy mà được trao truyền tự nhiên, ai có khiếu cảm thụ thì nhớ. Giờ người mê rơkel cũng không còn nhiều nữa… tôi nhìn sang, cô gái nhỏ Ma Viên đang ngập ngừng tấu khúc Tit lơu dra (cô gái nhỏ)...

Những tia nắng cuối ngày dần tắt trên đỉnh núi thiêng Iamơnhi, bà con dân tộc Chu-ru, thôn Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Ðơn Dương, xúng xính áo hội, tề tựu về nhà văn hóa cùng vui ngày hội buôn làng. Ngọn lửa thiêng được thắp lên, đêm hội kết nối cộng đồng bắt đầu. Âm ba của chiêng, trống quyện hòa cùng điệu rơkel vang xa lên tận đỉnh núi. Vòng xoang "nở" rộng… "Ðối với người Chu-ru, trong các sự kiện có tính cộng đồng, cộng cảm, không thể thiếu các điệu Tamya trên nền nhạc cồng chiêng, rơkel… Ðó là lễ thức quan trọng trong đời sống tâm linh, văn hóa cộng đồng người Chu-ru", Nghệ nhân Ưu tú Touneh Ma Bio gợi mở.

Với người Chu-ru, khi chiêng, trống, rơkel tấu lên, là lúc những thông điệp của những người con buôn làng đã được thần linh chấp thuận. Mối giao cảm giữa con người và các đấng vô hình được thiết lập qua từng khúc thức âm nhạc, điệu vũ, được cộng đồng quy định nghiêm ngặt về phương thức diễn tấu và diễn xướng. Cùng với dân vũ Tamya huyền thoại; các nhạc cụ đặc sắc như trống (sơgơr), đồng la (sar), r’tông, k’wao, terlia… người Chu-ru còn có hàng nghìn bài hát do họ tự soạn lời, với các điệu hát chính hari, ơ đó, katha… họ hát trong mọi hoàn cảnh, khi lên rẫy, lúc về đồng, trong ma chay, cưới hỏi. Khi hát, rơkel cũng có thể làm nền đệm, giữ nhịp.

Lửa rừng bập bùng. Dòng Ðạ Nhim vẫn tỉ tê. Cụ già trầm mặc dáng núi, dặt dìu điệu Ktha măk mdâu nhẹ nhàng, đong đưa, chào mời những người bạn thân thiết giữa đại ngàn. Trong ánh lửa bập bùng, tôi nhận ra già Ya Hin, người tiếp nối đảm nhiệm tấu rơkel trong đội cồng chiêng buôn làng Chu-ru, do nghệ nhân Ma Bio làm "nhạc trưởng" khi già làng Ya Ba tấu rơkel trước đây về với rừng, với Yàng. Ngưng tấu rơkel, già Ya Hin mở lời: "Rơkel là nhạc cụ được nhiều dân tộc ở Tây Nguyên sử dụng trong hầu hết các sinh hoạt cộng đồng, đó là phương tiện truyền tải tâm tư, tình cảm giữa những người con buôn làng và với thần linh. Xưa, nhạc cụ này không thể thiếu trong mỗi gia đình, nay khác rồi…". Già bỏ lửng câu nói và cất điệu kèn bầu da diết.

Nắng khỏa tràn trên cung đường về thôn Ma Am, xã Ninh Loan, huyện Ðức Trọng (Lâm Ðồng). Trong căn nhà sàn giản dị, già Ya Thung gợi chuyện. "Rơkel à, người già khắt khe lắm, họ không chủ động hướng dẫn đâu. Khi nào nhìn thấy đứa trẻ say mê, tự cầm kèn mày mò người già mới chỉ dạy". Già Ya Thung vừa vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng. Hiện ông là một trong số ít những người Chu-ru ở buôn làng này biết đánh chiêng, thổi kèn bầu. Hồi chưa bị "bắt" về làm rể (theo chế độ mẫu hệ), với năng khiếu âm nhạc, Ya Thung đã khiến bao trái tim cô gái Chu-ru thổn thức. "Mình mê nhạc cụ truyền thống của dân tộc, từ nhỏ mình đã được ông bố truyền cảm hứng, rồi theo già làng để học. Học đâu biết đó thôi, không cần ghi chép, bởi vậy, phải có năng khiếu mới học được", già Ya Thung thổ lộ. Trong ngôi nhà sàn đơn sơ, ông dành gian nhà chính trang trọng để đặt chiếc kèn bầu và trống Gnang. Mỗi lần lấy ra chơi, hoặc phục vụ lễ hội, ông đều làm lễ xin phép thần linh. "Ngày ấy nghèo lắm, nhưng mê quá, phải làm sao có bằng được các nhạc cụ này", già Ya Thung nói.

Với người Chu-ru, mỗi điệu chiêng, điệu vũ, điệu rơkel đều gửi gắm một thông điệp với thần linh, với rừng xanh, với cộng đồng… trong chính không gian thiêng của buôn làng, không gian văn hóa nuôi sống nó. Lòng người, hồn chiêng và những điệu rơkel mê hoặc, quyện hòa ngân dài tận đỉnh núi. Chính vì vậy, trong các sự kiện mang tính cộng đồng, cộng cảm, người
Chu-ru đều sử dụng âm nhạc cồng chiêng, hoặc hợp âm chiêng, trống, rơkel… cùng các điệu vũ, từ nghi lễ cúng thần, đến cưới hỏi, tang ma. Theo già Ya Thung, tại các buôn làng người Chu-ru ở Nam Tây Nguyên này, trước đây, nhà nào cũng có ít nhất một chiếc kèn bầu. Chiều về, bên hiên những nếp nhà sàn, người già, người trẻ có thể mượn điệu rơkel tỉ tê, tâm sự. Nhưng nay, chỉ số ít các già tại các buôn làng còn giữ được.

Buôn làng đã bập bùng bếp lửa. Không rượu cần tiễn biệt, lướt đôi tay trên chiếc kèn bầu, già Ya Thung đưa chúng tôi vào chốn siêu thực, qua âm giai trầm bổng giữa đại ngàn, khi trầm thiêng như sấm, lúc róc rách như suối nguồn, khi buông lơi như giọt nắng cuối ngày... Có lẽ, đó là tiếng lòng của người con Chu-ru, luôn tha thiết với tiếng kèn bầu truyền thống.
                                                                                Theo: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

26
Đang xem:
72.465.774
Tổng truy cập: