VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Tâm lý người thụ hưởng văn hóa trong “cơn bão” trùng tu di tích
(Ngày đăng: 22/07/2019   Lượt xem: 251)
Việc hàng ngàn di tích có giá trị kiến trúc lịch sử văn hóa của nước ta đồng loạt xuống cấp nghiêm trọng đã được các chuyên gia dự đoán nhiều năm trước đây. Hiện tượng ào ạt trùng tu di tích cũng là điều không tránh khỏi. Trước thực tế đó, câu hỏi đặt ra là những người sở hữu và đang sử dụng những công trình cổ có giá trị đó tâm tư ra sao khi họ chính là người trong cuộc?

7h2p_22c
Nhà thờ Bùi Chu vẫn đang được sử dụng trong sinh hoạt tôn giáo. Ảnh: TTH

Nước ta với khí hậu nhiệt đới gió mùa, mưa nhiều và độ ẩm cao, chưa kể thời tiết cực đoan diễn ra phức tạp, úng ngập và gió, nước mặn ở dải bờ biển, các công trình cổ có giá trị kiến trúc nghệ thuật niên đại hàng trăm năm xuống cấp nhanh chóng không có gì lạ. Một lý do nữa không kém phần quan trọng là cùng với tiến trình lịch sử, ảnh hưởng của chiến tranh biến nhiều di tích thành phế tích.

Hơn nữa, các công trình mặc dù có giá trị kiến trúc mang tính lịch sử, nhưng lại được xây dựng bằng vật liệu hết sức thô sơ, kỹ thuật xây dựng bậc trung và nguyên vật liệu giới hạn về độ bền. Như vậy, cùng với tất cả những lý do đó, tất yếu việc trùng tu di tích sẽ phải diễn ra. Việc tu bổ càng sớm thì di tích càng có cơ hội được bảo tồn. Nếu để đến ngưỡng đổ sập thì phục hồi nguyên trạng là điều gần như không thể. 

Một nguyên do quan trọng khác là việc trùng tu di tích xảy ra ở nhiều địa phương, nhiều công trình, khắp các làng quê nông thôn lẫn đô thị một phần do người dân “phú quý sinh lễ nghĩa”. Các công trình di tích cổ phần lớn gắn với đời sống tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân như đền, chùa, miếu, đình, phủ, nhà thờ... Ngoài việc xây mới nhiều công trình chùa chiền bằng vốn xã hội hóa, các công trình cổ đã được xếp hạng di tích cũng nằm trong sự quan tâm của nhân dân. Xem trọng tín ngưỡng và quan niệm truyền khẩu dân gian: “Xây chùa, tô tượng đúc chuông/ Trong 3 việc ấy thập phương nên làm”, đã khiến đa số nhân dân không tiếc công của hiến tặng để trùng tu các công trình di tích liên quan đến tôn giáo. 

Dù di tích có giá trị cổ đến đâu, việc thực hành tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân luôn là yếu tố phải được đặt lên hàng đầu. Câu hỏi đặt ra là, trực tiếp thụ hưởng các công trình tôn giáo tín ngưỡng đó trong cuộc sống của mình, người dân nghĩ gì trước việc tu bổ di tích có giá trị văn hóa lịch sử?

Tháng 6-2019, chúng tôi có mặt tại chùa Từ Hiếu, ngôi chùa có vai trò đặc biệt trong giai đoạn lịch sử phát triển của Phật giáo tại cố đô Huế, lịch sử của Triều đình nhà Nguyễn trong cả tiến trình lịch sử dân tộc. Hơn thế nữa, chùa Từ Hiếu được đánh giá là công trình kiến trúc thẩm mỹ có một không hai. Vốn là một tổ đình trong quần thể nhiều công trình đã được xếp hạng di tích quốc gia tại Huế, chính điện chùa Từ Hiếu chính thức được xây dựng năm 1848, tức là gần 200 năm trước gồm nhiều cột gỗ lim, lợp ngói liệt, trang trí vì kèo trạm trổ và các bình phong, đầu đao khảm gốm sứ - chính là nghệ thuật khảm sành đặc trưng của văn hóa cố đô Huế. Việc trùng tu tiến hành theo cách hạ giải hoàn toàn, tức là tháo dỡ toàn bộ công trình và làm lại y hệt như cũ. 

Quyết định và quá trình trùng tu do các vị thượng tọa và giám tự phụ trách. Một điều đáng tiếc là cùng với ngôi chính điện đã hạ giải, khung cảnh ngay chỗ cũ đã không còn hồn vía cũ. 2 tấm khảm sành long mã đã trở thành biểu tượng của chùa Từ Hiếu, sau đó hình ảnh long mã cũng trở thành biểu tượng của văn hóa Huế mà cho đến nay vẫn là nguồn cảm hứng của nhiều ngòi bút các nhà nghiên cứu có nguy cơ bị bỏ, sử dụng lại cũng khiên cưỡng. Giới sử gia bàng hoàng nhận ra rằng, sau khi trùng tu, niềm kính trọng đối với một công trình gần 200 năm không còn nữa. Một sự tiếc nuối mà bản thân những người trực tiếp quyết định trùng tu, tham gia trùng tu và hoàn toàn chịu trách nhiệm thay mới công trình này không lường trước được. 

Tương tự như vậy, công trình nhà thờ Bùi Chu tại Nam Định sau nhiều tranh cãi đã đi đến công đoạn quyết định 2 phương án trùng tu, một là trùng tu từng phần cục bộ những chi tiết công trình bị hỏng, hai là hạ giải toàn bộ. Có mặt ở nhà thờ Bùi Chu tháng 6-2019, chúng tôi được nghe tâm tư, nguyện vọng của những giáo dân ở đây. Họ chính là những người đang sử dụng ngôi nhà thờ này hàng ngày, các khóa lễ và nhiều sinh hoạt khác liên quan đến tôn giáo.

Họ nói, cha xứ đã họp các giáo dân nhiều lần về việc trùng tu nhà thờ. Bởi đã hơn 100 năm tồn tại, ngôi nhà thờ đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhu cầu về việc tu bổ là có thật và nguy cơ công trình gây nguy hiểm cho những người thường xuyên vào ra công trình cũng có thật. Các giáo dân đều mong muốn có nhà thờ mới, cha xứ cũng đã chuẩn bị cho việc này. Chi phí từ việc đóng góp của các con chiên. Một vài nhà tài trợ cũng đã lên tiếng xác nhận việc ủng hộ chi phí xây lại giáo đường. 

Nếu ngôi nhà thờ chỉ là một nơi sinh hoạt tôn giáo bình thường cho giáo dân ở một xã thì việc không có gì đáng bàn. Tuy nhiên, nhà thờ Bùi Chu là ngôi chính tòa của giáo xứ Bùi Chu – giáo phận có lịch sử hình thành và phát triển song hành với lịch sử công giáo toàn miền Bắc, đồng hành với người dân theo đạo công giáo Bắc bộ qua nhiều thăng trầm của lịch sử.

Chính ngôi giáo đường này cũng là nơi trú ngụ tâm hồn của các giáo dân, của cả những người không theo tôn giáo nào nhưng cảm nhận được những điều tốt đẹp, an lành mà một tôn giáo có thể mang lại cho đời sống bình dị của người dân. Tuy là một công trình kiến trúc nằm trong sự quản trị của các mục vụ và các cha xứ hoàn toàn có quyền quyết định trùng tu trên nền tảng khao khát một giáo đường tiện nghi hơn, to đẹp hơn của các giáo dân, nhưng sự thật đó đã đẩy giá trị văn hóa lịch sử xuống hàng thứ yếu. 

Nhu cầu sử dụng của người thụ hưởng đương thời và giá trị văn hóa lịch sử nghệ thuật của một quốc gia, dân tộc ở tầm vĩ mô đã không gặp nhau. Đó cũng là hiện trạng gặp phải ngày càng nhiều trong việc trùng tu di tích mà sự rơi rớt đi giá trị văn hóa là điều vô cùng đáng tiếc.
                                                                  Theo: bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.464.062
Tổng truy cập: