VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Bồng bềnh Thuyền Mây ...
(Ngày đăng: 15/07/2018   Lượt xem: 342)

 

"Tôi có thể vẽ rất nhiều bức tranh nhưng cho đến giờ phút này, cậu nhìn kìa, có bức tranh nào đẹp bằng bức tranh hùng vĩ ở ngoài kia?", họa sĩ Bùi Đức!

Tôi trở lại Sa Pa (Lào Cai) vào những ngày Hà Nội nóng như chảo lửa cùng với một người bạn là kiến trúc sư.

Xe chúng tôi bắt đầu leo dốc từ Lào Cai lên thị trấn Sa Pa thì chiếc radio trong xe của anh như chào mừng chúng tôi bằng lời ca của nghệ sĩ Dương Minh Đức từ những thập kỷ 80 (TK XX):

“Anh chỉ nghe em hát vang lên trong biển mây/Anh chỉ nghe tiếng cười vang lên giữa rừng cây/Mà người đâu chẳng thấy/Một người thương chẳng thấy/Ôi Sa Pa mù sương/Ôi Sa Pa mù sương…”

Chợt anh bạn tôi thở dài: Lên thị trấn Sa Pa bây giờ khác lắm! Cả Sa Pa như một đại công trường hối hả thi công trong suốt mấy năm qua. Gạch ngói bê tông đang dần đè nát những ngôi nhà bản xứ với mái lợp bằng gỗ pơmu, những khu vườn trước sân nhà có đào, lê xanh mướt đón sương buổi sớm. Dân có tiền ở các thành phố đua nhau lên thị trấn tìm mua đất và xây dựng kể từ khi có dự án cáp treo, kiến trúc kiểu trọc phú tranh nhau phá vỡ những gì còn sót lại của một Sa Pa mà người Pháp đã tạo nên, mọi kiến trúc đã được tuân theo sự thống nhất, hài hòa, quyện vào núi rừng và văn hóa bản địa. Giờ mỗi ngày nhìn thấy chúng cứ dần mất đi mà tiếc! Lần này lên tôi nghĩ cậu không nên ở thị trấn, tôi vì công việc phải ở đó, còn cậu hãy thuê một chiếc xe máy và đi đâu rời xa khỏi nơi đó, hãy tìm một cái Homestay trong một bản nào đó còn hoang sơ, mà tôi nghe nhiều đoàn đã ở Homestay trên này có nhắc tới một chỗ rất thú vị có tên Floating Homestay!

11-37-22_img_20180601_100417
                                                 Floating Homestay của họa sĩ Bùi Đức

Như trùng với ý tôi, tôi lấy ngay smartphone trong túi và hỏi google với từ khóa Floating Homestay, kết quả hiển thị ngay dòng đầu tiên với hình ảnh khá bắt mắt và giàu chất thơ. Nó nằm ngay trên đường xuống bản Lao Chải, nếu đi thẳng sẽ là bản Tả Van, thuộc xã Lao Chải, huyện Sa Pa. Hai bản này gần nhau, còn rất đẹp vì sự hoang sơ và cũng chỉ cách thị trấn Sa Pa chừng 4km.

Chỉ mất 5 phút chúng tôi đã ra khỏi trung tâm thị trấn, vừa lái xe tài xế vừa vui vẻ kể chuyện: Ở Floating hay còn gọi là Thuyền Mây, họa sĩ Bùi Đức và tất cả khách em đã đưa đến đó đều gọi thế. Vui lắm, ở đó chủ tự xưng là “quốc vương” kiêm thuyền trưởng còn các cậu giúp việc người Mông là những giai nhân kiêm thủy thủ tàu. Thuyền Mây do một mình anh Đức tự thiết kế, tự làm. Anh ấy chỉ thuê người Mông phá đá, san nền, còn tất cả một tay anh ấy cứ túc tắc với bay, dọi, máy hàn, máy cưa, khoan, bào, đục, trong 2 năm trời kỳ cạch.

11-37-22_img_20180604_100242
Căn nhà của họa sĩ Bùi Đức
11-37-22_img_20180601_100651
                                                                                    Một góc Thuyền Mây

Anh ấy và  cộng sự người Mông giờ chung sống cùng với một đàn chó, con nào cũng có tên rất hay, có cả một con lợn được đặt tên là Yến Chi. Em thấy khách nào ở đó mà đi xe của em ra thị trấn họ cũng râm ran kể về những câu chuyện thú vị ở trên đó. Gần đây nhất có chị ngồi xe em cứ cười ngặt nghẽo nói chuyện về con lợn Yến Chi mà anh ấy nuôi.

Chuyện là thế này: Trong những người bạn hội mỹ thuật Sa Pa của anh Đức có một anh bạn vợ cực kỳ ghê gớm và hay ghen nên các anh bạn của người chồng luôn tìm cách trêu đùa. Một lần đến nhà tìm bạn nhưng anh chồng đang ở chỗ Thuyền Mây, biết chị vợ ở ngay chỗ dễ nghe nên các anh ấy nói đủ để chị ấy nghe thấy: Thôi qua chỗ Đức đi, nó (người chồng) lại đang ở chỗ đó với con Yến Chi rồi! Thế là chị vợ bỏ hết nhà cửa phóng xe máy ầm ầm đến chỗ anh Đức, đến cổng Thuyền Mây chị ta rút con dao phay vừa đi vừa la: Đâu, đâu, con Yến Chi là con nào, mày ra đây, con Yến Chi đâu?

Vào đến sân Thuyền Mây, con lợn tên Yến Chi của anh Đức uốn éo lắc mông đi từ trong buồng ra, tưởng được gọi ra cho ăn nên đến gần cọ mình vào chân chị kia kêu ục ục… Cả hội được trận cười nghiêng ngả.

Đấy, ở đấy nhiều chuyện vui lắm anh ạ.

Floating có gần chục phòng, cả phòng đôi, phòng riêng và một khối nhà cho 1 hộ gia đình. Phòng nào khách cũng thích vì có hẳn một ô cửa lớn nhìn xuống thung lũng có con suối chảy quanh năm và dãy núi Hoàng Liên Sơn mây phủ.

11-37-22_img_20180601_100826
                                                                  Bên trong Thuyền Mây

“Mình đến nơi rồi anh ạ”, cậu lái xe bắt đầu ngoặt lái xuống con dốc để vào bản Lao Chải. Floating ở ngay khúc ngoặt của con dốc chợt hiện ra đúng như một con thuyền đang neo trên một dòng sông mây, lan can sân thuyền như chiếc ban công nhìn xuống thung lũng. Ở dưới là thung lũng Mường Hoa với những ruộng bậc thang đang mùa nước đổ. Cậu lái xe vừa bấm còi vừa chỉ, đến rồi anh ạ, anh chủ Floating kia kìa!

11-37-22_img_20180601_100748
                      Ca sĩ Bằng Kiều thăm Thuyền Mây và họa sĩ Bùi Đức

Đó chính là họa sĩ Bùi Đức, sinh năm 1968, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đi bộ đội về mới học vẽ, thi tới 3 lần Đại học Mỹ thuật Hà Nội mới đỗ thủ khoa. Gã là em ruột của nữ họa sĩ tài danh Bùi Mai Hiên.

Bùi Đức nổi tiếng vì nằm trong top những họa sĩ vẽ sơn mài đã từng có triển lãm tại Singapore được Phu nhân của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tiếp đón trọng thị, và đặc biệt hơn là sau cuộc triển lãm đó, toàn bộ tranh của gã mang đi đều được bán hết.

11-37-22_img_20180601_100723
                                                        Họa sĩ Bùi Đức sáng tác tranh

Gã đưa tôi đi tham quan khu nhà Homestay, đứa con tinh thần mà gã dày công xây tác. Phòng nào, không gian nào cũng đầy ắp tranh của gã, cùng những vật dụng và nông cụ của người bản xứ. Ngoài khối nhà 3 tầng kết cấu đơn giản mang dáng dấp một con thuyền bồng bềnh trên núi, có không gian chung và các phòng nghỉ, gã xây cho riêng mình một cái chòi mà gã gọi là tổ kén, nom giống như một cây nấm ngọc dương, hay biểu tượng linga mọc lên từ trong núi hết sức phồn thực.

Sau khi đã đi hết một lượt, tôi trở ra đi ngược lên đầu con dốc nhìn lại xuống Floating, lúc này trời ngả về chiều, gã đi lên cùng tôi, cả hai chúng tôi cùng nhìn xuống.

Gã nhìn tôi bảo: “Ở đây, tại Floating mình có thể ngồi lặng đi hàng giờ chỉ để ngắm nhìn, để bắt kịp sự biến đổi của những vệt nắng. Những dòng nắng óng ánh mượt mà, mỏng mảnh như tơ trời ấy đang trôi dần, trôi dần về phía xa. Kéo theo cái bóng nhỏ bé của người thưởng lãm chảy dài mãi về miền hư ảo".

Tôi đã ở Floating ngày sau đó, chúng tôi cùng nhau uống rượu thâu đêm, cảm nhận từng cung bậc của núi rừng. Biết bao câu chuyện thuộc tầng sâu văn hóa vùng cao được Bùi Đức chia sẻ.

11-37-22_img_20180604_100340
                                                     Họa sĩ Bùi Đức chơi nhạc

Điều tôi cảm phục và ấn tượng nhất khi Bùi Đức chia sẻ: Cậu thấy không, tôi có thể vẽ rất nhiều bức tranh đang treo ở đây và sẽ còn tiếp tục vẽ, nhưng cho đến giờ phút này, cậu nhìn kìa, có bức tranh nào đẹp bằng bức tranh hùng vĩ ở ngoài kia?

Hình ảnh núi rừng hùng vĩ nhìn từ Thuyền Mây:

11-37-22_img_20180601_100805
 
11-37-22_img_20180601_100735
 
                                                                              Theo: kienthucgiadinh.com.vn/
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

27
Đang xem:
72.467.613
Tổng truy cập: